Giá dầu chạm đáy thế giới sẽ ra sao?

Thứ Năm, 23/04/2020, 17:51
Đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng riêng biệt mà hơn thế, nó còn là nhân tố gây ra nhiều cuộc khủng hoảng khác nữa, trong đó có cuộc khủng hoảng về dầu mỏ đang diễn ra, khiến cho cả thế giới phải bận tâm.


Đang yên đang lành, đột nhiên nhu cầu sử dụng dầu trên toàn thế giới đã bất ngờ giảm mạnh sau khi các hoạt động kinh tế tại các cường quốc dầu mỏ lớn nhất thế giới đều nhất loạt dừng lại vì COVID-19.

Tuy vậy, hai nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất trên thế giới, nhóm OPEC và Nga, lại tỏ ra chậm chạp trong việc đi đến quyết định câu chuyện liên quan tới sản lượng. Thế nên mới dẫn tới việc kết quả là giá dầu rơi tự do. Trong khi các kho chứa dầu trên toàn thế giới đang gần như hết chỗ  thì giá dầu trung bình hiện nay chỉ còn gần 10USD/thùng mà không có người mua.

Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia (trái) và Nga gặp mặt để bàn thảo về vấn đề giá dầu.

Để tìm hiểu xem tác động của giá dầu giảm lên nền kinh tế các nước chuyên sản xuất dầu thuộc loại hàng đầu thế giới như thế nào, chúng ta hãy đến với tỉnh Alberta của Canada. 

Đã từ nhiều năm nay dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Alberta. Toàn tỉnh trở nên giàu có cũng nhờ vào những giếng dầu khai thác ngày đêm để xuất hàng sang Mỹ. Vì vậy mà khi giá dầu giảm, nền kinh tế Alberta đã chịu ảnh hưởng lớn. 

Giáo sư Nick Falvo tại trường đại học Carleton đã trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Canada với một dự cảm ảm đạm như sau: "Giá dầu giảm là tin xấu đối với toàn bộ nền kinh tế Alberta… Khả năng xảy ra suy thoái kinh tế sau đợt giảm giá dầu này là gần như chắc chắn!".

Giáo sư Nick lấy dẫn chứng từ hai công ty năng lượng lớn nhất tại Canada, Suncor Energy và Canadian Natural Energy, đều có giá cổ phiếu giảm lần lượt ở mức 20 và 25%. Điều này dẫn đến một loạt các nhà thầu, nhà cung cấp của hai tập đoàn nói trên tại Alberta rơi vào cảnh khốn đốn. 

Cộng với việc các doanh nghiệp trên toàn Canada phải ngừng hoạt động để tránh dịch Covid-19, rất có thể sẽ có một số không nhỏ các công ty truyền thống chuyên hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sẽ phải phá sản, giáng một đòn mạnh lên nền kinh tế của Alberta.

Ở Alberta nói riêng và trên toàn phương Tây nói chung, khoảng thời gian hơn mười năm trở lại đây là giai đoạn các công ty dầu mỏ tăng cường đầu tư ở mức độ lớn chưa từng thấy. Một phần số vốn khổng lồ mà họ đã bỏ ra được dùng để thăm dò, xây dựng các giếng dầu mới; phần còn lại được chi cho nghiên cứu những công nghệ tiên tiến như chiết xuất dầu từ cát, v.v... 

Tuy lúc đầu việc đầu tư này có vẻ như đã đem lại phần nào hiệu quả tích cực cho bản thân doanh nghiệp và cả quốc gia, đơn cử như nước Mỹ đã bớt phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu bằng cách sản xuất dầu từ đá; các khoản vốn đã chi vẫn đang trong quá trình thu hồi lại. Trừ khi ngân hàng các nước cho dãn khoản vay, nhiều công ty dầu khí sẽ buộc phải thanh lý một số tài sản của mình hoặc chịu quá hạn nợ.

"Chính phủ nên chuẩn bị sẵn tâm lý đưa ra một số biện pháp trợ cấp cho người dân và doanh nghiệp! - Giáo sư Nick tiếp tục đưa ra nhận định - Chính phủ cần phải làm sao để tất cả mọi người đều có thể tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Canada. Đấy là mục tiêu tối quan trọng, đáng giá cả với việc thâm hụt ngân sách sâu trong vòng những năm tới".

Cũng như nhiều thể chế tài chính quốc gia khác, Ngân hàng Trung ương Canada đã sử dụng công cụ lãi suất để đối phó với suy giảm kinh tế do giá dầu đi xuống. 

Vào ngày mùng 4/3 vừa qua, lãi suất cho vay trên toàn Canada đã giảm nửa điểm (1,25%). Nếu trong những trường hợp khác thì động thái này là đủ để kích thích lại nền kinh tế. Dẫu vậy, vì dịch COVID-19 mà gần như chắc chắn cả sản xuất lẫn nhu cầu trong nước có muốn cũng không thể tăng lên do lãi suất giảm được. 

Bởi một lẽ đơn giản, toàn bộ các hoạt động kinh tế đã bị "đóng băng" rồi. Có lẽ biện pháp duy nhất mà chính phủ các nước làm được trong hoàn cảnh hiện tại là tăng những khoản trợ cấp xã hội để giảm nhẹ thiệt hại mà người dân và doanh nghiệp phải chịu.

Theo một dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, giá dầu thế giới có thể sẽ còn xuống thấp hơn mức đáy là 30USD/thùng hồi năm 2014. Ngân hàng Standard Chartered cũng có dự báo tương tự rằng: giá dầu trung bình năm nay sẽ xuống còn 35USD/thùng, và 44USD/thùng vào năm 2021 - đấy là trong trường hợp đại dịch COVID-19 được may mắn đẩy lùi trong quý hai năm nay. 

Chính phủ các nước vì thế đừng nên đặt quá nhiều hy vọng vào việc thu được ngân sách từ ngành dầu mỏ, đồng thời hãy chuẩn bị cho khả năng đồng nội tệ của mình bị mất giá. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh, còn mặt bằng lương của một bộ phận lớn người dân sẽ giảm xuống. Đợt khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó sẽ khó có thể sẽ khiến cả một quốc gia phải tuyên bố phá sản.

Nhân nói về ngân sách, giá dầu đi xuống đang khiến trái phiếu chính phủ của các nước sản xuất dầu mỏ đâm đầu giảm mạnh, nhưng trái phiếu chính phủ một số nước khác lại tăng mạnh. Đó là do các nhà đầu tư đang muốn giảm thiểu số lượng các trái phiếu trong vòng nguy hiểm thuộc danh mục của mình. 

Các quốc gia có mức giảm giá trái phiếu sâu nhất được dự báo là: các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Nga, Canada, Trung Quốc, và Mỹ. Do đó, việc cân đối ngân sách tại các nước này vì thế sẽ trở nên khó khăn hơn trong những năm sắp tới là điều khó tránh khỏi.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chính phủ các nước nói trên nên cắt giảm đầu tư công. Những khoản tiền chi cho phát triển hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp giáo dục, v.v… không những có tác dụng làm yên lòng người dân như đã nói ở trên, mà hơn thế, chúng còn là tiền đề cho một nền kinh tế bớt phụ thuộc vào dầu mỏ hơn.

*

Từ trước đến nay, giá dầu mỏ luôn là điều được các nhà kinh tế hy vọng mong chờ do sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được những khoản lớn. Trái lại, họ lại lo sợ giá dầu tăng, do hầu như mọi cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trên thế giới đều chứng kiến giá dầu đi lên trước đó. Tuy vậy, đợt giảm giá lần này lại đang làm đảo lộn quan niệm nói trên của các nhà khoa học, và sâu xa hơn là làm lung lay ý nghĩ rằng: một quốc gia có thể dựa hoàn toàn vào dầu mỏ để vực dậy nền kinh tế của đất nước mình!

Lấy ví dụ như Mỹ. Ngành dầu mỏ tại nước này đang tạo ra 1,5 triệu công ăn việc làm trên toàn quốc. Trong đó có tới hơn  945.000 việc làm là tại các trạm xăng; 69.000 ở các giếng dầu, và 471.000 việc văn phòng và liên quan đến đường ống dẫn các loại. Đây là những con số không hề nhỏ, và dưới thời tổng thống Donald Trump, chúng còn tăng thêm nữa. Thế nhưng, trớ trêu thay, đại dịch COVID-19 đang đặt dấu hỏi về sự bền vững của những con số trên.

Nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới có khả năng sẽ không thể chạm vào mức đỉnh từ trước khi đại dịch xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, nhưng điều tối quan trọng nhất là sự thay đổi trong cơ cấu làm việc toàn xã hội. 

Nhiều doanh nghiệp đang nhận ra rằng, kể cả khi nhân viên của mình phải làm việc tại nhà, năng suất lao động không giảm, mà thậm chí còn tăng do người làm không phải tốn thời gian di chuyển, lại còn được tự do quyết định lịch trình làm việc cho phù hợp với bản thân. 

Chắc hẳn các doanh nghiệp này sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi cho công ty của mình hoạt động tập trung trở lại kể cả sau khi đại dịch đã qua. Mà nếu thêm nhiều người làm việc tại nhà thì nhu cầu sử dụng dầu sẽ giảm đi là điều tất yếu.

Vì Covid - 19 mà việc ít người đi lại hơn cũng sẽ khiến các nguồn năng lượng tái tạo lên ngôi. Điểm mạnh của dầu mỏ là bạn có thể sử dụng nó ở khắp mọi nơi, trái với năng lượng gió hay mặt trời. Thế nhưng nếu như mọi người lại dành nhiều thời gian hơn ở ngôi nhà của mình thì chắc hẳn họ sẽ muốn lợi thế về chi phí của năng lượng tái tạo. 

Theo logic thị trường thì nhu cầu tăng sẽ khiến đầu tư vào ngành này đi lên theo, từ đó mở đường cho các công nghệ mới khiến cho năng lượng tái tạo càng ngày phổ biến hơn và chiếm chỗ của dầu mỏ.

Nhiều silo tại các mỏ dầu Thổ Nhĩ Kỳ đã hết chỗ chứa thêm.

Và cuối cùng thì là việc bản thân ngành dầu mỏ cũng sẽ tự đào thải những công việc đã lỗi thời. Đó là việc luôn xảy ra với một ngành liên tục thúc đẩy công nghệ để giảm chi phí sản xuất. Đơn cử như là sau khi các hệ thống cảm ứng hiện đại được phát triển, một loạt vị trí liên quan đến thăm dò giếng dầu đã biến mất. 

Tự động hoá đang xuất hiện trong mọi quá trình khai thác, sản xuất và phân phối dầu mỏ. Rất có thể trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy những giếng dầu hoạt động mà chỉ cần sự giám sát của mười, hai mươi người mà thôi.

Tất cả những yếu tố kể trên sẽ làm cho vị trí của các doanh nghiệp dầu mỏ nói riêng và dầu mỏ nói chung trên thế giới trong nền kinh tế dẫn đến trạng thái bị lung lay. 

Và các chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới chuyên về lĩnh vực dầu mỏ đã sớm đưa ra dự báo rằng, ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ không còn là mặt hàng kinh tế chủ đạo mang tính chiến lược nữa trong một tương lai gần, và không ai có thể ngăn điều đó chậm lại được, vì quy luật phát triển tất yếu của tự nhiên. 

Điều mà các quốc gia chuyên sản xuất dầu, trong đó có Việt Nam, có thể làm ngay từ lúc này là nên chủ động chuẩn bị tinh thần cho việc chuyển đổi nền kinh tế của mình theo hướng bớt phụ thuộc vào dầu mỏ trước khi một "cơn sốc" khác xảy ra và khiến giá dầu lại trượt dốc.

Lê Vũ (tổng hợp)
.
.
.