Dạy học bằng phương pháp ê a:

Đừng đi ngược với xu thế hiện đại

Thứ Sáu, 21/06/2013, 15:31

Với phương pháp dạy học kỳ lạ, cho học sinh đọc đồng thanh theo lời của mình, cô giáo Nguyệt Hà tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) đang hứng chịu khá nhiều luồng quan điểm khác nhau của dư luận.

Nhiều người cho rằng đây là phương pháp cổ điển, cách đây hàng trăm năm người ta mới dùng. Cách này đang đi ngược với xu thế phát triển của giáo dục, thời đại. Nó sẽ tạo ra một lớp trẻ ù lì, chậm chạp, bảo gì nghe nấy. Một số chuyên gia về giáo dục thì cho rằng đây lại là hệ quả của một nền giáo dục máy móc, trọng thành tích.

Môn văn cần nhận thức và cảm xúc

Nhiều ngày nay dư luận đang hết sức quan tâm đến một phương pháp dạy học môn Văn kỳ lạ tại một Trung tâm luyện thi trên địa bàn quận Cầu Giấy. Theo phản ảnh, trung tâm luyện thi này được thành lập cách đây hàng chục năm và thu hút khá nhiều học sinh đến ôn luyện. Đến đây ngoài những kiến thức được trang bị các em học sinh còn được phát một đề Văn đã giải sẵn.

Sau khi đọc qua, các em sẽ ê a, đồng thanh đọc theo cô giáo. Phương pháp lạ lùng này được cho là rất uy tín và có hiệu quả bởi trung tâm này từng "quảng cáo" sẽ đỗ đại học đến 90%. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến của các em học sinh đang theo học lớp này thì nhận được những thông tin khá khác nhau.

Em Nguyễn Hoàng Linh, học sinh trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ: "Em đã theo học lớp cô giáo ngay từ những buổi đầu tiên (6/5/2012). Sau những lần tổng ôn, em đọc những lời nhắn gửi của cô em rất là thích nên đã tìm đến lớp cô học thử. Ngay buổi đầu em đã thích và rất hứng thú với phương pháp của cô. Chính vì thế em quyết định theo học từ đó cho đến nay".

Cùng chung quan điểm em Nguyễn Thị Thùy Trâm, học sinh trường THPT Đan Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: "Em không theo học lớp cô từ buổi đầu tiên nhưng khi các bạn em đi học cô về và nói với em cô dạy rất tâm huyết, các bạn em rất hiểu bài. Bắt đầu từ ngày 13/5/2012 em đi học thử buổi đầu tiên và đã thích phương pháp của cô".

Một cảnh của lớp luyện thi do cô Nguyệt Hà giảng dạy.

Theo ghi nhận tại đây phòng học môn Văn tại Trung tâm này diện tích chỉ khoảng 100m2 nhưng có tới gần 1000 học sinh tham gia học. Nếu học sinh muốn có ghế ngồi phải xếp hàng trước giờ học khoảng 1 tiếng trước đó.

Em H. chia sẻ sau giờ học căng thẳng: "Một chị gần nhà em có học lớp của cô Hà, chị ấy cũng đỗ đại học với điểm khá cao. Chính vì thế em đã hỏi địa chỉ và đến đây theo học. Lớp ở đây rất đông, không có điều hòa mà chỉ có quạt trần thôi ạ. Mỗi buổi cô cho chúng em một đề và giúp chúng em ôn luyện. Cô đọc và chúng em đọc theo cô nhiều lần. Lên đây học có không khí hơn ở nhà, vui hơn và có hứng học hơn. Bọn em cũng khó chịu và mệt mỏi vì lớp quá đông. Trong giờ học, ai thích làm  gì thì làm, ai nghe giảng thì nghe".

Dẫu biết đây là một Trung tâm luyện thi, tức có cầu ắt sẽ có cung. Có thể phương pháp này phù hợp với một số đối tượng học sinh hay nói cách khác cho những học sinh đang tìm cách ứng phó với kỳ thi Đại học sắp tới. Thế nhưng môn Văn đòi hỏi các em phải có nhận thức, xúc cảm trước một vấn đề, nhân vật. Nếu dùng phương pháp kỳ lạ này chắc chắn nhận thức, xúc cảm của các em học sinh chỉ là con số không.

Tôi tin phương pháp dạy của mình hiệu quả

Sau khi phương pháp giảng dạy này được cho là đặc biệt, cổ hủ và đi ngược với xu thế phát triển của giáo dục, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với cô giáo Nguyệt Hà - nhân vật chính trong clip mà dư luận đang xôn xao mấy ngày gần đây. Luôn giữ vẻ bình tĩnh và khá tự tin, cô Hà chia sẻ: "Những gì báo chí đưa vừa qua hoàn toàn sai sự thật. Không hề có chuyện học sinh của tôi chơi điện tử, ngủ gật. Riêng lớp của tôi luôn rất nghiêm túc. Với hơn 600 học sinh như vậy chắc chắn phải rất nghiêm túc nếu không sẽ không thể nào học được. Không phải vô cớ mà một phòng học không có điều hòa, chật chội lại đông học sinh đến thế?".

Chuyện đọc ê a, đồng thanh mà mọi người cho rằng học sinh của cô Nguyệt Hà trở thành những con vẹt được cô giải thích đó là lúc cô cho học sinh kiểm tra bài cũ, kiểm tra những gì cô dạy cho học sinh. Với lý lẽ riêng của mình, cô Hà cho rằng đây là một phương pháp dạy mang tính đặc thù vì lớp quá đông, không thể kiểm tra từng em một. Đó chỉ là sườn ý cơ bản chứ không phải là bài văn nguyên mẫu.

"Tôi chỉ kiểm tra cái cơ bản, không phải bắt các em đọc như vẹt. Bài kiểm tra cả lớp đọc đồng thanh được tôi đan xen trong suốt buổi học. Ví dụ mình giảng về Hồ Chí Minh thì mình phải kiểm tra lại các em biết gì về quan điểm nghệ thuật của Hồ Chí Minh chứ".- Cô Hà nói.

Cô Hà cùng hai học sinh Nguyễn Hoàng Linh và Nguyễn Thị Thùy Trâm.

Cô Nguyệt Hà luôn khẳng định đây là phương pháp hoàn toàn không phải học vẹt mà đó là những kiến thức cơ bản nhất mà học trò phải nhớ. Theo cô Hà, những năm gần đây đề văn ra theo hình thức mở, các học sinh ngày nay đủ thông minh để "tầm sư học đạo". Thực tế đã chứng minh lớp của cô luôn đông và học hiệu quả. Hình ảnh báo chí đã đưa chỉ là một buổi tổng ôn, tuần một buổi và gộp bốn lớp làm một. Đó là buổi ôn lại những gì đã học, rút xương lại những ý chính, cơ bản.

Cô Hà nhớ lại những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời dạy của mình đã có để chứng minh phương pháp dạy của mình là đang đi đúng hướng. Cách đây vài năm cô có từng dạy một học sinh vì nhà nghèo mà phải lang thang đi đánh giày ở phố Huỳnh Thúc Kháng.

Cô Hà chia sẻ: "Ngày đó cháu là một cậu bé lang thang, nói tục nhưng sau được cô dạy dỗ đã bỏ hẳn thói quen xấu đó. Từ một cậu bé không còn ước mơ đến có ước mơ trở thành nhà báo. Liệu tôi dạy không đúng, không có phương pháp cảm hóa thì có được những con người như thế không?".

Cô Hà còn tự tin chia sẻ, năm 2012 thủ khoa và á khoa của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội với 9,5 điểm và 9 điểm môn văn. "Tôi tự tin dạy bằng cả trái tim, cảm hóa học trò bằng chính tấm lòng của mình. Tôi nghĩ mình đã làm được những điều gì đó, gieo mầm thiện cho biết bao học sinh. Nếu không tin các bạn có thể lên lớp nghe tôi giảng để chứng kiến những điều tôi nói đúng hay sai. Mọi người từng chứng kiến có cháu không vào được chắp tay vái, khóc xin bác quản lí trung tâm? Lớp của mình dạy phải bán vé cách đấy mấy tháng. Các cháu vào sau tôi cho vào miễn phí. Đó là sự thật".

Bà Nguyễn Thị Thời, giáo viên cấp 1 đã nghỉ hưu cũng là người sáng lập ra Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội):

Trung tâm chúng tôi được Sở GD-ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động chính thức từ năm 1999. Hiện TT có 15 giáo viên. Thời kỳ hoàng kim của TT là những năm 1999-2002, 2003 bắt đầu đi xuống, đến 2006 giảm mạnh do thi ba chung áp dụng. Một hai năm qua TT lại càng vắng. Trung tâm chỉ đông khoảng tháng 5, tháng 6. Sau đó vắng. Kể cả đợt này, các lớp học cũng không thật đông.

Công việc không thuận lợi, lỗ nhiều gia đình tôi đã phải bán hai nhà ở Khu tập thể Trường ĐH Sư phạm HN và khu Mỹ Đình. Hiện cả gia đình đang trọ thuê ở khu vực Mỹ Đình.

Tuy nhiên riêng lớp của cô Nguyệt Hà vẫn rất đông. Các em muốn học thường đăng ký học cách đây 3 tháng. Hình ảnh trong clip mà báo chí đưa tin là buổi tổng ôn của những em đã học được 1 năm ở Trung tâm (từ tháng 5/2012). 4 lớp với hơn 600 em.

Cô Nguyệt Hà là người có năng lực, tâm huyết với nghề, hết lòng với học sinh. Có buổi cô đi dạy học xong thì nôn do quá mệt mỏi. Tôi nghĩ cô làm không phải vì đồng tiền nữa mà chính bởi tình yêu thực sự với trò. Nhiều em có hoàn cảnh nghèo cô dạy miễn phí.

Giáo sư Văn Như Cương: Trước tiên chưa bàn đến phương pháp giảng dạy của cô giáo trong clip mà chỉ cần nói đến không gian học tập. Một lớp học chỉ dành cho số lượng khoảng 70 học sinh thì lò luyện thi của cô đã nhét tới 700 người.

Chỉ tính riêng điều đó đã không hiệu quả cho việc ôn luyện. Kể cả việc cô giáo ấy có phản biện rằng bắt học sinh đọc to như thế để kiểm tra xem ai thuộc ai không thì cũng không thể chấp nhận được. Một lớp học đông như thế, chỗ ngồi còn không có thì làm sao cô biết được ai thuộc ai không.

Có thể nói đó là một phương pháp giảng dạy hết sức lạc hậu, nguy hiểm và vô nghĩa. Xã hội đang cố gắng tiến tới văn minh thì cô giáo đó lại quay ngược lại, sử dụng một phương pháp mà chỉ thời phong kiến mới có.

Tôi nghĩ có đi hỏi một trăm giáo viên thì cả một trăm người đều phản đối phương pháp dạy học đó. Nếu ai cũng đào tạo học sinh theo cách ấy thì coi như đã bóp chết một nền giáo dục.

Theo thông tin từ phòng giáo dục quận Cầu Giấy, đơn vị này đã tạm thời đình chỉ dạy văn tại lò luyện thi do tập trung quá số người quy định.

Theo quy định của Bộ GD và ĐT thì các tổ chức, cá nhân được cấp phép quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình học sinh phải đảm bảo: lớp học có diện tích bình quân tối thiểu 1,1m2/học sinh.

Sau khi báo chí đăng tải về lớp học văn với phương pháp lạ tại Trung tâm GDTX và hướng nghiệp quận Cầu Giấy (Hà Nội), Phòng giáo dục quận Cầu Giấy đã thực hiện kiểm tra tại đây và phát hiện số lượng học sinh quá đông, vượt quá mức độ cho phép.

Phong Anh
.
.
.