Giải cứu 3 phụ nữ bị lừa bán qua biên giới và nỗi lo "thị trường mới"

Thứ Năm, 26/04/2018, 09:13
Mới đây, nhận được tin cầu cứu của ba người phụ nữ miền Tây đang trên xe di chuyển về hướng cửa khẩu Móng Cái, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an TP Hải Phòng tiến hành giải cứu. 

Tại cơ quan Công an, qua lời khai mà những người phụ nữ này cung cấp, những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt mới của bọn buôn người dần hé lộ. Cũng từ đó, nỗi lo về những mục tiêu mới mà bọn buôn người nhắm tới cũng khiến cơ quan chức năng phải lưu tâm.

Tin tưởng mù quáng

Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, ba phụ nữ mà lực lược chức năng đã giải cứu kịp thời là Phan Thị Hồng Na (25 tuổi, trú tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Nguyễn Thị Bích Thanh (32 tuổi, trú tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) và Lê Thị Cẩn Nguyên (16 tuổi, trú tại huyện Hòn Đất, Kiên Giang). 

Hai nạn nhân người Campuchia được bàn giao cho Đại sứ quán.

Qua lời khai của các nạn nhân cung cấp cho cơ quan chức năng thì ba người này làm quen với hai đối tượng tên Oanh và Tâm. Mặc dù chỉ mới quen biết, không hề biết rõ lai lịch, nhưng khi nghe hai đối tượng này dụ dỗ về việc xuất khẩu lao động sang Trung Quốc để làm may với tiền công lên đến 15 triệu/tháng hoặc giới thiệu đi lấy chồng giàu thì sẽ thoát được kiếp nghèo, cả ba đều đồng tâm và đồng ý với lời đề nghị của hai đối tượng này. 

Sau khi bàn luận và hẹn nhau ngày đi, đối tượng Tâm đón cả ba người tại bến xe miền Đông, sau đó đặt vé cho họ đi Hải Phòng. Đối tượng này không đi cùng mà chỉ hướng dẫn ba người cách di chuyển và cho biết sẽ liên lạc qua điện thoại.

Đến lúc này, các nạn nhân đã có chút nghi vấn bởi Tâm không đi cùng, xuống đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Tâm gọi chỉ đạo ba người gọi taxi để di chuyển về TP Móng Cái (Quảng Ninh), tại đây sẽ có người đón và thanh toán tiền lộ phí cho. Khi xe di chuyển, chị Na nghĩ ra rằng mình bị lừa nên tìm cách liên hệ với Công an TP Hải Phòng để cầu cứu.

Nhận được tin của các nạn nhân, Công an TP Hải Phòng đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Quảng Ninh và lực lượng CSGT để dừng chiếc xe taxi tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), đưa ba người phụ nữ này về trụ sở CQĐT. Tại đây, theo như lời kể của các nạn nhân, lực lượng chức năng đã xác định cả ba người đều bị lừa để bán sang bên kia biên giới. 

Lúc này, các nạn nhân gọi lại vào số của Tâm và Oanh nhưng đều mất tín hiệu. Ngoài số điện thoại, các nạn nhân không hề biết gì về tên tuổi cụ thể, địa chỉ hay bất kì thông tin gì của hai đối tượng này. Việc này khiến cơ quan Công an rất khó khăn trong việc xác minh vụ việc.

Thượng úy Phạm Xuân Đức, cán bộ Phòng PC45, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Vụ việc này cũng đã cho thấy sự tinh vi của những kẻ buôn người. Đây cũng là phương thức thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng trong thời gian gần đây. Đó là không đi theo các nạn nhân nữa mà hoàn toàn giữ bí mật bản thân, chỉ đạo từ xa bằng điện thoại và sẵn sàng cắt đứt liên lạc khi bị đánh động".

Đối tượng Sang bị Công an bắt giữ.

Thêm nữa, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong muốn được kiếm tiền, được thay đổi cuộc sống một cách dễ dàng nên nhiều người đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Khi chỉ đạo nạn nhân đi đến cửa khẩu, sẽ có một đối tượng chỉ dẫn các nạn nhân đi theo đường mòn hoặc đi đò sang bên kia biên giới. Ở đó sẽ có người đón sẵn, đôi khi các nạn nhân sẽ bị bán tại chỗ và đưa đi ngay. Trước khi bị lừa bán, chắc chắn họ vẫn nghĩ mình đang đi lao động kiếm tiền hay đi lấy chồng giàu sang.

Nhắm tới miền Tây Nam Bộ

Theo Thượng úy Phạm Xuân Đức: "Trong một số vụ việc xảy ra gần đây, có nhiều vụ nạn nhân đều là những phụ nữ đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thậm chí là Campuchia. Khác với trước đây, đối tượng buôn người thường chọn mục tiêu là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc. 

Nhưng sau một thời gian việc tuyên truyền phát huy hiệu quả, các vụ buôn bán người ở các khu vực này đã giảm dần. Có thể vì lý do đó mà những kẻ buôn người chọn các tỉnh miền Tây Nam Bộ để "tìm mồi". Tại những nơi này, thông tin về loại hình tội phạm buôn người vẫn còn khá mới mẻ nên các nạn nhân đều rất dễ bị lừa gạt. Đây cũng là mối lo ngại của cái bộ chiến sĩ trên mặt trận chống buôn bán người".

Quả thực nỗi lo ấy không phải vô căn cứ bởi chỉ ngay đầu tháng 4, Công an tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị truy tố đối tượng Phạm Thanh Sang (32 tuổi, trú tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) và Trần Thị Xen (33 tuổi, trú huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) về tội Mua bán người. Theo đó, đối tượng Xen có chồng là người Trung Quốc và sinh sống tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). 

Năm 2015, Xen quen biết với Sang và gợi ý cho đối tượng này về các vùng quê miền Tây Nam Bộ tìm các cô gái trẻ đưa sang Trung Quốc bán. Với mỗi người được bán thành công, Xen sẽ trả cho Sang 5 triệu đồng và lo toàn bộ chi phí đi lại.

Bị lòng tham làm mờ mắt, đối tượng Sang về quê nhờ người quen, tìm kiếm các cô gái trẻ theo yêu cầu của Xen rồi nói dối họ sẽ xin cho làm việc ở nhà hàng tại Hà Nội với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Nhờ lý do dối trá đó mà chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng, Sang đã lừa được 11 cô gái khắp các tỉnh miền Tây để cho Xen bán và nhận được số tiền 37 triệu đồng. 

Tuy nhiên, trong số 11 cô gái này, có 2 người bị Xen chê nên yêu cầu Sang đưa về Việt Nam. 9 cô gái khác khi vừa sang đến Trung Quốc đã bị Xen bán cho chủ chứa tại chỗ. Với mỗi người, Xen nhận số tiền từ 20 đến 40 triệu đồng/tháng. Nếu cô gái nào không đồng ý bán dâm hay tìm cách bỏ trốn thì sẽ bị chủ chứa cho người đe dọa, đánh đập hoặc bỏ đói. 

Một số nạn nhân liên lạc với Xen để xin được về nhà thì đối tượng này yêu cầu nhờ gia đình gửi sang từ 50 đến 100 triệu đồng tiền chuộc. Đã có hai nạn nhân nộp tiền và một số người khác trốn thoát được về Việt Nam và ra cơ quan Công an tố cáo hành vi của cá đối tượng này. Ngay sau đó, đối tượng Sang và Xen đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Ngoài vụ việc nói trên, cách đây hơn 1 tháng, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, giải cứu được 2 phụ nữ người Campuchia bị lừa bán sang Trung Quốc. Theo đó vào ngày 27-2, qua công tác nghiệp vụ, Phòng PC45 Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh có một chiếc ôtô khách vừa từ Hà Nội lên. 

Quan sát thấy có hai phụ nữ từ trên xe xuống có biểu hiện lạ lùng, nghi vấn bị lừa bán. Thông qua phiên dịch, cơ quan Công an xác định được một người 20 tuổi, một người 23 tuổi và đều mang quốc tịch Campuchia. Họ được một phụ nữ tỉnh Sóc Trăng giới thiệu sang Trung Quốc để làm cho một tiệm bánh ngọt với mức lương hậu hĩnh. 

Mặc dù quen biết không nhiều nhưng cả hai người này đều nhận lời và làm theo chỉ dẫn của đối tượng này. Họ được gửi xe khách theo nhiều chặng đi từ miền Nam lên tới biên giới Lạng Sơn. Khi đang chuẩn bị di chuyển sang bên kia biên giới thì được lực lượng chức năng giải cứu.

Cung cấp lời khai sau khi được Công an Quảng Ninh giải cứu.

Chỉ riêng những vụ như vậy cũng đã cho thấy, mục tiêu của các đối tượng buôn người nhắm tới không còn là những bà con dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc nữa mà là một khu vực mới mẻ hơn. Cùng với thủ đoạn tinh vi, luôn luôn ẩn mình cũng trở thành thách thức lớn với cơ quan chức năng trong việc giải quyết nạn buôn người.

Nhưng trước mắt, để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các địa phương về phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm buôn bán người. Cho đến hiện tại, đây vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bớt đi những nạn nhân bị đưa vào tròng. 

Tuy nhiên, muốn giải quyết dứt điểm, những người phụ nữ dễ trở thành mục tiêu của bọn buôn người nên đề cao cảnh giác, đừng để lòng tham điều khiển những quyết định của mình và sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống tội phạm buôn người.

Phong Hiền
.
.
.