Hơn 11 nghìn xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia?

Đừng lặp lại bài học của Bảo tàng Hà Nội

Thứ Bảy, 01/09/2012, 12:34
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với nguồn kinh phí lên tới 11.277 tỷ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên có nhiều ý kiến lo ngại về tính hiệu quả và cần thiết của một dự án lớn như vậy. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

"Một bảo tàng hiện đại nhất trong khu vực"

Đó là khẳng định của ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án  đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện (Phần này, theo ông Hà, dự kiến chi phí tương đương với kinh phí xây dựng, hơn 11.000 tỉ đồng. Vị chi là để hoàn thiện đồng bộ trọn vẹn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chúng ta phải mất tới trên 22 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD).

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong tương lai.

Dự án có bốn hạng mục chính gồm: tòa nhà chính; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời; hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan. Trong đó, tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất 23.000m2, diện tích sàn xây dựng gần 90.000m2, chiều cao tối đa 32,5m gồm kho lưu giữ hiện vật vô cơ và hữu cơ qua các thời kỳ, thời đại; không gian để trưng bày, tái hiện lịch sử, chuyên đề, sưu tập...; trung tâm bảo quản và phục chế; khu khám phá sáng tạo; hội trường, các phòng hội họp...

Khu tưởng niệm danh nhân có diện tích xây dựng khoảng 1.520m2, gồm nhà tưởng niệm đặt các tượng, danh sách tên danh nhân được tôn vinh và hiện vật của họ (nếu có). Khu trưng bày ngoài trời sẽ trưng bày những hiện vật lớn; tái tạo không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc; không gian hoạt động văn hóa, trình diễn.

Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng một bảo tàng hiện đại, có khoa học công nghệ tiên tiến với quy mô đầu tư, diện tích lớn để khắc phục những hạn chế về nội dung, diện tích, tính chất và quy mô nội dung trưng bày hiện tại, đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật; phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước.

Ðịa điểm xây dựng bảo tàng được xác định tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội là điểm nối giữa Công viên Hữu Nghị và Công viên Hòa Bình. Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích trưng bày hiện vật trong bảo tàng khoảng 28.700m2. (Trong khi diện tích trưng bày hiện tại ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử là 4.000m2). Còn lại là khuôn viên, cây xanh và hệ thống trưng bày, sắp đặt ngoài trời.

Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7-2016. Sau khi xây xong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì Bảo tàng Cách mạng sẽ trở thành Bảo tàng Đương đại. Còn Bảo tàng Lịch sử sẽ là Bảo tàng Cổ vật.

Nhiều người băn khoăn, lo ngại trước thực tế, hiện nay cả nước có 126 bảo tàng, riêng Hà Nội có 10 bảo tàng, nhưng hầu hết các bảo tàng đều thưa thớt khách tham quan. Hơn nữa, năm 2010 Bảo tàng Hà Nội, với nguồn kinh phí lên tới 2.300 tỷ đã được khánh thành, nhưng đến nay vẫn chỉ là cái vỏ, hiện vật trưng bày nghèo nàn, vắng bóng khách tham quan.  

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: Không thay đổi tư duy làm bảo tàng, chúng ta sẽ thất bại

- Theo tôi, chúng ta nên xây dựng bảo tàng lịch sử mang tầm cỡ quốc gia. Văn hóa phải đi trước một bước. Nếu cứ chờ đất nước chúng ta thật phát triển, đầy đủ thì không biết đến lúc nào mới có thể làm được. Có khó khăn đấy, nhưng đừng nghĩ văn hóa như một bình hoa để trang trí cho đẹp mà chính bảo tàng cũng góp phần đóng góp vào sự phát triển văn hóa và kinh tế, thông qua các hoạt động của ngành Du lịch. Chúng ta cần một hệ thống bảo tàng khỏe mạnh, hiện đại và đầy sức hấp dẫn để thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

Vào những năm 1984 -1985, khi nền kinh tế nước ta đang khủng hoảng, Chính phủ cũng đã phê duyệt dự án làm Bảo tàng Dân tộc học. Phải chuẩn bị cả một quá trình cho đến năm 1997 chúng ta mới khánh thành được bảo tàng. Và đó là một bảo tàng đẹp và đông khách như được biết hiện nay. Lúc phê duyệt, ông Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Viêt Nam có gọi tôi lên trao đổi. Ông đặt câu hỏi: chúng ta đang ăn bo bo, đang khổ như thế có nên làm bảo tàng hay không. Nếu không có tầm nhìn về văn hóa thì không làm được chuyện đó.

Thế nên, đừng quá băn khoăn câu chuyện với tình hình kinh tế hiện nay có nên làm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay không. Mà cái quan trọng hơn và quan trọng nhất là chúng ta phải làm bảo tàng như thế nào. Tôi cho rằng cần phải rút ra từ  những bài học sai lầm đã gây ra tổn thất cho hệ thống bảo tàng là xây cứ xây, nội dung chuẩn bị sau. Tư duy đó dẫn đến thất bại của hệ thống bảo tàng. Đó là bảo tàng thiếu sức sống, không có khách. Cho nên, nhất thiết chúng ta phải tiến hành song song, vừa xây dựng tòa nhà, vừa xây dựng nội dung, không thể khánh thành tòa nhà trước và làm nội dung trưng bày sau mà quá trình cho ra đời một bảo tàng là sự đồng bộ cả hai phương diện này.

 Câu chuyện thứ 2 quan trọng hơn, nội dung trưng bày đó phải đảm bảo chất lượng cao, tức nội dung phải phù hợp với công nghệ làm bảo tàng của thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, đáp ứng được những kỹ nghệ mới nhất. Bảo tàng là hiện vật, phải vứt bỏ tư duy làm bảo tàng như làm thông sử, trình bày như một cuốn sách giáo khoa về lịch sử, giai đoạn nào cũng có, sự kiện lịch sử nào cũng cần phản ánh trong khi chúng ta không có hiện vật. Nếu không có hiện vật thì dứt khoát chúng ta không xây dựng phần trưng bày đó. Nội dung của nhiều bảo tàng hiện nay làm theo cách quá lạc hậu, diễn giải thông sử, cách mà người ta đã vượt qua từ hơn nửa thế kỷ hay lâu hơn nữa. Đừng biến bảo tàng thành nơi tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng một cách đơn giản bằng những bức phù điêu, tượng, tranh vẽ minh họa vừa đắt tiền, tốn kém mà không tạo người xem cảm xúc gì. Không thay đổi tư duy làm bảo tàng như hiện nay thì chúng ta thất bại.

Nếu chúng ta có 5 năm (tôi nghĩ là quá ít), mặc dù là chậm lắm rồi, thì toàn bộ cán bộ của bảo tàng phải tập trung toàn trí toàn lực nghiên cứu kỹ các bộ sưu tập hiện vật cùng các thông tin của chúng suy nghĩ về các nội dung trưng bày, phương án trưng bày. Bảo tàng cần nhanh chóng nâng cao chất lượng về nguồn nhân lực để tiếp nhận và theo kịp với tư duy mới về công nghệ bảo tàng. Xây nội dung trưng bày mà lấp đầy tủ kính thì dễ, nhưng để người ta hiểu được lịch sử văn hóa Việt Nam, cảm nhận sâu sắc và rung động trước mỗi hiện vật như bằng chứng lịch sử và hấp dẫn người xem là cả một vấn đề không thể làm một sớm một chiều. Bảo tàng Quai Brandly của Pháp, người ta phải mất 10 năm để vừa xây dựng tòa nhà vừa hoàn thiện nội dung trong điều kiện họ đã có đầy đủ hiện vật.

Với nguồn nhân lực hiện nay, chúng ta chưa thể làm được một bảo tàng lớn có tầm cỡ. Với trình độ của các nhà thiết kế nội thất của chúng ta hiện nay, thì không thể làm một bảo tàng hấp dẫn. Mà cần thiết phải có tư vấn thiết kế nước ngoài. Vấn đề là lựa chọn nhà thầu nào để đạt được tới sự sáng tạo nhất, không lặp đi lặp lại, để thích ứng được bối cảnh quốc tế hiện nay, và thích ứng nền văn hóa Việt Nam. Nếu làm được như thế chắc chắn sẽ giảm bớt được những băn khoăn của dư luận về việc đầu tư cho bảo tàng.

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: 10 năm nữa hãy làm cũng chưa muộn

Việc xây dựng một Bảo tàng Lịch sử cấp quốc gia là cần thiết về mặt chiến lược nhưng về mặt sách lược thì chưa hợp lý. Chính phủ nên có những cân đối để phù hợp. Bởi thực tế nhiều công trình chúng ta xây lên, nhưng chưa phát huy hết tác dụng của nó như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... Mà chất lượng công trình kém, chúng ta làm gì cũng không chu đáo nên người dân lo lắng.

Cần thiết để xây một bảo tàng nhưng trong bối cảnh hiện nay thì đây chưa phải là vấn đề cấp bách. Trong khi xã hội đang có quá nhiều vấn đề, đời sống dân sinh còn ngổn ngang cần quan tâm hơn. Hơn nữa, hiện tại các bảo tàng của chúng ta chưa biết khai thác công năng của nó, người đến bảo tàng thưa thớt do cách làm cũ kỹ.

Bảo tàng là một cuộc chơi của những quốc gia giàu có trong khi đất nước chúng ta còn nghèo. Điều đó sẽ gây nên những phản cảm. Chúng ta nên đánh số thứ tự ưu tiên các công trình, cái nào thực sự cấp bách, như bệnh viện, trường học, đường sá, chúng ta cần làm trước. Một đất nước thiếu bệnh viện, trường học, đường sá đi lại mới là nỗi khổ đau của rất nhiều người. Chúng ta nên dành ngân sách giải quyết những vấn đề đó trước khi nghĩ đến việc xây dựng một bảo tàng với kinh phí lớn như vậy. Bởi xây dựng mà không có hiệu quả thì là một bài học kinh tế thất bại. Rồi nhiều hệ lụy sau nữa khi chúng ta vận hành một cỗ máy hiện đại, sang trọng như vậy trong khi đất nước còn khó khăn.

Thế nên, chúng ta nên tính toán thời điểm xây dựng bảo tàng, có thể khoảng 10 năm nữa, chúng ta làm cũng chưa muộn. Trong khi đó việc hoàn chỉnh thiết kế phần nội dung trưng bày cũng phải đặt ra để tránh chuyện xong vỏ mới lo làm ruột.

Anh Nguyễn Tuấn Anh - Giáo viên sử - Hà Nội.

Đã rất muộn rồi, nhưng tôi nghĩ trước hết phải dạy cho các em học sinh tình yêu lịch sử nước nhà từ trên ghế nhà trường. Từ tình yêu đó, thế hệ các em mới có nhu cầu đến bảo tàng để tìm hiểu, khám phá. 

Trước đây chúng ta cũng đã bỏ 2.300 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Hà Nội, bề ngoài hoành tráng, lộng lẫy nhưng bên trong nghèo nàn hiện vật, khách tham quan thưa thớt. Tại sao không dùng số tiền đó đầu tư tiếp vào những bảo tàng đã có sẵn, tìm kiếm những hiện vật trưng bày để thu hút người dân, tạo thói quen cho họ đến bảo tàng. Hay đầu tư vào ngành khác, phục vụ an sinh xã hội. Dân ta còn rất nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa không có cầu đi lại, đường sá bị hư, trường học bị hư, ngay giữa Hà Nội, nhiều trẻ em phải học trong những ngôi nhà thuê tạm bợ, lẫn mùi khói bếp...

Khánh Linh (thực hiện)
.
.
.