Chữa dứt bệnh vô sinh bằng lá cây rừng:

Đừng để tiền mất tật mang

Thứ Sáu, 05/10/2012, 15:05
Thời gian lại đây, người bị bệnh vô sinh ở khắp trong Nam, ngoài Bắc đã lần tìm đến một phụ nữ người dân tộc Pa Cô ở thôn Xi La, xã Xi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị để được chữa bệnh bằng lá cây rừng. Việc diễn ra sau khi một tờ báo đăng tải hiệu quả chữa bệnh thần kỳ của loại lá cây này. 

Từ thành phố Đông Hà, Quảng Trị ngược lên đường số 9 khoảng 70 cây số thì gặp ngã ba Tân Long, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Rẽ tay trái theo đường Lìa đầy rẫy ổ voi, ổ gà và bùn đất lầy lội, vượt 22 cây số là tới địa phận xã Xi. Hỏi bà Pỉ Dung (người dân tộc Pa Cô) chữa bệnh vô sinh, bà con ở đây đều biết.

Chị tên Hồ Thị Tón, khoảng 40 tuổi, nói tiếng Kinh rất sõi, là người giúp việc phiên dịch cho Pu Dung. Qua chị Tón, Pỉ Dung là tên thường gọi, còn tên trong hộ khẩu là Hồ Thị Tèn, năm nay 60 tuổi. Bà Pỉ Dung không có chồng, không có con, cách đây 20 năm về trước, bà cư trú ở Lào. Trong một lần bà bị đau bụng nặng, được một cụ ông người Pa Cô (cụ ông này không có vợ, con) chữa trị bằng một phương thuốc nam. Sau đó cụ truyền bài thuốc này cho Pỉ Dung.

Thuốc là một loại lá và củ cây rừng, cây có giống đực và cái. Lúc sinh sống ở xã Xi, mỗi lần thấy chị em bị đau bụng với các triệu chứng tương tự mình năm nào, Pỉ Dung vào rừng tìm hái lá và đào củ cây này về cho uống. Sau này, bà rút ra được kinh nghiệm, phụ nữ hay bị đau quặn ở vùng bụng, ra khí hư ở vùng kín, kinh nguyệt khô và không đều…, cho uống thuốc trên đều lành bệnh. Bà nhận định nguyên nhân của các triệu chứng này là do bị "sâu" buồng trứng, phụ nữ như vậy thường ốm yếu, da dẻ xanh vàng và khó có con. Chúng tôi hỏi chị Tón:

- Bà Pỉ Dung có khả năng chữa dứt bệnh vô sinh bằng phương thuốc này?

- Về vô sinh thì bà con bản mình mới nghe đây, từ sau khi có nhà báo tìm đến đây hỏi và rồi người trong Nam, ngoài Bắc cũng tìm về đây, yêu cầu được chữa bệnh này - chị Tón cho chúng tôi biết rành rọt.   

Từ trước tới nay, bà Pỉ Dung chữa bệnh cho những ai?

- Bà chữa cho rất nhiều người, nhưng chỉ là người dân tộc mình. Thời gian lại đây, người Kinh mới tìm đến đây, họ đi rất đông, có ngày 4 đến 5 đoàn, nói là bị bệnh vô sinh và nhờ Pỉ Dung giúp đỡ.

Bà Pỉ Dung có giúp đỡ họ không?

- Tôi nói lại với Pỉ Dung việc họ nhờ vả, bà bảo không biết vô sinh là gì. Tôi nói lại với khách vậy, nhưng họ khăng khăng đòi mua thuốc để uống và trả nhiều tiền.

Thuốc được bán thế nào?

- Cây này là cây Me, thường chỉ có ở rừng Lào. Lúc về đây sinh sống, Pỉ Dung đã đem theo nó trồng ở rẫy của mình, rẫy cách đây rất xa. Khách sau khi đặt cọc tiền, đó là tiền công cho người đi lấy thuốc, còn phải nộp 600.000 đồng để làm lễ cúng ở rẫy và ở nhà. 

Thế bà Pỉ Dung phải cúng mới lấy được thuốc?

- Phải cúng chứ! Cúng để xin thần linh cho con người được lấy cây thuốc này. Lễ cúng được tiến hành 30 phút trước lúc hái lá và đào lấy củ của cả cây đực và cây cái. Sau đó đem về nhà phải cúng báo cáo việc mình làm với tổ tiên, xong mới được bán cho khách.

Còn việc chế biến thuốc?

- Những người bị bệnh nhẹ (đau bụng ở phụ nữ) thì trộn lá cây đực và cái rồi nấu uống. Còn nặng thì ăn củ đực và cái trộn vào nhau, ăn tươi hoặc phơi khô rồi ăn.

Bà Pỉ Dung (bìa phải ngoài cùng) và chị Tón (ở giữa) cùng người bản Xi La, xã Xi nói về cách chữa bệnh đau bụng ở phụ nữ bằng lá cây rừng.

Làm sao biết được củ đực, củ cái?

- Củ đực có màu trắng, củ cái màu vàng, chúng giống như củ riềng rừng, đều có vị cay.

Chúng tôi tỏ ý muốn theo bà Pỉ Dung vào rẫy xem cây thuốc này.

Sau một lúc nói chuyện với bà Pỉ Dung, chị Tón quay sang chúng tôi bảo phải trả trước 200.000đ tiền công và 600.000đ tiền lễ. Chúng tôi đưa tiền cho họ và xin được cùng đi vào rẫy, nhưng chị Tón liền hỏi lại Pỉ Dung rồi từ chối việc này.

- "Đường vào rẫy rất xa, lối mòn ở đó chỉ đặt được một bàn chân người và bọ cạp rất nhiều, con to bằng chừng này"- Chị Tón vừa nói vừa chỉ vào cổ tay mình.

Bà và chị đừng lo, chúng tôi đi được!

Hai người nhìn nhau rồi lắc đầu. "Các chú phải ở đây đợi thôi"- Chị Tón cương quyết.

Chúng tôi không kết luận thật hư về cây thuốc trên. Song qua tìm hiểu với chính quyền, ngành chức năng địa phương, họ đều khẳng định ở xã Xi và các xã lân cận, từ trước đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào hiếm muộn, vô sinh được bà Pỉ Dung chữa lành bệnh. Hơn nữa thực tế bà Pỉ Dung không chữa bệnh này, phương thuốc của bà chỉ thông dụng như các phương thuốc nam khác của đồng bào các dân tộc ít người ở đây, sử dụng mỗi khi khí huyết trong cơ thể nữ giới không đều, hay nhằm ổn định sức khỏe sớm sau khi sinh nở.

- Nói về loài cây "chữa dứt bệnh vô sinh" mà một tờ báo đã đăng tải, không ít người bị bệnh này đã vượt hàng trăm cây số, tìm đến vùng núi rừng heo hút này để được chữa bệnh. Những người có điều kiện đi ôtô riêng, những ai khó khăn đi xe khách rồi thuê xe thồ vất vả vào đây.

Điều đáng nói ở đây, cái khổ, cái sướng chưa hẳn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi người; nó phụ thuộc vào sự kỳ vọng, vào một phương thuốc bí truyền nào đó, nhất là của đồng bào các dân tộc ít người vốn có những bí ẩn về cuộc sống. Sự việc khác xa lời đồn đại và khi họ đã chứng thực sự việc này, đều đau khổ, thất vọng như nhau.

- Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị: "Nếu sự thật có một loại lá cây rừng chữa dứt được bệnh vô sinh, thì chúng tôi là ngành chức năng phải sớm vào cuộc để xác minh, tìm hiểu nhằm giúp những ai bị bệnh có được cơ hội tốt. Tuy nhiên, trước một thông tin không có cơ sở, nên chăng người viết ra nó cần thấu hiểu hơn về nỗi đau của ngàn vạn con người đang không may bị bệnh này".

Thanh Bình
.
.
.