Gánh... hộ khẩu lên non

Thứ Sáu, 12/12/2014, 17:00
Gặp họ nơi cổng trời Quản Bạ (Hà Giang), đôi vai trần trĩu nặng quang gánh hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) đến cấp phát miễn phí cho đồng bào biên ải, mới thấy hết nỗi nhọc nhằn, vất vả, hy sinh của những nữ chiến sỹ Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) ở dải đất địa đầu Tổ quốc...

Không có những trận đánh "kịch tính", những chiến công vang dội như các đơn vị trực tiếp chiến đấu, họ lặng thầm với bổn phận, trách nhiệm của người Cảnh sát quản lý dân cư. Gặp họ nơi cổng trời Quản Bạ (Hà Giang), đôi vai trần trĩu nặng quang gánh hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) đến cấp phát miễn phí cho đồng bào biên ải, mới thấy hết nỗi nhọc nhằn, vất vả, hy sinh của những nữ chiến sỹ Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) ở dải đất địa đầu Tổ quốc. Để lại gia đình, con thơ đằng đẵng bao tháng ngày, những bàn chân trần vẫn đạp lên đá phăm phăm đi về nơi dân. Trong mây mù giá rét đại ngàn biên cương, có những con người đang lặng thầm với công việc giữ dân, giữ đất, giữ bình yên cho từng làng bản.

1. Đêm qua, gió bấc đã tràn về khắp miền biên ải Hà Giang. Nhiệt độ giảm mạnh, gió mang hơi đá núi từng đọn thốc xuống khe ù ù. Giữa cổng trời Quản Bạ, cửa ngõ cao nguyên đá Đồng Văn, nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mặt biển, chúng tôi đã gặp những nữ chiến sỹ ở Đội Hướng dẫn, đăng ký, quản lý cư trú - cấp, quản lý CMND của Phòng  PC64 - Công an tỉnh Hà Giang. Giữa chênh vênh vách đá, một bên là vực thẳm, những đôi vai đang oằn xuống bởi sức nặng đôi quang gánh chất đầy giấy tờ, tài liệu, chăn màn... cho chuyến "cắm bản" cấp phát hộ khẩu, CMND dài ngày của mình.

Cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu tại bản.

Trung tá Chẩu Thị Thương (Đội trưởng) dừng chân đổi vai gánh tranh thủ chia sẻ: "Hà Giang là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, như: Mông, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ lao, Giáy…, trình độ dân trí còn thấp nên chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu… Nhất là trên rẻo cao biên giới, nhiều người chưa có ý thức hợp tác với chính quyền trong việc làm thủ tục cấp phát các loại giấy tờ này. Không có thông tin về nhân thân của công dân và cơ sở dữ liệu về dân cư, sẽ gây khó khăn cho việc quản lý xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. Vì vậy, hằâng năm Phòng PC64 - Công an tỉnh Hà Giang đều xây dựng các kế hoạch đưa các tổ công tác lên từng làng bản rẻo cao để cấp phát giấy CMND, hộ khẩu cho bà con. Chúng tôi liên tục triển khai rà soát số công dân đến tuổi cấp CMND, di biến động về nhân hộ khẩu trong từng xã, từng thôn bản… để chủ động chuẩn bị tài liệu lên phục vụ người dân.

Việc cấp phát CMND, hộ khẩu cho đồng bào rẻo cao hoàn toàn miễn phí. Nguồn kinh phí phục vụ công tác này do UBND tỉnh Hà Giang cấp trên cơ sở dự trù, đề xuất của Công an tỉnh. Mỗi chuyến đi của chúng tôi nhanh nhất là 15 ngày, thông thường là 3 tháng, nhưng có lần kéo dài đến gần nửa năm. Lên bản, chúng tôi tổ chức họp dân ở từng thôn, mời bà con đến lăn tay, chụp ảnh, lập phiếu kê khai nhân khẩu, thông tin công dân… rồi cấp phát tại chỗ cho họ. Để triển khai công việc, chúng tôi thường phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng. Bộ đội cùng chúng tôi xuống từng thôn bản liên hệ công tác, vận động bà con đi họp, bảo vệ tổ công tác trong thời gian trú chân tại ở những thôn, bản xa xôi, cho chúng tôi ăn nghỉ nhờ nếu đồn gần bản. Trong quá trình công tác, anh em biên phòng còn kiêm nhiệm làm phiên dịch cho chúng tôi, vì chỉ có họ mới hiểu ngôn ngữ, văn hóa của người dân vùng đấy".

Không thể nói hết những gian truân, vất vả của họ trong những ngày "cắm bản". Thiếu tá Hoàng Thị Liên (Đội phó) cho biết, toàn tỉnh Hà Giang có 34 xã rẻo cao biên giới thì đôi bàn chân chị đã đặt tới 21 xã. Ở những xã cái tên đã đi vào tiềm thức về sự heo hút, hiểm trở như Nàn Xỉn, Sủng Máng, Xín Mần, Bản Díu, Chí Cà, Thèn Phàng, Khâu Vai, Giàng Chu Phìn, Sơn Vĩ… với độ cao trung bình hàng nghìn mét so với mặt biển, để đến từng bản làng chỉ còn "cửa" cuốc bộ. Hà Giang bạt ngàn đá núi. Đường lên bản cheo leo, lắt léo bên miệng vực thẳm chông chênh, qua hàng trăm khúc "cua tay áo" nguy hiểm đến rợn người. Nhìn thì thấy bản nhỏ mờ mờ trong mây, nhưng để leo đến nơi cũng mất cả ngày trời. Có câu nói vui của cán bộ miền xuôi lên vùng cao công tác: "Đứng dưới chân núi nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc biết có cỗ bàn, nhưng đi được lên đến nơi thì dân họ đã ăn xong, cất bát đũa mất rồi!".

Thượng tá Đào Sỹ Thiện, Trưởng phòng PC64, Công an tỉnh Hà Giang tiếp chuyện phóng viên.

Lên núi vào mùa mưa, đường mòn lập tức bị chia cắt bởi những cơn mưa rừng lũ ống bất thình lình. Chị Liên kể: "Có lần chúng em vào bản làm việc, lúc vào lội qua suối chỉ ngang đầu gối. Đang lăn tay, chụp ảnh thì một cơn mưa rừng kéo đến. Chị em hét nhau thu dọn đồ chạy về xã ngay kẻo không ra được. Thế mà khi đến bờ suối, nước lũ đã đục ngầu lên đến ngang ngực, đành chạy giật lại rồi ôm bụng chịu đói suốt đêm trong rừng".

Hành trang mang theo trong những chuyến đi dài ngày không thể thiếu lương khô, mỳ tôm, mắm muối, lạc, cá khô, thuốc chữa bệnh, chăn màn. Trên núi không điện thắp sáng, sóng điện thoại… Bữa cơm rau rừng đạm bạc, trời mới về chiều đã phải đóng cửa tránh rét. Điểm tá túc qua đêm thường là hội trường thôn bản, trường học… những vách gỗ thưa thớt trống huếch, không đủ ngăn gió lạnh rừng đêm từ  những vạt núi lồng lộng thổi về. Giữa chốn đại ngàn thiếu nước sinh hoạt và vệ sinh hằng ngày nên chị em trong tổ công tác rất khổ sở. Có lần đến tháng, đau bụng quằn quại nhưng giữa đỉnh trời họ không biết xoay sở ra sao. Ròng rã mấy tháng trời không một dòng tin tức từ gia đình, chồng con, lòng ai cũng cồn cào như có lửa đốt.

Cả Đội công tác của họ hầu hết là nữ nên việc "cắm bản" cấp phát CMND, hộ khẩu hết sức cực nhọc, gian khổ nhưng không ai có thể làm thay họ. Các chị cũng đều đã lập gia đình. Thiên chức làm mẹ, làm vợ đòi hỏi họ phải thường xuyên ở nhà để chăm sóc tổ ấm. Vì nhiệm vụ, họ đi miết, đến nơi rừng thiêng nước độc, bỏ lại sau lưng bao khắc khoải, đợi chờ, cả những thiếu thốn trong từng bữa ăn của chồng con tháng ngày ở lại.

"Đi dài ngày thế này, việc con cái, gia đình các chị xoay sở thế nào?" - tôi hỏi Thượng úy Nguyễn Thúy Nga. Chị cười chia sẻ: "Đành phải tự sắp xếp, khắc phục thôi. Ai có ông bà nội ngoại ở gần thì nhắn gửi trông nom, đỡ đần. Còn nếu không có nơi nào bấu víu thì cũng chỉ còn cách động viên chồng, con chủ động. Được cái, chồng con đều thấu hiểu, cảm thông với công việc của chúng em. Nhiều khi buồn nhớ, thoảng chút lo lắng, tủi thân vì xa chồng biền biệt bao tháng ngày, chị em lại ôm nhau động viên gắng vượt qua. Lúc đó, chỉ có niềm tin mới giúp chúng em trụ lại bản cho đến khi kết thúc chiến dịch".

Thiếu tá Liên kể về lần gặp chồng trên đỉnh núi, vì anh cũng là cán bộ Công an tỉnh Hà Giang. Khi ấy nhìn nhau cùng hốc hác, rộc rạc cả người trong chuỗi ngày "cắm bản", họ cười mà nước mắt giàn giụa.

Địa hình hiểm trở tại Hà Giang.

2. Tại Phòng PC64 - Công an tỉnh Hà Giang, đã xế trưa mà người dân đến giải quyết công việc còn khá đông. Tại bàn làm việc với công dân, hệ thống biểu mẫu được niêm yết công khai, từng cán bô,å chiến sỹ vẫn niềm nở, ân cần chỉ dẫn mọi người cách điền các thông tin cần thiết trên từng loại biểu mẫu. Anh Thào A Sinh, ở huyện Vị Xuyên cho biết: "Mình mất giấy CMND nên đến xin cấp lại. Tại đây, cán bộ hướng dẫn mình rất tỷ mỷ nên công việc rất nhanh chóng, thuận lợi". 

Được biết, trong ba năm liền (2012, 2013, 2014), Phòng PC64 là đơn vị được cờ thi đua xuất sắc của Công an tỉnh Hà Giang. Trong đó, công tác hướng dẫn, đăng ký, quản lý cư trú - cấp, quản lý CMND của đơn vị tiêu biểu cho cách làm chủ động sáng tạo, đổi mới phong cách, vì nhân dân phục vụ.

Với phương châm đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, nhiều trường hợp công dân là người già cả, đau yếu, cán bô,å chiến sỹ xuống tận nhà, ra bệnh viện giúp đỡ làm các thủ tục cấp giấy tờ tùy thân. Đặc biệt, việc liên tục tổ chức những đợt công tác lên các xã vùng cao biên giới… cấp phát miễn phí CMND, hộ khẩu cho đồng bào… là việc làm phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương nên đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý dân cư trên địa bàn.

Năm 2014, đơn vị được giao chỉ tiêu cấp 35 nghìn CMND. Trong năm đã hoàn thành cấp cho công dân sử dụng gần 37 nghìn CMND, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. Với chức năng tham mưu, hướng dẫn, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc Công an các huyện làm tốt công tác cấp CMND. Phát hiện 8 trường hợp khai man giả mạo, tráo người làm CMND, phạt tiền 17 triệu đồng nộp Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, đơn vị cũng đã cấp đổi, cấp mới, cấp lại được hơn 12 nghìn sổ hộ khẩu gia đình, đăng ký tạm trú gần 3 nghìn lượt hộ, với hơn 13 nghìn lượt người…

Nói về các nữ chiến sỹ của mình trong những chuyến đi dài "cắm bản", Thượng tá Đào Sỹ Thiện (Trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Hà Giang) không giấu sự xúc động: "Nghề Cảnh sát thì nơi đâu cũng vất vả, cũng đều vì người dân mà chiến đấu, hy sinh. Nhưng đặc thù ở miền biên viễn này, địa hình quá hiểm trở, đời sống còn biết bao gian khó, nên chỉ cần sự có mặt của chị em trên núi đã rất xứng đáng để ngợi khen rồi. Đằng này, họ phải vượt qua những thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống gia đình riêng, sẵn lòng cho những chuyến đi bám dân, bám bản dài đằng đẵng vài tháng trời, chịu đựng bao khổ sở trong suốt hành trình thực hiện nhiệm vụ, thực sự họ là những người anh hùng trên mặt trận thầm lặng này".

Đào Trung Hiếu
.
.
.