Gặp những cụ giao liên ở cuối đường 559

Thứ Sáu, 04/12/2015, 15:55
Trong lịch sử chiến tranh cận đại Việt Nam, có lẽ con đường 559 là sự kiện lớn nhất để lại cho hậu thế. Đường ấy bây giờ mang tên Trường Sơn rộng đẹp nằm ở miền tây Tổ quốc. Tuy nhiên có nơi chỉ là đài tưởng niệm giữa rừng và những giao liên một mình cắt rừng lội suối trong 16 năm tròn, nhiều người đã lặng lẽ trở về với đất.

Trong những lần vào buôn làng ở Tây Nguyên, hay các phum sóc ở biên giới Tây Nam, tôi thường tìm đến những người làm giao liên già của hai thời kỳ kháng chiến để nghe hơi thở của núi rừng ngày xưa. Vì các cô chú ấy quanh năm suốt tháng tồn tại giữa rừng già nên biết được nhiều chuyện buồn vui cuộc sống đại ngàn. Đến bây giờ, phần đông các vị ấy đều ở độ tuổi chuẩn bị về với đất mẹ ngàn năm, những người còn sống trở thành những bóng cây Kờ Nia còn sót lại giữa vườn cho con cháu vào trú nắng trú mưa. Và khi mỗi lần được hỏi về một thời trai trẻ, đôi mắt các cụ sáng lên nhìn về rừng sâu nhớ lại thời mang dép lốp vượt núi trèo đèo.

Trong lịch sử đường giao liên Trường Sơn. Ai cũng biết đó là con đường mòn Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Trail) do người Mỹ đặt tên, con đường tiến quân, đường ống dẫn dầu, vận chuyển khí tài từ Bắc vào Nam. Đường 559 xuất phát từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kéo dài đến Nam Tây Nguyên rồi nối tiếp chiến khu Đ, Bù Gia Mập đến điểm cuối cùng là Lộc Ninh. Nơi phát lệnh công điện 37TK của bộ chính trị mở màn chiến dịch mang tên Bác giải phóng Miền Nam thống nhất tổ quốc.

Cây Kờ Nia ở Nam Tây Nguyên

Mấy tháng trước có dịp vào buôn Bru, xã giáp ranh với Đắk Nông gặp Thượng tá Ba Đen, một trong những người đầu tiên mở đường 559 ở Nam Tây Nguyên. Bây giờ ông Ba đã 90, lên chức cụ, đi đứng khập khiễng, lúc nhớ lúc quên, âm sắc mờ đục đến nỗi con trai của ông cùng ngồi với chúng tôi giải thích như làm thêm phiên dịch lời ông nói.

Tư gia của ông Ba là một ngôi nhà xây cấp 4 nằm ở mặt tiền tỉnh lộ 725 nối liền Lâm Đồng - Đắk Nông. Trước nhà ông đầy hoa giấy đỏ phất phơ khi gió rừng đổi hướng. Già làng Ba Đen là một nhân chứng sống về cuối con đường 559 đoạn từ Buôn BSar Đạ Ryal đến chiến khu Đ qua Bù Gia Mập, Lộc Ninh. 

Ông Ba Đen.

Ông Ba tên thật là Hoàng Minh Đỏ, sinh năm 1926, người dân tộc Châu Ro, nhưng bà con ở buôn Bru đã từ lâu xem ông là người Mạ. Sau Cách mạng Tháng 8, ông tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong rồi trở thành chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 320 Đông Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1959 ông trở về Nam mở rộng đường giao liên 559.

Người con trai ông kể: “Sau khi vượt sông Đồng Nai, vào vùng người Mạ, ông được phân công ở lại xây dựng địa bàn, làm điểm nối hành lang từ Đắk Lắk sang Lâm Đồng. Tại đây ông tổ chức được trạm giao liên đầu mối. Sau đó, dùng địa bàn buôn Bsar Niar làm bàn đạp. Đến giữa năm 1961, ông bà tôi cùng đồng đội đã vận động được hơn 30 buôn đồng bào Mạ tham gia kháng chiến, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn phía Tây Lâm Đồng”.

Thắp hương tại Đền tưởng niệm B'Sar Đạ Ryal.

Khi tiễn chúng tôi ra khỏi hàng bông giấy. Ông thều thào: “Tại buôn BSar Đạ RYal, nay thuộc thôn 3, xã Lộc Bảo là cứ điểm dừng chân nối tiếp đến chiến khu Đ rồi Lộc Ninh, Bù Gia Mập. Nơi ấy có đài tưởng niệm do ngành bưu điện xây dựng”. Ông còn căn dặn: “Con đường mòn từ thôn 3 Lộc Bảo vào buôn dài 2km. Nơi có cây Kờ Nia gãy ngọn, xung quanh là tre. Vào đấy, phải thắp nhang khấn vái các anh linh, vì đã có biết bao các anh chị em giao liên kinh thượng đổ xuống để nối thông hành lang này”.

Lúc 11h, chúng tôi ghé UBND xã, gặp ông KLý dân tộc Mạ, Phó Chủ tịch xã. Ông Lý cho biết từ đây đến đó 20 cây số rồi vào rừng 2 cây số nữa. Vào đó hỏi thêm coi chừng lạc đường, vì bây giờ có nhiều đường mới.

12h ghé đội bảo vệ Công ty Thủy điện Đồng Nai 4, được các anh em cho biết thêm: Con đường nhỏ này chạy bao quanh công ty, sau đó các anh cứ rẽ trái, rồi rẽ trái gặp một cụm rừng nguyên sinh có hai bụi tre. Nơi đó là đài tưởng niệm. Ở giữa rừng chúng tôi cứ rẽ trái và rẽ trái, cuối cùng đứng giữa rừng hoang không một bóng người. Trong những lần tác nghiệp về thăm lại chiến khu xưa, khi bị lạc lối, tôi thường thắp nhang đứng thẳng người khấn vái các vong linh liệt sĩ như ở chiến khu Đ, Trung ương cục ở sóc Con Trăng hay Bộ Tư lệnh miền ở Tà Thiết, đều được gặp người chỉ đường. Lần này khi nhang chưa tàn đã may mắn gặp một thanh niên đi kiểm tra cao su, được anh dẫn đến đài tưởng niệm cách đó 500 mét.

Đền tưởng niệm toàn cảnh.

Trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà mang kiến trúc miếu thờ, cao khoảng 4m không vách, lợp tole giả ngói. Ở trung tâm đền là tấm bia bằng đá hoa cương, mặt trước là hình hai bàn tay bắt chặt nhau, với hàng chữ chìm “16 giờ ngày 30-10-1960. Tại đây giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Mặt sau là núi rừng trùng điệp, với những con đường mòn uốn khúc dưới tán rừng.

Nhìn xung quanh hoang vắng u tịch, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đốt bó nhang đặt vài bịch bánh trên bàn đá lạnh lẽo, chúng tôi cúi đầu khấn vái theo lời dặn của ông Ba Đen. Trước bàn thờ hương khói tỏa lên, chúng tôi mơ hồ nhìn thấy bóng dáng các cán bộ chiến sĩ giao liên cả kinh lẫn thượng. Những con người với gương mặt xanh xao, đội nón tai bèo, mặc quần áo đen, chân đi dép lốp, choàng vải dù cùng với khẩu AK47 hoặc colt 12 ly đang ôm nhau cười nói kể lể khi đi qua các địa phận.

BSar Đạ RYal bây giờ trồng đầy cao su, đứng trên đỉnh đồi nhìn thấy toàn cảnh thị xã Gia Nghĩa chập chờn những trụ tiếp phát sóng điện thoại hay những ngôi nhà xanh đỏ.

Ông già Củ Chụp, một nhân chứng sống của chiến khu Đ

Trên đường đi tìm những giao liên “Cây Kờ Nia”, đoạn từ đầu nguồn sông Đạ Đờng sang chiến khu Đ. Nhiều người giới thiệu ông già Châu Ro có tên là Tơ Tơ hiện còn sống ở buôn Lý Lịch, tỉnh Đồng Nai thuộc chiến khu Đ cũ. Khi đến nơi mới biết, ông Tơ Tơ chính là ông Năm Nỗi, người mà hai mươi năm trước tôi đã từng đến nhờ ông tìm kiếm người thân khai thác trắng lòng hồ thủy điện Trị An năm 1985.

Tên ông già Củ Chụp là do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt, lúc ông Sáu Dân về thăm đồng bào ở chiến khu Đ. Chuyện về ông già Củ Chụp có thể viết thành sách. Vì ở vùng này, ông và đất đã gắn bó với nhau trọn một đời người.

Sau lần ấy, tôi mới phát hiện ông là một cây Kờ Nia cổ thụ còn lại ở di tích chiến khu xưa. Ngay căn nhà sàn của ông đã nói lên như một chiến binh dũng cảm của thời hái lượm. Ngày xưa, người Châu Ro có luật tục bất thành văn như thổ dân da đỏ ở hạ nguồn sông Amazon. Đó là việc con trai muốn chứng tỏ mình trưởng thành phải tự đi săn thú rừng, càng nhiều thú càng chứng tỏ tài năng. Chắc chắn một điều, người Châu Ro ở Lý Lịch không có họ hàng gì với các thổ dân ở tận Nam Mỹ xa xôi kia. Ở sau vách nhà của ông có hàng trăm sọ động vật như khỉ, doọc, heo, mễn, bò, cá sấu… nằm sát nhau để chứng minh chiến tích của một gia đình. Ông cho tôi xem cây ná có tuổi đời trên dưới 60 năm, có lần tôi đặt bệ ná vào bụng kéo thử nhưng không thể.

Ông Năm Nỗi và cháu ngoại.

Ông Năm Nỗi, tên thật là Nguyễn Văn Nỗi, tiếng Châu Ro là Tơ Tơ. Ông sinh năm 1929 tại chiến khu Đ, cha ông là dân mộ cao su người Ninh Bình, mẹ ông là Châu Ro gốc, ông Năm lớn lên giữa rừng núi đại ngàn. Năm 1946, khi chiến khu Đ thành lập, là một thanh niên gan dạ băng rừng lội suối không sợ cọp cũng không sợ quân viễn chinh Pháp Nhật. Ông tham gia cách mạng rồi trở thành giao liên cho chiến khu dưới thời Tư lệnh Nguyễn Bình và Phó Tư lệnh khu bộ khu 7 Huỳnh Văn Nghệ. 

Ông cho biết: Trong công việc của mình ông đã từng gặp các vị tướng lãnh oai hùng ấy. Là giao liên dân gốc ở khu Đ, ông thuộc các đường rừng như lòng bàn tay của mình. Trên các nẻo đường của rừng hoang, ông thường mang theo một chiếc roi chiến đấu với thú dữ và một chà gạt phát đường mà khúc ruột của cán dùng để chứa tài liệu mật. Ông trở nên nổi tiếng ở chiến khu về dùng đá và bùi nhùi làm ra lửa, ông đã phát hiện rừng củ chụp nuôi sống cán bộ vào lúc cái đói cận kề. 

Chuyện kể rằng: Năm 1959, chiến khu Đ bị 2000 quân địch bao vây dài ngày, mọi ngả đường vào chiến khu đều bị chặn, khiến bộ đội có nguy cơ chết đói. Lúc này, ông Năm mới sực nhớ một quả đồi có rất nhiều củ chụp, có thể thay thế cơm. Ông Năm vùng dậy, thông báo cho bà con đi đào củ cho bộ đội. Nhờ củ chụp của ông và bà con mà bộ đội ta đã giải quyết được vấn đề lương thực, đánh bại trận càn của địch. Cũng từ đó, quả đồi này được đặt tên là đồi Củ Chụp hay đồi ông Năm.

Đã bao năm, ông Năm vẫn ở ngôi nhà sàn đơn sơ bên kia bờ suối Sa Mách, vì ông muốn giữ lại ngôi nhà của người Châu Ro, giữ hình ảnh một thời gian khó của buôn làng. Vào tuổi 90, nên cũng hom hem như ông Ba Đen, nước da vẫn mang màu nâu của rừng, kèm theo chứng nặng tai. Vì vậy mỗi lần điện thoại hỏi thăm nghe ông nói không theo nội dung câu chuyện.

Đường Hồ Chi Minh hiện nay (Báo Bình Phước).

Hơn hai mươi năm trước, ông Năm không treo một chứng tích gì trong nhà, nhưng bây giờ trên vách nhà sàn được ông treo cả chục tấm huân chương, huy chương lồng trong khung kính. Trong số những tấm hình lưu niệm khách đến thăm chiến khu xưa và buôn làng Lý Lịch được treo trong nhà, có ảnh ông chụp chung với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, cố Đại tướng Mai Chí Thọ và nhiều cán bộ cao cấp khác mà ông từng tiếp tế trên đồi Củ Chụp năm xưa. Điều đặc biệt trong nhà có hơn 200 hiện vật của bà con dân tộc Châu Ro trong thời kỳ hái lượm và di vật chiến tranh được ông lưu giữ như một bảo tàng truyền thống gia đình.

Người có tuổi sống bằng quá khứ, ông thường kể thời gian khổ của buôn làng mình, giải thích luật tục, truyền thuyết người Châu Ro và kêu gọi hai anh em kinh thượng đoàn kết thương yêu nhau. Ông thường căn dặn lớp trẻ “Người Châu Ro của mình có cơm ăn, áo mặc đời sống văn minh như bây giờ là nhờ Bác Hồ và chính phủ vẽ đường chỉ lối mới có hôm nay”.

Là người tôn trọng chữ tín từ thời làm giao liên cho Trung tướng Nguyễn Bình, rồi qua đường 559, nên tiếng nói của ông cả dân làng và chính quyền địa phương đều lắng nghe. Trong cõi người ta không phải người nào cũng có một quá khứ đẹp để lúc cuối đời còn để lại tiếng thơm, lời nói của mình được người khác ngả mũ cúi đầu.

Người con ở miền biên viễn

Ông Lâm Hồng Bun sinh năm 1945 dân tộc Khmer là một trong những người làm giao liên cuối chặng đường 559 ở biên giới Tây Nam vào thập niên 60, vì con đường này đến Lộc Ninh là kết thúc.

Ông Bun sinh ra tại sóc Tà Thiết, bây giờ thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Khác với “hai cây cổ thụ Kờ Nia” ở Nam Tây Nguyên và chiến khu Đ, ông Bun là đại gia huyện lẻ về cây công nghiệp cao su và điều. Tuy ở độ tuổi 70 nhưng ông còn trẻ trung vui tính, ông tự mình lái chiếc xe Jeep lùn chạy đi các nơi trong vùng biên giới. Nghe ông Lâm Đức, dân tộc Khmer ở gần nhà ông cho biết: “Vợ ông Bun làm nghề buôn bán quần áo theo đường tiểu ngạch ở vùng biên, mua cho ổng một chiếc xe con ở nhà lái đi chơi, thỉnh thoảng chở bà ấy đi chỗ này chỗ nọ để liên hệ mua bán. Xe nhà, xăng bà ấy đổ, hằng ngày dằn túi một trăm ngàn, thế là ông vi vu như bướm lượn”. 

Tôi may mắn được gặp ông trong chuyến đi biên giới để tìm chứng tích đoạn cuối con đường Trường Sơn. Từ trên đường vi vu, ông nhận được điện thoại nói bằng tiếng Khmer như hét của ông Ấp trưởng Lâm Vy sóc Tà Thiết rằng có nhà văn quân đội muốn tìm người giao liên ở cuối đường 559. Thế là ông lái chiếc xe Jeep lùn chở vợ lên đường chạy vèo vèo về sóc Tà Thiết như cặp tình nhân thời trai trẻ. Gặp tôi, ông vỗ vai rật rật bảo lên xe chạy vào khu di tích Bộ tư lệnh miền rồi ra tận thị trấn Lộc Ninh xem nhà của ban liên hợp quân sự Bốn Bên. 

Dọc đường ông vừa lái xe, vừa kể: “Ông phải đi, phải thấy, phải nghe mới tin được cái nghề giao liên nhịn đói lủi rừng như con khỉ con dơi. Tui tham gia cách mạng năm 1965 làm giao liên vùng biên. Sau đó chuyển về Trung ương Cục ở Sóc Con Trăng rồi qua Bộ Tư lệnh miền cũng làm nghề này. Tui được ở chung với tướng Trà, mà hồi xưa đâu có biết ổng làm tướng đâu, chỉ gọi ông Tư Chi, ổng hiền lành ở chung với 10 hộ Khmer mà. Ngày đó làm giao liên khổ mà vui lắm. Không hiểu vì sao thời chiến tranh mình khỏe lắm à nha chứ không phải như bây giờ. Ngày đó, đi đêm đi ngày cả tuần vẫn tỉnh bơ. Ông thử tưởng tượng từ Bù Gia Mập qua Kratie, Tbong Khmum, Nunđan Kiri về Lộc Ninh gần 300 cây số mà vẫn b́nh thường. Bây giờ đi chắc chết quá!

Nhà làm việc của Tướng Nguyễn thị Định.

Hồi đó làm giao liên ra vào căn cứ Tà Thiết như cơm bữa nhưng không biết đó là Bộ Tư lệnh quân giải phóng ông ơi! Mãi sau hòa bình mới biết đây là khu căn cứ cuối cùng của chiến trường B2 đa số là mấy ông làm to. Nơi đây có đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam, có kho quân trang, quân dụng… Chiến khu Tà Thiết ở sát nách sân bay Lộc Ninh hồi xưa mà yên bình mới hay chớ!”.

Ông Bun dẫn tôi vào ngôi nhà của cố Thượng tướng Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh nữ tướng Nguyễn Thị Định… rồi hai anh em vô phòng các tướng lãnh ngồi họp, nhìn mái nhà lợp lá trung quân xếp vào nhau một cách điệu nghệ bởi bàn tay con người. Trong căn cứ rừng Tà Thiết bây giờ rất nhiều chim và sóc rừng, khi hai người đến nơi làm việc của tướng Định, rất nhiều tiếng sóc kêu vang cả góc rừng, thỉnh thoảng có tiếng tu hú từ xa nghe buồn buồn tưởng chừng như tiếng các cô, các chú giao liên gọi nhau giữa rừng núi đại ngàn thời ấy.

Mười sáu năm kể từ ngày đầu thành lập (19/5/1959 -30/4/1975) từ lúc mang tên 559 đến binh đoàn Trường Sơn mà người Mỹ gọi là đường mòn Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Trail). Con đường đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. 120 ngàn công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã làm việc ngày đêm nối Đông với Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn kilômét đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu....

Theo văn bản chính thức của cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency), đường mòn Hồ Chí Minh được xem là một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX.

* * *

Đường Trường Sơn hiện nay đã thông suốt, trở thành con đường quốc phòng rộng đẹp ở miền Tây Tổ quốc. Trong đó có công những người giao liên dân bản địa, những người con của rừng, thuộc rừng như lòng bàn tay chỉ cần nắm cơm hạt vốc muối có thể đi hàng tháng. Ông già Củ Chụp ở chiến khu Đ, gắn bó công tác giao liên từ thời Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình cho đến hết tuổi xuân, khi về già vận động bà con giữ gìn truyền thống cách mạng, được các nhà văn, nhà báo viết về ông như một nhân vật huyền thoại. Tuy nhiên lúc cuối đời lặng lẽ bữa đói bữa no, hàng ngày nhìn những tấm huân huy chương để sống. Người viết bài này xin có một lời đề nghị hiền lành với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ưu ái cấp cho “cụ Kờ Nia” này một suất phụ cấp hàng tháng. Vì đã có lần tôi hỏi về trợ cấp đối người có công, ông yên lặng, nước mắt chảy ra rồi đưa mắt nhìn về rừng già xa xăm trong nổi nhớ.

Trần Đại - Như Long
.
.
.