Gặp lại "Liệt sĩ" trở về sau 30 năm lưu lạc: Lại canh cánh vì con

Thứ Sáu, 28/02/2014, 12:00

Hà Nội những ngày này chìm trong những cơn gió mùa đông bắc lạnh cắt thịt, cũng là những ngày vết thương cũ hành hạ ông Hào. Biết có nhà báo về thăm ông mừng lắm, bởi mỗi lần như vậy ông lại có cơ hội nói lên những nguyện vọng của mình. Hay chí ít ông cũng có người để tâm sự, để kể những những khó khăn mà ông đã và đang phải trải qua.
>> Đường về cay đắng của "liệt sĩ" sau 30 năm lưu lạc

Chúng tôi trở lại gặp "liệt sĩ" Lê Xuân Hào, xã Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội) sau loạt bài viết về ông. Cuộc sống đã thay đổi bởi ông đã được cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu - tức ông đã trở thành công dân. Cuộc sống trở nên ấm áp hơn khi ông được những nhà hảo tâm chia sẻ. Đặc biệt hơn cả, vài tháng trở lại đây ông được một người phụ nữ tình nguyện theo ông chung sống những tháng ngày còn lại. Thế nhưng cuộc sống còn đó biết bao khó khăn khi một tấc đất cắm dùi chưa có. Điều đau đớn hơn cả, người con gái út vẫn chưa được công nhận là công dân.

Cái Tết đầu tiên có hộ khẩu

Hà Nội những ngày này chìm trong những cơn gió mùa đông bắc lạnh cắt thịt, cũng là những ngày vết thương cũ hành hạ ông Hào. Biết có nhà báo về thăm ông mừng lắm, bởi mỗi lần như vậy ông lại có cơ hội nói lên những nguyện vọng của mình. Hay chí ít ông cũng có người để tâm sự, để kể những những khó khăn mà ông đã và đang phải trải qua.

Ngồi tỉ mẩn gói những miếng vàng mã, ông Hào lầm bầm: "Biết bao giờ hết lạnh đây. Cứ thế này chắc chết đói mất". Mỗi lần trời lạnh, ông Hào phải nằm bẹp ở nhà vì sợ lên cơn đau đầu đột ngột. Cách đây ít ngày vì ham nhặt bao tải, túi bóng người ta vứt đi sau Tết, ông đội mưa, đội rét đi khắp nơi. Thế rồi, ông bỗng tối sầm mặt mày, ôm đầu lăn lộn ra đường mà kêu. "May mắn lúc đó tôi kịp dừng xe, rồi có người phát hiện nếu không chẳng biết sống chết thế nào!".

Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, vì hoàn cảnh khó khăn, việc học của ông Hào cũng chỉ dừng lại là "biết đọc biết viết". Vừa lớn lên ông đã lên đường nhập ngũ sang Campuchia làm nhiệm vụ cao cả. Ngoài làm ruộng, ông Hào chẳng biết làm việc gì khác. Sau 30 năm lưu lạc nơi xứ người khi trở về nghiễm nhiên ông không còn một thước ruộng phần trăm nào (chia lại ruộng đất). Chỉ mới đây thôi, sau nhiều ngày gõ cửa cơ quan công quyền, cùng với tiếng nói của báo chí, ông Hào được cấp giấy chứng minh nhân dân cùng một cuốn sổ hộ khẩu. Nhưng trong cuốn sổ hộ khẩu ấy cũng chỉ có duy nhất tên ông, không vợ, không con.

Nhắc đến các con ông Hào không cầm được nước mắt.

Ông còn nhớ như in khi cầm tấm chứng minh nhân dân trên tay. Ông đã khóc rất nhiều, khóc không phải vì bao công sức đi "xin" mà khóc vì mình được là "người còn sống", khóc vì mọi người đã công nhận mình là công dân. Thế rồi biết bao hy vọng về một cuộc sống ấm no cứ hiện về. Để rồi hôm nay ông lại cay đắng nhận ra mình không có đến một miếng đất cắm dùi. Không đất cấy cày, lão nông chính hiệu ấy phải căng mình nhặt từng đồng bạc lẻ bằng nghề đồng nát, cuốn vàng mã thuê.

Ông Hào nói mà như khóc: "Cũng may là bác cả còn thương tôi nên tôi mới có chỗ chui ra chui vào thế này. Lúc bố mẹ mất, tôi vẫn còn chưa trở về. Bố mẹ không chia đất ở cho tôi vì nghĩ tôi đã chết". Mới vài tháng đây, trong lúc bế tắc nhất, buồn chán nhất, ông Hào may mắn được một người phụ nữ nguyện theo ông gánh vác những khó khăn. Chị Vinh là người làng bên, nhiều người độc miệng bảo chị hâm vì về ở với ông Hào chẳng khác nào "ô sin". Tài sản của ông chẳng có gì ngoài những vết thương chưa lành của chiến tranh. Bất chấp tất cả, họ nương tựa vào nhau mà sống.

Để trang trải cuộc sống hằng ngày việc gì ông cũng làm. Đến mùa vụ theo vợ đi cấy thuê lấy vài chục nghìn rồi trông chờ vào sào ruộng phần trăm ở quê chị Vinh. Vợ ông Hào cũng chẳng có công việc gì ổn định, hằng ngày cần mẫn với công việc cuốn thuê vàng mã. Ngày nào nhiều nhất cũng chỉ được bảy nghìn đồng, còn bình thường cũng chỉ được 3 đến 4 nghìn. Đưa mắt nhìn người vợ cặm cụi cuốn vàng mã, ông nói: "Cô ấy chấp nhận về ở với tôi là một sự hy sinh lớn rồi. Tôi chẳng biết lấy gì để đền lại ân nghĩa ấy. Mắt tôi giờ kém lắm, bệnh tật lại thế này, may có cô ấy làm đôi mắt, làm chỗ dựa tinh thần để tiếp tục sống".

Mới đây ông Hào lại lóe lên tia hy vọng khi nghe phong thanh xã sẽ cho ông thầu ruộng thừa của thôn. Thế nhưng tất cả cũng chỉ là nghe thấy thế và hứa như vậy. Ông Hào chia sẻ : "Cái đó cũng chỉ là nghe đồn vậy chứ chưa có gì. Họ bảo ruộng đất đã chia đủ, chả lẽ lại cắt của người khác chia cho tôi. Còn chỗ đất thừa của thôn đã cho người khác thầu rồi. Họ chưa đến kỳ hạn phải trả nên mình vẫn phải chờ đợi thôi". Bỏ cặp kính, ông Hào lau vội nước mắt: "Họ bảo dần dần rồi sẽ ổn định hết, sẽ đâu vào đấy hết".

Như vậy là, thật đang mừng sau khi báo chí và dư luận lên tiếng, người cựu chiến binh Lê Xuân Hào đã được làm giấy chứng minh nhân dân, được nhập khẩu. Đó là sự vào cuộc kịp thời của huyện Ứng Hòa, Công an huyện Ứng Hòa...

Con gái vẫn chưa là công dân

Hành trang trở lại quê hương của ông Hào chỉ vỏn vẹn cái túi nilon, bên trong có một bộ quần áo. Cả thảy ông có 5 người con bên Campuchia, vợ chết sớm, cảnh gà trống nuôi con nên cuộc sống vô cùng vất vả. Ông cắn răng bỏ lại tất cả mang theo đứa con gái út đáng thương nhất theo mình về Việt Nam. Không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, con gái ông không thể làm giấy đăng ký kết hôn. "Vì ông bác của chú rể là Phó Chủ tịch UBND cái xã ở huyện Sóc Sơn đó (quê chồng của con gái ông Hào), ông ấy sợ trách nhiệm, cũng cần phải gương mẫu, nên ông cương quyết phải có đăng ký thì mới cho cưới. Chúng nó cứ cưới. Cưới xong mới xích mích. Thế là con bé Dương đi tự tử. Uống 20 viên thuốc ngủ, may mà đưa đi Bệnh viện Bạch Mai rửa ruột kịp thời", ông Hào khóc nức nở.

Ảnh cưới cô con gái út ông Hào.

Suốt buổi nói chuyện với ông Hào, hiếm hoi lắm ông mới nở được nụ cười khi khoe chiếc áo mới và mái tóc vừa nhuộm. Chả là trước Tết, có một chị tên Lan đọc báo thấy thương hoàn cảnh của ông nên tặng ông chiếc áo ấm ăn Tết. Rồi mái tóc mới ông cũng được cô con gái động viên đi nhuộm với lý do "Không có gì mới thì cũng phải có cái tóc mới để chúc Tết hàng xóm láng giềng và thông gia". Vừa mới cười đấy nhưng ông lại buồn ngay khi nghĩ đến cái Dương (con út ông Hào). Ông bảo, nó chẳng có giấy tờ gì nên cũng ngại về thăm ông. Chỉ sợ đi rồi có ai hỏi giấy tờ không có lại phiền phức.

Công việc hằng ngày của Dương cũng chỉ loanh quanh tưới rau, phun thuốc sâu cho ruộng nhà chồng. Cũng định xin đi làm công nhân ở các công ty quanh đó cho đỡ vất vả, lại ổn định nhưng người ta không nhận vì thủ tục, hồ sơ không đảm bảo. Nói đến đây ông Hào khóc như một đứa trẻ, ông tự trách mình vì kém cỏi, không lo được cho các con. Ông như ân hận vì mang Dương về Việt Nam. Rồi ông nhớ 4 đứa con đang ở Campuchia không có bố mẹ. Cứ như thế đã bao đêm ông khóc, ông giày vò. "Mình được là "NGƯỜI" rồi nhưng còn con gái cứ lấm la lấm lét như kẻ phạm tội. Nhiều đêm năm nghĩ đến con mà ruột gan tôi cứ có ai xát muối. Thương con quá mà chả làm gì được" - ông Hào chia sẻ.

Dù gì cũng phải công nhận đây là cái Tết ấm áp và hạnh phúc nhất kể từ khi ông đặt chân trở về nơi quê cha đất tổ. "Vì Tết này tôi đã chính thức được công nhận là công dân. Nói thật khi chưa có chứng minh thư tôi cứ thấy bâng khuâng và có cảm giác như mình là người đứng ngoài lề xã hội. Chả có bất kể một quyền gì. Tôi không chỉ có chứng minh, sổ hộ khẩu mà còn được cấp cả giấy đăng ký kết hôn đây này" - ông Hào vừa nói vừa lôi một mớ giấy tờ ra khoe.

Vợ ông Hào cuốn thuê vàng mã, thu nhập cao nhất cũng chỉ 7 nghìn đồng/ngày.

Chiều 29 Tết hai vợ chồng ông Hào đã quyết định sắm về một chiếc xe WaveS. Ông Hào bảo, nếu để hai vợ chồng làm thì chả biết bao giờ mới mua được cái xe ấy. Cũng may nhờ có các cơ quan, đoàn thể, trong đó phải kể đến Báo Lao Động đã tặng 14 triệu cho vợ chồng ông. Sắm được xe máy, ông Hào sẽ có cơ hội đi xa hơn để thu mua, gom nhặt bao tải về bán. Ông Hào tâm sự: "Bây giờ đã có vợ có chồng rồi thì dù khó khăn đến mấy tôi vẫn tin là sẽ vượt qua được. Cái tôi thấy khổ tâm nhất bây giờ chính là lo thủ tục để làm công dân cho đứa con gái út mà thôi!"  

Trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư Hà Nội, ông cho biết: Theo luật hộ tịch thì con ông Hào được đính chính lại ngày tháng năm sinh theo hồ sơ của cha (như giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu mà ông Hào đã được cấp). Bình thường ông Hào cần ra UBND xã Trầm Lộng khai lại giấy tờ cho con nhưng trường hợp này có liên quan đến yếu tố nước ngoài nên xã, huyện không đủ thẩm quyền cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc nhập khẩu cho con gái ông Hào. Việc này phải do Sở Tư pháp Hà Nội làm. Vì thế nếu muốn làm giấy chứng minh nhân dân và nhập khẩu cho con gái, ông Hào phải làm đơn lên Sở Tư Pháp Hà Nội.

Ông Lê Văn Hà, Trưởng thôn Hòa An cho biết, quả thực trước khi báo chí vào cuộc, ông Hào gần như không được hỏi han, cuộc sống rất vất vả. Nhưng từ khi báo chí phản ánh tình hình của ông Hào thì đã được các cấp chính quyền quan tâm hơn. Ông Hào không có đất cấy cày là điều đương nhiên, bởi ông ấy đã mang danh liệt sĩ quá lâu. Mỗi khẩu ở độ tuổi lao động được 3 sào Bắc bộ, khẩu ngoài lao động được 2 sào. Chúng tôi chỉ còn biết đề xuất cho ông Hào thầu những thửa ruộng thừa ra sau khi chia. Tuy nhiên hiện các thửa ruộng đó đã được người khác thầu và chưa hết hạn. Chúng tôi chỉ là cấp cơ sở thấp nhất, nếu cấp trên có chỉ đạo gì chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện. Nếu như cấp huyện, cấp tỉnh quyết định cho ông Hào ruộng (ruộng thừa ra sau chia), chúng tôi cũng sẵn sàng.

Ông Lê Quang Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà Nội cho biết: Cuộc sống của ông Hào hiện nay đã rất ổn định. Huyện, xã và thôn thường xuyên đến thăm hỏi và động viên. Khẩu cũng đã nhập được rồi, chứng minh thư cũng đã làm xong, giấy đăng ký kết hôn của ông Hào với người vợ mới cũng được cấp rồi. Bây giờ vợ chồng ông Hào cũng đã có nghề đi thu mua đồng nát. Thực tế hiện nay không phải nhất thiết bám vào nghề trồng lúa mà có nhiều nghề khác còn kiếm hơn. Còn chuyện ông Hào muốn có đất canh tác thì cũng phải có ý kiến với ban quản lý địa phương vì từ năm 2003, đất ruộng đã được chia ổn định, chết không mất đi, đẻ mới cũng không có ruộng.

Phong Anh
.
.
.