G7 2017 Ðồng thuận, chưa đồng lòng

Thứ Năm, 08/06/2017, 16:37
Hội nghị thượng đỉnh G7 của nhóm các nước công nghiệp phát triển diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-5 tại thành phố Taormina, Ý đã “thành công tốt đẹp”, với thông cáo chung về một loạt vấn đề quan trọng như tình hình bán đảo Triều Tiên, thương mại, khủng bố, biến đổi khí hậu, nhập cư… Tuy nhiên, dù có sự đồng thuận nhưng chưa đạt tới mức đồng lòng.


Những vấn đề quan trọng

Liên quan đến thực tế đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên, các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ sẵn sàng tăng cường các biện pháp để đối phó. Về vấn đề thương mại, Hội nghị đưa ra thông cáo thống nhất mở cửa thị trường và chống chủ nghĩa bảo hộ. Các nước cũng cam kết chống lại các hoạt động thương mại không công bằng, giảm bất cân bằng toàn cầu, nhắc lại các cam kết về tỷ giá hối đoái đã được các bộ trưởng Tài chính của G7 nhất trí trước đó. Thông cáo còn nêu rõ, thương mại và đầu tư là động cơ chính yếu để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Hội nghị đưa ra tuyên bố chung gồm 15 điều về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu. Đây được xem là vấn đề cấp bách, trong bối cảnh thế giới, đặc biệt là châu Âu đang phải chứng kiến sự đe dọa đáng sợ từ các chủ nghĩa khủng bố. Về vấn đề biến đổi khí hậu, có 6/7 cường quốc đồng thuận và cam kết sẽ nhanh chóng thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải nhà kính, chỉ trừ Mỹ chưa muốn đưa ra quyết định sớm.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng muốn thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền mới của Mỹ với các nước đồng minh Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản trong vấn đề gai góc như thương mại, khủng hoảng người nhập cư. Cuộc họp đề cập đến các vấn đề quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên “các thực thể tranh chấp”. Riêng về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, G7 tuyên bố sẽ sẵn sàng “áp đặt thêm các biện pháp hạn chế” đối với Nga, nếu tình hình yêu cầu các nước G7 phải làm điều này.

Thỏa thuận nhưng chưa thỏa đáng

Nhìn chung, Hội nghị G7 ghi nhận được sự đồng thuận của các nước về nhiều vấn đề then chốt. Tuy nhiên, sự thỏa thuận đó vẫn chưa đạt mức thỏa đáng. Và có một nhân vật nổi bật trong lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị, chính là Tổng thống Mỹ Donnad Trump với hàng loạt tuyên bố gây sốc. Như thỏa thuận quan trọng về đối phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống Trump vẫn chưa muốn đưa ra quyết định ngay tại cuộc họp.  Bởi vậy, chỉ có 6 thành viên của G7 thực thi thỏa thuận này.

Ở Hội nghị G7 vừa qua, còn nhìn thấy rõ được những mâu thuẫn về vấn đề thương mại toàn cầu, khi ông Trump kiên quyết ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cho rằng Mỹ đang phải chịu đựng các hậu quả do các quy định thương mại không công bằng từ một số nước đồng minh phương Tây quan trọng khác, trong đó có Đức, ngoài ra có Trung Quốc và một số nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, về sau Mỹ cũng đồng ý với thông cáo chung của Hội nghị về việc tái cam kết mở rộng thị trường và “chống chủ nghĩa bảo hộ”.

Về bài toán nhập cư, có những quan điểm khác biệt giữa các nhà lãnh đạo trong G7. Nơi tổ chức Hội nghị là Sicily, Ý để nêu bật được tính cấp thiết của cuộc khủng hoảng nhập cư. Nhưng theo quan sát, ngay cả điều này cũng không ngăn được sự bất đồng giữa các nước, thậm chí còn cản trở mong muốn đưa ra tuyên bố chung của Ý về những lợi ích và khó khăn của việc nhập cư.

Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua dù đã “thành công tốt đẹp” khi có sự nhất trí cao đối với một số vấn đề quốc tế nóng và cấp thiết, song vẫn còn nổi lên những bất cập về sự bất đồng, chia rẽ không thể phủ nhận giữa các nhà lãnh đạo.

Duy Thành (tổng hợp)
.
.
.