Chiêu trò bỏ bến, chạy chui ngang nhiên đi xuyên tâm thành phố

Thứ Sáu, 31/03/2017, 10:54
Với lượng phương tiện tham gia giao thông tại TP Hà Nội ngày càng gia tăng, việc điều chuyển luồng vận tải liên tỉnh tuyến cố định giữa các bến xe (BX) có thể làm ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp (DN) vận tải, người dân, song đã làm giảm đáng kể tình trạng chạy xe xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông nội đô.


Qua khảo sát, đa số các nhà xe đã thực hiện đúng chỉ đạo, nhưng vẫn còn không ít nhà xe bỏ bến mới để chạy chui, đón khách dọc đường gần bến cũ, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Vẫn ngang nhiên đi xuyên tâm thành phố

Kế hoạch của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, ngày 10-1, các nhà xe phải hoàn thành việc chuyển sang bến mới. Sau ngày này, các nhà xe không thực hiện sẽ bị cắt "nốt", chạy sai luồng tuyến sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Qua tìm hiểu, cơ bản các bến đã tiếp nhận đầy đủ các tuyến theo đúng quy hoạch, điển hình là BX Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình đã tiếp nhận 100% số xe.

Bên cạnh đó, tại BX Nước Ngầm, Yên Nghĩa còn khá nhiều xe chưa về bến hoạt động. Nhiều người cho rằng, do người dân vẫn chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này.

Anh Nguyễn Văn Minh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) chia sẻ: "Nhà tôi ở đường Phạm Hùng, mọi khi về quê sẽ sang bến xe Mỹ Đình bắt về là rất tiện. Nay có thay đổi tôi cảm thấy khá phiền hà, nếu vội thì phải bắt taxi, xe ôm còn bình thường phải đi xe bus sang BX Giáp Bát. Biết quy định mới này để giảm sự ùn tắc nhưng cũng chưa thể quen ngay được, hơn nữa lại mất thêm một khoản chi phí bắt xe từ nhà ra bến xe đúng tuyến".

Nắm bắt được sự khó khăn này của người dân, một số nhà xe vẫn cố tình chạy sai tuyến, "vợt" khách đứng bắt xe dọc đường trên tuyến cũ thay vì đón khách tại bến đã được phân.

Trưa 23-3, chúng tôi có một buổi thực tế tại một số tuyến phố, BX để tìm hiểu thực trạng này. Tại đầu đường Tố Hữu (tuyến phố bắt lên đường cao tốc trên cao - vành đai 3) rất nhiều xe khách về Thái Bình lấy điểm xuất phát là bến xe Yên Nghĩa đi dọc đường này để bắt khách.

Điển hình như nhà xe Hoàng Hà có tới 2 chiếc xe nối đuôi nhau, chạy rất chậm dọc tuyến phố để "vợt khách" về Thái Bình. Không chỉ có nhà xe Hoàng Hà, nhà xe Hải Hà cũng cho xe chạy dọc phố Tố Hữu đón khách về Thái Bình.

Theo quan sát của phóng viên, chiếc xe BKS 17B -00801 (nhà xe Hà Hải) đi với tốc độ chậm liên tục cho phụ xe mời chào khách về Thái Bình.

Theo quy định những chiếc xe này phải điều chuyển về BX Giáp Bát, Nước Ngầm. Trong vai một khách bắt xe về Thái Bình, một phụ xe khách chạy tuyến Yên Nghĩa - Thái Bình cho hay: "Bọn em làm theo chỉ đạo thôi, bọn em cũng chỉ là người làm thuê mà. Chạy kiểu này cũng vất vả lắm, lúc nào cũng phải ngó nghiêng cơ quan chức năng. Trước thì dán biển hiệu Yên Nghĩa - Thái Bình nhưng nay phải đặt một cái bảng lên đầu xe phần là để khách biết, phần là khi thấy cơ quan chức năng dễ dàng hạ xuống. Nhìn xe 24 chỗ như thể xe chạy hợp đồng thôi".

Một hãng xe khách về Thái Bình vẫn ngang nhiên lấy điểm xuất phát là bến xe Yên Nghĩa.

Vẫn trong tình trạng này, khu vực gần BX Mỹ Đình (Hà Nội), theo quan sát của chúng tôi lác đác vẫn xuất hiện tình trạng một số tuyến xe Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa trước đây về bến Mỹ Đình, lẽ ra phải về BX Nước Ngầm đón trả khách nhưng vẫn cố tình chạy.

Những chiếc xe này chạy lòng vòng khu vực các điểm rẽ lên cầu vượt vành đai 3 Hà Nội, gần BX Mỹ Đình, đường Phạm Hùng (đoạn cổng Trung tâm Hội nghị quốc gia), do đây thường xuyên có người chờ xe. Các xe này chỉ cần chạy qua chốt kiểm soát của cảnh sát giao thông là có thể tạt vào lề đường đón khách.

Họ còn chỉnh sửa lại chữ dán trên kính, trước đây ghi "Mỹ Đình - Thanh Hóa" thì nay được thay bằng "Hà Nội - Thanh Hóa" để qua mặt cơ quan chức năng.

"Đón trả khách thực hiện khép kín"

Một điều đặc biệt nữa là hành khách muốn bắt xe tại BX Mỹ Đình về Thanh Hóa, Nghệ An chẳng khó khăn gì. Trong vai một hành khách muốn bắt xe về Diễn Châu (Nghệ An), chúng tôi được cả chục "cò" săn đón như những thượng đế.

Ông Mai Văn Thắng (xe ôm tại BX Mỹ Đình) chia sẻ: "Chú về Thanh Hóa, Nghệ An vào đây bắt cũng có, dù có khó hơn mọi khi. Các nhà xe sẽ cho nhân viên hoặc "cò" lượn khắp bến để tìm khách. Chỉ cần biết chú về Thanh Hóa, Nghệ An, các "cò" này "đối xử" hết sức chu đáo. Họ sẵn sàng xách hộ hành lý, đưa chú đến tận xe".

Thấy chúng tôi tìm xe, một "cò" xe tên T nhanh nhảu: "Anh chị về đâu? Thanh Hóa hay Nghệ An. Xe em sắp chạy rồi, đưa hành lý em xách cho đỡ nặng. Anh chị yên tâm đi, em là nhân viên của công ty không phải là "cò" đâu mà sợ".

Chiếc xe khách đậu rất “khéo” cạnh bến xe Mỹ Đình để chờ gom khách.

Sau khi dụ chúng tôi đi xuyên qua bến xe Mỹ Đình, sang bên phía bãi đỗ tạm. Vừa qua khỏi nhà xe, tay "cò" tên T. này chuyển chúng tôi cho một người khác.

Với hình dáng khá bặm trợn, người này khéo léo: "Anh chị lên xe ngồi cho mát đã, vài phút nữa là xe chạy thôi. Ở bến xe này mà bắt được xe về Thanh Hóa -Nghệ An là cực hiếm đấy. Nếu chậm vài phút lại phải chờ đến 14h30 hoặc 16h30 mới có những chuyến tiếp theo".

Lấy lý do quên đồ, đi chuyến 14h30, người này tiếp tục nài nỉ: "Nếu vậy anh chị có thể vào văn phòng của công ty em ngay đây mà nghỉ ngơi. Ở đó anh chị có thể để đồ, ăn uống luôn. Không phải lo nghĩ gì cả!".

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc xe khách của hãng MQ, BKS 29B -17119 đã chờ sẵn. Chiếc xe này đậu khá khéo léo, nép sát vào gần cây xăng (phía sau bến xe Mỹ Đình), phía kính trên không dán bất kỳ một chữ nào liên quan đến Mỹ Đình - Thanh Hóa.

Qua tìm hiểu những "nhân viên" của nhà xe này được phân chia nhiệm vụ khá rõ ràng, người thì đi kiếm khách trong bến, người thì chạy xe máy thám thính cơ quan chức năng.

Việc gom khách là rất công phu, hễ có khách chạy đúng tuyến của mình, các "nhân viên" này săn cho kỳ được, bám đuôi rất quyết liệt.

Còn những nhân viên khác theo dõi lực lượng chức năng, khi thấy yên ổn sẽ báo tin, các xe lập tức chạy qua bến Mỹ Đình và khu vực lân cận để "vợt" khách đứng chờ dọc đường.

Một "nhân viên" của nhà xe MQ buông lời đầy tự tin: "Chạy lòng vòng tuy tốn xăng, dầu nhưng chỉ cần "vợt" được 1 khách thôi cũng đủ bù vào chỗ đó rồi.

Sở dĩ phải làm chuyện này là việc điều chuyển về bến mới không bảo đảm được lượng khách cho mỗi chuyến do rất nhiều khách còn quen tại bến cũ, chưa kể những chi phí phải bỏ ra cho mỗi chuyến vượt quá số tiền thu lại".

Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: "Thời gian qua chúng tôi cũng có công văn gửi Công an phường, công an quận theo dõi phối hợp việc các nhà xe không chạy đúng tuyến.

Những nhà xe đi không đúng tuyến thường chỉ dám đậu loanh quanh bến xe và cho "cò" vào bến xe để mời mọc, chèo kéo khách. Vì các xe đó không nằm trong phạm vi bên trong Bến xe Mỹ Đình nên lại không thuộc thẩm quyền xử phạt của chúng tôi".

Cò xuất hiện nhiều tại bến xe Mỹ Đình để mời chào khách về Thanh Hóa - Nghệ An.


Trong khi các công ty vận tải đang lao đao với tình trạng "đói" khách thì rất nhiều xe dù lại hoạt động hết sức công khai. Sau khi gọi điện theo đường dây nóng của Công ty TNHH M.A… nhân viên ở đây cho hay, chỉ có loại xe nhỏ 9 chỗ đi Thái Bình.

Để đặt được một suất đi Thái Bình vào 11h40’ phút chúng tôi phải khai rõ họ tên và số điện thoại để họ lập danh sách. Khi gần đến giờ chạy, nhân viên sẽ gọi điện lại báo BKS, điểm dừng đón khách.

Chiếc xe hiệu Limousine BKS 29B - 60388 đậu tại đường Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chờ chúng tôi. Trên xe lúc này chỉ có 3 khách, sau khi chờ không thấy khách lên, chiếc xe này bắt đầu chạy ra đường Thành Thái, xuyên sang đường Phạm Hùng, vòng vào cổng sau siêu thị Big C để tìm khách.

Lòng vòng vài phút, chiếc xe này bắt thêm được 4 khách, liền lên đường về Nam Định. Giá vé từ Hà Nội về Thái Bình là 130.000 đồng/lượt/người; Hà Nội đi Nam Định là 100.000 đồng/lượt/người. Chúng tôi yêu cầu lấy vé để thanh toán công tác phí với cơ quan, lái xe này cho biết không có vé. Hành khách chỉ có thể lấy phiếu thu từ trong quầy lễ tân của công ty.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Nam, Chánh văn phòng Sở GTVT Thái Bình cho biết: "Từ năm 2016 đã giao cho Thanh tra sở kiểm tra xử lý xe Limousine núp bóng xe hợp đồng. Tuy nhiên việc xử lý là vô cùng khó khăn bởi họ làm khép kín. Thanh tra sở không xử phạt được trường hợp nào bởi họ không bắt khách dọc đường. Chắc chắn họ nắm rõ luật nên mới làm kín đáo như vậy.

*Trước đó, ngày 22/12/2016, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản thông báo về việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô tại Hà Nội. Việc sắp xếp, điều chuyển sẽ bắt đầu thực hiện từ 2/1/2017. Theo đó, điều chuyển các tuyến xe khách của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng chuyển về bến xe Nước Ngầm.

Điều chuyển các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại các bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa chuyển về bến xe Mỹ Đình.

Điều chuyển tuyến của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kom Tum, Sơn La, Thanh Hóa, (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo hướng đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm chuyển về bến xe Yên Nghĩa. Điều chuyển các tuyến của tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây chuyển về bến xe Giáp Bát.

Điều chuyển các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, nước Ngầm, Sơn Tây chuyển về bến xe Gia Lâm. Thời gian thực hiện, sắp xếp, điều chuyển từ ngày 2/1/2017. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề nghị sở giao thông vận tải các tỉnh, thành có liên quan thông báo cho các đơn vị kinh doanh vận tải có luồng tuyến thuộc diện điều chuyển và bến xe có trụ sở đặt trên địa bàn biết về chủ trương, thời gian thực hiện.

Phong Anh
.
.
.