Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:

E ngại quan hệ thầy trò bị "hành chính hóa"

Thứ Ba, 16/10/2018, 09:00
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó điểm đáng chú ý trong dự thảo là: tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10 - 20 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy từ 1 - 6 tháng. Ngay khi đưa ra để bàn luận dự thảo này đã nhận được không ít những ý kiến trái chiều.


Còn đâu lòng tự trọng của người thầy?

Từ khi dự thảo được đưa ra đã tạo nên rất nhiều tranh luận, đặc biệt là từ phía giáo viên, những người trực tiếp tham gia giảng dạy. Các thầy cô e ngại, nếu dự thảo được áp dụng sẽ “hành chính hóa” mối quan hệ thầy và trò, có phần cứng nhắc. Khi ấy thầy và trò sẽ chỉ nhớ mốc là bị phạt bao nhiêu tiền, nhiều người sẽ hiểu câu chuyện về đạo đức nhà giáo được đo đếm bằng tiền. 

Quan hệ giữa thầy và trò là hoàn toàn khác biệt so với quan hệ dân sự thông thường. Chính vì thế, khi phát sinh về việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay thân thể cần (nên) xử bằng những quy định của ngành. Bởi trong ngành Giáo dục đã có đầy đủ các chế tài như Quy định về đạo đức nhà giáo năm 2008. 

Theo quan điểm của một số chuyên gia, học sinh sai phạm không nên dùng các hình thức xử phạt hà khắc mà cần trò chuyện để tìm ra nguyên nhân. (ảnh chỉ có tính minh họa).

Hơn nữa luật pháp không cho phép bất kể ai xúc phạm thân thể và danh dự người khác, quy định không được phép bạo hành trẻ trong trường học có lẽ giáo viên nào cũng thuộc như lòng bàn tay.

Tại một số nước phát triển, việc người thầy sử dụng đòn roi để dạy trẻ không hiếm. Ngay cả ở Việt Nam, nhiều giáo viên dùng roi vọt để giáo dục nhưng vẫn được học trò, phụ huynh quý mến và tôn trọng. Ở góc độ này, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, TS Thu Hương đưa ra quan điểm: “Roi vọt kèm những thông điệp giáo dục rõ ràng đôi khi giúp học trò phân biệt rạch ròi ranh giới giữa được phép/ không được phép, cái đúng/cái sai, biết nhận ra lỗi lầm… 

Phạt học sinh bằng đòn roi không phải lúc nào cũng là hành vi bạo hành. Vậy hành động của giáo viên ở mức độ thế nào, gây tác động như thế nào thì mới được xác định là “xâm phạm thân thể người học” và bị xử lý hành chính? Nếu không quy định rõ sẽ gây khó dễ cho việc thực thi”.

Là giáo viên, bất kể ai cũng mong muốn học trò tiến bộ. Để xảy ra những điều đáng tiếc có lẽ là do kỹ năng xử lý các vấn đề trước khi bị mất bình tĩnh. Nếu kết tội, phạt tiền người thầy mà không quan tâm đến người trò đã làm gì, đã cư xử hoặc hành động gì, có nguy hiểm đến ai không, có gây hậu quả không là một việc làm không thỏa đáng.

Điều này sẽ không hợp tình, hợp lý, dễ gây tổn thương cho giáo viên, dẫn đến mất dần tâm huyết với nghề. Lâu nay cha mẹ là người đóng vai trò giáo dục đạo đức và các kỹ năng, nhà trường giáo dục kiến thức. Đây là quy định bất thành văn từ lâu, nhưng nhiều phụ huynh đã phó mặc con cái cho nhà trường. Khi các con có hành động xấu ngoài xã hội lại lên án nhà trường… 

Như vậy trước khi luật hóa mọi vấn đề, chúng ta rất cần cân nhắc xem các quyết định, hành vi của người lớn chúng ta sẽ đem lại thông điệp gì cho trẻ. Từ đó chúng ta mới đạt được mục tiêu cuối cùng là tốt cho học trò, bảo vệ thầy cô.

Phạt để ngăn chặn sai trái

Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người đã gắn bó với ngôi trường đặc biệt gồm những học sinh cá tính và quậy phá – THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng – trong gần 30 năm qua. Đây cũng là ngôi trường duy nhất không chọn học sinh khi nhận đầu vào nhưng phải đảm bảo “học sinh nên người” ở đầu ra. Hơn ai hết, thầy Lâm hiểu những áp lực từ các học sinh đặc biệt của mình.

Còn theo thầy Lâm, cần tăng mức phạt để ngăn chặn hành vi sai trái.

- Thưa thầy. Hiện nay giá trị đạo đức trong ngành Giáo dục đang xuống cấp, việc đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có phải là giải pháp không?

+ Theo tôi, ngăn chặn các vấn đề tiêu cực trong ngành Giáo dục, ngoài mặt tuyên truyền giáo dục thì phải nâng thêm mức phạt để ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái. Từ đó giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái ấy. Còn cứ làm sai rồi lại xin lỗi không thì không được.

- Vậy để khả thi hơn thì theo thầy cần làm rõ yếu tố nào?

+ Theo tôi phải tường minh các khái niệm. Thí dụ xâm hại về mặt tinh thần đối với trẻ, nói những câu nói này hay câu nói kia là không được nhưng ở mức độ nào thì bị nhắc nhở và đến mức nào thì bị xử phạt. Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố này là bởi vì trong nhà trường thì không thể lấy phạt lên hàng đầu. 

Thay vào đó chúng ta phải đẩy yếu tố giáo dục trong nhà trường lên. Ngay cả với phụ huynh chúng ta cũng nên có phương pháp chứ không thể để mối quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh như ngoài chợ được. Và chừng nào người ta vượt giới hạn thì mới được phạt hành chính.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, lương giáo viên cả năm cũng không đủ một lần nộp phạt, thầy giải thích điều này thế nào?

+ Đó là mọi người nói theo cảm tính. Nói như thế là không được vì đây là mặt bằng pháp luật Nhà nước. Trong ngành Giáo dục, nếu mà thầy cô vi phạm thì không chỉ bị phạt mà thậm chí còn bị đuổi ra khỏi ngành.

- Theo thầy, việc phạt hành chính có ảnh hưởng đến cái uy của thầy cô đối với học trò của mình không?

+ Đó chính là hệ lụy nếu chúng ta làm không đúng. Nhiều người nói rằng tình trạng giáo dục hiện nay là cái gì cũng phạt chứ không có yếu tố giáo dục. Trong nhà trường, một câu nói xúc phạm đến học sinh lần thứ nhất là đáng bị phê bình và rút kinh nghiệm, lần thứ 2 là đáng bị kỷ luật nhưng đến lần thứ 3 mà anh vẫn vi phạm nghĩa là anh cố tình thì phải xử phạt. 

Như trường của tôi là kỷ luật rất nghiêm, hệ thống theo dõi, hệ thống đánh giá rất chặt chẽ. Ví dụ học sinh chỉ cần ngủ gục trên bàn là giáo viên phải có trách nhiệm nhắc nhở. Nếu giáo viên không nhắc nhở được mà để học sinh tràn lan như thế là tôi phê bình giáo viên. Nếu nhiều lần như thế là tôi trừ lương anh hoặc tôi không nhận anh nữa.

 - Vậy theo thầy thì có phương pháp ưu việt nhất để học sinh nghe lời không?

+ Không có phương pháp nào ưu việt nhất, giáo dục là một quá trình anh không thể đi tắt được cũng không thể ra mệnh lệnh là thành công ngay. Trong từng giờ học thì giáo viên phải chịu trách nhiệm. Chúng ta có một khung nội quy, có người điều khiển được học sinh nhưng cũng có người bất lực. Một người thầy không có tác phong sư phạm hay chỉ đạo không dứt khoát là học sinh không sợ.

- Nhiều người cho rằng, ở cấp độ tiểu học hay THCS thì việc phạt hay đánh học sinh cũng có thể là một phương pháp có tác dụng tích cực. Vậy theo thầy có đúng không?

+ À, đó là quan niệm ngày xưa “yêu cho roi cho vọt”, nghĩa là phụ huynh cũng đồng tình để thầy cô làm việc đó. Nhưng bây giờ dân chủ rồi, người ta không nghe như thế. Đó chính là lý do vì sao chúng ta không được dùng bạo lực trong nhà trường là vì sự phát triển nhân cách của mỗi con người.

- Vậy có nghĩa là việc đánh học sinh dù ở cấp nào thì cũng không nên duy trì phải không thưa thầy?

+ Không có nền giáo dục hiện đại nào mà người ta cho phép đánh học sinh cả. Ví dụ bố đánh con thì còn bao biện là con tôi đẻ ra thì tôi đánh. Nhưng với những nước phát triển thì ngay cả việc đó cũng không được. Chỉ cần đứa con kiện hay nhà hàng xóm nhìn thấy họ báo công an thì anh cũng bị bắt ngay.

Cô giáo Trần Thu Trà (Bát Xát, Lào Cai) bị đình chỉ công tác vì có hành vi đánh học sinh của mình.

- Việc mắng học sinh hay đánh học sinh thì pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng. Ở góc độ nhà trường thì dự thảo này có tác dụng gì không, thưa thầy?

+ Trong quá trình tuyên truyền mà người ta không thay đổi thì phải xử phạt hành chính. Phạt để người ta tự chịu trách nhiệm về hành vi của người ta. Phạt hành chính cũng là giới hạn để người ta hiểu hành vi của người ta nếu không chấm dứt thì còn nặng nữa.

- Khi Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong ngành Giáo dục được đưa ra, nhiều giáo viên đã cho rằng làm như vậy là đang gây áp lực lên họ và đang làm giảm quyền của họ. Ví dụ khi tôi gặp phải một học sinh quá cứng đầu, tôi phải có quyền mắng hoặc đánh nó chứ. Xét về góc độ cá nhân thầy có thấy như vậy là đúng không?

+ Không được. Nếu anh không xử lý được thì sẽ có cấp cao hơn như hiệu phó, hiệu trưởng. Như ở trường tôi có hẳn một phòng tư vấn, có chuyên gia tâm lý ngồi để tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc của học sinh. Ví dụ như tuần trước, có 2 nữ sinh trong giờ thể dục nói rằng chân đau không tập được nhưng thầy giáo không tin cho rằng 2 nữ sinh đó nói dối khiến 2 em đó khóc òa lên. 

Khi đó chuyên gia tư vấn đã đến trò chuyện với 2 nữ sinh này và biết chắc chắc 2 em đó nói thật. Nếu không tìm hiểu tâm lý học sinh đôi khi thầy cô nghi oan cho các em. Điều đó sẽ gây sự ức chế và bức xúc cho học sinh, khiến những đứa trẻ này cảm thấy tổn thương. 

Còn nếu các em có những hành vi vi phạm thầy cô không nên bắt chúng viết bản kiểm điểm theo kiểu sáo rỗng dăm câu ba điều cho xong mà phải cho nó lý giải vì sao học sinh làm việc đó để có cơ hội chia sẻ. Việc làm đó có tác hại gì với người khác và bản thân các em. Lần sau gặp phải trường hợp đó có vi phạm nữa không? Nếu không thì tránh bằng cách nào?

-  Xin cảm ơn thầy!

Phong Anh
.
.
.