Ghi ở ngôi trường tiếng trống đánh sau tiếng kẻng

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:00
Chúng nhìn tôi ngoan ngoãn, rụt rè, vừa lạ lẫm, vừa tò mò. Nói đến Tết, mắt chúng lấp lánh hạnh phúc: "Ăn Tết ở trường vui và đầy đủ hơn ở ngoài, chúng em thích lắm". Đó là tâm sự của rất nhiều học sinh tại Trường giáo dưỡng số 5 thuộc Tổng cục VIII - Bộ Công an (đóng tại xã Tân Hòa - Bến Lức - Long An). Ở đâu đó trong những ngày xuân này, tiếng cười giòn tan tỏa trong nắng sớm. Nơi, tình người không có ranh giới. 

1.Trung tá Tạ Văn Lương - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Tết năm nay, thầy trò trong trường đang có mấy chú heo ngót một tạ, một đàn gà, lá dong, bánh chưng đầy đủ cả. Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho học sinh cùng hát karaoke, thi nhảy đôi đẹp, thi trang trí phòng ở, làm bàn thờ Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho các em. Nhìn thấy các em vui, đó là niềm hạnh phúc nhất đối với thầy cô".

Sự việc trồng người ở ngôi trường đặc biệt này gợi cho tôi những khoảng lặng không giống bất kỳ "nơi trồng người" nào tôi từng đến, từng đi qua. Họ là những người thầy mang quân hàm Công an nhân dân, với nhiệm vụ dạy dỗ, cảm hóa những đứa trẻ "đặc biệt" bằng kỷ cương và tình người. Ở đó có tiếng trống trường đánh sau tiếng kẻng. Thầy Tạ Văn Lương chia sẻ với tôi rằng, mỗi lần nghe những âm thanh ấy, các thầy không khỏi bồi hồi. Có điều gì đó vừa tự hào, lại vừa như nhói lòng. Cảm xúc chẳng thể gọi tên.

Một buổi học văn hóa của các em học sinh lớp 2.

Những đứa trẻ tôi gặp hôm ấy luôn mang trong mình một tâm sự không dễ gì chia sẻ. Tôi đọc được trong thâm tâm, chúng đều có những khát vọng, mong mỏi về cuộc sống tốt đẹp. Nhưng vì nhiều lý do mà chúng trở thành những đứa trẻ hư, theo đúng nghĩa đen. Chúng xuất thân trong nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau, có em mồ côi cha, mẹ bỏ đi biền biệt hoặc chẳng còn bậc sinh thành nào nữa. Chúng bị quăng quật ngoài đời, mang nỗi bất hạnh gia đình để rồi dẫn đến những hệ lụy đau thương ngoài xã hội.

Chúng đáng trách, nhưng người lớn còn đáng trách hơn, bởi họ đã bỏ rơi con em của mình. Tuổi thơ của các em là những tháng ngày bầm dập ngoài đời, lấy gầm cầu, gầm cống làm nơi trú ngụ. Chúng sống thiên về bản năng, thích hành động, thích bám mặt đường và thích tỏ rõ bản lĩnh "anh hùng rơm". Chúng nhanh chóng sa vào những tệ nạn xã hội, hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ, đúng như câu tục ngữ ông cha ta đúc kết: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

Biết bao lớp học sinh đến trường rồi ra trường, hành trang các em mang theo những tháng ngày học tập, giáo dục tại trường là tình cảm của thầy cô, là con chữ, tiếng cười, là những ngày lao động đầy ý nghĩa, là bữa cơm no, giấc ngủ ấm... Có những đứa quay đầu vào bờ, làm người lương thiện, xây dựng cuộc sống mới, kinh tế khá giả. Nhưng có đứa quay về trường tìm gặp thầy cô nói những lời trút lòng: "Em muốn ở lại trong trường".

2.Buổi chiều cuối năm, có hai lớp vẫn vang lên tiếng giảng bài của thầy cô. Đó là lớp 2 và lớp 3. Học sinh đứa nào cũng cao xấp xỉ thầy giáo, ngồi khoanh tay ngay ngắn, chăm chú nghe giảng. Các em nhìn tôi, ngoan ngoãn, rụt rè. Nguyễn Văn T., 15 tuổi, quê Cà Mau không dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện. T. nhỏ nhắn, gầy còm như đứa học sinh lớp 5, tôi không hiểu nổi vì sao T. lại phạm vào cái tội vượt quá cả tuổi đời lẫn thể xác của em: Hiếp dâm.

T cúi gằm, tay run run khi trả lời tôi. Cha bị tai nạn sống đời thực vật, mẹ bỏ đi lấy người khác khi T. vừa tròn 10 tuổi. T. sớm bỏ học, ở với ông bà ngoại, ngày ngày đi bán bánh tai bèo ngoài chợ huyện. T. không ăn nhậu, không hút chích, chỉ biết uống cà phê. Còn việc vì sao T. phạm tội "tày trời" với bé gái hàng xóm thì T. trả lời: "Em không biết vì sao nữa".

T và H đang cố gắng học tập, giáo dục để trở thành người có ích khi ra trường.

Đó là lời nói dối, tôi nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của T.. Nhưng chuyện quá khứ xin hãy để nó ngủ yên, có khơi dậy cũng chỉ làm trái tim tất cả chúng ta rỉ máu. Bây giờ T. đang được giáo dục để trở thành người tốt, người có ích trong tương lai. Sau Tết này, T. hoàn thành xong thời hạn giáo dục, T. sẽ về quê tu chí làm ăn, kiếm một cái nghề nuôi ông bà ngoại.

Còn Trần Văn H., 15 tuổi (quê An Giang) trông có vẻ nhỉnh hơn T. một xíu. H. cũng vướng phải tội giống như T. Nhưng hoàn cảnh lao lý của H. là do "ma men" đưa đường chỉ lối. Cứ tạm gọi đó là nguyên nhân, dù người ta có bao biện thế nào đi nữa. H. là con út trong gia đình 6 anh chị em, trong đó một số người đã lập gia đình.

Từ ngày bố mất, mẹ đi thêm bước nữa, H. chán nản bỏ nhà đi bụi. H. gia nhập vào đám bạn hư hỏng rồi cùng nhau "bám mặt đường". H. đi lượm ve chai kiếm tiền mua rượu và thuốc lá cho những cơn say bất tận. Đêm về kiếm gầm cầu hay bụi cỏ nào "quăng" tấm thân mềm nhũn vì rượu xuống ngủ như chết, mặc cho sương gió phủ xuống tấm thân tàn. H. sớm trở thành "chí phèo" nhí, với bản thành tích đầu đường xó chợ dài dằng dặc. Trong một lần "mềm lả" vì rượu, H. hành động như một con thú với bé gái mà đến giờ H. vẫn không biết nạn nhân ấy tên gì, ở đâu, bao nhiêu tuổi.

Từ ngày vào trường, chưa có ai đến thăm hỏi H., dù chỉ một lần. H cho biết, gia đình có nhắn rằng: "Ở nhà còn có người nhận, vào trường thì bỏ luôn". H. xem các thầy cô là nơi bấu víu tinh thần duy nhất. Ở trường, H. được học chữ, được lao động chân chính, được ăn no, ngủ ấm, có bạn bè vui chơi, được đón Tết sum vầy, hạnh phúc.

Trước kia ngang dọc ngoài đời, H. chìm ngập trong rượu bia. Vào trường giáo dưỡng, không được uống rượu, hút thuốc lá, thời gian đầu, H. rất thèm, phải cố kìm chế.

Hỏi: "Thế có thèm rượu, thèm thuốc lá không?''.

H. trả lời: "Bây giờ thì hết rồi nhưng ngày đầu em thèm lắm, người cứ ngơ ngẩn ra".

Lâu dần, những cơn thèm nhẹ đi, H. cảm thấy trong người khỏe ra, yêu đời hơn. Tính "người" trong cậu bé 15 tuổi được khơi dậy, H. bắt đầu có suy nghĩ tích cực về tương lai. Lần đầu tiên, H. dám mơ ước về một cái nghề chân chính, kiếm những đồng tiền "sạch" bằng mồ hôi nước mắt của mình. Đó là giấc mơ những ngày ở trường, còn vài tháng nữa ra trường, H. sẽ lại đi bụi chứ không về nhà, vì gia đình chẳng quan tâm, không ai chào đón đứa con hư hỏng này. H. đã thật thà tâm sự với tôi như thế.

Dự báo con đường tương lai của H có thể là vũng lầy đen tối, tiếp tục chuỗi ngày "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường", nếu như gia đình, xã hội không thừa nhận em. Tôi khuyên H. nên quay về nhà, vì chỉ gia đình mới có nơi để mình tựa, không ai đánh kẻ chạy lại cả. H. cúi đầu, tay vân vê vạt áo bối rối, H. ngượng ngùng đáp: "Em sẽ về nhà".

Các học sinh chăm chỉ lao động để sớm trở về với gia đình. 

3.Chiều dịu nắng, chúng tôi ghé thăm xưởng may lưới của đội 9. Những thanh niên mặt mũi sáng sủa đang thoăn thoắt may lưới. Mỗi em một góc riêng, cặm cụi đưa đường kim mũi chỉ thật khéo léo. Lê Phương N. (17 tuổi, quê Đồng Tháp) sở hữu nước da trắng, người thon nhỏ, nhanh nhẹn khi được thầy gọi tên. N. mồ côi cha, mẹ làm nghề lượm ve chai. N. là con trai duy nhất của gia đình. Học đến lớp 8, N. bỏ. Hỏi vì sao, N. gãi đầu: "Vì em học dốt". Mẹ khóc hết nước mắt khuyên nhủ con trai, nhưng N. dứt khoát không nghe lời.

N. bỏ học rồi nhanh chóng giao du với đám bạn lêu lổng trong xóm. Đám bạn ngỗ ngược của N. đàn đúm tối ngày. Để có tiền ăn chơi, chúng rủ nhau đi ăn trộm đồ. "Đi đêm lắm có ngày gặp ma", chúng bị phát hiện, N. bị Công an bắt. Sau khi xử lý hành chính, N. được đưa vào trường giáo dưỡng số 5 giáo dục thời hạn 24 tháng.

Những ngày con trai ở trường, bà mẹ vẫn đều đặn lên thăm, gửi quà cho con. Gánh ve chai của bà mỗi ngày như oằn nặng hơn, nhọc nhằn, kham khổ và đau đớn khi nhìn đứa con sa ngã. N. thổ lộ rằng, rất thương mẹ, và cảm thấy có lỗi với mẹ rất nhiều. Giờ N. cố gắng học tập để sớm được trở về với mẹ. Kể về mẹ, bất chợt N. lặng người đi, hai mắt đỏ hoe rồi trào nước mắt.

N. tâm sự: "Mẹ em hơn 50 tuổi rồi, lại mang trong người nhiều bệnh tật. Vậy mà ngày nào cũng phải đi lượm ve chai để sống và lo cho em. Em thương mẹ nhiều lắm".

N. rất mạnh mẽ, thậm chí hay cười và N. chỉ khóc khi nghĩ về mẹ. Mỗi lần thăm con, mẹ N. không hề trách móc mà luôn động viên, an ủi. Mẹ mong mỏi,  N. cố gắng học tập để trở về.

Trên cánh tay phải của N. xăm một dãy chữ: "Phát tài, phát lộc, phát thọ". Trong thâm tâm, N. có một khát khao làm giàu, được sống cuộc đời no ấm, trường thọ. N. bảo, khi ra trường sẽ xóa hình xăm ấy đi, vì sợ mẹ buồn. Nhưng nhiều người khuyên N. hãy giữ lại, để nhớ về một thời nông nổi, để không bao giờ phạm phải sai lầm nữa, để dặn lòng "vấp ngã từ đâu hãy đứng lên từ đó".

Tiếng trống trường tạm ngưng để chào đón xuân về, ánh mắt học trò "đặc biệt" đang nhuộm trắng ước mơ, khát khao và mong mỏi. Những nhà giáo mặc quân phục Công an nhân dân lại tất bật lo Tết. Họ chẳng có thời gian về nhà, vui vầy hạnh phúc bên gia đình, vợ con. Đêm giao thừa, họ vui cùng niềm vui của học sinh. Họ cười, họ hát để xua tan những nhọc nhằn, gian khổ, những suy tư trăn trở trong sự nghiệp "trồng người, uốn nhân cách" cho những "mầm non" không mọc thẳng.

Ngọc Thiện
.
.
.