Gia đình, đồng đội luôn tự hào về sự hy sinh của các anh

Thứ Ba, 14/01/2020, 14:33
Đã 4 ngày trôi qua bố mẹ, vợ, con của 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm vẫn không thể tin được sự ra đi của chồng, con mình bởi sự mất mát quá lớn, không dễ gì bù đắp. Nhưng họ luôn tự hào về con, em mình, bởi đó là sự hy sinh cao cả, bảo vệ sự bình yên cho đất nước, cho nhân dân.

1. Mấy ngày qua, căn nhà 40 năm tuổi do bố mẹ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh tự tay đắp đất, đóng gạch xây nên nằm khuất sau vườn rau ở xóm Vàng 3, xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội lúc nào cũng chật kín người. Bình thường, anh Thịnh đi vắng, vợ con anh ở gần đơn vị, bố anh mất từ lâu, mẹ thường sang ở với con trai thứ nên ngôi nhà thường đóng cửa, thi thoảng bà mới về quét dọn, hương khói.

 Từ khi đơn vị thông báo về sự hi sinh của anh, Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô cùng đồng đội đã ở hẳn ngôi nhà này để lo công việc cho anh Thịnh.

Từ hôm nhận tin con hy sinh, mẹ anh, người phụ nữ từng vào sinh ra tử trong chiến tranh gần như gục ngã. Bà hầu như không ăn, không uống được. Khi thấy chúng tôi – đồng đội của anh đến thăm, bà gượng dậy. Ngôn ngữ mộc mạc, chân thành, bà nói về con trai cả trong nước mắt: “Nhiều năm nay nó có về ăn Tết đâu. Gần nhất là hôm mùng 6 nó về gặp tôi, hỏi nó năm nay có về ăn Tết không thì nó bảo con chưa biết, công việc còn bộn bề lắm, may ra thì sau Tết con về. Thế mà, cả nhà đang chuẩn bị đón Tết thì nó đi mất. Biết bao giờ gặp được con…”. 

Bà bảo, anh Thịnh đi Công an gần 30 năm nhưng chỉ dăm năm ăn Tết ở nhà còn thường phải trực, hết Tết mới về nên năm nào bà cũng mong gia đình có cái Tết trọn vẹn bên nhau. “Thế là không bao giờ gia đình tôi được đoàn viên nữa...”, bà nấc nghẹn.

Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi thân nhân Đại úy Phạm Công Huy.

Đại tá Nguyễn Huy Thịnh có hai con, cháu lớn năm nay học năm thứ 2, Đại học Giao thông Vận tải, con gái bé mới học lớp 7. Vợ anh, chị Tạ Thị Lộc đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc con cái để anh yên tâm công tác. Những chuyến đi dài ngày không hẹn trước, những cuộc gọi lúc nửa đêm dường như quá quen thuộc đối với chị, bởi khi có lệnh là anh lại lên đường không hẹn trước ngày về. Kể cả lúc không đi công tác, anh cũng rất ít khi về nhà mặc dù nhà riêng ở cạnh đơn vị bởi anh còn phải trực, tham gia huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến, tuần tra, bảo vệ mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ. 

Chị Lộc cũng không dám hỏi nhiều về nhiệm vụ của chồng và anh cũng ít khi nói. Chỉ biết rằng, mỗi khi anh đi làm là lòng chị lo lắng không yên, cầu mong anh bình an trở về. Để chồng yên tâm công tác, mọi công việc trong gia đình một tay chị quán xuyến, từ việc đưa đón, dạy dỗ con cái học hành đến đối nội đối ngoại. Nhất là từ hơn 10 năm nay, khi bố anh mất, nhiều khi anh bận không về được, chị lại đưa các con về Gia Lâm thăm bà nội và họ hàng.

Nhắc lại lần cuối cùng gặp chồng, chị Lộc kể tối 8-1, hai vợ chồng ở nhà nấu cơm xong thì chị phải đưa con gái đi học. Lúc đó, cháu Nguyễn Gia Huy con trai lớn đi đá bóng chưa về. Trước khi chị đưa con đi, anh chỉ dặn anh đi vài ngày, em chịu khó đưa đón con, chuẩn bị Tết. Chị không ngờ, đó là lần cuối cùng chị được gặp chồng bởi khi chị về nhà thì anh đã vào đơn vị. Cũng từ lúc đó, lòng chị nóng như lửa đốt, đêm ngủ không yên, cứ chốc lát lại choàng tỉnh dậy lo lắng cho anh. Chị chỉ tiếc rằng, bữa cơm cuối cùng chị không được ăn cùng anh, không được gắp cho anh chút thức ăn, không nắm tay anh trước lúc anh lên đường...

Cháu Nguyễn Gia Huy,  con trai đầu Đại tá Nguyễn Huy Thịnh kể trong nước mắt: “Khoảng 7h tối 8-1, cháu đi đá bóng về thì bố đã nấu cơm xong. Lúc đó, mẹ đưa em đi học. Cháu định đi tắm nhưng bố bảo xới cho bố bát cơm bố ăn còn đi công tác”. Bố chỉ ăn 1 bát cơm rồi bảo “Đêm nay bố phải hành quân rồi, con không được nói với ai, ai hỏi chỉ bảo bố đi trực nhé. Con ở nhà chăm sóc mẹ và em”. Trước lúc bố đi, bố còn nhắc lại “bố đi đây...”. Cháu không nghĩ, đó là lần cuối cùng gặp bố. Bố mất rồi, nhưng cháu và gia đình luôn tự hào vì bố, đó sẽ là động lực để cháu cố gắng hết sức để trưởng thành, để chăm mẹ, dạy em, để xứng đáng là con trai của bố...

Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình đồng chí Dương Đức Hoàng Quân.

2. Ngôi nhà của gia đình Thượng úy  Dương Đức Hoàng Quân, Tiểu đội trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, nằm sâu trong ngõ nhỏ của phố Hoàng Hoa Thám. Lúc chúng tôi đến, họ hàng, đồng đội của Quân đang túc trực, an ủi, động viên mẹ và chị gái anh. Những tiếng khóc được nén chặt, khuôn mặt ai nấy đều đau đớn, bàng hoàng. Góc nhà, trên chiếc bàn thờ lập vội, vẫn chưa có di ảnh của người chiến sỹ trẻ. Bố Quân trước là bộ đội phòng hóa và mất lúc anh còn nhỏ, dù thiệt thòi nhưng Quân luôn cố gắng học tập và trở thành niềm tự hào của gia đình.

Nhắc về cậu em trai của mình, chị Dương Thị Thu Huyền kể rằng khi Hoàng Quân tốt nghiệp, nhận công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, gia đình, họ hàng hai bên đều vui mừng. Nhất là bà Bích, bà luôn nói với mọi người, giờ bà tạm yên tâm vì đã nuôi được con trai học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định. Nhà neo người, thi thoảng bà cũng giục cậu con trai sớm lập gia đình, cho bà có cháu nội. Ấy vậy mà giờ đây, niềm mong mỏi của bà không thể nào thành hiện thực.

Thân nhân đại tá Nguyễn Huy Thịnh đau đớn trước sự hi sinh của người thân.

Cũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đại úy Phạm Công Huy, chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Khu vực 3, để lại người vợ trẻ và con gái mới 6 tháng tuổi. Từ hôm chồng hi sinh, chị Như Quỳnh suy sụp, khóc nghẹn mỗi khi ai hỏi chuyện. Con gái nhỏ 6 tháng tuổi của hai vợ chồng phải nhờ người thân bế và cho uống sữa hộ. 

Gạt những giọt nước mắt lã chã rơi trên đôi mắt sưng húp, chị bảo, tối 8-1, anh Huy bảo phải đi công tác vài ngày, anh mới nhận lương nên giờ chuyển ngay cho vợ để chi tiêu, mua sữa cho con. Lúc đó, chị chỉ biết dặn dò anh giữ gìn sức khỏe, sớm về với hai mẹ con. Khi nghe tin anh hy sinh, chị không tin đó là sự thật. 

Nhìn cháu bé còn ẵm ngửa bên người mẹ trẻ giờ thẫn thờ, không ai cầm được nước mắt. Nỗi đau mất chồng, mất cha sẽ chẳng bao giờ bù đắp được. Dù mất mát, đau thương nhưng ông Phạm Công Lâm, bố Đại uý Phạm Công Huy cảm ơn Đảng và Nhà nước đã dạy bảo con trai ông trưởng thành, biết sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy vì nhân dân.

Dù tuổi đời khác nhau, vị trí công tác khác nhau nhưng các anh đã hy sinh vì lời thề danh dự của người chiến sĩ Công an: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Ghi nhận sự cống hiến hi sinh của 3 cán bộ Công an, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công; Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thăng cấp vượt hàm cho 3 đồng chí.

Ngày 11-1, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tới thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với gia đình Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại uý Phạm Công Huy và Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ Công an hy sinh, có nhiều hình thức động viên, chia sẻ để thân nhân các gia đình và toàn lực lượng Công an nhân dân sớm vượt qua mất mát lớn lao này. Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn, thân nhân gia đình các chiến sỹ đã hy sinh cố gắng vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, quan tâm tạo điều kiện để gia đình các cán bộ, chiến sĩ Công an đảm bảo cuộc sống, trước mắt chăm lo, hỗ trợ để tang lễ 3 cán bộ, chiến sĩ được diễn ra đúng theo quy định của Nhà nước và ngành Công an. Đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng của Bộ Công an quan tâm thực hiện đầy đủ mọi chế độ chính sách đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì sự bình yên của nhân dân.

Ngày 16-1 tới, Lễ tang 3 liệt sỹ sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Phương Thuỷ
.
.
.