Giải oan cho người đã mất

Thứ Hai, 05/02/2018, 15:03
Bị nghi giết vợ, người đàn ông ấy đã ôm nỗi oan suốt hơn chục năm trời và cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nỗi oan ấy vẫn chưa thể hóa giải. Sau khi từ giã cõi đời, cuối cùng công sức bao nhiêu năm kêu oan của ông và gia đình đã được đền đáp…


Án oan và tay trắng

Mới đây, quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự Giết người, quyết định đình chỉ điều tra bị can đã được trao cho gia đình ông Mưu Quý Sường (SN 1944, ở thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).

Trong căn nhà nhỏ tồi tàn của mình, bà Vi Thị Cú (61 tuổi) lau những giọt nước mắt đang lăn trên má khi chứng kiến cảnh bà con lối xóm tới hỏi thăm, tay bắt mặt mừng vì chồng của bà đã cởi bỏ được nỗi oan ức mà ông đã mang theo xuống mộ. Bà Cú nghẹn ngào: "Cuối cùng ông ấy cũng có thể thanh thản ngậm cười nơi chín suối rồi".

Được biết, bà Cú là vợ thứ hai của ông Sường, cả hai gặp nhau vào thời điểm ông vừa ra tù sau khi chấp hành xong bản án giết người. Nhà cửa, đất đai mất sạch sau 11 năm 4 tháng ngồi tù, hai đứa con thì được người thân đưa sang Trung Quốc nuôi vì nghĩ rằng sẽ rất khó để chúng có thể đối mặt với người bố đã giết mẹ, ông Sường khi đó là một người trắng tay, không còn gì để bấu víu.

Con trai ông Sường thay mặt cha nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can.

"Tôi còn nhớ lúc đó là năm 1988, ông ấy vừa ra tù, còn tôi thì đang góa bụa. Chồng trước của tôi mất sớm, để lại 4 đứa con thơ dại. Ông ấy hay đến quán nước của tôi ngồi chơi và lần nào cũng khóc khi nhắc đến hoàn cảnh của mình. Tôi thương và tin rằng lời ông ấy nói là sự thật nên chúng tôi quyết định đến với nhau", bà Cú tâm sự.

Khi quyết định đến với ông Sường, một người mang cái tiếng tù tội, lại còn tội giết vợ, bà Cú phải chịu nhiều sự chỉ trích và phản đối của gia đình, người thân. Nhưng bà vẫn tin tưởng, bà tin vào những giọt nước mắt của người đàn ông đó, tin rằng ông bị hàm oan nên đã đấu tranh quyết liệt để cả hai có thể đến với nhau.

Sau hai năm chung sống, ông bà có với nhau hai mặt con, gia đình 8 người lúc nào cũng rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ nhưng cùng với đó là gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Để có tiền chăm lo gia đình, ông Sường phải vật lộn đủ nghề nhưng cuộc sống vất vả không làm ông quên đi ý định giải nỗi oan của mình.

Một thời gian sau đó, khi 4 đứa con riêng của bà Cú được một người bác đón sang Anh sinh sống, nỗi vất vả trên đôi vai gầy của ông Sường đã bớt đi và cũng là lúc ông quyết định phải đi kêu oan, giải nỗi oan khuất đã đeo bám cuộc đời mình bây lâu nay.

Hành trình kêu oan

Là một người luôn bên cạnh chồng nhưng chính bà Cú cũng không thể nhớ nổi ông Sường đã viết bao nhiêu lá đơn kêu oan gửi đi. Bà chỉ nhớ rằng vào năm 2008, hai ông bà gặp một người làm ở VKSND huyện Lục Ngạn và được hướng dẫn làm đơn kêu oan gửi VKSND tỉnh Bắc Giang.

Trong lá đơn của mình, ông Sường cho biết vào tháng 9-1977, khi đó ông đang là Phó chủ nhiệm HTX Nội Thành (xã Trù Hựu), vào cuối một ngày làm việc ông trở về nhà thì không thấy vợ là bà Hoàng Thị Múi đâu nên đi tìm kiếm khắp nơi và phát hiện thi thể của bà ở ngay con suối gần nhà. Lúc đó, ông Sường nghĩ rằng trong khi gánh phân ra đồng, đi qua cây cầu tre bắc qua suối, có thể bà Múi đã bị ngã và thiệt mạng nên gọi người thân đưa thi thể vợ về lo hậu sự.

Nhưng bất ngờ thay, ngay sau đó Công an ập đến, đọc lệnh bắt ông vì nghi ông là thủ phạm đã giết vợ. Sau đó, ông Sường bị giam giữ tại Trại giam Kế suốt 7 năm, 4 tháng nhưng cơ quan Công an không ra kết luận điều tra hay có một phiên tòa nào được diễn ra.

Sau một thời gian ở tù, ông Sường lại bị phạt thêm 4 năm tù giam nữa bởi khi làm trưởng buồng F3, buồng giam này lại xảy ra đánh nhau giữa các phạm nhân. Đến tháng 4-1988, ông Sường ra tù sau 11 năm 4 tháng tù giam, lúc này ông chẳng còn gì cả. Nhà cửa đã mất, con cái đã đi xa, bạn bè xóm làng nhìn ông với con mắt khinh thị vì cái án giết vợ ghê tởm đeo bám trên người.

Tháng 8-2008, vợ chồng ông Sường lại nhận được văn bản trả lời của Công an tỉnh Bắc Giang cho biết theo quy định, vụ việc của ông đã hết thời hạn có hiệu lực để xem xét yêu cầu giải quyết bồi thường. Không cam tâm, ông Sường tiếp tục đưa đơn đến nhiều cơ quan khác nhau.

Tháng 11-2008, VKSND tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục trả lời bằng văn bản cho gia đình ông Sường rằng, năm 1997 ông bị Công an tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) bắt giam oan sai vì tình nghi giết vợ là có cơ sở vì kết thúc điều tra mà cơ quan điều tra không có đủ căn cứ để kết luận ông phạm tội giết người. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định việc bồi thường cho ông đã hết thời hiệu xem xét.

Nhớ về những ngày lặn lội đi kêu oan ấy, bà Cú ngậm ngùi chia sẻ: "Ngày ấy, vợ chồng tôi nghèo lắm, có đồng nào lại dồn lại đó cho ông ấy đón xe đi gửi đơn. Có những lúc tôi thấy mệt mỏi quá, khuyên ông ấy bỏ cuộc đi nhưng ông khóc, nói nếu không giải được nỗi oan này, ông chết cũng không nhắm mắt được. Ông ấy còn lo tôi và các con sẽ bị mang tiếng với người ta…".

Thế nhưng, nỗi oan chưa giải thì năm 2014, ông Sường đã sang bên kia thế giới vì căn bệnh ung thư quái ác. Thương chồng và muốn linh hồn ông được thanh thản, vợ con ông lại tiếp tục hành trình đầy gian truân ấy. Đến tháng 9-2016, khi cả gia đình đang ăn cơm thì trên TV có phát bản tin về ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi ở Bắc Ninh, được minh oan sau 40 năm.

Bỏ bát cơm ở đó, bà Cú cùng con trai tìm đến nhà ông Thêm để tìm hiểu, nhờ ông chỉ cho đường đi nước bước giải mối oan khuất của chồng. Đến nơi, bà Cú được gia đình ông Thêm cho số điện thoại của ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, người đại diện pháp lý của ông Thêm để nhờ kêu oan giúp.

Đơn từ của gia đình sau đó được tiếp tục gửi tới các cơ quan tố tụng tại tỉnh Bắc Giang và Trung ương. Sau khi nhận thông tin, ngày 3-1-2018, Công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với ông Mưu Quý Sường.

Lời xin lỗi muộn màng

Sau khi trao quyết định, chiều 29-1, tại trụ sở UBND xã Trù Hựu, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức xin lỗi công khai ông Mưu Quý Sường vì án oan của ông. Tại hội trường, hàng trăm bà con nhân dân của xã Trù Hựu đã có mặt từ rất sớm để chứng kiến. Di ảnh của ông Sường cũng được gia đình mang tới, đặt trang trọng trên hàng ghế đầu.

Người dân xã Trù Hựu chứng kiến buổi công khai xin lỗi ông Mưu Quý Sường.

Điều đặc biệt hơn cả, đó là anh Mưu Văn Thắng, con trai ông Sường cũng trở về từ Trung Quốc để tham dự buổi xin lỗi công khai, cũng là để hóa giải những hiểu lầm đầy đau xót về người bố mà anh luôn nghĩ rằng đã giết mẹ mình. Khi bố đi tù, anh Thắng mới chỉ có 7 tháng tuổi và được người thân đưa sang Trung Quốc nuôi dưỡng. Ở bên xứ người, không có sự chăm sóc của cha mẹ ruột, anh phải trải qua biết bao cơ cực, bon chen. Cho đến nay, anh Thắng vẫn chưa có gia đình và chưa có việc làm ổn định. Để về được nước, anh phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ kế là bà Cú mới có tiền đi tàu xe.

Tại buổi gặp mặt này, thay mặt Công an tỉnh Bắc Giang, Đại tá Dương Ngọc Sáu - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã gửi lời xin lỗi đến ông Sường và gia đình. Đại tá Sáu cũng cho biết thời gian qua, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang và các cơ quan tố tụng Trung ương đã nhận được đơn của anh Mưu Văn Lợi kêu oan cho cha ruột của mình là ông Mưu Quý Sường bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người.

Lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang thẩm tra, xác minh để giải quyết theo đúng quy định. Sau khi tiếp nhận đơn kêu oan, xác minh vụ việc, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ bị can đối với ông Mưu Quý Sường do hành vi không cấu thành tội phạm.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã trao các quyết định trên cho anh Mưu Văn Lợi, con trai ông Sường. Đồng thời khẳng định nếu gia đình có yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các bước khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.

Tại buổi xin lỗi công khai này, bà Cú cũng không giấu nổi nỗi xúc động, vừa khóc bà vừa nói: "Giá như ông ấy được minh oan sớm thì tốt biết mấy, tôi thương ông ấy những năm cuối đời vẫn cứ đau đáu về án oan này mãi. Cho đến khi ông ấy mất, tôi cứ nghĩ nỗi oan này sẽ phải chôn vùi xuống mộ rồi. Nhưng giờ khi mọi việc được giải quyết, tôi có thể yên tâm rồi".

Nhóm PV
.
.
.