Đừng nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm học sinh

Chủ Nhật, 08/01/2017, 07:38
Hai đứa trẻ lớp 4 của một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội, trong đó một cháu là lớp trưởng cãi nhau. Trẻ con mà, chúng đâu biết gì nên giận dỗi rồi cãi nhau là chuyện bình thường.


Nhưng chuyện không bình thường là cháu lớp trưởng mách cô giáo là bạn kia chửi mình. Còn cô giáo chủ nhiệm không cần hỏi rõ đầu đuôi đã cho 43 bạn trong lớp lên bảng vả vào mặt đứa chửi bậy.

Riêng cháu lớp trưởng còn "trả thù" bằng việc cào vào mặt đứa chửi mình. Cô giáo chủ nhiệm thản nhiên đứng nhìn bởi theo cô, đã chửi bạn thì phải chấp nhận bị bạn vả vào mặt cho chừa.

Minh họa của Lê Tâm.

Đây không phải lần đầu, trước đó gần hai tháng, T.L - cậu học sinh này cũng đã phải chịu nhục khi bị các bạn vả vào mặt khiến hai má đỏ bầm và rất sợ đến lớp.

Tất nhiên, sự việc không thể trôi vào im lặng khi báo chí vào cuộc. Cô giáo chủ nhiệm lớp ngoài việc viết tường trình, kiểm điểm đã phải đến tận nhà xin lỗi phụ huynh học sinh và nhận hình thức kỷ luật là khiển trách, đình chỉ dạy học, chuyển làm giáo viên dự trữ.

Không chỉ tôi mà nhiều người sẽ bức xúc khi đọc những dòng trên bởi chúng ta không thể ngờ một cô giáo từng đứng lớp 21 năm lại có một quyết định phản giáo dục như thế.

Những đứa trẻ còn quá non nớt về nhận thức và hành động, chúng vi phạm kỷ luật nhà trường là điều dễ hiểu, nhưng không thể có những hình thức xử lý theo kiểu làm nhục như thế. Nó sẽ gây tổn thương rất lớn đến tâm hồn trẻ.

Vụ việc trên không phải là cá biệt. Trước đó cũng đã xảy ra khá nhiều vụ tương tự khiến không chỉ phụ huynh học sinh mà cả những người làm trong ngành giáo dục cũng thấy xấu hổ. Họ gọi đó là những hình phạt kỳ quái.

Đó là trường hợp một cô giáo ở Kiên Giang bắt học sinh ăn ớt vì nói chuyện trong lớp, hay học sinh trốn học sẽ bị cô dùng gậy gỗ vụt vào tay 10 cái hoặc vụt vào mông 20 cái; là một thầy giáo ở Nghệ An bắt học sinh tụt quần treo lên đọt cây trước lớp vì em này xắn quần đi học; là một thầy giáo ở Kiên Giang bắt học sinh vục đầu vào hố xí hay bể nước nhà vệ sinh vì em không thuộc bài cũ; là một cô giáo ở Lào Cai đánh học sinh đến mức em này phải đi cấp cứu trong bệnh viện chỉ vì em viết sai chính tả…

Sau những hình thức phạt này là hậu quả gì? Những học sinh bị phạt cảm thấy tức giận hoặc có những phản ứng tiêu cực. Có em không muốn đến lớp, tránh gặp mặt thầy cô giáo. Có em về nhà đóng kín cửa, không muốn tiếp xúc với người nào. Có em khóc và không muốn đến trường… bởi các em thấy mình bị làm nhục.

Một cán bộ lâu năm trong ngành sư phạm cho rằng, những hình phạt trên không hề mang tính giáo dục bởi nó rất phản sư phạm. Giáo viên sử dụng những hình thức phạt này đã vi phạm điều lệ về trường học và vi phạm đạo đức nhà giáo đồng thời, cũng thể hiện năng lực xử lý tình huống sư phạm còn yếu.

Còn một tiến sĩ tâm lý thì khẳng định: Đây không phải là hình thức phạt, mà là hành hạ thân thể và xúc phạm nhân phẩm học sinh. Những hành vi đó vừa đi ngược với Luật Giáo dục, vừa đi ngược với chuẩn mực đạo đức trong cư xử giữa người với người. Phạt là để giáo dục, thay đổi nhận thức theo chiều hướng tích cực chứ không phải để học sinh sợ hãi.

Những hình thức phạt này làm cho ký ức thời đi học của học sinh sẽ in hằn một vết mực đen không thể nào xóa rửa, dễ khiến các em nảy sinh ác cảm với thầy cô, với lớp học và với việc đến trường. Một số học sinh bị lạm dụng hình phạt thường xuyên có thể còn có xu hướng bạo lực với bạn bè và người khác…

Điều mà giáo dục chúng ta đã và đang hướng tới là sự chuẩn mực, là những giá trị cốt lõi để đào tạo ra những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong mối quan hệ tích cực đó, người thầy giáo luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.

Họ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là những tấm gương sáng để học sinh soi vào. Mong rằng, sẽ không phải đọc những chuyện buồn trên và hình ảnh những ngôi trường luôn thân thương, gần gũi và đẹp mãi trong tim các thế hệ học trò.

Tuấn Nguyễn
.
.
.