Giá trị, ý thức con người còn đâu

Thứ Hai, 11/05/2015, 17:00
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về cuộc sống của con người ngày càng tăng cao. Thời buổi này không còn lo ăn no mặc ấm mà ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp. Đi cùng với những nhu cầu đó thì những loại hình dịch vụ mọc lên như nấm sau mưa.

Để quảng cáo cho thương hiệu, người ta đã dùng đủ các chiêu trò trong đó chủ yếu là chiêu giảm giá, khuyến mại rồi miễn phí. Kiểu nào cũng được miễn là sản phẩm được nhiều người biết đến, lợi nhuận sau khi quảng cáo tăng cao. Muôn hình vạn trạng thế mới tạo nên xã hội. Đa dạng thế mới là cuộc sống hiện đại. Chiêu trò gì cũng được, quảng cáo thế nào cũng được miễn là đừng để những người dân trong xã hội phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường.

Gần đây nhất, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, người ta cũng đã quảng cáo, đã khuyến mại, đã miễn phí vé vào cửa Công viên nước Hồ Tây và sau đó đã xuất hiện những nạn nhân, những vấn đề không hay ho do cái sự miễn phí đó.

Với phiên khai trương Công viên nước Hồ Tây hè 2015, nhận được thông tin miễn phí vé vào cổng nên người dân đã đổ xô kéo về công viên nước để có cơ hội được vùng vẫy tại đây mà không mất tiền. Những người đã sống ở Hà nội thì chắc hẳn đã được nghe đến Công viên nước Hồ Tây và không ít người cũng đã được đến đó ít nhất là một lần.

Vẫn biết ở nơi đất chật người đông này, để có được một tụ điểm giải trí cũng không phải dễ. Với những nơi quá đắt đỏ thì không phải ai cũng đến được, với những nơi có giá cả phải chăng như Công viên nước Hồ Tây thì những gia đình công chức có mức thu nhập trung bình cũng có thể đến được mỗi năm một lần. Ấy thế mà khi nghe được miễn phí vào cửa, người người, nhà nhà đã kéo đến đây dẫn đến tình trạng quá tải. Chính những người trong ban tổ chức cũng không thể lường trước được sự việc này nên họ đã không tính đến những phương án khác.

Nhìn cảnh hàng đoàn người ùn ùn kéo về mà hoảng sợ bởi không chỉ những nam thanh nữ tú, trai tráng khỏe mạnh mà còn có rất nhiều em bé được bố mẹ bế trên tay cũng cố chen vào. Không còn cách nào khác trước sự quá tải này nên ban tổ chức đã đóng cửa và không nhận khách để có thể giảm tải được sức nóng tại nơi này.

Tưởng chừng mọi chuyện có thể dừng lại ở đó nhưng có rất nhiều người đã không chịu mất cơ hội ngàn năm có một này, họ tìm đủ mọi cách để có thể vào được bên trong bất chấp mọi sự nguy hiểm. Chứng kiến cảnh tượng nhiều cô cậu học sinh sinh viên trèo qua hàng rào sắt đã thấy buồn cho sự hiếu thắng, sự liều lĩnh của họ, nhưng đau lòng hơn còn có những bậc phụ huynh cố gắng đẩy những em bé qua hàng rào cao đến vài mét. Tiếng khóc thất thanh vì quá sợ hãi của những em bé này không làm nản lòng cha mẹ chúng. Họ cố gắng vào bằng được mặc dù đội bảo vệ đã ra sức ngăn cản.

Nhìn những hình ảnh này thì chúng ta chỉ biết ôm mặt, nhắm mắt không dám nhìn vào sự thật bởi quá sợ hãi trước sự an nguy đến tính mạng của những đứa trẻ đáng thương. Bọn chúng còn quá bé để biết được rằng bên trong có điều gì thu hút chúng để chúng phải đòi vào bằng được. Nhìn những khuôn mặt quá sợ hãi thì chắc chắn một điều rằng bố mẹ chúng là những người không bình thường.

Lo sợ chưa xong thì lại phải chứng kiến những cảnh nực cười bởi những cô gái mặc váy ngắn, rồi mặc đồ bơi cũng đang loay hoay tìm cách vượt qua rào. Đấy là một vài hình ảnh bên ngoài còn bên trong thì sao? Không khá hơn khi hàng chục ngàn người cùng đổ xô vào những khu vui chơi. Những bể bơi chật kín người không còn nhìn thấy được màu nước mà chỉ thấy người và người chen chúc nhau. Họ xuống để tắm, để tận hưởng hay chỉ để thỏa trí tò mò vì muốn tắm cũng không có cách nào tắm được bởi không còn chỗ nào để mà té nước lên người chứ chưa nói là được bơi.

 Càng chứng kiến càng đau lòng bởi những hành động này có thể đánh giá theo hình thức nào? Họ chẳng có suy nghĩ gì hay họ coi thường bản thân mình. Họ vui vẻ chơi hay họ sống theo trào lưu, người ta đi thì mình cũng phải đi, không thì lại bị tụt hậu? Những câu hỏi nhói lòng liên tục được đặt ra. Thà như những người ở vùng núi cao xa xôi chưa một lần được nhìn thấy công viên nước đã đành, đằng này toàn những người sống giữa Thủ đô văn minh hiện đại. Có thể họ không phải là người Hà Nội nhưng họ đang sống tại Hà Nội. Người xưa đã nói nhập gia tùy tục cơ mà.

Ngay sau ngày khai trương miễn phí vào cửa tại Công viên nước Hồ Tây, hàng loạt bài báo đưa tin về việc quá tải cũng như những hậu quả xảy ra. Hình ảnh những cô gái bận đồ tắm bị các chàng trai vây kín, trọc ghẹo đến ngất xỉu, rồi có cô còn bị sàm sỡ, quần áo rách tả tơi. Chỉ cần một vài hình ảnh thôi cũng đủ nói lên tất cả. Người thì la mắng chửi bới những người đàn ông vô văn hóa, có người lên tiếng trách móc những cô gái không biết giữ mình. Ai cũng có cái lý khi lên tiếng trước một sự việc nóng của xã hội.

Không thể bàn cãi ai đúng ai sai, ai phải chịu trách nhiệm trước những sự việc đáng tiếc xảy ra, nhưng tất cả những người trong cuộc đều phải suy nghĩ lại về chính bản thân mình. Tại sao chỉ vì vài trăm ngàn đồng mà những người này lại coi thường bản thân mình đến vậy. Nếu như không có tiền thì tại sao không tìm một nơi phù hợp với túi tiền của mình, đâu cứ phải đến công viên nước thì mới thể hiện được đẳng cấp hay thể hiện được chính mình.

Còn nếu những người ưa mạo hiểm, thích tò mò tại những nơi đông người thì không cần phải bàn cãi bởi họ thích thế và muốn làm thế. Còn những bố mẹ của những đứa trẻ sẽ nghĩ gì nếu như con họ gặp phải sự cố bởi tính hiếu thắng của chính họ. Những cô gái trẻ tại sao không chọn những địa điểm thích hợp hơn rồi hàng trăm ngàn câu trả lời được đặt ra. Có những người vô tư trả lời rằng vì đã đến đây rồi nên bằng mọi giá phải vào được bên trong để chơi, không cần biết bên trong còn chỗ hay không.

Những người Việt Nam làm như vậy liệu họ có biết những người nước ngoài sẽ nhìn vào và đánh giá thế nào không? Là người học tập và làm việc ở Việt Nam hơn 2 năm, khi nhìn thấy những hình ảnh được phản ánh trên báo ở Công viên nước Hồ Tây ngày 19 tháng 4, Ryosuke Fujii (người Nhật Bản) không cảm thấy quá bất ngờ. Bởi anh cho rằng: “Người Việt Nam như thế là bình thường. Nếu Việt Nam không như vậy thì không vui nữa”. Nhận xét của anh khá cay đắng khi nhìn nhận về cách ứng xử của người Việt trong mắt người nước ngoài.

Anh John, một kỹ sư người Mỹ cũng lên tiếng rằng: “Tôi rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam nhưng tôi không thể hiểu được tại sao lại có chuyện đó xảy ra. Có phải vì vé vào cổng quá đắt so với mức thu nhập của họ hay vì họ thích thế? Những hình ảnh trèo rào rồi các cô gái bị sàm sỡ đến ngất xỉu thì thực sự ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi sẽ có một câu chuyện vui để mang về nước làm quà”. 

Những lời nói đầy sự châm biếm đến sự thanh lịch cũng như ý thức của con người Thủ đô nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung khiến chúng ta cảm thấy đau đớn vô cùng. Thật không ngờ khi chỉ vì một ngày mở miễn phí 2 tiếng đồng hồ lại khiến sự việc trở nên hỗn loạn như vậy.

Nói đi nói lại thì cũng vẫn là nói. Liệu những người đã trực tiếp gây ra vụ hỗn loạn tại Công viên nước Hồ Tây hôm 19 tháng 4 vừa qua sẽ nghĩ gì, sẽ cảm thấy gì trước những hành động không hay đó. Ai cũng có quyền đưa ra chính kiến và có quyền bảo vệ những chính kiến đó nhưng cũng đừng lạm dụng cái quyền đó. Hy vọng rằng họ không lạm quyền mà cho rằng việc họ làm luôn đúng mà đúng thì họ mới làm. 

Những hình ảnh không đẹp mắt, những bài viết lên án đã xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Hình ảnh của Thủ đô bị bôi nhọ, giá trị con người của một đất nước bị báo động thật chẳng hay ho gì. Chúng ta chỉ hy vọng một điều rằng dù sống ở đâu, làm việc gì thì chúng ta cũng cần nghĩ đến lòng tự trọng, tư cách của một con người.

Lamny
.
.
.