Gặp lại người hùng đánh đắm tàu Mỹ trên cảng Sài Gòn

Thứ Năm, 24/12/2015, 09:00
Việc ta phá hủy được tàu USNS CARD đã làm tiêu hao sinh lực địch, là thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam. Người Mỹ không thể ngờ rằng, giữa sự phòng bị nghiêm ngặt, lệnh giới nghiêm chặt chẽ, vào thời điểm tàu cập cảng, khu vực quanh tàu được rào thép gai, có lính gác đứng dài vài cây số, không một người Việt Nam nào được có mặt bên trong khu vực giới nghiêm. Nếu không có những tài liệu ghi chép sự kiện lịch sử ấy, nếu hai nhân vật chính trong trận đánh ấy không còn, có lẽ người ta không tin đó là sự thật.

Cảm tử quân trên bến Cảng

Cảng Sài Gòn đầu thập niên 60 của thế kỷ trước là cửa ngõ của hòn ngọc Viễn Đông. Mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu bè ra vào thường xuyên. Chính từ sự sầm uất giao thương ấy mà cảng Sài Gòn hội tụ đủ các loại người, công nhân trên Cảng bị bóc lột sức lao động triệt để. Gia đình Lâm Sơn Náo (Ba Náo) là dân Sài Gòn sống bên dòng Kinh Tẻ, có truyền thống cách mạng nhiều đời. Các anh chị em, người thân của Ba Náo ai cũng có nhiệm vụ riêng, bí mật và độc lập. 

Một ngày đẹp trời trên bến Cảng, Ba Náo đi theo người dì ruột gặp đội trưởng đội biệt động 65 Phạm Văn Hai (biệt động quyết tử Sài Gòn). Biết Ba Náo là công nhân cảng Sài Gòn, anh Hai mừng lắm, Ba Náo sẽ là hạt giống nòng cốt thực hiện những nhiệm vụ cảm tử.

Hơn 50 năm qua, ông Ba Náo vẫn sống trong những ký ức không thể nào quên.

Trong thời gian chờ tàu sân bay Hoa Kỳ đáp bến, Ba Náo có nhiệm vụ trinh sát toàn bộ khu vực Cảng nhằm nắm bắt tình hình và xây dựng lực lượng cơ sở. Ông đã tìm được 3 cộng sự lần lượt giữ các vị trí trọng yếu: Anh Sáu Cậy phụ hồ, anh Hai Hùng thợ máy và anh Đỗ Toàn làm điều độ tàu bè ra vào Cảng. Khi đã xây dựng được những cánh tay đắc lực phục vụ cho hoạt động bí mật, cấp trên chỉ thị cho Ba Náo toàn quyền quyết định kế hoạch tác chiến.

Vùng đất Nhà Bè kênh rạch mênh mông, cỏ lác lau sậy um tùm, duy chỉ có ven dòng Kinh Tẻ là có dân ở. Gia đình Ba Náo sống ở đây nhiều đời nên nắm thông thạo địa hình bến Cảng. Những buổi chiều tan tầm về, Ba Náo lại xả mình xuống sông tắm mát. Thực chất đó là những lần ông đi tiền trạm nơi cất giấu và đặt chất nổ phá hủy tàu. Một con đường thuận lợi và an toàn nhất là đi dưới đường cống hôi hám và dơ bẩn.

Đỗ Toàn làm điều tiết tại Cảng báo lại ngày 29/2/1963, tàu US COREE sẽ vào cảng Sài Gòn, tàu này chở máy bay, pháo, thiết giáp 113. Ba Náo mừng thầm trong bụng, ông đi tìm ngay Sáu Cậy, người công nhân cảng đã được chọn làm cơ sở. Khoảng 14h, Ba Náo cùng Sáu Cậy vận chuyển bốn khối thuốc nổ TNT, mỗi khối 20kg xuống bến. Vũ khí được ngụy trang trên một chiếc xuồng có các vật dụng của thợ điện và thợ hồ còn nguyên mùi vôi vữa.

Trong vai thợ hồ của Cảng đi sửa chữa thì có thể vào ra cầu tàu sân cảng thoải mái. Lượn lờ mấy vòng quan sát, xuồng thợ hồ lách qua cửa sắt được mở khóa sẵn và chui tọt vào trong đường cống. Theo đường cống ngầm vào gầm sân cảng, xuồng lọt vào vị trí một cách dễ dàng trước khi tàu chở vũ khí tới. Thuốc nổ đã được cài đặt sẵn pin hẹn giờ, tất cả đều sẵn sàng. Từ chiều tối ém xuồng trong cống để chờ tàu, hai con người ấy vì nhiệm vụ mà quên hết tất cả. Họ không còn thấy đói, thấy khát, không còn ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ cống.

 Tàu cập bến, lệnh giới nghiêm được phát ra, xung quanh khu vực tàu neo đậu là hàng rào kẽm gai cùng lực lượng cảnh sát, binh lính dày đặc. Hai con người nhỏ bé vẫn nín lặng dưới gầm cống, phía trên đầu, tiếng giày đinh bước rầm rầm, giọng người Mỹ oang oang. Khi đã quan sát chắc chắn, định vị chính xác hướng tiếp cận, Ba Náo bắt đầu vận chuyển mìn tới đúng vị trí trọng yếu của con tàu. Đặt kíp nổ và hẹn giờ xong ai về nhà nấy, thản nhiên như không có chuyện gì. Gần 7h sáng, Ba Náo hồi hộp nhìn đồng hồ và đếm từng giây.

Đúng 7h rồi qua 5 phút, 10 phút vẫn không hề thấy động tĩnh gì, Ba Náo toát mồ hôi. Người ông nóng như có con gì đang gặm nhấm trong ruột. Vậy là thất bại, ông nghĩ đến những chiếc máy bay lần lượt ra chiến trường. Cuộc chiến thêm phần tàn khốc, máu đồng bào ta phải đổ xuống nhiều hơn.

Tàu USNS CARD dài 151m, công suất 8.500 mã lực. (Ảnh tư liệu) Con tem in sự kiện đánh đắm tàu chiến Mỹ. 

Buổi làm hôm sau, Ba Náo không thể tập trung được, đầu nghĩ mông lung, cảm giác tiếc nuối và ân hận. Lấy lý do đau đầu, Ba Náo xin nghỉ sớm. Ông dong mình xuống sông Sài Gòn, lần mò ra nơi đặt kíp tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mà kíp không nổ. Ba Náo đã nghĩ đến chuyện hy sinh bởi đi lần này rất nguy hiểm, có thể giặc biết đã mai phục ngay ở đó để bắt, hoặc chẳng may vừa lúc tới, mò mẫm dây điện nó nổ tung một cái thì xác cũng tan theo. Nhưng bắt buộc phải lấy được 4 trái mìn lên nếu không thủy triều xuống, giặc phát hiện thì kế hoạch bị bại lộ.

Nghĩ vậy, Ba Náo chẳng sợ gì nữa. Ông ngụp lặn trong dòng nước đục ngầu, đen đúa và hôi hám dưới lòng cống. Khoảng cách từ cống lên sàn tàu chỉ độ 2m, ông nghe rõ, nhìn rõ bọn lính gác, rồi thẫn thờ nhìn chiếc tàu đồ sộ án ngữ ngay trước mắt, vuốt mặt tiếc nuối. Nguyên nhân là do khối pin kết lại từ trên căn cứ, nằm chờ lâu ngày nên nó bị yếu đi. Pin lại nhỏ không đủ sức điểm hỏa.

Gần 3 tháng sau khi đánh hụt tàu US COREE, Ba Náo ngày nào cũng ngóng tin từ người điều tiết cảng Đỗ Toàn. Ngày 30/4/1964, nhận được thông tin từ Đỗ Toàn báo tàu Mỹ sắp vào Việt Nam. Ba Náo mừng khôn xiết, ông chạy đi tìm Sáu Cậy. Nhưng Sáu Sậy đang bị đau mắt vì lần trước trầm mình xuống nước cống dơ. Ba Náo lại đi tìm anh thợ điện Nguyễn Phú Hùng. Hùng mấy ngày nay đang đi nghiên cứu tình hình đánh tòa đại sứ trong nội thành nên không có nhà.

Ba Náo "CARD"

Sáng 1/5/1964, tàu USNS CARD cập cảng Sài Gòn. Ba Náo đứng trân trối nhìn con tàu lững thững vào bến chở trên mình nó gần 200 chiếc máy bay và những quân dụng hiện đại chi viện cho chiến trường miền Nam. Cho đến bây giờ vẫn chỉ có một mình, không thể thực hiện được. Bỗng Hai Hùng xuất hiện tại nhà Ba Náo, mừng vui khôn xiết, ông nói với Hùng một câu: "Giờ đi liền nhé, công việc rất gấp không thể chần chừ".

Hai Hùng không hiểu gì nhưng thấy hành động của đồng chí mình nên gấp rút theo sau. Trên một chiếc xuồng chòng chành như lần trước, ở dưới giấu 2 trái thuốc nổ được thiết kế có sức mạnh gấp 3 lần trước. Chuyến này di chuyển khó khăn gấp vạn khi phải băng qua những hàng rào dầy đặc bảo vệ tàu của cảnh sát tuần tra và lính gác. Chiếc xuồng của Ba Náo và Hai Hùng bị phát giác, rọi đèn pha thẳng vào mặt. Nhưng với sự khôn khéo của mình, Ba Náo bình thản xử lý. Cài chất nổ, hẹn 3 giờ. Nhiệm vụ đã hoàn thành, hai người bơi vào bờ ngay.

Về tới nhà là 3h kém 15 phút, hai cái bụng đói như cồn nhưng niềm sung sướng và hạnh phúc là tất cả. Nhà chỉ còn con vịt xiêm đang ấp, Ba Náo bảo Hai Hùng bắt làm thịt. Họ chưa kịp ăn thì một tiếng nổ long trời lở đất phía Cảng. Dù có chuẩn bị tinh thần để nghe vẫn thấy giật bắn cả người. Một vùng sáng bao quanh chiếc tàu tắt lịm. Ba Náo và Hai Hùng ôm nhau nhảy múa, họ muốn hét lên thật to vì sung sướng. Tiếng xe cứu thương rú còi inh ỏi suốt cả đêm. Họ thức trắng đêm để chờ sáng hôm sau ra Cảng làm, để tận mắt nhìn thấy tàn dư của một vụ đánh bom do chính họ làm chủ mưu.

Buổi sáng 2/5/1964, Đài BBC phát tin đầu tiên về vụ đánh chìm tàu. Tiếp theo là hãng tin UPI của Mỹ, đài này đưa tin về vụ nổ tàu USNS CARD cập cảng Sài Gòn: "Thành tàu bị phá một lỗ hổng bề ngang 2m, bề dày 8m. Nước tràn vào làm con tàu bị chìm nửa xuống đáy sông. Có 5 người trên tàu bị thiệt mạng và 55 người bị thương... Một số máy bay còn lại trên tàu và một số nằm lại trên cảng bị phá hủy hư hỏng nặng. Lực lượng Việt cộng đang bị nghi ngờ đặt quả bom trên tàu". Sau đó Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Thủ đô đưa tin thắng trận của quân và dân ta ở miền Nam. Bản tin được đọc đi đọc lại nhiều lần làm nức lòng quân và dân cả nước.

Con tem in sự kiện đánh đắm tàu chiến Mỹ.

Sáng sớm đi làm, Ba Náo quan sát thấy một nửa đầu tàu đã chìm hẳn xuống đáy sông, còn nửa đuôi ngỏng lên trời trông thật kinh hoàng. Một mảng lớn sân cảng tan hoang, đổ nát. Những mảnh vụn của máy bay nằm ngổn ngang, la liệt, rách nát như một đống xà bần. Nhìn thấy cảnh tượng đó, Ba Náo lâng lâng hạnh phúc.

Người anh hùng đánh tàu từ đó được mọi người đặt cho cái tên Ba Náo "CARD". Ông được Chủ tịch Cuba Fidel Castro gửi tặng một khẩu súng ngắn có hiệu Bronil. Trong danh sách những sự kiện lớn của lịch sử thế giới, suốt từ đầu thiên niên kỉ thứ 2, tính từ năm 1194 đến năm 2008, người ta đã liệt kê chỉ có 44 sự kiện lớn nhất, trong đó năm 1964 có sự kiện đánh chìm tàu USNS CARD của Mỹ tại cảng Sài Gòn. Bưu điện nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra một con tem trong giai đoạn từ 1960 - 1964 với hình nền là chiếc tàu bị đánh đắm.

Một sự kiện chấn động cả thế giới diễn ra tại Việt Nam cho đến thời điểm đó vẫn rất ít người biết ai là nhân vật chính. Một tháng sau, Lâm Sơn Náo, Nguyễn Phú Hùng được lệnh rời khỏi cảng vì có phản gián chỉ điểm. Sau ngày giải phóng, nhiều báo đài nước ngoài đã tìm đến người hùng đánh đắm tàu Mỹ để phỏng vấn. Tiếc rằng, Hai Hùng đã hy sinh trong một trận càn ở Nhà Bè năm 1967. Lâm Sơn Náo là nhân chứng duy nhất và cuối cùng, ông luôn sống với những kỷ niệm không thể nào quên của hơn 50 năm về trước. 

Ngọc Thiện
.
.
.