"Đứt tay" vì mạng xã hội

Thứ Tư, 31/01/2018, 13:51
Mạng xã hội mang đến nhiều điều bổ ích, kết nối và tương tác nhanh nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều phiền toái. Người sử dụng mạng xã hội giống như sử dụng một con dao hai lưỡi. Chỉ cần một chút bất cẩn, phát ngôn bình phẩm thiếu suy nghĩ là có thể bị “đứt tay”. Ðừng nghĩ thế giới ảo thì không gây ra phiền lụy.

Một nhà báo phải giải trình về phát ngôn thiếu kiểm soát của mình về tân Hoa hậu Hoàn vũ. Một người dân ở Cần Thơ được mời đến cơ quan công quyền vì đăng những hình ảnh thiếu văn hóa liên quan đến cái cổng chào. Một hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì có hành vi bôi nhọ đồng nghiệp trên mạng xã hội facebook… 

Và còn rất nhiều câu chuyện khác chúng ta đã và đang chứng kiến, không nặng nề đến mức phải làm việc với cơ quan chức năng, nhưng người phát ngôn đã phải hứng chịu biết bao “gạch đá” từ dư luận. 

Mạng xã hội mang đến nhiều điều bổ ích, kết nối và tương tác nhanh nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều phiền toái. Người sử dụng mạng xã hội giống như sử dụng một con dao hai lưỡi. Chỉ cần một chút bất cẩn, phát ngôn bình phẩm thiếu suy nghĩ là có thể bị “đứt tay”. Ðừng nghĩ thế giới ảo thì không gây ra phiền lụy.

Ám ảnh nút like

Trên mạng xã hội cũng như trong đời thường, có một quy luật, là những điều gì trái khoáy, lạ, đi ngược với sự bình thường thì thu hút sự tò mò của đám đông hơn, được chú ý nhiều hơn. 

Đời thường có khi người ta tập trung một lúc rồi bỏ đi, còn trên mạng xã hội, nơi mọi thứ đều ảo, con người không nhìn thấy mặt nhau, nhưng có thể để lại  nút nhấn like hay những từ ngữ cụ thể trong các phần bình luận. 

Tâm lý của người chơi mạng xã hội là muốn viết những gì để lôi kéo người khác đọc của mình. Tóm lại phải có nhiều like, nhiều comment. Nên cụm từ “câu like” mới xuất phát từ đó. 

Người ta bị ám ảnh nút like. Giống như một nghệ sĩ biểu diễn, sân khấu bày ra đấy mà không có khán giả vỗ tay thì dễ sinh chán. Cho nên người ta phải tìm cách gây chú ý. Chính sự gây chú ý này gây lên những phiền toái. Nó bộc lộ rõ nhất văn hóa của một người sử dụng mạng xã hội. 

Thực sự trên mạng xã hội có những người trở nên nổi tiếng, vì họ bộc lộ sự “câu like” bằng hiểu biết của mình, bằng sự văn minh, bằng ngôn ngữ giàu thông tin, có tác động tích cực đến người đọc, tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. 

Nhưng ngược lại, không hiếm người bộc lộ một nền văn hóa cá nhân thô thiển, xấu xí, khi họ đưa ra quan điểm của mình về một vấn đề nào đó, một ai đó. Họ khiến cho những người tử tế khó chịu, phải lên tiếng. Họ tạo ra những bức xúc trong dư luận, sự bất bình trong dư luận. 

Nhà báo Anh Ngọc từng nhận định: “Tư duy sai lầm khi cho rằng đây chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng. 

Khi các mạng xã hội, mà ở đây là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm trong tay của một số đông “cùng chất”. 

Tâm lý bầy đàn, hiếu kỳ, a dua a tòng và thiếu những suy nghĩ chín chắn ấy sẽ cùng tốc độ lây lan nhanh của Facebook tạo ra những làn sóng ập lên những “nạn nhân” khác “chất” của họ”. 

Bằng cách này, khi một người có ý đồ xấu với ai đó, với điều gì đó, họ sẽ đưa ra những thông tin chủ quan nhằm tạo lên cơn sốt hiếu kỳ trong đám đông, lợi dụng tâm lý bầy đàn tạo nên một đám đông đáng sợ. 

Kết quả là người phải hứng chịu những lời bôi nhọ nói xấu đó có thể bị tác động tâm lý mà dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, đôi khi gây ra những hậu quả đau lòng. 

Chúng ta đã từng chứng kiến một học sinh nữ, vì bị bạn bè đưa ảnh lên mạng bôi nhọ, nói xấu nên đã nhảy xuống sông tự tử. Có thể nói, có những cái chết vô tình được gây ra bởi những status vô trách nhiệm, những nút like vô cảm, những bình luận thiếu văn hóa.

Hãy “sử dụng” mạng xã hội, chứ đừng “chơi”

“Sử dụng”  nghĩa là người ta phải hiểu biết một công cụ, một phương tiện nào đó. Còn “chơi” - một từ nhiều người hiện nay hay dùng khi nói về Facebook thì lại có nghĩa đơn giả hơn. Chơi thì thế nào cũng được, đưa thông tin gì lên, nói năng thoải mái ra sao không cần biết. Và những cú “đứt tay” cũng xảy ra với chính những người chơi dao mà không hiểu về dao, chơi Facebook mà không hiểu về sức mạnh cũng như độ nguy hiểm của nó.

Thông thường khi ta gặp trực tiếp một người theo kiểu mặt đối mặt, dù trong lòng ta không ưa người đó bao nhiêu, ta cũng không dễ dàng mà phát ngôn trực tiếp những điều quá thô lỗ, thiếu văn hóa. 

Việc gặp gỡ trực tiếp tác động nhiều đến hành vi của bạn. Còn khi ta ngồi phía sau bàn phím, dùng con chữ hay hình ảnh làm công cụ, không phải đối diện trực tiếp với một ai đó thì ta lại có thể dùng những lời thậm tệ, thiếu văn hóa, thậm chí miệt thị, mạt sát người khác. 

Giống như anh nhà báo nọ dùng những lời không có chút văn minh nào để nói về màu da của tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vừa rồi. Là bởi tính ảo, tính giấu mặt của mạng xã hội đã cho phép người ta mạnh miệng hơn, nói năng thoải mái mà không cần kiểm soát. 

Mạng xã hội hoàn toàn có thể biến một con người ngoài đời thành một con người khác. Họ có thể xây dựng một hình ảnh theo xu hướng nào đó tùy mục đích mà họ muốn hướng đến. Chẳng hạn, hiền lành nhu mì giàu cảm xúc hơn, hoặc nanh nọc đanh đá cá tính hơn. Không ai kiểm duyệt điều đó cả.

Ý nghĩ mạng xã hội là trang cá nhân, thích viết gì thì viết là sai lầm. Nếu xem đó cũng là một xã hội, thì luôn có những chế tài, những giới hạn mà người tham gia phải tuân theo. Trừ khi bạn mạo danh, không công khai hình ảnh thật, danh tính thật, còn nếu bạn thể hiện rõ ràng mình là ai trên mạng xã hội, thì nếu bạn vi phạm vào các yếu tố như nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ người khác, tức là bạn đã vi phạm pháp luật và bạn hoàn toàn có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Tất nhiên ở ta, việc giáo dục cho người sử dụng mạng xã hội, nhất là những người trẻ tuổi, cách hành xử văn hóa trên môi trường mạng chưa được đề cao, quan tâm đúng mức. Việc này cần được nhanh chóng điều chỉnh. Xã hội cần quan tâm nhiều hơn những vấn đề liên quan đến công nghệ. Cần phải có những quy định cụ thể, ngặt nghèo hơn để mọi người thực sự có trách nhiệm với các thông tin hoặc phát ngôn họ đăng tải trên mạng xã hội. 

Mỗi gia đình hiện nay đều có phần lớn các thành viên tham gia vào mạng xã hội. Cha mẹ hãy chủ động dạy cho con cái cách ứng xử văn minh ngoài cuộc đời cũng như trên mạng xã hội. Hãy bỏ cách nghĩ mạng xã hội chỉ để chơi, thích làm gì thì làm. 

Nhà trường cần có những giờ học bổ ích cho học sinh ngay từ khi các em mới bắt đầu tiếp xúc với mạng xã hội, để các em nhận thức đâu là đúng đâu là sai khi đưa thông tin trên các trang cá nhân của mình.

Hội Vũ
.
.
.