Người sáng tạo ra trò chơi chú chim vỗ cánh- Flappy Bird:

Đừng để những tài năng đơn độc!

Thứ Năm, 20/02/2014, 11:00

Nguyễn Hà Đông là một kỹ sư công nghệ thông tin ít nói. Trong mắt của bạn bè anh, Đông cũng thuộc tuýp người "dị dị" đậm chất "công nghệ thông tin" như bao chàng trai theo học ngành IT khác. Không chịu được áp lực của truyền thông, Hà Đông quyết định "nhốt" chú chim tưởng chừng sẽ tiếp tục vỗ cánh bay xa của mình lại trong sự nuối tiếc của nhiều người. Đành rằng, lỗi một phần là do dư luận, nhưng đến giờ phút này, sau cuộc gặp duy nhất với phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên nhân gỡ game vẫn chỉ có Hà Đông mới biết!

Không phải là"ăn may"

Trò chơi Flappy Bird (chú chim vỗ cánh) được Nguyễn Hà Đông sáng tạo ra vỏn vẹn trong vòng 3 ngày. Lần đầu tiên trong lịch sử, một game di động do một lập trình viên người Việt viết được đứng đầu trên bảng xếp hạng kho ứng dụng của App Store, Google với hơn 50 triệu lượt tải về. Thế nhưng, cũng lần đầu tiên trong lịch sử, một trò chơi đang đứng đầu bảng xếp hạng, thu về cho người viết một khoản tiền khổng lồ lại bị gỡ xuống trước sự nuối tiếc của nhiều người. Trong sự nuối tiếc ấy, họ quay ra chê trách nhau về sự ích kỉ, đố kị hay ghen tức, "ném đá" cả chính người sở hữu ý tưởng tuyệt vời.

Một người bạn cùng học khóa với Hà Đông tại trường Đại học Bách Khoa cho biết: Với dân công nghệ thông tin chuyên làm game, sự thành công của một trò chơi được sáng tạo ra không chỉ phụ thuộc vào trình độ của người làm ra nó, hay là một ý tưởng hay mà một phần rất quan trọng nữa chính là may mắn hoặc biết cách tạo ra may mắn. Chú chim vỗ cánh của Nguyễn Hà Đông hội tụ đủ các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa để gặt hái được thành công. Là một chuyên gia phần mềm đã gặt hái được rất nhiều thành tích từ khi còn rất trẻ cho nên thành công của Nguyễn Hà Đông không phải là một cú "ăn may" như báo chí hay một số ý kiến cá nhân nói về chàng trai trẻ này. May mắn đóng một phần thúc đẩy lớn cho những gì mà trò chơi chú chim vỗ cánh của Nguyễn Hà Đông làm mê mẩn cả làng game thế giới nhưng không phải là tất cả. Ý tưởng của Hà Đông có thể nảy sinh từ ý tưởng của một trò chơi cũ nhưng dấu ấn cá nhân và sự phát triển ý tưởng hoàn toàn có thể dễ dàng thấy được khi chơi game chú chim vỗ cánh.

Quay lại với câu chuyện về việc lần đầu tiên trong lịch sử, một game đang đứng đầu bảng bị cha đẻ của nó khai tử. Người trong cuộc thì không giải thích, người ngoài cuộc thì đoán già đoán non. Nhưng hiển nhiên là ai cũng thấy rằng, một phần câu chuyện cũng có trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ những con người "xấu tính". Khi trò chơi được đăng tải, nhiều người cũng tỏ rõ thái độ cục cằn và thậm chí là "dọa giết" tác giả chỉ vì trò Flappy Bird tưởng dễ mà lại quá khó. Chính cái sự tưởng dễ ấy đã thách thức, đánh đố người chơi và gây cho họ sự ức chế đến mức họ phải bày tỏ với tác giả ngay trên trang cá nhân của Nguyễn Hà Đông hay trên phần bình luận của các kho ứng dụng. Tuy nhiên, tức giận là thế, nhưng họ luôn bình chọn 5 sao cho trò chơi này (5 sao là mức bình chọn cao nhất) vì không thể phủ nhận độ lôi cuốn mà chính tác giả cũng phải công nhận rằng sự lôi cuốn quá mức ấy sẽ gây hiệu ứng không tốt đến người chơi.

Gỡ game là "sáng suốt"!

Phải nhìn nhận rằng, đất nước chúng ta không phải là một nước phát triển mạnh trong nền công nghiệp game. Những nước phát triển mạnh về các phần mềm giải trí này như Mỹ, Nhật, Trung Quốc... đều có một sự bảo trợ nhất định cho các trò chơi được viết ra bởi lập trình viên của nước đó. Bởi lẽ, họ có một cơ sở vật chất nhất định để có thể phát triển và thu lời từ ngành công nghiệp game. Nhưng tại nước ta, khi chúng ta không có gì trong tay, các công ty lập trình và phát triển game còn rất mới mẻ, chúng ta còn phải ra chính sách giới hạn giờ chơi game để hạn chế những ảnh hưởng xấu tới giới trẻ thì việc không tận dụng được tiếng tăm của một trò chơi được cả thế giới biết đến cũng là lẽ đương nhiên.

Theo như những người trong nghề, tại Mỹ hay Nhật, một trò chơi được viết với sự đầu tư rất tỉ mỉ của một đội ngũ làm game chuyên nghiệp. Khi phát hành, nếu một trò chơi có thể gây tiếng vang trên toàn thế giới sẽ được các công ty lớn hỗ trợ để phát triển. Hơn nữa, người ta có thể sử dụng trò chơi ấy hay các ấn phẩm như truyện tranh, hoạt hình đi kèm để quảng bá hình ảnh, văn hóa của nước họ ra toàn thế giới.

Đặt giả thiết rằng, nếu game Flappy Bird được một lập trình viên với tên gọi Max của Mỹ hay Tadaka nào đó của nhật viết lên thì sao? Thì khi ấy, việc đứng đầu trên bảng xếp hạng sẽ được tận dụng một cách triệt để với kinh nghiệm vốn đã có sẵn trong việc dùng sản phẩm mềm quảng bá hình ảnh đất nước. Có lẽ cũng giống như điệu nhảy ngựa của Hàn Quốc mà nhiều người chúng ta còn chê là lố lăng, nhưng nó vẫn đứng đầu trong số những clip được xem nhiều nhất. Và rồi thi thoảng chúng ta lại thấy tại một triển lãm hay lễ hội nào đó, các bạn trẻ của chúng ta lại nhảy điệu nhảy đó một cách đầy phấn khích. Và Flappy Bird cũng vậy, nếu được tận dụng đúng cách trong thời kì đỉnh cao, khi nó được hàng chục triệu người trên toàn thế giới biết đến, đó sẽ là một công cụ mạnh mẽ để quảng bá hình ảnh đất nước. Chỉ tiếc là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội.

Từng gặt hái được nhiều thành tích.

Nhưng như đã được biết, một bộ phận người Việt bày tỏ thái độ có thể nói là nhạo báng, soi mói đối với trò chơi của Hà Đông không vì độ khó của trò chơi. Có lẽ trong những người chê bai ấy có khi còn chưa chơi thử xem Flappy Bird là trò chơi thế nào. Họ cho rằng Hà Đông "đạo" lại ý tưởng, là kẻ gặp may, dùng trò gian lận để lên đầu bảng... Ngay sau đó, một số người trong nghề đã chứng minh rằng, những lập luận ấy là vô lý, nhưng chuyện gièm pha thì chẳng bao giờ là hết lí do. Cứ cho rằng, Nguyễn Hà Đông chỉ là người quá may mắn khi không chỉ duy nhất một game của anh leo cao trên bảng xếp hạng, nhưng thật sự không thể phủ nhận rằng anh là người biết chọn thời điểm để tỏa sáng. Cá nhân người viết bài này không phải người trong nghề và cũng không biết về Hà Đông, nhưng trên quan điểm chủ quan của mình, tôi cho rằng rút lui vào thời điểm này là quyết định hoàn toàn sáng suốt của Hà Đông.

Chưa nói đến việc giảm tải những áp lực trong cuộc sống mà lập trình viên này gặp phải, việc gỡ bỏ một trò chơi khi nó còn đang ở đỉnh cao không chỉ giúp trò chơi này được nhớ mãi mà nó còn tăng lượt tải về vào những giờ cuối cùng một cách chóng mặt. Nếu còn tiếp tục tồn tại trên các kho dữ liệu, lượng tải về của trò chơi này cũng chưa chắc tăng mạnh hơn nữa bởi trò chơi nào cũng có giới hạn. Để rồi khi một trò chơi khác hay hơn chiếm giữ ngôi đầu bảng thì tên tuổi của Hà Đông hay trò Flappy Bird sẽ bị quên lãng. Như đã nói ở trên, tôi đánh giá Hà Đông là một người thông minh và cực kì biết cách chọn thời điểm để tỏa sáng khi gỡ bỏ Flappy Bird trong thời điểm nó đang được đẩy lên cao trào. Và hiện tại, dù đã được gỡ bỏ, Hà Đông vẫn được nhận số tiền quảng cáo trên trò chơi này bởi số lượng máy đang sở hữu trò Flappy Bird vẫn là con số khổng lồ.

Tuy nhiên, giá như các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, bạn bè cùng dư luận xã hội thay vì bàng quan, hãy có sự quan tâm với họ, hỗ trợ Nguyễn Hà Đông để có thể bảo vệ được bản quyền của mình, đưa sản phẩm sáng tạo trí tuệ ra thế giới thành một thương hiệu đáng tự hào của người Việt. Đó mới là cách làm đúng.

Trong cuộc gặp gỡ riêng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng đã động viên, khuyến khích anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Theo ông, Nguyễn Hà Đông từng đạt giải uy tín về CNTT, là nhân tố mới cần được cổ vũ và tin rằng cần người giỏi, người tài như Đông để góp phần đưa đất nước giàu mạnh. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), bày tỏ sự nuối tiếc khi trò chơi bị khai tử bởi dù là lý do gì thì đây cũng vẫn là thành công hiếm có và rất khó lặp lại.

Theo ông Vũ Anh Đức - Giám đốc đào tạo học viện Arena Mutimedia cho biết: "Từ việc nổi tiếng với trò chơi Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông sẽ dễ dàng quảng bá các trò chơi tiếp theo của mình sau này. Hơn nữa tài khoản để tải trò chơi lên các kho ứng dụng của Hà Đông chắc chắn cũng rất có giá trị cho tới thời điểm này. Theo như mình đánh giá tài khoản của Đông nếu có người hỏi mua chắc chắn sẽ lên tới vài triệu đô. Còn tôi nghĩ Hà Đông cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc nổi tiếng hay bị chỉ trích khi trò chơi của anh lên đầu bảng xếp hạng rồi. Thế nên tôi nghĩ việc Hà Đông gỡ Flappy Bird cũng đã có một sự tính toán nhất định, lý do chịu áp lực chắc chắn có nhưng chắc không phải là tất cả...".

Ngọc Phong - H.An
.
.
.