Gần 100 người lao động có nguy cơ mất Tết

Thứ Ba, 12/01/2016, 09:39
Khi Tết nguyên đán 2016 đã cận kề thì gần 100 người lao động làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Lựa Chọn Hoàn Hảo (còn gọi là Công ty Best Buy Việt Nam, 248A Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) và một số tỉnh thành khác có nguy cơ mất trắng 2 tỷ tiền lương và 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội... Trong khi đó, dù cơ quan chức năng đã nhiều lần mời Ban giám đốc công ty này lên làm việc, nhưng họ vẫn "im thin thít lặn mất tăm" khiến người lao động như ngồi trên đống lửa…


Lựa Chọn Hoàn Hảo không… hoàn hảo!

Công ty TNHH Lựa Chọn Hoàn Hảo (Công ty Best Buy Việt Nam - gọi tắt là Best Buy) là công ty kinh doanh hàng tiêu dùng qua truyền hình và website đã từng nổi đình nổi đám một thời gian khá dài. Theo tìm hiểu, Best Buy được thành lập năm 2002, có trụ sở chính tại Hà Nội, chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

Ở thời điểm được thành lập, có thể nói, Best Buy là công ty đầu tiên trong lĩnh vực chuyên giới thiệu và phân phối các mặt hàng được cho là chính hãng với chất lượng cao; và là đơn vị độc quyền phân phối các sản phẩm hàng hóa này trên toàn quốc qua truyền hình, qua website công ty…

Tuy nhiên, sau một vài năm hoạt động, công ty này ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, lần lượt trụ sở chính ở Hà Nội và hầu hết các chi nhánh khác ở các tỉnh thành đều đã phải "dẹp", ngoại trừ chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh hoạt động cầm chừng. Và hậu quả kéo theo đó là nhiều vướng mắc phát sinh trong việc chi trả tiền lương, BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ)…

Người lao động Công ty TNHH Lựa Chọn Hoàn Hảo làm việc với cơ quan chức năng quận Bình Thạnh vào sáng 5-1.

Từ giữa năm 2014 đến nay, Best Buy đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp tiền lương giữa công ty và NLĐ. Đỉnh điểm là vụ kiện đòi lương của tập thể NLĐ tại chi nhánh công ty ở TP Hồ Chí Minh lên Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Bình Thạnh vào giữa năm 2015. Và mới đây, ngày 5-1-2016 NLĐ đã đồng loạt gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng xoay quanh việc Best Buy không thanh toán lương, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) cho NLĐ trong một thời gian dài.

Theo phản ảnh của NLĐ, trước đó từ tháng 10-2014, Best Buy bắt đầu có dấu hiệu chây ì trong việc trả lương. Sau thời gian phải chịu đựng khá dài, đến tháng 9-2015, NLĐ đồng loạt khiếu nại, nên công ty này đã trả lương tháng 8-2015; còn lương tháng 5, 6, 7 (khoảng 1,3 tỉ đồng) công ty im ỉm khất lại.

Trong khi đó, từ tháng 9-2015, Tổng Giám đốc chi nhánh là ông Sami Alrayhani đã rời khỏi Việt Nam và chưa xác định ngày quay lại. Điều đáng nói, đến ngày 25-9-2015, NLĐ bất ngờ được biết ông Sami Alrayhani đã ký quyết định bổ nhiệm ông Mark Ronald Richards làm Phó Tổng giám đốc chi nhánh, thay mình giải quyết mọi việc.

Sau đó, vị Phó Tổng giám đốc được ủy quyền đã trả lương tháng 9-2015 cho NLĐ. Đến ngày 14-10-2015 tại văn phòng Best Buy chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ông Mark Ronald Richards - đại diện công ty, ông Đoàn Xuân Cương - đại diện cho NLĐ và đại diện LĐLĐ quận Bình Thạnh đã tiến hành ký Cam kết về thanh toán lương, nợ lương, BHXH - BHYT cho NLĐ.

Trong đó, có những nội dung cơ bản sau: 1. Best Buy cam kết sẽ trả đủ lương cho NLĐ hàng tháng (lương từ tháng 8-2015 trở đi); 2. Giai đoạn 1: Từ 14-10 đến 18 - 10-2015 Best Buy sẽ thanh toán 100% BHXH cho NLĐ nghỉ việc; 3. Giai đoạn 2: Tối đa ngày 30-11-2015 Best Buy thanh toán 50% tổng nợ lương (nợ lương được định nghĩa là từ tháng 8/2015 trở về trước) và BHXH (BHXH của NLĐ còn làm việc tới thời điểm đợt thanh toán này); 4. Giai đoạn 3: Tối đa ngày 30-12-2015 Best Buy thanh toán hết số còn nợ lại.

Với cam kết này, nhiều NLĐ đã khấp khởi mừng vì thấy rõ lộ trình được chi trả và chậm nhất là ngày 31-12-2015, công ty phải giải quyết dứt điểm mọi khoản nợ, trong đó có tiền lương tháng 10, 11 và 12-2015 cho NLĐ. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi bản cam kết được ký, ngày 17-10 Best Buy đã ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ với 50% NLĐ tại Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tập trung hầu hết vào những NLĐ tham gia cuộc khiếu nại đòi lương. Ngày hiệu lực là 2-12-2015, trước khi lấy lại được lương, nợ từ Best Buy.

Bức xúc, những NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ đã ngay lập tức đề nghị một cuộc họp với đại diện Best Buy sáng ngày 19-10. Mãi đến chiều đại diện Best Buy Mark Richards mới có mặt. Trong cuộc họp này những NLĐ bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) một lần nữa nhắc lại việc công ty phải thực hiện các quyền lợi theo Cam kết ngày 14-10 và đề nghị sau khi bàn giao công việc công ty sẽ thanh toán hết nợ lương.

Nhưng ông Mark đã bác bỏ hết tất cả các đề xuất trên, đồng thời tuyên bố lương tháng 9-2015 sẽ không thanh toán đúng hạn như đã cam kết, mà gộp vào "nợ lương" trả đến cuối tháng 12-2015 (mặc dù trong Biên bản Cam kết, "nợ lương" được định nghĩa là nợ từ lương tháng 8/2015 trở về trước).

"Từ khi xảy ra sự việc này, họ (Ban giám đốc công ty) chỉ hứa mà không thực hiện. Từ tháng 10-2015 đến nay, chúng tôi cũng không nhận được đồng nào" - chị Bích Vân, nhân viên chi nhánh, bức xúc. Sự việc còn phức tạp hơn khi sáng 25-12-2015, NLĐ đến làm việc thì thấy công ty khóa cửa. Đội bảo vệ xác nhận họ đóng cửa công ty theo lệnh của ông Trần Mạnh Dũng, Giám đốc tài chính, vào 16h ngày 24-12-2015. Lý do đóng cửa được giải thích là vì hệ thống mạng bị treo, chi nhánh cần ngừng hoạt động 2-3 ngày để giải quyết sự cố. Tuy nhiên, đến nay chi nhánh công ty vẫn chưa hoạt động trở lại.

Tập thể NLĐ đã cố gắng liên hệ với Ban giám đốc để làm rõ sự việc song những người có trách nhiệm đều lẩn tránh. Bức xúc, trưa 25-12-2015, tập thể nhân viên đã yêu cầu các cơ quan chức năng quận Bình Thạnh can thiệp, bảo vệ quyền lợi song đại diện công ty không xuất hiện.

Ngày 1-12-2015, ông Đoàn Xuân Cương tiếp tục nộp đơn khiếu nại lên LĐLĐ quận Bình Thạnh về việc Best Buy không thực hiện đúng Cam kết 14-10. Lần này, đại diện Best Buy - ông Mark Richards đã xuất hiện chớp nhoáng và khẳng định: "Đã và đang thực hiện đúng cam kết", tuy nhiên khi được hỏi có gì để chứng minh cho lời nói của mình thì ông này không đưa ra được…

Ban giám đốc công ty bỗng nhiên "biến mất"

Sự việc cứ lùng nhùng cho đến ngày 5-1-2016, gần 30 NLĐ, trong đó có hai người đại diện tập thể NLĐ thuộc Chi nhánh Best Buy là ông Đoàn Xuân Cương và bà Hồ Thị Diễm Thúy, đã tìm tới Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) và LĐLĐ quận Bình Thạnh để phản ánh tình trạng công ty này nợ lương và BHXH, BHYT trong một thời gian dài.

Ông Mark Ronald Richards tại buổi hòa giải ngày 14-10-2015 tại LĐLĐ quận Bình Thạnh.

Tại buổi làm việc ngày 5/1, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH quận Bình Thạnh cho biết: Đến nay phòng đã mời đại diện Ban Giám đốc Chi nhánh Best Buy lần thứ hai để giải quyết phản ánh của tập thể NLĐ trong việc thực hiện các thỏa thuận được ghi trong biên bản hòa giải ngày 14-10-2015 và việc mở cửa hoạt động để tập thể NLĐ có thể trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký với công ty, nhưng Ban giám đốc công ty này vẫn tiếp tục vắng mặt.

Đại diện cho tập thể NLĐ nêu ý kiến, ông Đoàn Xuân Cương nhấn mạnh rằng toàn thể nhân viên Best Buy tại Văn phòng TP Hồ Chí Minh và Văn phòng ở các tỉnh, thành không chấp nhận việc Ban Giám đốc Best Buy không thực hiện đúng cam kết trong Biên bản hòa giải tranh chấp lao động ngày 14-10-2015 đã ký kết. Đồng thời, NLĐ không chấp nhận việc Ban giám đốc tự ý đóng cửa công ty, ngăn cản nhân viên làm việc; tự ý tẩu tán tài sản trong lúc nhân viên vắng mặt và thường xuyên né tránh khi đến hạn trả nợ lương, nợ BHXH.

Trong Biên bản làm việc ngày 5-1-2016, đại diện NLĐ nêu rõ "Căn cứ Biên bản hòa giải đã cam kết ngày 14-10-2015 đến nay thời hạn trả nợ lương, trả nợ BHXH đã hết, toàn thể nhân viên Best Buy đã đề nghị cơ quan Công an và các cơ quan quản lý Nhà nước, tiến hành phong tỏa tài sản và hàng hóa của Chi nhánh Công ty TNHH Lựa Chọn Hoàn Hảo cho đến khi thanh toán hết nợ lương, nợ BHXH, tiền ký quỹ, tiền thai sản đối với nhân viên nữ thời gian thực hiện đến hết ngày 9-1-2016, đồng thời trong thời điểm này mở cửa văn phòng để NLĐ trở lại làm việc và Ban giám đốc phải có mặt để điều hành công ty…".

Theo bà Hồ Thị Diễm Thúy (từng là Training Manager của Best Buy, đã nghỉ việc từ tháng 9-2015), để dễ dàng khuất tất trong việc báo cáo cơ quan chức năng, Best Buy đã chia NLĐ thành 4 nhóm đối tượng để thanh toán khác nhau. Nhưng việc thực hiện cũng không đúng như Best Buy đề ra. Trong khi đó, dù Best Buy đã đóng khoảng 880 triệu đồng tiền BHXH sau khi ký Cam kết ngày 14-10, nhưng công ty này vẫn còn chưa đóng BHXH cho nhiều NLĐ đã nghỉ tháng 9 và tháng 10-2015 dù NLĐ đủ điều kiện chốt sổ…

"Tết sắp tới nơi mà không có gì để lo cho gia đình chưa kể còn mang nợ nần vì vay mượn sống tạm trong thời gian công ty chiếm giữ tiền lương của chúng tôi", bà Diễm buồn bã nói.

Trước tình hình phức tạp, ông Nguyễn Văn Ngọc nêu rõ ý kiến trong Biên bản làm việc ngày 5-1-2016: "Căn cứ biên bản hòa giải tranh chấp lao động ngày 14-10-2015, Phòng LĐTB-XH đề nghị tập thể NLĐ tiến hành khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012".

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh lưu ý: "Trong thời gian thực hiện việc giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án, đề nghị tập thể NLĐ không gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn công ty trú đóng".

Theo tìm hiểu từ NLĐ, ngoài khoản nợ lương hơn 2 tỉ đồng, chi nhánh Best Buy còn nợ BHXH khoảng 1,5 tỉ đồng, chưa kể số tiền chi nhánh chiếm dụng tiền thuế thu nhập cá nhân của NLĐ trong 2 năm 2014, 2015.

Ông Đoàn Xuân Cương, đại diện tập thể NLĐ cho biết: "Trụ sở chi nhánh công ty là thuê mướn, và bên trong văn phòng cũng không có tài sản gì đáng giá. Chúng tôi biết chi nhánh có thuê kho chứa hàng đặt tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương, hiện còn rất nhiều hàng hóa. Tuy nhiên, hợp đồng thuê kho đã hết hạn vào ngày 21-12-2015 nên chúng tôi rất lo lắng. Mong các cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn chi nhánh công ty tẩu tán tài sản trong thời gian chúng tôi hoàn tất thủ tục khởi kiện. Có như thế thì may ra sau này chúng tôi mới có cơ hội đòi được quyền lợi".

Phú Lữ
.
.
.