EU cam kết tài trợ 25 tỷ euro để cứu vãn kinh tế

Chủ Nhật, 15/03/2020, 16:53
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối sẽ ra mắt quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro (28 tỷ USD), trong đó sẽ giải ngân ngay lập tức 7,5 tỷ để hỗ trợ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc làm và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Để bảo vệ nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đang hoành hành tại châu Âu và trên thế giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối sẽ ra mắt quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro (28 tỷ USD), trong đó sẽ giải ngân ngay lập tức 7,5 tỷ để hỗ trợ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc làm và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Toàn bộ 27 nước thành viên EU có ca nhiễm COVID-19

Ngày 9-3, Cộng hòa Cyprus đã thông báo về 2 ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở nước này, trong đó có một chuyên gia y tế cộng đồng. Cả hai bệnh nhân đều là nam, đều đi nước ngoài gần đây. Bệnh nhân đầu tiên vừa quay về từ miền bắc Italia, còn bệnh nhân thứ hai (một chuyên gia y tế 64 tuổi) vừa quay về từ Anh. 

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 27 quốc gia thành viên EU (Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungary, Ireland, Italia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, và Thụy Điển) đều đã ghi nhận các ca bệnh COVID-19. 

Trong đó, Italia hiện đã trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới, với các ca nhiễm mới liên tục tăng khi tính tới ngày 10-3 đã có 10.149 trường nhiễm COVID-19, 631 trường hợp tử vong. 

Theo ước tính ban đầu, ngành du lịch Italia có thể mất khoảng 8,3 tỉ USD doanh thu do dịch COVID-19. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã phải ký sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà, cấm mọi hoạt động tập trung đông người, và đóng cửa tất cả các trường học kể từ ngày 10-3.

Italia đã phải phong toả toàn bộ đất nước vì dịch COVID-19.

Tung tiền để cứu doanh nghiệp và đầu tư cho y tế

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italia Stefano Patuannelli cho biết để ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Italia sẽ thông qua gói các biện pháp trị giá 10 tỉ euro (11,35 tỉ USD). Chính phủ Đức cũng ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các công ty vừa và nhỏ và tránh sa thải hàng loạt nhân công, thông qua các công cụ thị trường lao động hiện có. 

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để dịch bệnh không ảnh hưởng tới nền kinh tế xét ở vĩ mô. Đức sẽ đảm bảo việc làm và sản xuất trong nội địa.

Chủ tịch EC von der Leyen nhấn mạnh, EU sẽ sử dụng tất cả các khoản tài chính trong khả năng, đồng thời dùng mọi phương tiện để có thể giúp nền kinh tế tăng sức kháng cự và có thể vượt qua “cơn bão”. Chủ tịch EC cho biết, các khoản viện trợ này phải được cấp cho các nước đang thực sự có nhu cầu và EU cần linh hoạt trong các quy tắc của mình để hạn chế thâm hụt ngân sách.

Các lãnh đạo EU cho hay khối sẵn sàng sử dụng mọi công cụ cần thiết để giải quyết các hệ lụy về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, EU sẽ xem xét những tác động đối với tính thanh khoản, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng và quan tâm tới người lao động.

Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng hợp tác, hành động nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ với Hội đồng châu Âu để đẩy lùi bệnh dịch. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel lưu ý các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ của 27 nước phải tham vấn nhau hằng ngày để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng trên cơ sở tuân thủ các phương hướng chung của EU. 

Ông Michel cho biết, sau khi trao đổi về thông tin và tình hình thực tế, các lãnh đạo đã xác định mối bận tâm lớn nhất hiện nay là hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trong đó quan trọng nhất là tìm ra vaccine phòng bệnh.

Các quốc gia thành viên đồng ý rằng sức khỏe của công dân là ưu tiên hàng đầu và các biện pháp đưa ra phải được xây dựng trên tư vấn khoa học - y tế, tương xứng để không gây những hậu quả quá mức cho toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo đồng ý rằng, vào thời điểm này, họ sẽ chia sẻ mọi thông tin liên quan thông qua các cơ chế phối hợp hiện có.

Các lãnh đạo EU cũng thống nhất giao nhiệm vụ cho EC phân tích nhu cầu và đưa ra các sáng kiến để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế, trong đó đặc biệt chú ý đến khẩu trang và máy thở. Pháp và Đức đã bị chỉ trích vì ngăn chặn việc xuất khẩu các mặt hàng này.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nghiên cứu để tìm thuốc điều trị và vaccine ngừa virus COVID-19. Về phần mình, EC đã huy động được 140 triệu euro (158,5 triệu USD) và lựa chọn ra 17 dự án cho các công việc nêu trên. 

Các quốc gia thành viên cùng các thể chế châu Âu sẽ thực hiện theo dõi ở tất cả các cấp và triển khai việc này ngay lập tức. Hội đồng châu Âu sẽ quay trở lại thảo luận vấn đề trên trong Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức vào các ngày 26 và 27/3 để đưa ra những quyết định bổ sung cần thiết.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.