Giặc ở sau lưng

Thứ Tư, 04/06/2014, 20:34

"Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó", câu nói từ truyền thuyết, câu nói của thần Kim Quy dành cho An Dương Vương có lẽ chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí người Việt. Đúng, giặc không phải chỉ ở phía trước, mà có thể ở sau lưng, ở bên cạnh và ở ngay chính trong mỗi con người. Giặc ấy còn nguy hiểm hơn thứ giặc trước mắt ta kia, bởi đơn giản, chúng ta không bao giờ ngờ tới để phòng bị thứ giặc đó.

Hãy thử lạm bàn một chút về hai chữ “phản quốc” để hiểu rõ hơn thế nào là thứ giặc không ở trước mắt mỗi người chúng ta. Phản quốc, nghĩa là phản bội Tổ quốc và hành vi phản bội Tổ quốc đó cụ thể là như thế nào? Dễ hiểu, phản bội Tổ quốc là có những hành động, phát ngôn đi ngược lại lợi ích chung của quốc gia, gây tổn hại đến quốc gia mà mình hãnh diện được mang quốc tịch và tấm hộ chiếu của nó.

Không phải cứ theo giặc, bán mình cho giặc như Trần Ích Tắc ngày xưa mới là phản quốc. Phản quốc có thể chính là những kẻ xách động sự ngây thơ, cái đầu nóng trước cảnh nước nhà cấp bách của những người khác để đốt phá, hành hung… như những gì đã xảy ra ở Bình Dương, ở Hà Tĩnh.

Chính những kẻ xách động đó đã khiến an ninh trật tự bị xáo trộn, tình hình kinh tế bị đình trệ, quan hệ đối ngoại trở nên căng thẳng hơn và hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng. Và với chừng đó thiệt hại cho quốc gia, quốc thể, những kẻ xách động người khác vừa rồi chắc chắn là những kẻ phản quốc. Nhận ra chân tướng của họ rồi, có lẽ chúng ta nên tĩnh tâm lại để hiểu rõ hai điều, như thể hai nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, không có gì dễ hơn đối phó với một tập thể đang có những phân rã, mất ổn định nội bộ. Thế nên, ta càng phải giữ cho nhà ấm, nước yên thì quốc gia mới có thể đương đầu với những thách thức lớn. Thứ nhì, câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” nên được thấm nhuần hơn ở lúc này.

Chúng ta phải giữ được yên ổn trong nước để những chiến sỹ ngoài khơi xa an tâm bảo vệ Tổ quốc.

Người mang quốc tịch Việt Nam, dù có là người Kinh, người H'Mông, người Thái, người Tày, người Hoa hay người Chăm… đi nữa đều là những người trong giá gương chung mà ta phải là nhiễu điều phủ lên bảo bọc. Đừng để bị kích động để thành hận thù dân tộc. Nên nhớ, thái độ kỳ thị là thái độ kém văn minh nhất và yêu nước lúc này chính là phải đoàn kết với những người mang cùng một quốc tịch với ta bất chấp họ thuộc dân tộc nào.

Một ngàn năm đô hộ của phương Bắc, chúng ta thoát khỏi kiếp nô lệ ấy và trở nên tự chủ chính thức từ năm 905. Thế nhưng, chỉ 100 năm sau, khi nhà Lý lên ngôi, văn hóa Việt đã trở nên vững chãi với những dấu ấn khác biệt hẳn so với văn hóa của người Hán. Rồi đến đời Minh Thành Tổ xâm chiếm, triệt để đốt sách, vật phẩm văn hóa Việt nhằm tận diệt cái nền văn hóa dẻo dai và bền bỉ ấy.

Nhưng tất cả những nỗ lực kia đều thất bại. Người Việt không khuất phục bởi cái nền tảng văn hóa Việt vẫn còn mạnh mẽ lắm. Nền tảng ấy được khơi nguồn mạch duy trì qua thế kỷ này đến thế kỷ khác chính nhờ vào tiếng nói riêng biệt (tiếng Việt hoàn toàn khác ngữ hệ với tiếng Hán) và cha ông cũng nỗ lực sử dụng chữ viết riêng của mình để không phụ thuộc vào người phương Bắc nữa. Nỗ lực tạo nên chữ Nôm; nỗ lực tiếp nhận và phát huy chữ viết Latin đều là những thành quả góp công lớn vào việc xây dựng và duy trì văn hóa Việt.

Chính vì thế, hai con đường gần như đẹp nhất TP Hồ Chí Minh, nằm song song nhau trước Dinh Thống Nhất được mang tên hai người có công lớn trong việc tạo chữ là Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên. Giữ được chữ, giữ được tiếng nói chính là yêu nước vậy.

Nhưng chúng ta không thể phủ nhận hiện nay, bị quá ám ảnh và xu thời với tầm quan trọng của ngoại ngữ, nhiều cặp vợ chồng Việt lại nói chuyện với con cái (dù con mới chỉ lên năm, lên ba) bằng tiếng Anh. Thứ sính ngoại ấy cũng chính là một dạng “giặc” ở trong lòng ta. Tự ta chối bỏ, hoặc coi nhẹ, giá trị mã hóa nguồn của văn hóa Việt là tự ta đã vô thức phản lại lợi ích quốc gia, dân tộc một lần.

Thế nên, yêu nước cần lắm sự tỉnh táo trong hành động và sự chỉn chu với nghĩa vụ quốc gia, dân tộc từ chính những hành vi nhỏ của mỗi người. Làm được điều đó, chính là ta đã loại trừ được “giặc” ở sau lưng, ở xung quanh và ở trong chính chúng ta mỗi ngày.

H.Anh
.
.
.