Giả thuốc Nam chữa ung thư - đẩy bệnh nhân vào đường cùng

Thứ Tư, 13/09/2017, 15:23
Theo suy nghĩ của nhiều người, mang trên mình căn bệnh ung thư đồng nghĩa với việc đối mặt với cái chết. Để tìm đường sống, ngoài việc điều trị tại bệnh viện, nhiều người còn cố gắng tìm kiếm những bài thuốc dân gian để hy vọng chữa khỏi bệnh.

Lợi dụng điều đó, một số đối tượng đã sử dụng các loại lá, cành cây rồi đóng cho nó cái mác “thần dược” hay bài thuốc Nam chữa được các loại bệnh ung thư và bán ra với cái giá cắt cổ. Hành vi vô đạo đức này rất đáng lên án vì bệnh nhân thường nghèo khổ, hy vọng còn nước còn tát nhưng cuối cùng tiền mất, tật vẫn mang.

Một vốn… chục lời

Theo như thông tin cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cung cấp thì trong thời gian gần đây, tại Bệnh viện U bướu Trung ương (Bệnh viện K) đã xuất hiện một số đối tượng có hành vi lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong muốn có cơ hội được sống của bệnh nhân ung thư để bán các loại thuốc mà chúng gọi là “thần dược”. Nhưng ngay lập tức, hoạt động của nhóm lừa đảo này đã bị cơ quan Công an phát hiện và bắt giữ.

Mới đây, hai đối tượng Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1976 và Hoàng Thị Hoài, sinh năm 1969, cùng trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương đã bị lực lượng Công an bắt giữ khi đang chào bán tam thất khô tại Bệnh viện K. 

Trước đó, Hường và Hoài đã bỏ ra 120.000 đồng để mua 1kg tam thất khô, sau đó hai đối tượng giới thiệu về tác dụng thần kì của thuốc cho một phụ nữ ở Tuyên Quang và bán cho người này với giá cao gấp chục lần so với giá trị thực. Thấy dễ làm ăn, hai đối tượng mang “thần dược” của mình đến cổng Bệnh viện K chào bán cho bệnh nhân ung thư nhưng ngay lập tức đã bị bắt.

Hai đối tượng Hường và Hoài.

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, ngoài vụ việc nói trên thì trong năm 2017, đơn vị còn phát hiện hai vụ việc tương tự. Cụ thể là vào hồi tháng 3, lực lượng Công an đã bắt giữ nhóm đối tượng do Hoàng Thị Sáng (32 tuổi, trú tại Đông Cao, Phổ Yên, Thái Nguyên) cầm đầu. 

Dù chưa học hết lớp 5 và không có một chút kiến thức gì về Đông y nhưng Sáng vẫn nghĩ ra chiêu trò sử dụng một số vị thuốc giá rẻ bán cho bệnh nhân ung thư với giá “cắt cổ”. Bằng biệt tài khua môi múa mép và một chút thông tin đã đọc được, Hoàng Thị Sáng đã “chém gió” về công dụng của các loại thuốc mà mình đang có cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để họ tin tưởng.

Trước đó, Sáng đã rủ một số đối tượng ở cùng xã Đông Cao ra chợ mua các loại cây thuốc Nam, cây dược liệu dạng gỗ được thái mỏng phơi khô với giá chỉ khoảng 150.000 đồng/kg. Sáng cùng đồng bọn đem số dược liệu này tới khu vực cổng Bệnh viện K để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Sau khi tìm được “con mồi” là những người đi chữa bệnh, người nhà bệnh nhân ung thư thì nhóm đối tượng này bắt đầu tiếp cận và giới thiệu loại “thần dược” với nguồn gốc hết sức hoa mỹ, là cây tầm gửi lâu năm hiếm gặp, hội tụ tinh hoa của đất trời và có khả năng chữa bệnh ung thư. Để tạo niềm tin cho các bệnh nhân, Hoàng Thị Sáng còn để một số đối tượng làm “chim mồi”, đóng vai người bệnh từng sử dụng “thần dược” và đã khỏi, dù trước đó bác sĩ Tây y phải bó tay.

Bằng khả năng “chém gió” của mình, những “con mồi” của Sáng từ nghi ngờ chuyển sang bán tín, bán nghi rồi sau đó lại hết sức tin tưởng vào khả năng màu nhiệm của các loại thuốc tưởng chừng đơn giản này. Có người lập tức bỏ ra số tiền 26 triệu đồng để mua lại 1kg thuốc của Hoàng Thị Sáng. Nhưng ngay lập tức, nhóm đối tượng đã bị lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ.

Tiếp đó, vào tháng 5-2017, một nhóm đối tượng khác bao gồm Lê Thị Hiên, 55 tuổi, trú tại Xuân Trường, Nam Định; Đặng Thị Liên 48 tuổi và Nguyễn Thị Lượt, 60 tuổi, cùng trú tại Thường Tín, Hà Nội đã bị bắt giữ khi đang thực hiện hành vi lừa đảo. 

Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận đã mua 9kg của tam thất với giá 110.000 đồng/kg, sau đó mang đến khu vực Bệnh viện Phụ sản TW mời chào bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các đối tượng giới thiệu đây là một loại thuốc Nam quý hiếm có khả năng chữa được bệnh ung thư. 

Nhằm tạo lòng tin cho người mua, một số đối tượng còn đứng ra làm “chim mồi”, tự giới thiệu về việc mình đã chữa khỏi bệnh u nang buồng trứng nhờ việc uống thuốc làm từ củ tam thất này. 

Ngoài ra, đối tượng Lê Thị Hiên còn cho một số người mua số điện thoại của một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TW để xin tư vấn về việc chữa bệnh u nang buồng trứng bằng vị thuốc này, sau đó nhận mua hộ với giá 1 triệu đồng/kg. Nhưng thực chất, số điện thoại nói trên là đồng bọn của Hiên cầm máy, không phải bác sĩ của bệnh viện. Khi các đối tượng đang nhận 5 triệu đồng từ việc bán… 5kg tam thất thì bị lực lượng Công an bắt giữ.

Hạt muỗng được giả làm thuốc chữa bách bệnh.

Người bệnh có dễ bị lừa?

Câu trả lời ở đây là có. Bởi lẽ, khi con người ta đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, thần trí sẽ không còn được tỉnh táo như trước. Họ sẽ tìm mọi cách để tự cứu sống bản thân hay cứu sống người thân của mình.

Đã có những người sẵn sàng vượt hàng trăm cây số chỉ để cho một bà thầy giả thần giả quỷ dẫm lên lưng để chữa ung thư thì chắc chắn sẽ còn nhiều người bị lừa vì mua phải “thần dược” được làm từ các vị thuốc Nam như đã nói ở trên. 

Hơn nữa, với sự kém hiểu biết của người dân về tác dụng các cây thuốc Nam như hiện nay, nhiều kẻ lừa đảo vẫn lợi dụng điều đó để kiếm tiền trên nỗi đau của người khác.

Tang vật một vụ án.

Vậy thực hư công dụng của các loại cây thuốc Nam trong việc chữa bệnh ung thư như thế nào? Theo ông Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Trung ương Hội Thầy thuốc Việt Nam kiêm Chánh Văn phòng Hội Thầy thuốc Việt Nam cho biết rằng, các loại cây khi được phơi khô và thái lát thì đều khá giống nhau, không thể nhận diện ra đó là cây thuốc gì, tên khoa học cũng như công dụng của chúng. Chính vì vậy, có khi bản thân những đối tượng bán loại cây thuốc này cũng không biết chính xác vị thuốc. 

Điều này rất nguy hiểm cho người sử dụng. Về loại “thần dược” mà thực chất là cây tầm gửi, được các đối tượng lừa đảo giới thiệu là có thể chữa bệnh ung thư, ông Thục cho biết cây tầm gửi có nghĩa là loại cây sống kí sinh trên một thân cây khác. Tùy từng loại cây tầm gửi lại có tác dụng khác nhau, chứ không phải loại tầm gửi nào cũng có công dụng như nhau. 

Y học cổ truyền dùng tầm gửi trên cây dâu mà người trong nghề gọi là tang ký sinh. Tang ký sinh có vị đắng, tính bình, tác dụng chủ yếu của tang ký sinh là chữa về phong thấp, đau mỏi nhức xương khớp, đau do chấn thương và dùng cả cho lợi sữa. Chưa có tài liệu nào nói rằng cây tầm gửi có thể chữa khỏi bệnh ung thư, mà tài liệu cho thấy, tầm gửi chỉ hỗ chợ giải độc gan.

Theo như lý giải, trong tư tưởng của Đông y, các vị thuốc được chia làm nhiều nhóm, cũng có nhóm chữa ung thư, nhưng tác dụng là gây ức chế tái tạo tế bào ung thư, kìm chế sự phát triển của các tế bào ung thư. 

Đông y rất ít khi dùng đơn thuần một vị thuốc (độc vị) để chữa bệnh, mà sẽ dùng theo nguyên tắc quân – thần – tá – sứ. Nguyên tắc này coi việc chữa bệnh giống như dụng binh, phải có tướng cầm đầu, phải có xe, pháo, mã hỗ trợ. 

Quân là chủ dược, tác dụng chính để chữa bệnh. Thần cũng có tác dụng chữa bệnh, nhưng chủ yếu là để đẩy mạnh tác dụng của vị thuốc chính. Tá là vị thuốc đi theo vị quân và vị thần để chữa các loại bệnh theo mục đích ban đầu. 

Còn sứ giống như một người sứ giả. Nếu người bệnh mắc bệnh gan hoặc thận, thì sứ là vị thuốc dẫn, giúp cho các vị thuốc quân, thần, tá có thể đi thẳng tới gan, thận để điều trị bệnh.

Nhiều thân cây được các đối tượng giả làm thuốc chữa ung thư.

Theo như lý giải trên, dù là cây có công dụng tốt nhưng những loại dược liệu như tam thất hay cây tầm gửi đều chỉ là độc vị, không thể chữa bệnh nào nếu không có thuốc dẫn. Do vậy, càng không có chuyện những vị thuốc này có thể chữa khỏi được bệnh ung thư như các đối tượng giới thiệu. 

Ông Thục cũng khuyến cáo, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có rất nhiều những loại thuốc được quảng cáo quá với tác dụng thực của nó, hoặc thuốc giả, cây này lại bảo là cây kia, một vị thuốc nhưng lại khẳng định là chữa khỏi được bệnh nan y. Do vậy, những người mắc bệnh nan y và người nhà cần phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua thuốc về sử dụng.

Khi đến các bệnh viện điều trị phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bệnh viện; tin tưởng vào bệnh viện cũng như tay nghề của bác sĩ. Nếu bệnh nhân đến các phòng khám, cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, dù là Tây y hay Đông y thì bác sĩ phải có chứng chỉ, giấy phép hành nghề mới đảm bảo độ tin cậy.

 Người bệnh cũng không nên nghe theo thị trường thương mại hóa, đưa vị thuốc giá rất rẻ mạt, có khi chỉ vài chục nghìn một lạng, nhưng lại quảng cáo quá mức về công dụng của thuốc để bán với giá vài chục triệu đồng, không những không chữa khỏi bệnh mà còn tốn kém tiền bạc, đó là chưa kể đến việc có thể nguy hại đến tính mạng. 

Nhóm PV
.
.
.