Giải mã “ma trận”

Thứ Tư, 17/08/2016, 10:31
Kẽ hở trong quản lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí sử dụng kết nối internet (Over the Top - OTT) như Zalo, Mocha, Line… đang được các đối tượng lừa đảo trên mạng lợi dụng để gây án... 


Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội đã tổ chức điều tra khám phá 25 vụ việc loại này, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 18 vụ với 29 bị can. Hành trình truy tìm kẻ giấu mặt trong xa lộ thông tin của lính công nghệ thực sự là cuộc giải mã "ma trận" cam go. Để tìm ra câu trả lời, chỉ kỹ năng nghề nghiệp hay kinh nghiệm trận mạc thôi chưa đủ, mà phải bằng cả nhiệt huyết với công việc.

"Bình mới, rượu cũ"

Vẫn là những thông báo trúng thưởng các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng, nhưng với những "biến thể" khác. Đó là thông báo từ các ứng dụng trên điện thoại như Zalo, Mocha, Line, "link" (kết nối) tới những website nom "đứng đắn", "tử tế".

Đứng trước những món lợi "từ trên giời rơi xuống", như trúng xe máy Honda SH hoặc Liberty kèm thông báo "Được tài trợ bởi nhãn hàng Honda", hay "Bảo trợ bởi nhãn hàng Piaggio", hoặc 1 phần thưởng tiền mặt trị giá từ 80 đến 200 triệu đồng "Tài trợ bởi tập đoàn Mocha, Zalo, Tango"... nhiều người đã "cầm lòng chẳng đặng" mà làm theo hướng dẫn hiển thị trên website. Kể từ lúc đó, họ rơi vào "ma trận" liên hoàn kế của những tên lừa đảo.

Thiệt hại cũng vẫn là khoản tiền đã bỏ ra để mua thẻ cào điện thoại để nộp thuế, phí vận chuyển, phí trước bạ… nhằm hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Thẻ đã mua, cào và gửi mã đi, nhưng phần thưởng chờ "mỏi mắt" không thấy, nhiều người mới tá hỏa làm đơn trình báo đến cơ quan Công an.

Anh Nguyễn Tài Ng. (ở phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Chẳng hiểu "ma xui quỷ khiến" thế nào mà tôi lại bị tin nhắn trúng thưởng trên ứng dụng Mocha và tại Website: "www.traogiaitrian.net" câu nhử. Khi tham gia vào, tôi từng bước bị "dắt mũi", cho đến khi gửi đi số mã thẻ cào điện thoại trị giá 11 triệu đồng để làm các thủ tục nhận thưởng mới giật mình nhận ra mình đã bị lừa".

Cùng cảnh ngộ với anh Ng., chị Lưu Thị Phương H. (ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) kể: "Tôi bị lôi cuốn bởi thông tin trúng thưởng đăng trên ứng dụng Zalo điện thoại, link (dẫn) tới các địa chỉ Website: "www.sukiengiai.com" và "www.thanhtoanthue.com". Làm theo hướng dẫn trên các trang này, tôi đã phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và nạp các mã thẻ cào điện thoại… với tổng số tiền lên đến 97 triệu đồng cho "tổng đài", để làm các thủ tục nhận thưởng. Chờ mãi không thấy gì, tôi mới biết đã nộp tiền cho bọn lừa đảo".

Các tin nhắn lừa đảo trên các ứng dụng Zalo, Mocha…

Điều nghiên

 Đại úy Nguyễn Minh Hiển (Phó đội trưởng Đội 4, Phòng PC50 - Công an TP Hà Nội) cho biết: "Lừa đảo trên mạng không còn là điều mới mẻ, nhưng sử dụng các ứng dụng như Zalo, Mocha, Line… dẫn tới các trang web giả mạo là cách làm mới, khá tinh vi của bọn tội phạm.

Nắm tình hình trên mạng, chúng tôi thấy trong năm nay, bình quân mỗi tháng các đối tượng tạo lập khoảng 100 - 150 website giả mạo, để sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, trong phạm vi cả nước, con số nạn nhân của chiêu thức lừa đảo mới này lên tới hàng nghìn, thiệt hại vật chất là rất lớn. Nhiều người dân bị "đánh" vào lòng tham, nên đã sập bẫy và làm theo mọi hướng dẫn của chúng, dẫn đến hậu quả "tiền mất, tật mang".

Không chỉ mất tiền mà nhiều thông tin cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng, tín dụng hay khoản mạng xã hội, thư điện tử… của họ đã bị "hack" để sử dụng vào mục đích xấu. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và chỉ huy Phòng PC50 về việc tổ chức truy xét thủ phạm gây ra các vụ án lừa đảo trên mạng trong thời gian gần đây, chúng tôi đã tập trung cao độ về lực lượng, phương tiện, biện pháp. 

Sau nhiều tháng kiên trì triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết quả đã khám phá, bắt giữ nhóm đối tượng ở tỉnh Quảng Nam là tác giả của các vụ lừa đảo này".

Được biết, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại úy Hiển, Trung úy Trịnh Công Anh (trinh sát Đội 4) đã có thời gian cả tháng ròng "thiền" bên máy tính để lần tìm ra những manh mối của băng nhóm tội phạm này. Ở người lính trẻ ấy, có một niềm đam mê rất kỳ lạ trước những "bài toán khó". Công Anh có thể làm quên ngày, quên đêm khi vào trận.

Là chiến sỹ trẻ có am hiểu sâu sắc về công nghệ cao, lại có quá trình công tác ở "chảo lửa" số 7 Thiền Quang, nên nhiều chuyên án phức tạp mà Đội 4 xác lập, không thể thiếu vai trò thư ký của anh. Trong một chuyên án trinh sát, "chân" thư ký có vai trò quan trọng đặc biệt. Bởi đó là đầu mối tập hợp mọi nguồn tin tức, tài liệu, để từ đó xây dựng lên kế hoạch phá án và chịu trách nhiệm triển khai. Đây là một việc rất khó, đòi hỏi "chủ xị" phải rất "cứng" về nghề, nghĩa là có khả năng tổng hợp, phân tích và quy nạp tốt. Đồng thời không thể thiếu một cái đầu mưu lược, cùng độ "lỳ lợm", đeo bám mục tiêu đến cùng. 

Bắt tay vào công việc lần này, Công Anh có lợi thế, vì anh đã có nhiều kinh nghiệm qua các chuyên án bắt "ông chú Viettel" và các vụ lừa đảo bằng điện thoại trước đây.

Công Anh hào hứng kể với tôi về hành trình phá án: "Để lần tìm ra băng nhóm lừa đảo này, chúng tôi phải đi từ những thông tin ban đầu do đối tượng để lại, như số điện thoại đã giao dịch với nạn nhân, địa chỉ tài khoản ngân hàng, địa chỉ website…

Nói thì đơn giản, nhưng đó là một "núi" công việc. Lực lượng phá án phải phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, các ngành có liên quan… để từng bước dựng lịch sử giao dịch, xác minh hướng "chảy" của dòng mã thẻ cào điện thoại mà nạn nhân đã nạp, cụ thể hóa lộ trình "zic zac" của những đồng tiền có được từ bán mã số thẻ cào… cho đến khi chúng được rút ra. Tất cả nhằm truy ra kẻ thụ hưởng, dù chúng sử dụng các công cụ tài chính trung gian để xóa dấu vết, che đậy hành vi lừa đảo của mình.

Các đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo bị Đội 4, Phòng PC50 - Công an TP Hà Nội bắt giữ.

Sau một thời gian tập trung với cường độ cao vào các dấu vết điện tử, cuối cùng tổ làm án đã phát hiện ra manh mối về một nhóm đối tượng tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, do tên Nguyễn Ngọc Văn Sỹ cầm đầu. Khi đã "dựng" được hiềm nghi, chúng tôi triển khai hàng loạt biện pháp nghiệp vụ phức tạp khác để "lôi" chúng từ thế giới ảo xuống "mặt đất". Tức là có thể nhận diện được chúng bằng hình ảnh và tổ chức bám sát di biến động của cả nhóm".

Phá án

 Cuối tháng 6-2016 thời cơ phá án đã đến, Đại úy Nguyễn Minh Hiển lập tức dẫn tổ công tác vào Quảng Nam. Những ngày đó, việc ém quân, rà soát, đeo bám đối tượng tại "đất khách quê người" hẳn không phải chuyện dễ dàng. Bởi chỉ một chút sơ sảy, không "kín kẽ" trong "tác nghiệp", để đối tượng nghi ngờ, tức khắc mọi tài liệu, vật chứng của vụ án sẽ bị tiêu hủy ngay.

Sau khi "chỉ mặt, đặt tên" được từng tên trong ổ nhóm, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam, các trinh sát đã đồng loạt "bốc ốp" các đối tượng lên đấu tranh, đồng thời tổ chức khám xét khẩn cấp, thu giữ được nhiều vật chứng của vụ án. Kết quả điều tra bước đầu xác định hàng nghìn người đã sập bẫy lừa đảo của ổ nhóm này, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 600 triệu đồng.

Thủ đoạn của Sỹ và đồng bọn là dùng các ứng dụng kết nối internet để nhắn tin trúng thưởng và tạo lập lên nhiều website giả mạo để dẫn dụ "con mồi". Khi nạn nhân "cắn câu", chúng từng bước đưa họ vào bẫy, giả danh nhân viên tổng đài yêu cầu họ nạp mã số thẻ cào điện thoại để thanh toán các chi phí nhận thưởng. Những mã thẻ này được đối tượng nhập vào các tài khoản mở tại các đơn vị trung gian thanh toán, rồi giao dịch với các đối tượng chuyên thu mua tiền ảo hoặc trực tiếp rút tiền ảo ra tài khoản ngân hàng để hưởng lợi.

Mặc dù đã bỏ học khi chưa hết cấp 2, nhưng các đối tượng trong ổ nhóm vẫn thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt được tài sản giá trị lớn của nhiều người. Trung úy Trịnh Công Anh giải thích: "Ổ nhóm này thường lang thang, vạ vật cả ngày tại các quán Internet. Trong quá trình đó, chúng học từ trên mạng hoặc dạy lại nhau những cách thức, phương pháp lừa đảo, rồi cùng nhau "ứng dụng" vào thực tế.

Một số chủ quán net cũng tích cực tham gia vào hoạt động phạm tội, với vai trò tiêu thụ số mã thẻ cào chiếm đoạt được, chuyển hóa qua nhiều công cụ tài chính trung gian để thành tiền mặt và ăn chia với kẻ thực hành. Sau khi làm rõ sự việc, chúng tôi đã bàn giao vụ án lại cho Công an tỉnh Quảng Nam để giải quyết theo thẩm quyền". 

Trao đổi với Chuyên đề CSTC, Đại úy Nguyễn Minh Hiển khuyến cáo: "Hiện nay đối tượng lừa đảo đã có sự thay đổi thủ đoạn gây án. Từ việc gửi tin nhắn rác thông báo trúng thưởng tới các Facebooker (năm 2015), sang người dùng các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí sử dụng kết nối internet như Zalo, Mocha, Line… kết hợp với việc tạo lập các website giả mạo.

Thủ đoạn này xuất phát từ kẽ hở trong quản lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT, như thiếu cơ chế định danh hợp lý đối với các tài khoản sử dụng dịch vụ của mình, từ đó xuất hiện nhiều tài khoản ảo được lập ra bởi sim "rác" với mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Việc không thể lưu giữ lịch sử hoạt động của người dùng cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho công tác điều tra xác minh của cơ quan Công an. Để vô hiệu hóa thủ đoạn phạm tội này, cần thiết phải tăng cường quản lý hoạt động của các đơn vị kinh doanh dịch vụ ứng dụng. Đồng thời  phải cảnh báo rộng rãi với người dân về thủ đoạn phạm tội đó. Hãy là người dùng thông minh, biết nói không với các món hời tưởng tượng để khỏi sa vào những cái bẫy đang giăng nhan nhản trên Internet".

Đào Trung Hiếu
.
.
.