Giải pháp “cách ly mở”!

Thứ Năm, 05/03/2020, 09:47
việc cho con em đến trường tiếp tục học tập, đồng thời với việc các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo, giám sát của địa phương sở tại thì đây cũng là một giải pháp “cách ly mở” trong học đường và chắc chắn sẽ đạt hiệu quả thiết thực.


Đến cuối tuần qua, tất cả các địa phương trong cả nước và nhiều trường đại học đã chính thức công bố lịch đi học trở lại của các cấp học ở địa phương mình, sau hơn 1 tháng nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Hơn 50 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã cho học sinh các cấp tiếp tục đến trường từ ngày 2/3. 

Hơn 20 trường đại học trong cả nước cũng mở cửa đón sinh viên trở lại giảng đường từ ngày 2/3/2020. Một số địa phương khác do đặc điểm xã hội và nguy cơ dịch bệnh tại chỗ, đã có lịch đến trường cụ thể cho từng cấp học và đối tượng.

Học sinh phải nghỉ học đồng loạt tại một địa phương, hay nhiều địa phương, hoặc trong cả nước… là điều bất đắc dĩ và bất khả kháng do thiên tai, địch họa… hoặc trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt đe dọa sự sống còn của cộng đồng và thậm chí của quốc gia. 

Sinh viên trường THPT Hàng Hải, Ngô Quyền, Hải Phòng xếp hàng đo thân nhiệt trước khi vào lớp học.

Người viết bài này đã từng một lần phải cùng bạn bè nghỉ học như thế, cách nay gần nửa thế kỷ. Ấy là từ cuối năm 1971, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta. Lần này cường độ đánh phá ác liệt, dữ dội, rộng khắp hơn mà đỉnh điểm là đợt tập kích 12 ngày đêm bằng B52 vào Hà Nội cuối năm 1972. Bấy giờ, nhiều địa phương trên miền Bắc phải cho học sinh nghỉ học để đi sơ tán. 

Kết thúc niên khóa 1971-1972, học sinh nhiều địa phương được đặc cách xét học bạ thay vì tổ chức thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh đại học.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hiện nay cả nước ta đang “vào trận” quyết liệt chiến đấu với dịch Covid-19 và việc “học hay nghỉ” của học sinh-sinh viên cũng là những phương án tác chiến. So với cuộc xáo trộn việc học hành hồi chiến tranh thì lần này mặc dù không vì bom rơi đạn nổ nhưng mức độ nguy hiểm cũng chẳng kém gì, thậm chí còn nguy cấp và phức tạp hơn, vì kẻ thù phải soi bằng kính hiển vi phóng đại hàng ngàn lần mới thấy, mức độ lây lan của chúng hết sức khủng khiếp và tinh vi, trong khi nhân loại chưa có thuốc đặc trị.

Có lẽ vì mức độ nguy hiểm và tính chất phức tạp như vừa kể trên nên mặc dù Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới bước đầu khống chế được dịch bệnh, 16 người mắc phải đều đã được chữa khỏi và xuất viện, gần 3 tuần qua không phát hiện thêm ca lây nhiễm… nhưng khi bàn đến việc cho học sinh trở lại trường học thì nổ ra rất nhiều ý kiến trái chiều, cả trong các hội nghị lẫn dư luận cộng đồng, đặc biệt là trên mạng xã hội. 

Ngoại trừ những ý kiến phản biện mang tính khoa học và tinh thần trách nhiệm; không kể phản ứng của những người thích “nổ”, thích “trội”; không chấp những kẻ bất mãn, chống đối, thù địch… thì nhìn chung dư luận về việc “học hay nghỉ” này thể hiện một sự hoang mang, lúng túng. Tâm trạng ấy xuất phát từ sự quan ngại chính đáng, cho nên về hình thức có vẻ như nói kiểu gì cũng… đúng(!). 

Nếu chủ trương cho học sinh tiếp tục nghỉ học thì nhiều người kêu ca vì phải nghỉ việc ở nhà trông con. Nếu chủ trương đi học trở lại thì bảo nhiều nước còn cho học sinh nghỉ đến tháng tư mà sao ta đã vội vàng? Nếu phát phiếu thăm dò ý kiến phụ huynh thì bảo sao lại đá quả bóng trách nhiệm cho chúng tôi? Vân vân… và vân vân…

Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh lo lắng cho việc “học hay nghỉ” của con em bao nhiêu thì Chính phủ và các ngành chức năng còn lo lắng gấp bội, bởi việc này còn liên quan đến nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao… và công tác quản lý xã hội, điều hành đất nước. 

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 27/2 để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình, chiều cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh và TP trực thuộc trung ương xem xét cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và THCS tiếp tục nghỉ học 1-2 tuần tới để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số nước. Với học sinh cấp THPT và học viên giáo dục thường xuyên thì có thể đi học lại từ ngày 2/3/2020. 

Đây là một quyết định theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được qui định tại Luật Giáo dục năm 2019, trên cơ sở thống nhất với các ngành hữu quan và đặc biệt là căn cứ vào kết quả phòng, chống dịch bệnh trên cả nước tính đến thời điểm hiện tại. Và quyết định trên đây của Bộ GD&ĐT đã được các tỉnh và TP trực thuộc trong cả nước triển khai thực hiện một cách linh hoạt, sát hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương.

Theo phân tích của các chuyên gia y tế thì một trong những nguyên nhân của thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu “chống dịch như chống giặc” vừa qua là chúng ta đã áp dụng linh hoạt, sáng tạo những biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Trong đó có biện pháp dùng các khu “cách ly mở”, chứ không “cách ly kín” như một số nước có môi trường khí hậu khác ta. 

Thiết nghĩ, việc cho con em đến trường tiếp tục học tập, đồng thời với việc các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo, giám sát của địa phương sở tại thì đây cũng là một giải pháp “cách ly mở” trong học đường và chắc chắn sẽ đạt hiệu quả thiết thực. 

Mặt khác, sự đồng tình, ủng hộ và tin tưởng của phụ huynh và toàn xã hội đối với giải pháp “cách ly mở” này cũng là nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho sự thành công. Điều này đã được chứng minh trong cuộc chiến đấu với “giặc Covid-19” trong thời gian qua!

Mai Nam Thắng
.
.
.