G20 và những điều được mong đợi

Thứ Tư, 05/07/2017, 15:33
Ngày 7 và 8-7 tới đây, cả thế giới sẽ hướng về châu Âu, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao G20 tại Hamburg, Ðức. Hội nghị lần này được đặc biệt chú ý vì những vấn đề nổi lên trước đó, như căng thẳng giữa phương Tây và Nga tại Syria, hay vấn đề môi trường với việc Mỹ tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, hoặc vấn đề bảo hộ thương mại, căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, làn sóng khủng bố toàn cầu...


Tuy nhiên, nhiều khả năng Hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ tập trung bàn về chống biến đổi khí hậu. Điều này đã được Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel xác nhận vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị. 

Bà Merkel tin rằng chủ đề này có thể sẽ là vấn đề nghị sự khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, bà Merkel khẳng định việc giải quyết các vấn đề của biến đổi khí hậu vẫn sẽ là một ưu tiên của châu Âu.

Bà Merkel nêu quan điểm trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 29-6 vừa qua, ngay trước cuộc họp với các lãnh đạo châu Âu khác: "Những khác biệt là chuyện đương nhiên và sẽ là gian dối nếu cố tình khỏa lấp chúng. Tôi sẽ không làm chuyện đó. Liên minh châu Âu kiên quyết ủng hộ sự đồng thuận của khối tại Paris và sẽ thực thi thỏa thuận đó nhanh chóng, kiên định. Hơn nữa, vì việc Mỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, chúng ta càng quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc thực hiện thành công thỏa thuận này".

Ngay từ 2 hội nghị trước NATO và G7, một nhân vật nổi bật trong lần đầu tiên xuất hiện - Tổng thống Mỹ Donnal Trump với hàng loạt những tuyên bố sốc và quan điểm khác biệt, riêng lẻ - vì thế mà không có được sự thống nhất trong nội bộ NATO cũng như G7. Nhưng đến với G20, Mỹ cần phải tự trù tính xem lại vị thế “chủ chốt” từng nghĩ là của mình ở 2 hội nghị trước. Và Mỹ còn phải “chạm trán” với một số nhân vật có tiếng trên chính trường quốc tế tại G20. Ở đây sẽ có những cuộc gặp gỡ bên lề gây chú ý bởi những tiên đoán về nó, liệu có thể gạt bỏ đi những bất đồng, thúc đẩy mối quan hệ?

Đây sẽ là cuộc gặp gỡ trực tiếp lần đầu tiên giữa ông D.Trump và ông V.Putin, lãnh đạo của 2 cường quốc Mỹ và Nga, nhưng cả 2 lại đang có mối quan hệ song phương tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, thời Tổng thống B.Obama. Dù trước nay, ông Trump và ông Putin thường xuyên có thiện chí đưa ra những nhận xét tích cực dành cho lãnh đạo đối phương, nhưng quan hệ Nga - Mỹ đang ngày càng xấu đi với sự leo thang xung đột ở Syria. Liệu 2 nhà lãnh đạo nhiều ảnh hưởng này có thể dẹp qua bất đồng để tìm được tiếng nói chung?

Xe cảnh sát đỗ trước tòa nhà, nơi sẽ diễn ra Hội nghị G20 tại Hamburg, Ðức.

Một nhân vật khác, dù chỉ mới nhậm chức ngày 14-5 vừa qua, song đã trở thành ngôi sao mới trên bầu trời chính trị thế giới là tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước đó, với phong thái tự tin, trí tuệ khôn ngoan, khí chất điềm tĩnh, ngày 25-5, ông Macron đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp D.Trump trước thềm Hội nghị NATO. 

Cuộc gặp gỡ của 2 tân binh vừa mới bước vào chính trường trong năm 2017 này cũng sẽ gây chú ý lớn, bởi lẽ 2 nước này không cùng chung nhận định về một số vấn đề quốc tế như chính sách đối ngoại với Nga hay thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.

Khi cùng đồng hành qua 2 hội nghị NATO và G7, ông Macron nhận định ông Trump là người biết lắng nghe và có mong muốn làm việc, điều đó cho thấy được quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp đang được ưu tiên, những bất đồng dần khép lại.

Trọng Nhân (tổng hợp)
.
.
.