Đường cao tốc trên cao và những câu hỏi hệ trọng

Thứ Hai, 03/09/2012, 10:36
Hà Nội sắp hoàn tất đường trên cao đầu tiên và tới 2015, một loạt đường trên cao nữa cũng "đổ bộ". Quy mô "thành phố trên không" mang lại diện mạo mới cho thành phố, nhưng dường như các nhà quy hoạch đang nghiêng về ưu điểm mà chưa tính đến những hiểm họa khôn lường của nó. 

Câu hỏi đặt ra: Đường cao tốc trên cao ở Hà Nội được "vẽ" ra từ khi nào và tại sao cho đến bây giờ, các nhà quy hoạch lại ồ ạt xây dựng trên cao?  Trước năm 2009, chưa bao giờ thấy Hà Nội nhắc đến "đường cao tốc trên cao".;

Cụm từ này không xuất hiện ở bất cứ bản quy hoạch, đồ án, hội nghị, hội thảo nào. Một nghiên cứu của kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho thấy, ngay trong bản quy hoạch 1998, nghiên cứu từ năm 1995 đến 1998, sau đó qua nhiều lần chỉnh sửa và công bố rộng rãi năm 2000 và 2004 thì không ai thấy khái niệm đường trên cao. Tới 2007, 2008, khi Hà Nội đưa ra bản quy hoạch tổng thể phát triển (HAIDEP) do đoàn chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu rất công phu, cũng mới đề xuất các tuyến đường sắt đô thị trên cao và một số cầu vượt chứ tuyệt nhiên không có đường cao tốc trên cao. Khái niệm này chỉ thực sự đưa ra từ đầu 2010 và rộ lên từ đó đến nay.

Còn nhớ, tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội ngày 14/1/2010, bất ngờ Sở GTVT Hà Nội đề xuất phương án xây dựng đường trên cao. Và sau 3 giờ bàn luận, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương xây dựng đường trên cao tại nội đô, với kỳ vọng giải quyết ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Từ đây, đường trên cao bắt đầu "dính" vào quy hoạch và được nói đến như là một "sáng kiến vĩ đại" của ngành Giao thông vận tải.

Do được quy hoạch chuẩn nên nhiều nước trên thế giới có hệ thống đường trên cao rất hiện đại và hợp lý.

Ngay sau đó, tháng 2/2010, Hà Nội công bố kế hoạch đường trên cao. Chi phí tính toán khoảng 33.000 tỉ cho 34km theo 6 tuyến: (1) Lạc Long Quân - Yên Phụ ; (2) Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy; (3) Nội Bài - Mai Dịch - Pháp Vân; (4) Ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Kim Giang - đường 70; (5) Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Hồ Tây; (6) Giảng Võ qua Láng Hạ đến Thanh Xuân, vành đai 3.

Đến tháng 8/2010, Tư vấn JICA (Nhật Bản) công bố kết quả nghiêu cứu khả thi 3 tuyến đường sắt đô thị trên cao và ngầm đi từ trung tâm TP ra bên ngoài: Nội Bài, Yên Viên, Ngọc Hồi, Hà Đông, Mai Dịch… Cùng với đó là hệ thống đường sắt đô thị - vốn đã được đưa ra sớm hơn rất nhiều so với đường cao tốc trên cao. Dự kiến có 8 tuyến đường sắt đô thị được triển khai.

Đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển quy hoạch ban đầu không hề có đường trên cao. Đến 2010, dự án này bất ngờ được đưa ra.

Việc dự án đường cao tốc trên cao có quá trình "khai sinh" rất bất ngờ và ngay sau đó lại được triển khai rầm rộ, hút lượng vốn lớn, đặt ra nhiều câu hỏi hệ trọng cần phải được làm rõ. Cụ thể là,  ngày 14/1/2010, Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đề xuất với thành phố dự kiến xây dựng đường trên cao. Thường thì sau khi được chấp thuận, để đưa ra phương án xây dựng loại hình đường cao tốc còn mới mẻ như vậy phải mất rất nhiều thời gian khảo cứu.

Nhưng chỉ hơn một tháng sau (ngày 26/2) đã có phương án cụ thể với 6 tuyến, 34km dự kiến và kèm đó là khoản tiền gần 33 nghìn tỉ đồng. Vậy, tư duy làm đường cao tốc trên cao được hình thành từ khi nào mà dù mấy chục năm qua không hề có trong quy hoạch, thiết kế, nó lại được "lộ diện" từ tháng 1/2010? Và tại sao chỉ trong thời gian rất ngắn (1 tháng) đã có thể "vẽ" được quy hoạch chi tiết từng dự án, tuyến cao tốc trên cao, kèm cả kinh phí…

Cần thấy rằng, trong quy hoạch giao thông, ngay cả việc làm một con đường trên cạn bình thường cũng kéo dài tới nhiều năm mà còn thay lên đổi xuống. Trong khi đường cao tốc trên cao là vấn đề hoàn toàn mới, chưa từng có ở Việt Nam lại đưa ra bất ngờ và nhanh chóng có đồ án? Sự hiện diện của đường cao tốc trên cao cũng nhanh chóng phá vỡ quy hoạch Hà Nội vốn đã ổn định từ trước đó và trực tiếp phá vỡ hệ thống giao thông hiện đại trên cạn - những tuyến đường vừa được hoàn thiện.

Trên thực tế, đường cao tốc trên cao đã được áp dụng ở nhiều nước như Bangkok của Thái Lan, Thượng Hải ở Trung Quốc, Tokyo ở Nhật Bản và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng ở Việt Nam phải được khảo sát kỹ các mô hình đường cao tốc trên cao ở các nước, tính toán các mặt ưu, khuyết điểm trước khi cân nhắc vào điều kiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đường trên cao xuất hiện khiến nhiều tuyến phố đẹp biến thành gầm cầu.

Quá trình xây dựng cũng phải vận dụng thí điểm, tức là xây dựng trước một hai tuyến, đưa vào vận hành để kiểm tra ít nhất vài năm. Quá trình đó rõ ràng phải kéo dài. Thế nhưng, đường cao tốc trên cao lại được Hà Nội đưa ra một cách bất ngờ, vội vàng và không thí điểm (trình đồng loạt 6 tuyến trên cao một lúc).

Ưu điểm của đường cao tốc trên cao được nói đến là:

- Giảm ùn tắc.

- Đảm bảo tốc độ cao ngay trong nội đô (100km/h) - điều mà hệ thống giao thông trên bộ không thể có.

- Không phải giải phóng mặt bằng.

- Không lo ngập lụt: kể cả đại hồng thủy như năm 2008, khi các tuyến phố ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1m thì đường cao tốc với độ cao 4,5-5m khiến tất cả phải "ngước nhìn"!

Tuy nhiên, hàng loạt hệ lụy sau đây lại còn bị bỏ quên:

- Phá vỡ cảnh quan, quy hoạch đường phố: Khi làm đường vành đai 3 (đoạn Phạm Hùng - Nguyễn Xiển), các nhà quy hoạch thiết kế rất đẹp với mặt cắt ngang trên 100m, trong đó ô cỏ phía giữa rất rộng (tương đương 6 làn xe). Việc trừ lại ô cỏ rộng như vậy được các nhà quy hoạch giải thích là để làm cảnh quan, trồng hoa, cỏ, đèn trang trí, đồng thời làm quỹ đất dự phòng để khi mật độ phương tiện tăng thì đã có sẵn đất để mở thêm 1 đến 2 làn xe cho mỗi chiều nữa. Tuy nhiên, khi đường Phạm Hùng vừa đưa vào sử dụng được vài năm thì dự án đường cao tốc trên cao bất ngờ xuất hiện và làm đảo lộn mọi quy hoạch của tuyến này cũng như vành đai 3 nói chung. Hiện, tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển cực chật hẹp và không còn quỹ đất để mở rộng do đường trên cao án ngữ. Vấn đề là nếu đưa việc xây đường cao tốc trên cao vào dự án thì phải có kế hoạch, quy hoạch ngay từ đầu, tại sao tuyến phố mới vừa xây dựng xong đã phá vỡ, đảo lộn để ép dự án mới không hề nằm trong quy hoạch?

- Đường trên cao đẩy cầu cạn vào thế bí: Hàng loạt cây cầu cạn như ngã tư Sở, ngã tư Vọng chưa biết "số phận" có bị khai tử không khi đối đầu đường trên cao. Riêng cầu cạn đoạn Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng dù không bị phá hủy nhưng đặt vào cảnh vô cùng trớ trêu: đường trên cao chạy đều nhịp từ Pháp Vân đến Phạm Hùng, qua đoạn này buộc phải chùng xuống đất trước khi vọt lên theo cầu vượt, rồi lại chùng xuống lần hai trước khi vọt lên lần nữa, tựa như con sóng giữa biển. Đây là hệ lụy khôi hài của tình trạng quy hoạch một đằng, làm một nẻo, bởi cây cầu vượt này vừa xây dựng được ít năm. Giá như đường trên cao là kết quả của tư duy chín chắn thì nó đã nằm trong chỉnh thể đồng bộ chứ đâu đến nỗi này.

- Xuất hiện hàng loạt "phố gầm cầu": Cụm từ "phố gầm cầu" đã đủ nói màu xám xịt, nuôi dưỡng những tệ nạn mà người đô thị muốn tránh xa, thì nay đang "đe dọa" người dân Thủ đô ngay tại các tuyến phố khang trang. Với 6 tuyến cao tốc trên cao như quy hoạch, sẽ có hàng chục tuyến phố vốn đang đẹp, văn minh, thanh lịch ngay lập tức sẽ bị biến thành "gầm cầu" và chưa biết tệ nạn nào sẽ ghé thăm họ! Người dân một trong các phố đẹp nhất Hà Nội là Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng cũng đang vô cùng lo lắng khi nhiều nguồn tin "dọa" làm đường cao tốc trên cao giữa khuôn hoa phố này, biến phía dưới thành gầm cầu! 

Giả thuyết khó lường với đường trên cao

Với tốc độ 100 km/h, khi chạy đường cao tốc trên cao, những chiếc xe mất lái, bất ngờ bị nổ lốp, tài xế ngủ gật, đạp nhầm chân phanh sang chân ga, hệ quả sẽ thế nào? Khả năng xe sẽ lao ra ngoài làn đường, đâm vào lan can.

Hiện, các nhà thiết kế đã cho lắp lan can khá chắc chắn, đổ bê tông cốt thép với chiều cao hơn 1m. Theo tính toán, nếu ôtô con (4 chỗ, 7 chỗ) khi húc phải lan can này có thể bị bật lại mà không văng xuống đường. Tuy nhiên, không loại trừ xe chạy vận tốc cao, có thể bay vọt lan can, lao xuống đường phía dưới.

Đối với xe tải, đặc biệt xe tải hạng nặng, container, nếu chạy vận tốc 80-100km/h thì sức chịu đựng của lan can khó cưỡng. Giả thuyết xe tải húc đổ lan can, lật nhào xuống đường phía dưới là có thể và hệ lụy khó lường bởi ngoài tính mạng tài xế và người trong xe thì hàng loạt người, phương tiện lưu thông đường phía dưới bất ngờ đón nhận cú đánh kiểu "trời sập"!

Không quy hoạch mà cứ xây dựng là không ổn

Là người hàng chục năm gắn với quy hoạch kiến trúc Thủ đô, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nói rằng, thời ông đảm trách, chưa từng thấy ai nói quy hoạch đường trên cao. Các tư vấn nước ngoài cũng chưa đề cập hệ thống giao thông trên cao ở Hà Nội. Do đó, khi xây dựng các tuyến đường phải phải bám vào quy hoạch chung Thủ đô, mà hiện nay đề án này chưa được hoàn thành nên nếu cứ đường trên cao là không ổn.

Theo ông, chỉ nên xây đường trên cao từ vành đai 3 trở ra chứ không lấn sâu vào nội thành. Xây dựng đường trên cao trong nội thành tác động cảnh quan, trong khi quy hoạch Hà Nội chưa tính đến đường trên cao mà đã đưa ra là không được. Cấu trúc đô thị và tổ chức không gian phải tuân theo giá trị của đô thị.

Đăng Trường
.
.
.