Dựng lại nhà mới cho dân kịp đón Tết

Thứ Hai, 12/02/2018, 08:43
Càng về cuối năm, tiết trời càng thêm giá lạnh. Mưa rét buốt da thịt, song các tổ công tác Công an huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn không quản ngại khó khăn, huy động tối đa lực lượng vượt núi, băng rừng về nóc Khe Chữ, thôn 2, xã Trà Vân, để giúp dân dựng nhà mới, kịp đón Tết Mậu Tuất 2018...


Làng mới trên núi Ngọc Linh

Những cơn mưa phùn bất chợt khiến cho tuyến đường từ trung tâm hành chính huyện Nam Trà My dẫn vào nóc Khe Chữ nhão nhoẹt.

Theo chân một tổ công tác Công an huyện Nam Trà My, chúng tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ đánh vật trên cung đường đầy bùn đất, vượt qua hàng chục cây số đường rừng trơn trượt để vào nóc Khe Chữ. Mưa rừng, gió núi lạnh thấu xương, song các anh vẫn âm thầm bám chặt chân vào mặt đường, bước về phía trước theo mệnh lệnh của trái tim.

Với sự giúp sức của các chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My, nhiều ngôi nhà đã được hoàn thiện.

Từ sáng sớm đến lúc trời nhá nhem tối, tôi mới nhìn thấy nóc Khe Chữ hiện lên với những ánh lửa hắt ra từ những ngôi lều tạm, nhấp nháy trong màn sương mờ ảo. Trong những ngôi lều ấy có gần 100 hộ dân đang ở tạm chờ các tổ công tác Công an huyện Nam Trà My đến dựng nhà mới...

Chúng tôi tá túc tại ngôi trường tạm, nơi có gần 100 em học sinh đang theo học mỗi ngày để không bỏ lỡ con chữ. Kim đồng hồ nhích chưa tới 19h, song nơi đây mọi thứ đều chìm vào trong đêm tối.

Rừng khuya gió thổi ào ạt. Cái lạnh theo gió tràn vào ngôi trường và cứa vào da thịt mỗi người. Điện không có, một vài chiến sĩ Công an được cắt cử, dò dẫm xuống khu nhà ở công nhân công trường Đông Trường Sơn để xin... ánh sáng.

Hơn 60 mét đường dây điện kéo lên, phải loay hoay hơn nửa tiếng đồng hồ thì "con đom đóm" mới chịu sáng đèn. Bữa ăn vội được dọn ra, mọi người lại quây quần bên ánh đèn tắt nháy.

Sáng hôm sau, khi tiếng gà gáy vang vọng cả núi rừng lần thứ nhất, các cán bộ chiến sĩ Công an đã nhanh chóng tung mền ngồi dậy. Mọi người đánh răng, rửa mặt xong xuôi, rồi chia nhau từng bát mì tôm lõng bõng.

Mưa vẫn còn nặng hạt, nhưng ăn xong các anh đã cùng nhau đi khiêng gỗ để dựng ngôi nhà mới cho các hộ dân vừa được san lấp mặt bằng. Tôi theo chân một tốp chiến sĩ đến khu đất ở đầu dốc, nơi đây là khu đất nền cho 4 hộ gia đình tái định cư.

Tiến đến nền đất của anh Nguyễn Mạnh Lương (SN 1970, thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), ngôi nhà của anh Lương đang được dựng dở phần khung, các chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My nhanh tay mỗi người chọn lấy những miếng ván ghép vào sườn nhà được đóng sẵn qua sự chỉ dẫn của chủ nhà.

Những phách gỗ nối đuôi nhau áp mình lên những trụ gỗ. Tiếng búa gõ, tiếng sột soạt lấy ván, đổi ván, tất cả mọi việc đều được phối hợp nhịp nhàng, tất bật, gấp rút để giúp người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.

Dừng tay, quệt vội giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, anh Lương bộc bạch rằng, sau trận sạt lở núi kinh hoàng từ đầu tháng 11, gia đình anh phải chuyển vào căn chòi canh rẫy để ở. Những ngày sống trong căn nhà tạm bợ, nỗi lo chưa biết ngày mai phải ra sao thì được lực lượng quân sự địa phương vào dựng làng mới.

Tuy nhiên thời tiết không thuận lợi, lại có đến gần 100 hộ dân di dời đến nên gia đình anh vẫn chưa có chỗ ở ổn định.

"Vừa qua, có lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự huyện giúp tôi dựng phần sườn nhà, lợp tôn mái, tuy nhiên phần ván áp làm tường vẫn chưa được đóng lên, một mình tôi thì làm không xuể. May mà nhờ có các cán bộ Công an huyện chung tay vào giúp làm nhà tiếp. Nhờ vậy mà sắp tới chúng tôi kịp có cái nhà đón Tết, chung vui với mọi người", anh Lương vui mừng nói.

Những đoạn đường lầy lội, các chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My phải cùng nhau đẩy xe vượt núi.

Thượng úy Nguyễn Phi Công, Phó Bí thư Chi đoàn Công an huyện Nam Trà My cho biết, chung tay giúp đỡ nhân dân thôn 2, xã Trà Vân khắc phục hậu quả sau đợt thiên tai vào cuối năm 2017, tuổi trẻ Công an huyện đã khẩn trương huy động lực lượng giúp bà con dựng nhà lợp tôn, đóng vách để các gia đình sớm ổn định chỗ ở trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Mặc dù tiết trời lạnh giá, con đường lầy lội nhưng những nụ cười vẫn hiện trên từng gương mặt các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My. Từng ngôi nhà nhanh chóng được dựng lên, bắt đầu lại một tương lai tươi sáng...

Hướng về ngày mai

Dưới vách núi Khe Chữ, một tốp các chiến sĩ thuộc Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Nam Trà My cũng đang chuẩn bị dụng cụ để cấp lại CMND, giấy tờ cho bà con nơi đây. Vì quãng đường đi lại khó khăn, các chiến sĩ Công an huyện chỉ mang theo được những vật dụng cần thiết.

Còn lại tận dụng những công cụ thô tại chỗ, nhưng các chiến sĩ Công an huyện vẫn luôn hết mình, giúp bà con làm nhanh nhất mà vẫn đầy đủ tất cả thủ tục. Bà Hồ Thị Liên (SN 1945, thôn 2, Trà Vân) cho biết, bà làm CMND đã từ rất lâu rồi, đến nay đã cũ, gấp nếp, rách góc nhưng vì tuổi đã cao, bệnh tình trong người khiến bà không thể đi xa được. Sau  trận sạt lở kinh hoàng vừa xảy ra, bà Liên phải cùng mọi người trong làng tất bật dựng lại tổ ấm ở một miền đất mới nên việc làm lại chứng minh đối với bà là một điều vô cùng khó khăn.

"Các chiến sĩ Công an huyện mà vào đến nóc giúp mình làm lại giấy tờ như thế này thì còn gì bằng. Đường này đi cực lắm, về trung tâm huyện xa lắm…", bà Liên cười tươi, nhìn các chiến sĩ Công an với ánh mắt trìu mến.

Nhanh chóng hướng dẫn bà Liên làm các thủ tục, một chiến sĩ  trong Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Nam Trà My cho hay: "Nhiều người dân nơi đây họ không còn nhớ các bước làm thủ tục, hồ sơ, thậm chí không ít người không biết phải lăn tay như thế nào. Tay họ cứng nên chúng tôi hầu như phải hướng dẫn từng bước một, giúp họ lăn dấu vân tay".

Chỉ một lúc sau, tất cả các hồ sơ, thủ tục của bà Liên đã được hoàn thành. Một tờ giấy hẹn được bà Liên cất cẩn thận vào túi. Trung úy Phan Lê Thanh Tín chia sẻ rằng, trước đây, khi làm xong CMND, Đội Quản lý hành chính cấp cho người dân một tờ giấy hẹn, sau đó họ sẽ đến trụ sở Công an nhận. Nhưng sau này, thấy người dân đi lại khó khăn nên đội đã tham mưu lãnh đạo đưa CMND về tận nhà.

"Bây giờ, khi làm xong, Công an huyện sẽ chuyển CMND về Công an xã để đưa tới tận nhà từng người dân. Như thế bà con sẽ không phải đi xa, giúp bà con tiết kiệm được thời gian".

Những cơn mưa ngày càng nặng hạt, nên các anh phải thu dọn, sắp xếp giấy tờ vào trong, quay lưng mình lại che chắn. Tiếng gió rít, tiếng mưa rơi, song công việc vẫn khẩn trương và những tờ giấy hẹn cứ thế theo những bước chân của dân làng đợi ngày được cấp chứng minh nhân dân.

Một ngày làm việc vất vả và cũng nhanh chóng kết thúc khi đêm xuống. Sương núi giăng dày. Chỉ chốc lát, nóc Khe Chữ đã chìm trong màn sương dày đặc. Kết thúc bữa ăn tối, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My lại soi đèn đến từng nhà người dân thăm hỏi, động viên, tuyên truyền pháp luật, đồng thời vận động người dân nhanh chóng vượt qua những mất mát trong đợt thiên tai, vươn lên trong cuộc sống.

Hai ngày sau, tôi chia tay các tổ công tác, rời nóc Khe Chữ ra trung tâm huyện. Trao đổi với tôi, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 hồi cuối năm ngoái, xã Trà Vân xảy ra tình trạng sạt lở núi rất nghiêm trọng.

Vác gỗ vào dựng nhà mới cho người dân Khe Chữ.

Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, lãnh đạo huyện triển khai thực hiện bố trí lại khu dân cư mới ở thôn 2, xã Trà Vân. Đến thời điểm này, khu dân cư Khe Chữ cơ bản đã hình thành được việc san lấp nền nhà, các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an huyện cũng được huy động về cơ sở dựng lại nhà ở cho người dân kịp đón Tết cổ truyền Mậu Tuất.

"Sau khi sự cố xảy ra, người dân đã nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm. Huyện Nam Trà My cũng đã lấy gạo dự trữ của huyện cấp riêng cho các hộ dân đảm bảo ba tháng ăn. Trong dịp Tết này, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân đảm bảo đời sống cho đến vụ giáp hạt sắp đến", ông Mẫn nói.

Hà Vy
.
.
.