Đừng im lặng trước nỗi đau con trẻ

Chủ Nhật, 19/03/2017, 09:15
Bạn có con, như hầu hết những ông bố bà mẹ trên trái đất này, bạn sẵn sàng làm tất cả vì con, với mong muốn con mình được sống trong một môi trường an toàn nhất. Thế rồi vào một ngày không mong đợi, con bạn về nhà câm lặng, khuôn mặt lo âu, đôi mắt hoảng loạn.


Gặng hỏi mãi, con bạn mới nói bị một người lớn tuổi rủ vào chỗ vắng và thực hiện những hành vi bệnh hoạn. Vào hoàn cảnh đó, chắc chắn trái tim những người cha, người mẹ như bị bóp nát, bởi họ hiểu rằng, sự an toàn với con mình chỉ là tương đối và bi kịch vẫn có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Ấu dâm, hơn lúc nào hết đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo khiến người lớn chúng ta không khỏi đau xót, lo lắng bởi nạn nhân không chỉ là các bé gái mà còn có cả các bé trai. Thủ phạm của sự đồi bại đó không chỉ là những người ít học, kém hiểu biết pháp luật mà giờ đây có cả những người được học hành tử tế, vẻ bề ngoài lịch lãm, thậm chí còn đứng trên bục để rao giảng đạo đức cho người khác.

Không giống như những hành vi tội phạm khác, ấu dâm để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đó là hủy hoại tâm hồn một đứa trẻ. Nó biến đứa trẻ thành một người khác, mất niềm tin vào cuộc sống và sự ám ảnh từ những hành vi bệnh hoạn của kẻ phạm tội sẽ trở thành nỗi ám ảnh đến suốt cuộc đời.

Suốt mấy ngày qua, liên tiếp 3 vụ lạm dụng tình dục với trẻ em trở thành vấn đề nóng trên các trang mạng hay các diễn đàn. Chưa bao giờ một vụ án lạm dụng tình dục với trẻ em lại được nhiều người quan tâm đến thế. Mọi việc đều có lý do của nó.

Sự bức xúc của dư luận như bị đẩy lên tới đỉnh điểm bởi những vụ án trên không phải là mới xảy ra, nhưng với nhiều lý do khác nhau, các vụ án đều chưa được giải quyết thấu đáo và những lý lẽ đưa ra của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa hoàn toàn thuyết phục dư luận và người trong cuộc.

Các nghi can của vụ án đều là những người có học thức, có hiểu biết pháp luật còn lên mạng "khoe" chiến tích của mình hoặc có những lời nói thách thức khiến đám đông càng nổi giận.

Rồi rất nhiều cơ quan, ủy ban được thành lập với những chức năng, nhiệm vụ vô cùng tốt đẹp là chăm sóc, bảo vệ thiếu niên nhi đồng cũng lảng tránh trách nhiệm hoặc "uể oải" khi kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Phải chăng, lòng trắc ẩn là một khái niệm xa xỉ với họ và phải chăng, những cơ quan đó được sinh ra cho có chứ hoàn toàn xa rời với những mục đích nhân văn ban đầu?

Tất nhiên, để khẳng định ai đó phạm tội cần phải có tài liệu chứng cứ một cách biện chứng, thuyết phục cùng với một bản án của tòa án.

Song, điều dư luận cần lúc này chính là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quá trình điều tra, xác minh chậm trễ, đưa ra những nhận định thiếu thuyết phục rõ ràng làm cho mọi người càng bức xúc và họ có quyền hoài nghi về sự khách quan của vụ án.

Thú thật, tôi không thể hiểu nổi một vụ án xâm phạm tình dục trẻ em có bị hại, có nghi can, có kết luận giám định… tóm lại là có dấu hiệu phạm tội mà không bị khởi tố để điều tra làm rõ.

Càng không thể hiểu nổi, một vụ án đơn giản chỉ cần cơ quan điều tra cấp quận, huyện vào cuộc là trắng đen rõ ràng, phải trái phân minh, vậy mà phải chờ đến sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, của Phó Thủ tướng Chính phủ mới được làm rốt ráo, guồng quay tố tụng đó mới bắt đầu vận hành theo đúng chức năng của nó. Rõ ràng trong việc này, trách nhiệm lớn thuộc về người lãnh đạo khi họ đã không thật sự vào cuộc làm tròn một công việc mà lẽ ra họ phải làm.

Facebooker TTH đăng một status với sự liên tưởng khá thú vị: Ấu dâm - vỉa hè cần dọn sạch đầu tiên. Suốt một tháng qua, cuộc chiến dành lại vỉa hè tại các thành phố lớn trở thành đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông. Tất nhiên, với sự ra quân đồng bộ cùng các giải pháp hữu hiệu, đường phố đã thông thoáng nhiều và vỉa hè đang lấy lại chức năng cơ bản của mình: giành cho người đi bộ và tạo không gian công cộng.

Còn với ấu dâm, đó cũng là một "vỉa hè" mà chúng ta cần phải dọn sạch, nhanh, hiệu quả. Bởi nó không chỉ mang lại niềm tin vào các cơ quan pháp luật mà còn là tiền đề để chúng ta xây dựng một xã hội, công bằng văn minh.

Tuấn Nguyễn
.
.
.