Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2015):

Ghi ở A9 trong giờ G

Thứ Ba, 03/03/2015, 09:00
Trước khi về, tôi cứ nhìn mãi bó hoa đặt vội nằm chỏng chơ trên ghế mà một bệnh nhân cũ của A9 gửi tặng các y, bác sỹ tại đây nhân ngày 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam. Không kịp ngắm, cũng chẳng kịp lấy bình cắm hoặc đặt nó ở một vị trí trang trọng hơn, A9 lúc đó không khác gì giữa trận mạc. Chỉ có điều, thay vì hai bên chiến tuyến ta và địch, đạn bom, khói lửa thì ở đây là cuộc chiến giữa sự sống và cái chết, thuốc men, lòng thương người của những con người khoác áo blouse trắng.
1. Những ngày sau Tết, A9 - tên gọi quen thuộc khác của Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai không khác gì ngày thường là mấy, thậm chí bệnh nhân nhập viện đông hơn. Đủ cơn đau trên đời, từ đau bụng, xơ gan cổ trướng, đau tim,… đến cả loạn thần do rượu. A9 là nơi thực hiện cấp cứu, điều trị bước đầu cho bệnh nhân trước khi chuyển về các chuyên khoa. Đây là nơi đón đầu của những cơn đau tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nếu có mặt tại A9 đầu giờ chiều 25/2, tức mồng 7 Tết âm lịch, chúng ta mới thấy được không khí tất bật, khẩn trương của các y, bác sỹ ở đây. Chưa đầy 10 phút mà có tới 6 cáng bệnh nhân liên tiếp được chuyển vào, đa số là bệnh nhân nặng, nhiều người trong số họ khi vào đây đều trong tình trạng hôn mê. Người thì bị sỏi thận, người thì bị xuất huyết tiêu hóa, người thì dị ứng, người thì bị tai biến… cứ đau là được đưa vào đây.

Đại sảnh chưa đầy 12m² trở thành Phòng Phân loại bệnh nhân lúc đó chật kín người. Bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân lại đang trong tình trạng nguy kịch, cộng thêm người nhà đi đi lại lại nhốn nháo, lo lắng cho người thân của mình càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt mà tôi tin nếu không quen với cường độ này thì khó có ai mà chịu được.

A9 vào lúc hơn 17h ngày 25/2/2015.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hào, người có 20 năm làm việc tại Phòng Phân loại bệnh nhân của khoa vừa ghi hồ sơ cho bệnh nhân vừa cười bảo, lắm khi cũng khổ nhưng biết sao được khi bệnh nhân cần mình. Từ Tết tới giờ, bệnh nhân ra vào khoa này liên tục, 24/24h lúc nào cũng có người, lắm khi số cáng của khoa không đủ, phải để bệnh nhân ngồi tạm ở ghế nếu tình trạng của họ không nặng lắm.

Chỉ tay sang chồng hồ sơ cao ngất bên cạnh, chị loáy hoáy ngồi ghi từng chữ một vào hồ sơ và bảo: "Từ sáng đến giờ phải mấy chồng như thế này rồi. Có những ngày, chúng tôi chỉ có 30 phút ăn cơm trưa mà thôi, chẳng còn thời gian mà nghỉ ngơi để tiêu cơm. Làm nghề này, bị đau dạ dày là chuyện bình thường. Hầu như ai cũng bị viêm dạ dày cấp. Đây là bệnh nghề nghiệp mất rồi". Ngồi kế bên, đồng nghiệp của chị mới nói vui mà cũng rất thật, lắm lúc bệnh nhân đông quá, vì sợ không có ai tiếp nên có buồn đi vệ sinh cũng chẳng dám đi.

Dường như đã quá quen thuộc với cường độ công việc nên điều dưỡng Hào ngồi một lát mà một chồng hồ sơ mới đã được chất lên sau khi chồng hồ sơ cũ được chuyển vào trong cho các bác sỹ xử trí. Những thông tin ngắn gọn, cơ bản nhất liên quan đến người bệnh và triệu chứng lâm sàng của họ được ghi lại một cách cẩn thận, chính xác. Đi cùng với đó, mọi thắc mắc của người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng được các điều dưỡng viên, y tá ở đây trả lời một cách tận tình và hướng dẫn tỉ mỉ.

Một góc phòng cấp cứu.

Có những lúc, bệnh nhân đông quá, không giải quyết theo trình tự được mà phải ưu tiên cho những ca nguy kịch và nặng hơn, người thân của bệnh nhân họ không thông cảm mà còn quở trách, thậm chí đe dọa, lăng mạ, xúc phạm. Thì cũng phải nghe. Họ cũng có nỗi lo lắng của mình mà. Mình là những người làm trong ngành Y, ngoài chữa bệnh mình còn phải biết lắng nghe. Chị bảo, từ khi làm nghề này, tính tình chị dịu đi rất nhiều.

Chị Hào nói chưa dứt lời, một chiếc cáng chở một sản phụ người Thái tên là Lò Thị Kéo, 21 tuổi quê ở Quan Sơn, Thanh Hóa được người nhà đưa vào. Chị Kéo đang mang bầu tháng thứ 8, chỉ còn không bao lâu nữa là sinh thì tự nhiên bị co giật phần chi dưới, chân co quắp và đau bụng dữ dội.

Mẹ chị, bà Hà Thị Việt, 40 tuổi say xăng xe, lại lo lắng cho đứa con gái nên mặt bà thất thần, hốc hác sau một chặng đường vừa xa lạ vừa mệt mỏi mấy trăm cây số. Vì mới đưa vào A9 nên chưa có kết quả, bà ngồi ngoài sảnh lộ vẻ mệt mỏi. Bà kể chị Kéo được chuyển ra đây từ bệnh viện tuyến tỉnh. Khi đi vội quá, cả nhà chỉ kịp cắp cuộn chăn bông bên người, không thêm bất cứ đồ đạc nào ngồi xe cứu thương đi theo. Đây là lần đầu tiên bà ra Thủ đô Hà Nội.

Tiếp sau chị Hào, là cáng bệnh nhân Nguyễn Như Dũng, 53 tuổi ở Hà Nội. Ông Dũng bị xuất huyết tiêu hóa, người nhà kể ông bị nôn ra máu liên tục từ sáng tới giờ. Tiếp nữa là bệnh nhân Phạm Quang Thảo, 60 tuổi ở Thái Nguyên. Ông Thảo bị xơ gan cổ trướng, đau không đi lại được, không ăn uống được gì và rất khó thở, nhất là về đêm. Ông bị sốt từ tối tới sáng, kéo dài hơn 10 ngày nay. Gia đình thuê xe từ Thái Nguyên đưa ông vào A9 khi mà cơ thể ông đã rất mệt, giọng nói yếu ớt.

Vì số lượng bệnh nhân vào liên tục nên tình trạng cáng rỗng là điều khá hiếm hoi tại A9. Khi cáng này được chuyển vào trong cho các bác sỹ thực hiện cấp cứu hoặc chuyển đi các khoa liên quan thì cùng lúc đó, còi xe cấp cứu dừng ngay trước cửa và một bệnh nhân mới được chuyển xuống. A9 vào lúc hơn 17 giờ chiều vẫn la liệt cáng bệnh nhân và chồng hồ sơ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

2. Giữa dòng người ra vào liên tục đó, không phải người bệnh, không phải người nhà bệnh nhân, cũng không phải một ai đó đến để hỏi về thủ tục thanh toán ra viện, tôi để ý một người mang một bó hoa rất đẹp đến tặng cho y, bác sỹ ở đây nhân ngày 27/2. Đó là một bệnh nhân cũ, từng được A9 cứu sống và hôm nay đến đây thăm lại nơi mà, giữa ranh giới sự sống và cái chết, những người khoác áo blouse đã đưa chị ra khỏi lưỡi hái tử thần. Thế nhưng, vì bệnh nhân đông quá, các cán bộ ở đây chỉ kịp nhận bó hoa, nói vài lời cảm ơn qua quýt rồi nhìn quanh xem có chỗ nào đặt tạm.

Bệnh nhân ra vào liên tục.

Không thể đứng ngắm, cũng không thể ngửi, không có thời gian chạy đi lấy bình cắm hoa vào như lẽ thông thường, cũng không có thời gian để chuyện trò, ôn lại kỷ niệm về lằn ranh ấy ngay cả trong dịp thiêng liêng đẹp đẽ và có ý nghĩa nhất với mình, các y, bác sỹ ở đây không còn phút giây để tưởng nhớ lại hành trình mà mình đã đi qua. Một hành trình từng thấm đẫm không biết bao nhiêu giọt nước mắt, nỗi lo lắng, niềm hạnh phúc vỡ òa cũng như in dấu bao nhiêu thân phận, bao nhiêu an bài mà cuộc đời dành một lối về cho họ. Một hành trình mệt mỏi nhưng an nhiên vì đã đi trọn đạo làm người.

Bác sỹ Ngô Đức Ngọc nói với tôi, với thầy thuốc, họ luôn cố gắng cứu được người bệnh khỏi cái chết cận kề. Không ai muốn sai sót cả. Họ luôn mong muốn người bệnh khỏe mạnh, lành lặn trở về. Cứu thêm được một mạng người cũng là thêm một niềm vui trong hành trình đó. Anh nói, khi chọn nghề đã chọn luôn cả nghiệp, vì thế cũng chấp nhận luôn cả những điều bất lợi mà nghề này mang lại.

Nhịp sinh học bị đảo lộn và mất đi là chuyện hiển nhiên ở một môi trường 24/24h bất cứ lúc nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Ngoài 8h làm việc mỗi ngày, anh có tới 104 giờ trực vào buổi tối mỗi tháng, gấp 3 - 4 lần mức trung bình mà Luật Lao động quy định. Thế nhưng, đó là con đường mà anh và đồng nghiệp đã chọn, đã đi và cảm thấy ý nghĩa.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ "đại náo" tại A9 vào tháng 7 năm ngoái. Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (37 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), từng được đưa đi cai nghiện bắt buộc vào năm 2006 cho rằng các y bác sỹ, ở đây đã không tận tình chăm sóc người vợ đang mang thai của mình đã chửi bới, lăng mạ và tấn công bác sỹ của bệnh viện. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Dũng 16 tháng tù giam về hành vi phạm tội của mình. Chưa bao giờ, vấn đề an ninh bệnh viện được đặt ra nghiêm túc. Thậm chí đến cả bây giờ, dường như đó vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ và một kẽ hở tại A9 nói riêng và hệ thống bệnh viện của ta nói chung.

Những người làm công việc cứu người ấy đã đứng giữa những ranh giới mỏng manh của cuộc đời để thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ và giành giật lại sự sống cho những người gặp bạo bệnh, thế nhưng những con người ấy đã có nhiều lúc trở thành đối tượng chỉ trích của dư luận chỉ vì "một con sâu làm rầu nồi canh". 

Họ sống, làm việc như người khác và yêu thương hơn người khác, thậm chí họ đã hi sinh chính hạnh phúc của gia đình mình, từ bỏ những bữa cơm quây quần đoàn tụ cùng gia đình, từ bỏ những thứ hạnh phúc giản dị mà chúng ta ai cũng được hưởng ấy để vì một thứ hạnh phúc khác, giản đơn hơn nữa. Một thứ hạnh phúc trao đi là để nhận về thêm một con người, một thế giới. Họ là những người đứng ngoài khen chê để khoác chiếc áo trắng, đi vào ngõ tử hồi sinh lại một mặt trời trên đời - mặt trời của những người mẹ như mẹ của em Akay trong "Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Đậu Dung
.
.
.