Đường dây trộm cắp cổ vật không kiêng nể thánh thần

Chủ Nhật, 16/08/2020, 09:02
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây trộm cắp và tiêu thụ cổ vật lớn nhất từ trước tới nay. Đường dây cổ vật được hình thành khép kín, hoạt động chuyên nghiệp. Chúng phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, không có khâu trung gian.


Đặc biệt, các đối tượng đều có nhiều tiền án, tiền sự, lại có "kinh nghiệm" trong việc xác định giá trị, niên đại cổ vật, nên thường chọn những cổ vật giá trị nhất để lấy đi. Kết quả của Chuyên án không chỉ bắt giữ trọn ổ trộm cắp, mua bán cổ vật với số lượng lớn, mà những tang vật các đối tượng trộm cắp cũng được thu giữ, trả về nơi ban đầu.

Những vụ mất cắp bí hiểm chốn linh thiêng

Ngày 13-3-2020, chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội bị kẻ gian phá cửa lấy mất một pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen, chiều cao khoảng 70 cm. Tiếp đó, chỉ 3 ngày sau vào ngày 16-3, cũng tại huyện Thanh Oai, đình Đại Định, xã Tam Hưng bị kẻ gian phá cửa đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc, hai đỉnh đồng, hai cây nến đồng, một bình sứ cổ.

Đình Đại Định, xã Tân Hưng, Thanh Oai – nơi 3 lần mất cổ vật

Gần nửa tháng sau, tức ngày 29-3, tại chùa Dư Dụ, xã Thanh Thủy kẻ gian cắt khóa lấy trộm một chuông đồng, hai bát hương đặt tại tòa tam bảo. Ngày 11-4, chùa Từ Châu, xã Liên Châu tiếp tục bị kẻ gian lấy trộm một chuông đồng cổ. Đặc biệt, pho tượng Thích Ca đản sinh đã bị mất trộm tới lần thứ ba. Hai lần trước mất, pho tượng đều được tìm thấy và trả lại cho chùa Bối Khê.

Tại đình Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, có cuốn thư rất lớn bằng gỗ với dòng chữ cổ "Liễm phúc tích dân" cũng bị kẻ gian lấy trộm. Điều đáng nói là cuốn thư cổ này có kích thước rất lớn, nhưng không hiểu kẻ gian đã đột nhập lấy trộm và chuyển đi như thế nào.  Sau đó, đình Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, huyện Thường Tín - nơi lắp rất nhiều camera cũng bị trộm đột nhập, cắt dây màn hình và ổ ghi, sau đó lấy 17 cửa võng cùng nhiều cổ vật khác mang đi.

"Săn" những đạo chích vô hình

Đầu tháng 1-2020, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nhận được tin trình báo của những người có trách nhiệm tại chùa Xâm Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, về việc bị kẻ gian đột nhập lấy đi chiếc chuông chùavà 1 mâm đồng. Đây là chiếc chuông bằng kim loại cao 1 mét, đường kính 50cm. Những cổ vật trên không chỉ có giá trị cao về mặt thẩm mỹ, kinh tế mà còn là những bảo vật vô giá của nhà chùa trong không gian tín ngưỡng.

Xác định tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ án, Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng  đã báo cáo Giám đốc chỉ đạo công tác điều tra phá án. Chuyên án điều tra bắt giữ ổ nhóm chuyên trộm cắp cổ vật được Phòng Cảnh sát hình sự xác lập với sự phối hợp chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai...

Trong lúc lực lượng chức năng đang điều tra, xác minh thì ở nhiều đình, chùa vẫn liên tiếp xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật. Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra tình trạng trộm cắp cổ vật; tăng cường tuần tra, canh gác, hướng dẫn việc lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.

Quá trình điều tra, Ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn, bởi gần như các đối tượng không để lại bất cứ dấu vết nào. Tất cả những lối ra, vào đột nhập các địa điểm thờ cúng, tín ngưỡng này, các đối tượng thuộc trong lòng bàn tay. Thời điểm đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra quyết liệt và tội phạm càng ẩn sâu, nằm kỹ, khi hoạt động gây án đều tính toán kỹ thời gian, kế hoạch... nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Các đối tượng trong vụ án.

Cùng với việc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, danh sách những đối tượng nằm trong diện nghi vấn có liên quan đến hoạt động mua bán cổ vật trên địa bàn thành phố Hà Nội được các trinh sát dựng lên. Không chỉ những ngôi chùa, cơ sở thờ tự lớn ở Thủ đô được xây dựng phương án bảo vệ, các ngôi chùa cổ ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận cũng nằm trong tầm bảo vệ, theo dõi của trinh sát với mục tiêu phát hiện và bắt giữ những đối tượng gây án hoạt động tại đây.

Ngoài việc bám địa bàn, tổ chức bảo vệ tại các điểm có cổ vật, điểm đột phá đầu tiên Ban chuyên án tính tới đó là "săn" các đối tượng buôn bán cổ vật bởi đây chính là "đích đến" của các đối tượng trộm cắp. Rà soát tất cả những người chuyên buôn bán cổ vật trên địa bàn, Ban Chuyên án thấy nổi lên Nguyễn Văn Toàn, SN 1965, ở phố Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Toàn từng có 4 tiền sự, 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Giám sát các hoạt động làm ăn của Toàn, lực lượng chức năng đã xác định đường dây trộm cắp, mua bán trái phép cổ vật mà đối tượng này chính là mắt xích quan trọng nhất.

"Hốt" trọn ổ trộm "bàn tay vàng"

Đêm 6, rạng sáng 7-8, dưới ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, Hà Nội mưa như trút nước. Nếu không có việc quan trọng thì không ai dám ra đường. Xác định những đêm mưa gió chính là thời điểm thuận lợi để các đối tượng trộm cắp thực hiện phạm tội và vận chuyển, tiêu thụ tang vật nên Ban Chuyên án đã triển khai lực lượng mật phục tại những điểm quan trọng giám sát đối tượng.

Khoảng 3h sáng,  cánh cửa của căn nhà 391 phố Kim Ngưu hé mở. Đối tượng trong nhà ló đầu ra quan sát. Cùng thời điểm hai đối tượng phóng xe máy đỗ xịch sát cửa nhà, quăng xuống một bao tải khá lớn.

Lập tức một tổ công tác bất ngờ ập vào kiểm tra, bắt giữ quả tang khi các đối tượng đang khệ nệ khiêng một bao tải đồ vào nhà. Trong bao tải có khá nhiều cổ vật như lá đề bằng gỗ, cùng nhiều cổ vật khác chuyên dùng để trưng bày nơi thờ tự, tín ngưỡng. 3 đối tượng bị các trinh sát bắt tại chỗ gồm Nguyễn Văn Toàn (chủ nhà); Nguyễn Văn Huy, SN 1982, ở đường Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội và Nguyễn Văn Hậu, SN 1990, HKTT tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, số tài sản trong bao tải là do chúng vừa trộm cắp được tại nhà thờ Thượng Đồng, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam.

Chi tiết vụ trộm như sau, Hậu điều khiển xe máy BKS 29V3-4373, chở Huy đến nhà Toàn lấy 1 túi xách màu xanh bên trong có áo mưa, kìm cộng lực, găng tay... để đi trộm cắp tài sản. Cả hai đi xuống nhà thờ Thượng Đồng, huyện Bình Lục, Hà Nam và không thấy ai trông giữ liền tìm cách đột nhập vào trong. Huy cắt khóa cửa lách vào bên trong vận chuyển ra 4 cổ vật hình lá đề với đầy đủ chân đế cùng một âm ly, đầu thu...

Cả hai cho vào bao tải và phóng một mạch về nhà Toàn để bán lại cho ông chủ đồ cổ này.Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận chỉ trong vòng hơn nửa năm đến khi bị bắt, đường dây trộm cắp mua bán cổ vật trên đã cùng nhau gây ra 13 vụ trộm cắp tài sản.

Nguyễn Văn Huy là đối tượng được "giới" trộm cắp phong cho là "bàn tay vàng" bởi sự khéo léo, nhanh nhạy trong việc đục tường khoét vách. Hắn từng bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản (cổ vật) nhưng ra tù vẫn chứng nào tật ấy, tiếp tục sử dụng bàn tay khéo léo của mình vào việc trộm cắp. Hắn móc nối lại với Nguyễn Văn Hậu - là bạn tù và cũng là đối tượng chuyên trộm cắp cổ vật.

Để có phương tiện đi gây án, cả hai góp tiền mua một chiếc xe máy, đồng thời mua thêm các dụng cụ khác như kìm cộng lực, găng tay, khẩu trang, quần áo mưa... Trước đó, do đã từng nhiều lần trộm cắp và đi tù về tội trộm cắp cổ vật, Huy khá thân thiết với Nguyễn Văn Toàn.

Cả ba thống nhất số tài sản mà Huy và Hậu đi trộm cắp mang về sẽ được Toàn bao tiêu thụ. Việc trộm cắp được Huy và Hậu phân công rõ ràng nhiệm vụ cũng như cách thức gây án, nhằm tránh bị cơ quan Công an, người dân phát hiện, điều tra truy bắt. Số tiền từ việc 2 đối tượng này bán cổ vật cho Toàn được chia đôi, chúng "nướng" vào các chiếu bạc và ma tuý.

Theo các đối tượng, để tránh việc bị phát giác, chúng thường đi trộm vào những đêm mưa gió, bảo vệ lơ là cảnh giác. Đặc biệt, chúng không đi theo bất cứ quy luật nào, có khi trộm liên tục 2-4 ngày, có khi cả tháng mới đi 1 lần gây khó khăn cho công tác điều tra, bắt giữ. Chúng không ngờ, dù thủ đoạn tinh vi, cuối cùng vẫn bị bắt giữ.

Phương Thuỷ
.
.
.