Gần dân để hiểu và giúp dân nhiều hơn

Thứ Bảy, 01/04/2017, 07:49
Học viện Chính trị CAND vừa phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ (HL&BDNV) Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đưa 200 học viên lớp D2LK đi thực tế tại hai thôn Lâm Trường và Đập Dóm, xã Đông An, Văn Yên, Yên Bái.

Trong lực lượng Công an, công tác dân vận thực sự đóng vai trò quan trọng. Vì thế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những chiến sĩ Công an tương lai luôn được tạo điều kiện đi thực tế ở những vùng sâu vùng xa, sống "ba cùng" với bà con dân bản, vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quảng bá hình ảnh của người chiến sĩ Công an gần gũi, thân thiện hơn với nhân dân.

Cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.

Học viện Chính trị CAND vừa phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ (HL&BDNV) Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đưa 200 học viên lớp D2LK đi thực tế tại hai thôn Lâm Trường và Đập Dóm, xã Đông An, Văn Yên, Yên Bái.

Lớp D2LK là khóa đầu tiên mà Trung tâm HL&BDNV phối hợp với Học viện Chính trị Công an nhân dân liên kết đào tạo đại học chính quy. Và đây cũng là lần đầu tiên, hai đơn vị phối hợp đưa học viên đi thực tế công tác dân vận tại một xã vùng cao.

Từ lúc xuất quân đến lúc đưa quân trở về Hà Nội, hai đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động, thậm chí đích thân các lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Học viện Chính trị CAND có mặt để động viên cán bộ, chiến sĩ và học viên.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND thì công tác dân vận thực sự đóng vai trò rất quan trọng, nó vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính cấp thiết để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong giữ vững chủ quyền ANQG và TTATXH, củng cố nâng cao nhận thức cho học viên, giúp học viên đối chiếu kinh nghiệm kiến thức được trang bị trong quá trình học tập với tình hình thực tiễn tại địa bàn thực tế, qua đó hoàn thành nội dung chương trình đào tạo theo quyết định rèn luyện củng cố bản lĩnh chính trị, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng sống cho học viên, giúp học viên thực hành công tác dân vận, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng quảng bá hình ảnh người chiến sĩ CAND với chính quyền và nhân dân địa phương.

Dù chỉ về thực tế, sống "ba cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm trong vòng 21 ngày, những gì mà thầy trò Học viện Chính trị CAND và Trung tâm HL&BDNV làm được đã góp phần làm tình quân dân thêm khăng khít. Đó cũng là những trải nghiệm quý báu cho những chiến sĩ Công an trẻ trong tương lai và khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận đối với lực lượng Công an.

Đông An chưa phải là xã nghèo nhất, khó khăn nhất của huyện Văn Yên nhưng hai thôn Đập Dóm và Lâm Trường lại là hai thôn vùng sâu vùng xa thực sự khó khăn, thiếu thốn. Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Dao, sống bằng nghề trồng lúa, làm nương rẫy.

Nhắc đến Đập Dóm, Lâm Trường, cánh phóng viên chúng tôi thường ám ảnh bởi cái nghèo đến xơ xác của người dân nơi đây, dù cách trung tâm xã Đông An không xa. Đường vào thôn là con đường mòn độc đạo, nhỏ hẹp. Điện nước sinh hoạt đều thiếu thốn, lúc có lúc không. Để có nước dùng, người dân phải đi gánh nước suối về lọc thủ công để nấu ăn, tắm giặt.

Trong thời gian thực tế tại đây, các học viên Công an đã tích cực cùng bà con lên rừng đốn củi, phát nương trồng rẫy, dọn đường, lội suối lấy đá cuội để làm đường giúp bà con.

Tối đến lại tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ, biểu diễn cho bà con xem, dạy hát, dạy học cho các em nhỏ. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những chiến sĩ Công an tương lai đã nhận được nhiều tình cảm, sự tin yêu, quý mến của bà con dân bản.

Đây là lần đầu tiên Phan Minh Hoàng được đi thực tế ở một xã vùng cao. Sinh năm 1993, chàng học viên trẻ miền quê nắng gió Quảng Bình có nước da trắng mịn như con gái, nụ cười tươi rói. 21 ngày bám làng, bám bản không làm mất đi vẻ thư sinh của Hoàng. Với Hoàng đó là những ngày tháng đáng nhớ, nhiều kỉ niệm nhất trong cuộc đời sinh viên của mình.

Hằng ngày, Hoàng cùng đồng đội dạy từ 5 giờ sáng vệ sinh cá nhân rồi cùng người dân mà em ở cùng nhà lên rừng chặt củi và lên nương phát rẫy. Bàn tay đã chai sần vì những lần cầm dao, cầm cuốc, nhưng với Hoàng vui nhất là được bà con dân bản tin yêu gọi là cán bộ, được các bé nắm chặt tay nhờ anh dạy hát, dạy học.

Với Nguyễn Xuân Long, chàng lớp trưởng cao to, chững chạc của lớp D2LK thì trách nhiệm của em nặng nề hơn các bạn cùng lớp bởi Long thường xuyên phải quản lý lớp, báo cáo tình hình với thầy cô giáo, liên hệ với nhà trường để giải quyết những vấn đề đột xuất.

21 ngày bám trụ ở Đập Dóm, Lâm Trường, khiến nước da Long đen sạm vì nắng gió nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi.

Chung tay làm đường giúp bà con dân bản.

"Vất vả khó khăn thì nhiều lắm, bởi Đập Dóm, Lâm Trường là hai thôn nghèo nhất của Đông An. Đường vào khó khăn, đi xe máy cũng phải mất cả giờ. Nhà nọ cách nhà kia cả cây số. Có ngày chúng em đi đi lại lại cả chục cây, làm đường, gánh nước, lên rừng chặt củi là chuyện bình thường. Ở Đập Dóm, Lâm Trường không có sóng điện thoại, có việc muốn liên lạc với thầy cô hay về nhà chúng em phải đạp xe 5, 6 cây số lên tận đỉnh núi để bắt sóng. Ở Lâm Trường, Đập Dóm, đường đi toàn là đường đất, nhỏ hẹp, xe ô-tô không vào được chỉ trừ xe máy, xe thồ, vì thế không thể làm đường bê tông vào sâu tận bên trong. Việc đi lại của bà con rất hạn chế. Đây cũng là hai thôn điện, nước thiếu nhất của xã Đông An vì ở vùng sâu, vùng xa. Để có nước sinh hoạt, chúng em phải đi bộ cả cây số gánh nước về lọc, phục vụ sinh hoạt cá nhân và cho bà con dân bản. Rồi gánh đá, thồ sỏi từ lòng suối lên để rải đường. Vất vả là thế nhưng ngày nào anh em học viên, giáo viên cũng vui như ngày hội bởi được trải nghiệm thực tế, được giúp đỡ bà con, đem lại niềm vui, ánh sáng tri thức cho đồng bào, những người cả đời bám làng, bám bản, bám trụ vùng biên để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ", Long chia sẻ.

Trong ngày chia tay các học viên, tôi thấy nhiều cụ già tuổi đã cao nhưng vẫn nhờ người nhà chở ra tận xã để được tạm biệt các em. Nắm tay các chiến sĩ trẻ, một cụ già móm mém nói lời cảm ơn các em.

Đôi mắt cụ rưng rưng bởi lần đầu tiên trong cuộc đời cụ được nghe Công an hát, được các anh ân cần khám chữa bệnh bằng những máy móc hiện đại nhất mà có lẽ cả đời cụ cũng chưa nhìn thấy.

Trong thời gian thực tế tại địa bàn, các học viên và các cán bộ, chiến sĩ đã cấp cứu kịp thời nhiều trường hợp bị sốt cao, tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt nhờ sự góp sức của các học viên và các đơn vị, một phòng học của trường mầm non xã Đông An được hoàn thành sớm, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào trong xã.

Phát nương rẫy giúp bà con dân bản.

Với Đại úy Vũ Hồng Vượng, Đội trưởng Đội Đào tạo Trung tâm HL&BDNV thì những ngày học viên đi thực tế tại Đông An là những ngày chị cùng anh em, cán bộ chiến sĩ phải căng mình để đảm bảo công việc cũng như an toàn cho học viên, cán bộ của mình.

Không biết bao lần chị phải trở đi trở lại giữa Đập Dóm, Lâm Trường với Hà Nội để lo công việc ở cả hai nơi. Cán bộ, giáo viên không chỉ đơn giản là ở lại quản lý học viên mà phải chung tay, góp sức cùng học viên giúp đỡ bà con làm đường, trồng nương phát rẫy. Càng là cán bộ thì càng phải gương mẫu đi đầu.

Đây là lần đầu tiên đơn vị chị phối hợp với Học viện Chính trị CAND đào tạo học viên ở trình độ đại học và cũng lần đầu tiên đưa học viên đi thực tế nên mọi việc đều không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng nhận được sự yêu quý của bà con dân bản, của chính quyền địa phương đó mới là thành công lớn nhất trong công tác dân vận.

Ngọc Trâm
.
.
.