Triệt phá đường dây lừa đảo đa cấp qua mạng internet ở Đồng Nai

Dùng lãi suất cao chiếm 140 tỷ đồng

Chủ Nhật, 16/10/2016, 10:40
Sau một thời gian theo dõi, chiều 7-10-2016, các trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phía Nam (C50B) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng trong đường dây lừa đảo đa cấp qua mạng.


Các đối tượng gồm Nguyễn Thị Minh Phương, 38 tuổi, Phạm Thanh Toàn, 45 tuổi cùng ngụ tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Hồ Đình Phú, 24 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng. Khám xét nơi ở của các đối tượng này, lực lượng Công an thu giữ nhiều tài liệu và tang vật có liên quan đến vụ án.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, những ngày đầu tháng 6-2016, các trinh sát Cục C50 đã phát hiện một trang web có tên hero8.org nghi là lừa đảo tự giới thiệu về việc kinh doanh tài chính của một công ty có tên "Công ty cổ phần Phương Thái An" và mời gọi cư dân mạng tham gia đầu tư với lợi nhuận lên đến 130%/tháng.

Cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt và khám xét nơi ở đối với Phương, Toàn, Phú.

Lần theo địa chỉ của trang web này, các trinh sát đã nhiều lần tìm đến một căn nhà hai tầng ở phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nơi công ty này đặt trụ sở để tìm hiểu nhưng không gặp được người đại diện pháp luật là Nguyễn Thị Minh Phương, hơn nữa địa chỉ này hầu như không lúc nào mở cửa. Không thể để cho bọn tội phạm có thời gian lộng hành, những ngày sau đó, các trinh sát Cục C50B và Phòng PC46 Công an tỉnh Đồng Nai đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ theo dõi.

Đến đầu tháng 10-2016 thì xác định Công ty Phương Thái An do Nguyễn Thị Minh Phương làm đại diện pháp luật là một công ty lừa đảo. Mặc dù không có chức năng và khả năng đầu tư tài chính nhưng Phương cùng đồng bọn vẫn thuê người lập ra trang web giới thiệu về mô hình, cơ cấu tổ chức của công ty với quy mô rất hoành tráng.

Về hoạt động kinh doanh, hợp tác, đầu tư tài chính, Phương bịa ra hàng loạt các đối tác đã đầu tư là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín trên thương trường và các đối tác tiềm năng thuộc dạng khủng. Sau khi đã có trang web, Phương và đồng bọn ngoài việc in sao ra băng đĩa, tài liệu trực tiếp mang phát cho nhiều người trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Để thực hiện hành vi lừa đảo và huy động được vốn của nhiều người, Phương cho lập ra mô hình cho - nhận thực hiện bằng mã ID và khi có một người nào đó tham gia hệ thống thì phải đầu tư một khoản tiền mặt là 10.160.000 đồng, trong đó 2.160.000 đồng là tiền PIN (một loại lệ phí bắt buộc khi khách hàng tham gia hệ thống và nếu ai đó rút lui thì số tiền này sẽ bị mất), số còn lại trị giá 8 triệu đồng là tiền đầu tư ban đầu (gọi là PH).

Các đối tượng Nguyễn Thị Minh Phương, Phạm Thanh Toàn tại cơ quan Công an.

Sau 15 ngày tham gia đầu tư với số tiền trên, mỗi cá nhân sẽ được nhận số tiền 2,2 triệu đồng gọi là mã GH, nếu duy trì số tiền đầu tư ban đầu này trong suối thời gian 3 tháng tương ứng với 18 kỳ với mức lãi suất lên đến 130%/tháng thì nhà đầu tư sẽ nhận số tiền cả gốc lẫn lãi là 39,8 triệu đồng. Tuy nhiên nếu muốn đầu tư nhiều mã GH và nhận được nhiều lãi suất ưu đãi thì những nhà đầu tư ban đầu phải kêu gọi được ít nhất 5 nhà đầu tư khác tham gia.

Với mô hình đầu tư mở rộng theo kiểu đa cấp từ một vài nhà đầu tư ban đầu sẽ sinh sôi nảy nở theo hình cây thông chổng ngược lên thành hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người tham gia. Với chiếc "bánh vẽ" mà Phương cùng đồng bọn chưng ra, đã có trên 4.000 người tham gia vào đường dây và đăng ký mua trên 21 ngàn mã, trong đó có 14 ngàn mã đã được kích hoạt.

Với đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến chiều tối 7-10-2016, các trinh sát Cục C50B phối hợp với Phòng PC46 Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi ở đối với các đối tượng Nguyễn Thị Minh Phương, Phạm Thanh Toàn và Hồ Đình Phú để tiến hành lập hồ sơ xử lý.

Tại cơ quan Công an, lúc đầu các đối tượng này cho rằng mình chỉ mời gọi các nhà đầu tư hợp tác kinh doanh chứ không quảng bá loại hình đầu tư tài chính và cũng không huy động vốn. Những người tham gia đều tự nguyện và có ký hợp đồng góp vốn gửi về công ty đàng hoàng.

Tuy nhiên trước sự kiên quyết của lực lượng Công an cùng hàng loạt bằng chứng thu thập được trước đó và những tài liệu thu được trong lúc khám xét nơi ở, các đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội.

Theo lời khai của Nguyễn Thị Minh Phương, trước đây cô ta từng có thời gian làm nhân viên cho một công ty bán hàng đa cấp ở TP Hồ Chí Minh, nhưng đến cuối năm 2014 thì bị công ty này buộc thôi việc vì bị một số khách hàng gửi đơn tố cáo hành vi thiếu trung thực.

Trong thời gian thất nghiệp, Phương tìm đến một số sàn kinh doanh vàng ảo không phải với mục đích kinh doanh mua bán mà tìm cách bắt quen với một số "nhà đầu tư" để học hỏi kinh nghiệm.

Sau hơn hai tháng lăn lộn ở các sàn vàng, Phương phát hiện ra một chiêu là những người lập ra các sàn vàng ảo không vì mục đích huy động vốn để đầu tư sinh lợi mà chờ đến khi có nhiều người tham gia đầu tư lớn thì sẽ đánh sập hệ thống rồi ôm trọn số tiền bỏ trốn.

Nhận thấy đây là cơ hội nhanh nhất để làm giàu, Phương đã tập hợp những đối tượng từng có thời gian làm việc chung với nhau là Toàn và Phú định mở sàn ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, thời điểm này, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tục triệt phá các sàn vàng, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra lập hồ sơ xử lý nên Phương và các tay chân quyết định tạm dừng "dự án" để nghe ngóng.

Không chịu từ bỏ ý đồ lừa đảo, Phương, Toàn và Phú ngày đêm lướt mạng để tìm hiểu thị hiếu của cư dân mạng về các loại hình đầu tư tài chính. Sau thời gian điều nghiên, cả bọn nhận thấy vẫn còn rất nhiều người vì ham mê những món lãi kếch xù từ những trang mời gọi đầu tư ảo và sẵn sàng bỏ ra số tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để thử vận may.

Nhớ lại quãng thời gian làm nhân viên bán hàng đa cấp đã có rất nhiều trưởng nhóm gom tiền mua hàng của các nhân viên ở các nhánh nhưng không mang về công ty mua hàng để phân phát lại cho các nhánh đa cấp mà ôm tiền cất giấu để tiêu xài riêng, Phương liền gọi Toàn ra bàn bạc thì hắn bảo: "Hàng hóa bán đa cấp được, vàng ảo cũng lên sàn được thì tại sao lại không kinh doanh tài chính theo kiểu đa cấp dưới dạng đầu tư sinh lợi".

Sẵn có âm mưu lừa đảo đã được nung nấu trong đầu từ lâu, Phương lập tức bắt tay vào việc lập "đề án lừa đảo" thông qua hình thức đầu tư tài chính nhưng thực chất là lấy tiền của người đầu tư trước trả một phần lãi cho người đầu tư sau và đến khi gom được thật nhiều tiền, thị đánh sập hệ thống rồi chuồn.

Đến đầu năm 2016, khi "đề án lừa đảo" đã hoàn chỉnh, Phương lập tức thuê người làm thủ tục cho thành lập Công ty Phương Thái An và để công ty hoạt động được, Phương điền tên mình vào vị trí Chủ tịch, Toàn làm Tổng Giám đốc, Phú làm Giám đốc điều hành kiêm quản lý mạng và thuê kỹ sư tin học về thiết kế trang web gới thiệu hoạt động của công ty trên mạng internet.

Tài liệu có liên quan đến vụ án thu được trong lúc khám xét nơi ở của các đối tượng.

Để tạo lòng tin phục vụ cho việc phát triển mạng lưới, thời gian đầu khi mới hình thành đường dây lừa đảo, Phương, Toàn và Phú đã tìm cách tiếp cận những người thân quen trong gia đình, dòng họ, những người có tầm ảnh hưởng xã hội rộng để mời gọi họ tham gia đầu tư với mức lãi suất lên đến 130%/tháng với cam kết nếu không trả gốc và lãi đúng thời hạn thì sẽ hoàn trả lại vốn hoặc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thấy số lợi nhuận kếch xù này, những người thân quen của Phương lập tức tham gia và cũng được cô ta trả cả gốc và lãi đầy đủ, đúng hẹn mà không biết được rằng đây là cái bẫy mà Phương cùng đồng bọn giăng ra để đưa họ vào con đường làm thuê cho kẻ phạm tội.

Khi đã lấy được uy tín từ những "nhà đầu tư" ban đầu này, Phương tiếp tục thực hiện bước thứ hai là yêu cầu họ tham gia vào việc kêu gọi thêm nhiều người khác đầu tư vào công ty, nếu một người kêu gọi được thêm từ 5-10 người khác tham gia hệ thống thì mỗi tháng sẽ được hưởng hoa hồng lên đến vài ba chục triệu đồng mà không cần phải góp vốn.

Trước lời hứa đầy sức hấp dẫn của Phương, những "nhà đầu tư" ban đầu này ngoài việc vay mượn, cầm cố tài sản lấy tiền đầu tư còn tự nguyện làm tay chân đắc lực cho Phương tỏa đi khắp các khu vực tại các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… lôi kéo những người nhẹ dạ đầu tư góp vốn vào công ty của Phương.

Với hình thức này, chỉ từ gần chục người ban đầu cho đến lúc bị lực lượng Công an triệt phá, đường dây của Phương đã thu hút được trên 4.000 người tham gia và mua gần 21 ngàn mã GH với tổng số tiền gọi là "góp vốn" lên đến trên 140 tỷ đồng.

Số tiền này theo quảng cáo trên trang web thì được đầu tư vào các tổ chức kinh doanh tài chính, địa ốc, nhưng thực chất Phương dùng một số ít để trả tiền gốc và lãi cho số ít người tham gia ban đầu, còn lại Phương rút 104 tỷ tiêu xài cá nhân, chia cho Toàn 15 tỷ và Phú 11 tỷ đồng.

Do tính chất phức tạp của vụ việc nên đến nay cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng để truy bắt các đối tượng là tay chân của Phương.

Nguyễn Cương
.
.
.