Gần 300 giáo viên có nguy cơ mất việc: Thiết tha mong một hướng tuyển dụng khác

Thứ Tư, 03/04/2019, 20:18
Mới đây huyện Sóc Sơn đã nhận được quyết định thi viên chức của UBND thành phố Hà Nội đối với tất cả các đối tượng hợp đồng. Quyết định này đã đẩy gần 300 giáo viên cấp tiểu học và THCS có nguy cơ phải ra khỏi ngành sau hàng chục năm công tác.


Điều khiến dư luận lo lắng, trong số những giáo viên hợp đồng có nhiều người có tới ngót 30 năm cống hiến, là những giáo viên cốt cán của nhà trường và huyện.

Chưa khi nào ngành giáo dục của huyện Sóc Sơn lại dậy sóng đến thế, mọi sinh hoạt của các giáo viên gần như đảo lộn. Gần 300 giáo viên cấp tiểu học và THCS đang đứng trước nguy cơ mất việc sau hơn 20 năm cống hiến, gắn bó. 

Vẻ lo lắng, mệt mỏi, cô Lê Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Minh Phú chia sẻ, tính đến nay cô đã cống hiến 26 năm cho ngành giáo dục, thế nhưng cô và rất nhiều giáo viên khác có nguy cơ ra khỏi ngành. Cô Nguyệt cho hay, mới đây cô nhận được thông báo từ nhà trường về việc phải tham gia thi tuyển viên chức của thành phố, nếu không thi đỗ sẽ bị cắt hợp đồng.

Theo phản ánh của các giáo viên, có tới 256 giáo viên hợp đồng thuộc huyện Sóc Sơn nhận được quyết định thi viên chức của UBND Thành phố Hà Nội; UBND huyện Sóc Sơn thông báo thi viên chức với tất cả các đối tượng (trong đó có cả giáo viên hợp đồng huyện lâu năm). Có thể nói, kỳ thi này là tin vui cho các sinh viên vừa ra trường nhưng lại là "thảm kịch" của những giáo viên có thâm niên giảng daỵ. 

"Chúng tôi vô cùng bất ngờ trước cách nhìn nhận vấn đề của UBND Thành phố và UBND huyện bởi kỳ thi viên chức lần này. Nhìn bề ngoài thì có vẻ khách quan nhưng thực chất là quá bất công với chúng tôi - những người dành cả mấy chục năm cho sự nghiệp giáo dục" - Cô Nguyệt rưng rưng kể.

Các thầy cô lo lắng nếu cuộc thi công chức trở thành hiện thực.

Những năm 90 của thế kỷ trước, thế hệ cô Nguyệt chỉ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, còn ngoại ngữ thì các trường THPT không dạy, do không có giáo viên. Chỉ sau khi vào đại học, các thầy cô mới được đào tạo tiếng Nga - Pháp chứ không hề được học tiếng Anh. 

Nói về điều này cô Nguyệt cho hay: "Nếu chúng tôi thi viên chức cùng với các cháu sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thì sẽ là một cuộc chạy đua không cân sức giữa hai thế hệ. Cái chúng tôi có là sự say mê, tâm huyết, kinh nghiệm nhưng không thể mang ra để hoàn thành yêu cầu của cuộc thi viên chức lần này".

Cô Lê Thu Nguyệt tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, khoa Ngữ văn hệ chính quy. Năm 1993, cô quyết định đến với huyện Sóc Sơn, khi ấy là một huyện miền núi khó khăn. Cô được phân công giảng dạy tại trường Minh Phú từ năm 1993 đến nay. Trong suốt 26 năm qua, tại đây chưa từng có một cuộc thi công chức nào. Khi ấy, các thầy cô đến Minh Phú được trọng vọng, thậm chí được coi như "người hùng". 

"Những năm 2000, Minh Phú là xã nghèo của huyện với tỷ lệ thất học chiếm nhiều nhất. Lãnh đạo địa phương liên tục động viên các thầy cô gắn bó công tác lâu dài bằng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ như cấp đất cho giáo viên ngoại tỉnh về yên tâm công tác. Kể từ đó đến nay, tôi chưa một lần được thi công chức, bởi trước kia, điều kiện thi viên chức của huyện phải là có hộ khẩu Hà Nội. Bởi vậy, sau 26 năm công tác, tôi vẫn "treo" với cái tên Hợp đồng huyện. 

Bản thân tôi dù công tác với các đồng nghiệp khác trong cùng một trường, làm chung một việc nhưng sự đãi ngộ lại hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi không được hưởng phụ cấp thâm niên như các đồng nghiệp khác, điều này khiến chúng tôi không thể không chạnh lòng, không thể không tủi thân, không thể không bất mãn vì sự thiếu công bằng trong cách nhìn nhận vấn đề và đãi ngộ của UBND huyện đối với chúng tôi. 

Song bản thân tôi vẫn tâm huyết với nghề, vẫn vượt lên mọi khó khăn, nỗ lực phấn đầu hết mình cho công việc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà nhiều giáo viên trong biên chế chưa làm được" - cô Nguyệt chia sẻ.

Mặc dù là những giáo viên bị gắn mác hợp đồng nhưng nhiều người trong số họ là giáo viên cốt cán.

Trong căn nhà trống trải, công Dương Thị Minh Thanh (Trường THCS Hiền Ninh) mấy ngày này nằm không thể gượng dậy. Cô bảo, biết tin mình có nguy cơ mất việc là bệnh tim lại tái phát, cô lo rồi sau này sẽ không có thu nhập, sẽ không ai lo cho 2 đứa con đang học đại học. 

Cô Thanh khó nhọc nói với chúng tôi: "24 năm qua tôi đã hết lòng với các em học sinh, vì thương yêu các em mà đã bám trụ ở đây để giảng dạy. Cách đây khá lâu, huyện có tổ chức thi công chức nhưng vì chưa kịp đổi quốc tịch nên tôi đã bỏ lỡ cơ hội. Từ đó đến nay, huyện chưa có thêm bất kỳ đợt thi tuyển công chức nào ở môn Ngữ văn nữa. Ở tuổi của chúng tôi, nếu mất việc chắc sẽ không biết bấu víu vào đâu nữa".

Qua tìm hiểu, toàn huyện Sóc Sơn có 256 giáo viên hợp đồng, trong đó có rất nhiều giáo viên đã lớn tuổi. Lần thi tuyển viên chức này được các thầy cô coi như một "thảm cảnh". Một lá đơn kêu cứu dày đặc chữ ký của các thầy cô đã được gửi lên các cấp ban ngành. 

Họ bày tỏ sự hoang mang, lo lắng khi phải dự thi cuộc thi đầy khốc liệt ở tuổi 40 - 50. Nếu lần thi "sinh tử" này, các thầy cô không đỗ sẽ phải ra khỏi ngành. Với những gì cống hiến gần 30 năm qua, các thầy cô mong muốn được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện đặc cách vào viên chức thay vì thi tuyển như các giáo viên tự do.

Nhiều thầy cô mong muốn thành phố có cách thức thi tuyển phù hợp với tình hình thực tế tại Sóc Sơn.

Mặc dù là những giáo viên bị gắn mác "hợp đồng" nhưng trong số họ rất nhiều người là giáo viên cốt cán của trường, của huyện. Rất nhiều thầy cô ở Trường THCS Trung Giã kể biết đến trường hợp của cô Nguyễn Hương Trà, một giáo viên hợp đồng nhưng có chuyên môn vững, trách nhiệm và được giao là phó tổ xã hội của trường. 

Cô Trà có thâm niên hơn 20 năm giảng dạy, nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi, có năm cô có tới 10 học sinh trong đội tuyển đoạt giải thành phố. Đặc biệt cô là một trong 10 người được trao thưởng Gương người tốt việc tốt của thành phố năm 2014. 

"Nếu cuộc thi đó thành hiện thực thì rất nhiều thầy cô sẽ trượt. Bản thân tôi nếu trượt sẽ xin dạy THPT dân lập nhưng với trường hợp của cô Trà, cũng như nhiều thầy cô đã từng cống hiến 25 -27 thì quả là bất công" - Cô Đào Thị Nga, giáo viên dạy vật lý tại Trường THCS Trung Giã chia sẻ. 

Cô Nga cũng là một trong những giáo viên có tiếng dạy giỏi, yêu nghề. Chỉ nhắc đến việc ra khỏi ngành nước mắt cô lại giàn giụa. Hiện cô đang hoàn thành khoá học văn bằng 2 ngành toán tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Là một giáo viên vật lý, cô Nga từng hướng dẫn học sinh đoạt giải thành phố, giải quốc gia trong các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên các năm 2015-2016, giải tự làm đồ dùng dạy học cấp thành phố... 

Với những phương pháp mới đang được học, cô Nga cho biết đã cố gắng tìm cách để "tích hợp phương pháp dạy học truyền thống với sử dụng công nghệ hiện đại". Cô chua xót: "Mọi câu chữ đều khó có thể mô tả được nỗ lực, tâm huyết với trò, với công việc. Vậy nếu phần lớn giáo viên như chúng tôi bị "đánh trượt" trong một kỳ thi và ra đi tay trắng thì để làm gì?".

Việc nhiều người băn khoăn nhất lúc này là trong số nhiều giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lại là những giáo viên cốt cán của trường và huyện. Họ là những lao động giỏi trong nhiều năm, là chiến sĩ thi đua, rồi còn được giao những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Thế nhưng họ đang phải đứng trước một cuộc đấu không công bằng, tất nhiên họ sẽ có nhiều phần thua.

Nếu chúng ta liên tưởng sự nghiệp giáo dục là một con dốc, các giáo viên ở Sóc Sơn đã lên đến gần đỉnh thì quyết định của UBND thành phố, huyện đã khiến họ trở lại xếp hàng từ dưới chân dốc. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: "Chúng tôi cũng đã đề nghị với Thành phố cần có cơ chế tuyển dụng đặc biệt với những giáo viên này theo điều kiện có từ 5 năm công tác trở lên và có bằng đại học. Nhưng chiểu theo tinh thần của Nghị định 161 của Chính phủ thì không thể xét đặc cách. Việc muốn xét đặc cách không phải thẩm quyền của huyện mà là của Thành phố. Nếu Thành phố muốn tuyển đặc cách cũng cần có ý kiến của Chính phủ. Nếu được tạo điều kiện cho các giáo viên hợp đồng thì tốt quá".
Phong Anh
.
.
.