Giải pháp đẩy lùi tình trạng chống người thi hành công vụ

Thứ Hai, 10/07/2017, 07:40
Mấy ngày qua, dư luận lại "dậy sóng" trước nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra. Các đối tượng chống đối lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đã tỏ ra manh động và liều lĩnh. Thực tế này đòi hỏi, các cơ quan chức năng sau khi thụ lý vụ việc cần xử lý điểm để tạo sự răn đe vi, tránh để tình trạng "nhờn" luật tái diễn phức tạp.


1. Không phải mới xuất hiện, thế nhưng với những vụ chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra thời gian gần đây đã và đang khiến dư luận bất bình. Nhắc đến vụ các đối tượng chống đối lại Tổ công tác của Công an phường Minh Khai, thành phố Hà Giang (Hà Giang) xảy ra vào ngày 27-6 vừa qua, nhiều người biết sự việc đều tỏ ra phẫn nộ trước hành vi tấn công lực lượng thực thi công vụ của các đối tượng.

Khoảng 15h cùng ngày, Tổ công tác của Công an phường Minh Khai gồm: Thượng úy Nguyễn Thành Long và Thượng úy Dìu Dỉ Khánh đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tại khu vực tổ 5, phường Minh Khai thì phát hiện hai thanh niên gồm Phạm Ngọc Tư La, 19 tuổi ở phường Minh Khai và Nguyễn Văn Huỳnh, 26 tuổi ở thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm.

Tài xế Hưng khai nhận sự việc tại cơ quan Công an (ảnh: Anh Cường).

Không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, La và Huỳnh còn có thái độ khiêu khích, văng lời khiếm nhã với Tổ công tác. Trước hành vi ngông nghênh trên, tổ công tác yêu cầu dừng xe để kiểm tra. La và Huỳnh liền tăng ga bỏ chạy.

Khi đến đoạn đường thuộc khu vực Tổ 12, phường Minh Khai (trước nhà của La), các đối tượng dừng xe rồi cùng Phạm Văn Lượng, 29 tuổi (anh của La) và người thân trong gia đình lao ra chống đối, tấn công các thành viên trong Tổ công tác.

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Phạm Văn Lượng, Phạm Ngọc Tư La và Nguyễn Văn Huỳnh về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong số các vụ chống người thi hành công vụ thời gian qua, có không ít vụ, cán bộ thực thi công vụ bị chống đối là lực lượng CSGT. Hình ảnh về vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trên tuyến QL1A đoạn thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vào khoảng 16h05 ngày 30-6, tại Km 488 + 700 được đăng tải trên mạng Internet mới đây khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.

Sau khi kéo lê cán bộ CSGT (sau xác định là Thượng úy Nguyễn Anh Đức, cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh Hà Tĩnh) đi một quãng đường dài, tài xế xe container đã lạng lách, bẻ lái, hất Thượng úy Nguyễn Anh Đức đang bám ở gương chiếu hậu ngã lăn vào dải phân cách cứng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc đã vào cuộc, ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 1 tháng đối với Phan Thành Hưng, 22 tuổi, ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) - tài xế điều khiển xe ôtô tải mang BKS 77C-016.47 kéo theo sơmi rơ moóc mang BKS 77R-001.37 gây ra vụ việc trên về hành vi chống người thi hành công vụ.

Bước đầu xác định, trước đó Hưng đã vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép, khi bị Tổ công tác của Phòng CSGT - Công an tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì Hưng bất ngờ lên xe, nổ máy tông vào tổ công tác và gây ra vụ việc trên.

2. Tuy chưa có thống kê đầy đủ về số vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian qua, song chỉ cần nhìn vào những vụ việc mà báo chí đăng tải gần đây cũng đủ thấy rằng, tình trạng chống người thi hành công vụ thật đáng báo động.

Thượng úy Nguyễn Anh Đức bị hất văng vào dải phân cách cứng (ảnh chụp từ video clip).

Nhất là, một số đối tượng không chỉ có hành vi chống đối để ngăn cản việc xử lý của cơ quan chức năng mà còn ngang nhiên khiêu khích, buông lời đe dọa, thậm chí sử dụng hung khí tấn công lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Điển hình, vào khoảng 10h ngày 26-6, Tổ tuần tra kiểm soát giao thông - Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) đang trong quá trình tuần tra kiểm soát trên tuyến đường thuộc thị trấn Chư Sê đã phát hiện một xe ôtô khách đang đón, trả khách không đúng quy định, tổ công tác ra hiệu lệnh, yêu cầu chiếc xe dừng lại để làm việc.

Thế nhưng, tài xế đã tăng ga bỏ chạy. Ngay sau đó, Trung úy Bùi Ngọc Tuấn, cán bộ Cảnh sát giao thông - Công an huyện Chư Sê đã dùng xe môtô đặc chủng bám theo và ra tín hiệu dừng xe.

Khi tới địa phận thuộc huyện Ea H'leo - tỉnh Đắk Lắk khoảng 2km, chiếc xe trên buộc phải dừng lại. Khi xuống xe, tài xế sử dụng ống sắt bất ngờ lao vào tấn công khiến Trung úy Tuấn bị  thương phải nhập viện cấp cứu. Vụ việc trên đang được cơ quan Công an thụ lý, tích cực điều tra, xử lý đối tượng vi phạm. 

Có thể thấy rằng, những hành vi chống đối trên không chỉ tổn hại về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người thực thi công vụ mà còn có thể gây mất an toàn cho chính bản thân người vi phạm.

Hành vi này gián tiếp khiến bức tranh về văn hóa, ứng xử giao thông trở nên vẩn đục. Lẽ bởi, hành vi đó chính là biểu hiện của sự xuống cấp trong văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông.

3. Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân của những hành vi chống người thi hành công vụ mà ở đây trực tiếp là với lực lượng CSGT, trước hết bắt nguồn từ các lỗi vi phạm về Luật Giao thông đường bộ (vi phạm về điều khiển xe chở quá trọng tải, chạy quá tốc độ cho phép, uống rượu bia…).

Khi bị lực lượng CSGT phát hiện, số đối tượng này viện ra nhiều lý do, gọi điện thoại cho người thân tác động để xin bỏ qua không thành, nên đã có lời nói lăng mạng, hành vi chống đối người thi hành công vụ nhằm mục đích tránh bị xử lý vi phạm.

Thứ đến, một số trường hợp khi bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý, do trước đó có sử dụng các chất kích thích (rượu - bia, ma túy…) nên đã có những hành vi bị kích động và có những hành động chống đối lại lực lượng chức năng.

Dẫu do nguyên nhân nào, thì việc chống lại người thi hành công vụ - lực lượng thực thi pháp luật, đại diện cho các cơ quan công quyền tham gia vào quá trình điều hòa, giữ gìn các mối quan hệ xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần yên bình cho cuộc sống người dân là hành vi vi phạm pháp luật, đáng lên án.

Theo Đại tá Trần Sơn, để đẩy lùi tình trạng chống người thi hành công vụ, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông cho người dân, lên án các hành vi vi phạm, bản thân mỗi cán bộ chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải nâng cao hơn nữa việc chấp hành nghiêm điều lệnh CAND, chấn chỉnh tác phong - lễ tiết, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, pháp luật nghiệp vụ.

Cùng với đó, việc tăng cường trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật kiểm tra, xử lý vi phạm cũng cần phải lưu ý hơn. Đặc biệt, đối với hành vi chống người thi hành công vụ khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ truy tố đối tượng trước pháp luật.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tài xế container hất văng Thượng úy Nguyễn Anh Đức vào dải phân cách (ảnh Anh Cường).

Trong quá trình xét xử, cần đưa ra xử lý công khai, lưu động nơi xảy ra hành vi vi phạm, xử lý nghiêm ở khung hình phạt có tình tiết tăng nặng. Qua đó, tạo sức răn đe, giáo dục một cách rộng rãi.

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 - Quốc gia cũng cho rằng, để số vụ chống người thi hành công vụ không còn tái diễn, ngay từ bây giờ, công tác tuyên truyền, nâng cao sự nhận thức của người dân đối với các quy định của pháp luật cần được đẩy mạnh. Cùng với đó, các cán bộ thực thi công vụ cũng nên trau dồi  kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng xử lý các tình huống. Từ đấy, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Điều 257, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội chống người thi hành công vụ:

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng  đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm...

Trần Huy
.
.
.