Ghi đúng tiền điện, vẫn là do con người

Thứ Năm, 09/07/2020, 09:32
Đồng hồ cơ hay điện tử thì vẫn là đồng hồ, do con người làm ra. Cho nên, vẫn biết là cái gì hiện đại thì sẽ hơn cái thô sơ. Nhưng chuyện ghi tiền điện, rốt cuộc ngoài sự chính xác từ đồng hồ thì vẫn phải từ người ghi tiền điện, đúng hơn là ngành điện mà ra.


Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc vào tháng 3-2020 tăng tới 8,55 so cùng kỳ năm 2019. Tháng 5 và tháng 6 còn tăng “phi mã” hơn nữa. Cụ thể, chỉ 20 ngày đầu tháng 6 đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% tổng số khách hàng sinh hoạt) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so tháng 5, tức là gấp 2,33 lần.

Sử dụng nhiều thì trả tiền nhiều, không cãi được. Mà sao phải dùng nhiều? Vì con cái phải nghỉ học ở nhà, cha mẹ không đi làm được phải ở nhà, nắng nóng quá thì phải quạt máy, điều hòa, giặt giũ, nấu nướng… Không tốn nhiều điện thì mới lạ.

Chuyện tăng “cơ học” ấy thì khách hàng cãi mấy cũng thua, trừ những trường hợp thực sự bị tính “oan”. Mà cái này thì tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (tổ chức ngày 22-6) về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu EVN phải làm rõ thông tin dư luận phản ánh thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Nhưng nóng dư luận lần này về chuyện đột biến tăng số lượng khách hàng khiếu nại ngành điện lại là một chuyện khác. Ấy là chuyện liên quan cái đồng hồ điện và ghi chỉ số đồng hồ.

Đồng hồ điện thì do chính ngành điện gắn cho khách hàng. Nó chính xác hay không thì ngành điện khẳng định là chính xác vì đã qua kiểm định, đo lường, kẹp chì…

Ghi tiền điện có khách quan không, chính xác không, vẫn chính EVN khẳng định chính xác, vì nhân viên không hưởng lợi ích gì từ đó nên chẳng việc gì phải ghi “oan” cho khách hàng; vả lại, ghi oan mà bị phát hiện thì kỷ luật nặng.

Nhưng mới đây, cũng chính nhờ quan chức EVN trên báo chí, dân chúng mới vỡ lẽ ra là chí ít cũng có tới 2 loại đồng hồ điện, loại cơ và loại điện tử. Không như đồng hồ cơ, đồng hồ điện tử cho phép ghi số điện tự động nên khách quan hơn, chính xác hơn.

Cái nữa mà nghe phải giật mình: Đến nay mới chỉ 54% trong tổng số 27 triệu hộ khách hàng dùng điện sinh hoạt là đã được chuyển đổi từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử. Thủ đô Hà Nội cũng chỉ mới các quận nội thành chứ khách hàng của các huyện ngọai thành thì vẫn đang trong quá trình chuyển đổi. Thủ đô mà thế thì các đô thị khác, rồi vùng sâu, vùng xa chắc còn lâu.

Vì sao một chuyện lợi ích rõ ràng như thế, chắc chắn khách hàng hoan nghênh mà ngành điện cũng bớt mang tiếng tính “oan”, nhưng lại chậm chạp trong triển khai? Cái này, theo lời ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN – vừa phát biểu trên báo chí, thì đây là “bài toán nan giải với EVN”, cụ thể là cần nguồn lực tài chính rất lớn.

Khó khăn về tài chính nhưng nên nhớ EVN đã từng ôm rất nhiều vốn đi đầu tư ra ngoài ngành. Nay bất đắc dĩ phải thoái vốn, thì vốn ấy đưa về mà làm ngay đi.

Rồi chuyện tài chính, nếu thực sự thiếu thì EVN nên công bố để khách hàng ai cần gấp thì cho ngành điện mượn vốn rồi trừ dần vào tiền điện, chắc sẽ ổn. Gì chứ mỗi hộ khách hàng cho ứng vốn một chút thì cũng không phải là chuyện quá khó, còn hơn cứ phải lo nơm nớp bị tính tiền oan.

Nhưng cứ phải sòng phẳng mà nói thế này: Đồng hồ cơ hay điện tử thì vẫn là đồng hồ, do con người làm ra. Cho nên, vẫn biết là cái gì hiện đại thì sẽ hơn cái thô sơ. Nhưng chuyện ghi tiền điện, rốt cuộc ngoài sự chính xác từ đồng hồ thì vẫn phải từ người ghi tiền điện, đúng hơn là ngành điện mà ra.

Minh Khôi
.
.
.