“Giải cứu” môi trường trên cao nguyên Lâm Đồng

Thứ Năm, 01/06/2017, 15:03
Cao nguyên Lâm Đồng, nơi bắt nguồn nhiều dòng sông con suối chảy về xuôi. Thời gian qua có không ít cá nhân, doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp những quy định của pháp luật trực tiếp xả thải chưa qua xử lý ra các con sông, dòng suối đầu nguồn, gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân tại nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ.


Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Lâm Đồng đã tích cực vào cuộc, kịp thời ngăn chặn và xử lý nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định xả thải môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân

Những ngày đầu tháng 3-2017, nhiều người dân ở phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng phát hiện dòng nước trên suối Lộc Sơn bỗng dưng chuyển màu nâu thẫm và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn nước này khiến cho trẻ em khi tắm suối bị ghẻ ngứa khắp cơ thể, những người mưu sinh thường ngày ở đây cũng bị lở loét nên đã làm đơn kêu cứu gửi đến các cấp chính quyền địa phương.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại xưởng chế biến cà phê của Công ty Aslantic.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng cử các trinh sát đến hiện trường khảo sát các dòng chảy, lội xuống dưới suối để kiểm tra tầng đáy, lấy mẫu bùn và nước đi giám định. Sau gần một tháng liên tục theo dõi và có kết quả giám định cho thấy dòng suối bị ô nhiễm hoàn toàn bởi nước thải công nghiệp, trong đó chủ yếu là chất phụ gia trong sản xuất cà phê.

Tối 21-5-2017, các trinh sát Đội 2, Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an TP Bảo Lộc và các đơn vị nghiệp vụ, bất ngờ kiểm tra xưởng chế biến cà phê thuộc Công ty TNHH thương phẩm Aslantic đặt tại khu công nghiệp Lộc Sơn, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, các trinh sát phát hiện xưởng này đã trực tiếp xả nước thải sản xuất không qua xử lý ra các con suối quanh khu vực. Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hệ thống xử lý nước thải ở nhà máy không đảm bảo năng lực xử lý so với thực tế sản xuất.

Theo lời kể của trinh sát, để bắt quả tang hành vi xả thải ra môi trường của doanh nghiệp, nhiều ngày đêm anh em phải lăn lộn dưới dòng suối ô nhiễm để thu thập chứng cứ.

Trong lúc một tổ công tác tiến hành lập biên bản hiện trường thì một tổ trinh sát tiếp tục lội xuống dòng suối bới từng lớp bùn để tìm chứng cứ và đã phát hiện một miệng ống xả thải đặt ngầm bên dưới. Khi tiến hành đóng điện một trụ bơm đặt ngầm dưới đất (bên cạnh hồ lắng) thì nước thải ào ào phun ra và chủ nhà máy mới thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Một vụ xả thải chưa qua xử lý ra môi trường khác khiến các cán bộ Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng tốn nhiều mồ hôi công sức, thậm chí có trinh sát bị lở loét cả cơ thể do phải trực tiếp lặn lội dưới suối ô nhiễm truy tìm chứng cứ.

Theo điều tra từ phản ánh của người dân ở TP Bảo Lộc về việc Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc xả nước thải ra môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình.

 Sau khi thu thập nhiều chứng cứ xác thực, các trinh sát đã quyết định tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hoạt động sản xuất của công ty này tại địa chỉ số 56 đường Lý Thường Kiệt, phường 1, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) và phát hiện nhiều vi phạm.

Phát hiện Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc xả nước thải chứa hóa chất nhuộm vải ra môi trường.

Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc có tổng diện tích 13.545m2 bao gồm các xưởng dệt, nhuộm, chuội tơ tằm và khu vực xử lý nước thải cùng trên 150 công nhân làm việc. Hàng ngày Công ty này thải ra 10,56m3 nước dùng trong sản xuất cho xưởng nhuộm với nhiều loại hóa chất tẩy rửa.

Tại thời điểm kiểm tra, các trinh sát nhận thấy tất cả các phân xưởng đều hoạt động bình thường, nhưng riêng hệ thống xử lý nước thải không vận hành, riêng công tắc máy bơm nước thải được đặt ở chế độ tự động song không phải bơm vào hệ thống xử lý mà đưa thẳng ra những dòng suối xung quanh theo một đường ống được thiết kế khá kín đáo.

Kiểm tra tại điểm xả cuối cùng, các trinh sát còn phát hiện dòng nước xả thải có màu xanh tím, bốc mùi thối hắc nồng của các loại hóa chất. Sau khi lấy mẫu đưa đi giám định cho thấy các thông số chất thải độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ 2,5 đến 9,1 lần.

Với mức độ này nếu không phát hiện sớm, để xả trực tiếp ra các con suối đầu nguồn trong thời gian dài thì ngoài việc tàn phá môi trường xung quanh còn gây ô nhiễm nặng cho nguồn nước đầu nguồn sông Đồng Nai đổ về các tỉnh khác.  

Đại Tá Phan Thanh Chương – Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện xử lý những cá nhân, đơn vị sản xuất có hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, đơn vị còn đảm trách các nhiệm vụ khác như ngăn chặn vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, săn bắt - buôn bán – vận chuyển động vật hoang dã, chống lâm tặc, khai thác khoáng sản trái phép và chôn lấp chất thải nguy hại ở thể rắn.

Tuy nhiên do có nhiều nhà máy, xí nghiệp được phân bố trên diện rộng trải dài từ các huyện tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Đắk Nông và vùng rừng núi tiếp giáp với các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa nên công tác phòng ngừa và giám sát rất phức tạp; các công ty, xí nghiệp có xả thải trực tiếp ra môi trường luôn tìm cách đối phó rất tinh vi.

Nước nhiễm phụ da trong chế biến cà phê của Công ty Aslantic được xả trực tiếp ra môi trường

Nhiều cán bộ trinh sát trong lúc làm việc phải lặn ngụp dưới những dòng suối đầy chất ô nhiễm để moi từng đống bùn thải chưa qua xử lý, truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó truy ra công ty, xí nghiệp có sử dụng các loại hóa chất, phụ da tương ứng để tiến hành xử lý. 

Tuy phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm cao, trong những năm qua, cán bộ Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, triệt phá nhiều vụ phá rừng phòng hộ, săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã, khai thác trái phép khoáng sản và phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại cuộc sống yên lành cho nhân dân.

Đức Cương
.
.
.