Gia đình, nhà trường nên làm gì để giáo dục con trẻ?

Thứ Sáu, 24/05/2019, 11:25
Xôn xao trên mạng những ngày qua là câu chuyện cô giáo Lê Thị Quy (Trường THCS Thường Tín - Hà Nội) bị nhà trường đình chỉ công tác 15 ngày, liên quan đến việc đã bắt học sinh quỳ phạt trong giờ học.


Phân tích kỹ câu chuyện này, phần lớn phụ huynh tỏ ý không đồng tình với cách làm của cô giáo, nhưng cho rằng việc cô giáo bị cha mẹ học sinh viết đơn kiến nghị và sau đó bị nhà trường xử lý như vậy là quá nặng. 

Vấn đề phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường cần phải được hài hòa như thế nào để thầy cô không có cảm giác bất lực trước học sinh, cũng như cha mẹ có thể góp phần giáo dục con trưởng thành?

Giáo viên sử dụng phương pháp chưa chuẩn mực.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 10-5. Một bức ảnh, sau đó được cô giáo Lê Thị Quy xác nhận là diễn ra từ hồi tháng 1, chụp lại hình ảnh một học sinh bị cô giáo phạt quỳ trước lớp. Một số phụ huynh học sinh của lớp 9B cô giáo Quy làm chủ nhiệm thông qua mạng xã hội đã gửi kiến nghị về việc làm này của cô giáo.

Trao đổi với báo chí sau đó, cô Lê Thị Quy cho biết, lớp 9B của cô có rất nhiều học sinh nghịch ngợm, bướng, hay phá phách. Một số em được nhiều giáo viên trong trường nhận định là “không thể dạy được”. 

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Bình thường, khi học sinh mắc khuyết điểm, cô Quy sẽ thông báo với gia đình và mời phụ huynh tới để trao đổi. Cô cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường, đi nhặt cỏ các bồn hoa... 

Tuy nhiên trong lớp có 5 em học sinh cá biệt, không chịu nghe lời cô giáo, kém ý thức. Cô Quy đã nhiều lần mời phụ huynh các em này đến trường họp bàn về phương pháp giáo dục các em. 

Theo lời cô Quy thì chính trong cuộc họp đó hình phạt quỳ đã được nhóm phụ huynh đề xuất. Dù biết sai về chuẩn mực sư phạm, nhưng cô Quy vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh phương cách này, vì cùng là người địa phương, cùng xuất phát từ mong muốn các em tiến bộ. 

“Trong buổi gặp, phụ huynh chia sẻ dù có bảo ban nhưng con cũng không nghe và tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở trên lớp nếu không ngoan. Họ đưa ra hướng như vậy vì muốn các con sẽ không phải đi nhặt cỏ hay ra ngoài trường nắng, bị bẩn mà vẫn được viết bài, nghe giảng và có thể tiến bộ. Tôi biết đây là việc không nên làm nhưng đây là phụ huynh đề nghị. Còn những học sinh khác, tôi không phạt như vậy” - cô giáo Quy nói. 

Tuy nhiên, phụ huynh của một học sinh nghịch ngợm, dù chưa bị cô giáo phạt quỳ đã phát tán hình ảnh đó trên mạng.

Đáng nói là cô giáo Lê Thị Quy đã có 25 năm trong nghề, chưa từng bị kỷ luật, được Ban giám hiệu Trường THCS Tô Hiệu nhận xét là tận tâm với nghề. Dù vậy, nhưng sau sự việc xảy ra, trước sức ép của dư luận, cô giáo đã phải nhận hình thức kỷ luật của nhà trường là bị đình chỉ công tác 15 ngày để làm bản tự kiểm điểm. 

Những chuyên gia về giáo dục cũng như một bộ phận cha mẹ sau khi nghe tường tận câu chuyện này đã bày tỏ quan điểm thông cảm với cô giáo. Việc nhà trường đình chỉ dạy học đối với cô Quy là quá khắt khe. Vì những hình phạt của cô dù chưa chuẩn mực với phương pháo giáo dục hiện đại nhưng mục đích của cô chỉ là muốn cho học sinh tiến bộ, hơn nữa có sự đồng ý của các phụ huynh có con em cá biệt, như cô chia sẻ.

Cha mẹ đừng “đội con lên đầu”!

Chắc chắn không một ai trong chúng ta đồng ý với phương pháp giáo dục mang tính bạo lực trong nhà trường. Trường học là nơi các biện pháp dạy dỗ phải văn minh, tôn vinh cả người học lẫn người dạy. Cô giáo Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trước bục giảng rõ ràng chưa đúng với phương pháp sư phạm, có phần phản cảm, và chính cô cũng đã nhận thức điều này nhưng vẫn làm vì có yếu tố mong muốn của cha mẹ học sinh. Mục đích của cô giáo chỉ là mong cho học sinh tiến bộ lên. 

Trong câu chuyện này, nếu dư luận dùng mạng xã hội để tấn công cô giáo, gây áp lực với cô giáo thì có gì đó chưa ổn. Hãy cảnh giác với mạng xã hội, nơi mà phong trào “ném đá” rầm rộ có khi mù quáng trước một câu chuyện không cần biết đúng sai hay mức độ thế nào là hợp lý có thể sẽ đẩy các giáo viên về phía yếm thế. 

Câu hỏi đặt ra là cha mẹ tung ảnh liên quan đến cô giáo, làm đơn kiến nghị cô giáo trong trường hợp này có phải là đã thái quá không, có đội con cái lên đầu không, trong khi con cái các vị là những đứa con nghịch ngợm, quậy phá đến mức cá biệt?

Một phụ huynh khác ở TP Hồ Chí Minh viết: “Con trai tôi năm học lớp 9, có lần lớp liên hoan sinh nhật của một bạn, cháu đi vứt rác, khi quay lại lớp, cửa bị đóng. Tay dơ nên không mở cửa được, cháu giơ chân đá cửa. Cả lớp đang vui đùa nên không ai nghe thấy, cháu lại đá cửa mạnh hơn. Vì hành động đó cháu đã bị cô giáo phạt bắt quỳ ngay tại lớp. 

Khi biết chuyện, tôi bảo con: "Con đạp cửa như vậy gây ồn ào và có thể hỏng cửa. Bị phạt là đúng. Các bạn không nghe, con chờ thêm chút có sao đâu". Và tôi đã gặp riêng cô giáo. 

Cô giải thích rằng ở nhà cô, mỗi khi ai phạm lỗi đều bị phạt. Kể cả anh trai cô khi ra trường đi làm vẫn còn bị ba mẹ phạt quỳ nếu phạm lỗi. Nghe cô nói vậy, tôi hiểu đi từ quan niệm gia đình, hình thức phạt quỳ của cô giáo là điều bình thường. Tôi chỉ đề nghị cô lần sau nên thay đổi bằng hình thức phạt khác. Rồi mọi chuyện qua đi nhẹ nhàng”.

Làm cha mẹ ai cũng mong muốn điều tốt cho con mình. Vấn đề ở đây là thái độ ứng xử của phụ huynh với cô giáo trong từng câu chuyện cụ thể. Con cái chúng ta đi học hàng ngày ở trường, nhưng đừng nghĩ rằng nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc trưởng thành của con. Giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình chưa khi nào tách rời. Cha mẹ phải nhận thức rằng, phối hợp chặt chẽ với thầy cô trong giáo dục con thì đứa trẻ mới phát triển hoàn thiện được. 

Trong cuộc sống hôm nay, khi có sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội nữa, thì phải cảnh giác trước dư luận khi đưa bất cứ một hình ảnh, một câu chuyện nào lên đó. Lợi dụng sự săm soi của dư luận để tạo áp lực lên giáo viên của con, để đẩy sự việc đi xa đến mức cô giáo phải bị đình chỉ công tác, cho rằng cô giáo “làm nhục danh dự người khác” e rằng đã vượt quá ngưỡng của câu chuyện này. 

Hãy đặt mình vào địa vị của cô giáo. Hãy hiểu những khó khăn của giáo viên, nhất là trong giáo dục, cảm hóa những học sinh quậy phá, cá biệt. Sự hợp tác tích cực với giáo viên là trách nhiệm của phụ huynh học sinh, không nên vì một việc nhỏ, có thể trao đổi được, không có hậu quả xấu mà đẩy giáo viên về phía cô độc, lép vế.

Phụ huynh Phạm Thanh Loan ở Hà Nội bày tỏ: “Tôi không cổ xúy cho hình thức phạt quỳ của cô giáo. Có nhiều hình thức để xử phạt khác hữu hiệu hơn như chép phạt, đứng cuối lớp, trực lớp, dọn vệ sinh... Nhưng đơn kiện của phụ huynh làm lớn chuyện và hình phạt của nhà trường đình chỉ giáo viên giảng dạy là quá nặng”.

Chúng ta thấy, cả nhà trường lẫn giáo viên và cha mẹ học sinh đang không tìm được tiếng nói chung trong cách thức giáo dục, dẫn đến những câu chuyện buồn như vừa rồi. Điều này cần xem xét vai trò nhà trường, của ngành giáo dục, cần có thêm các chương trình giao lưu phụ huynh với các chuyên đề về phương pháp giáo dục con em, không thể giao phó toàn bộ cho giáo viên.

Phạm Minh Hà
.
.
.