Giám đốc công ty bảo vệ nổ súng giữa đường

Thứ Hai, 12/12/2016, 09:42
Những hình ảnh về một giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh rút súng bắn dọa người phụ nữ đi đòi lương cho con được đăng tải trên mạng xã hội đã khiến dư luận dậy sóng.

Vụ việc tuy chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng đang làm dấy lên mối lo ngại về việc sử dụng cũng như quản lý súng, công cụ hỗ trợ của các công ty dịch vụ bảo vệ.

Nổ súng hù dọa người mẹ đến đòi lương cho con

Ngày 6-12, Công an quận Tân Bình đã mời ông Bùi Đức Phương (30 tuổi thường trú huyện Củ Chi, tạm trú tại địa chỉ công ty), Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ an ninh Việt Nhật (đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình) lên làm việc để làm rõ hành vi dùng súng đe dọa người dân.

Trước đó, tối 5-12, cộng đồng mạng xôn xao về một video clip ghi lại cảnh ông Phương cãi vã với một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi, ngụ quận Tân Phú) về việc không trả hơn 4 triệu đồng tiền lương cho con bà (lúc đó con trai bà Thúy đang ngồi sau xe máy của mẹ mình).

Cảnh ông Phương nổ súng "chỉ thiên" đe dọa mẹ con bà Thúy cắt từ clip.

Trong lúc lời qua tiếng lại căng thẳng, ông Phương không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng xưng mày tao rồi đưa chân tính đá, dọa đánh... Sau cùng, người đàn ông này đã rút khẩu súng ngắn màu đen trong túi quần ra, thực hiện động tác như lên đạn và chỉ chỏ dọa bắn.

Sau một đến hai tiếng bóp cò, súng nổ một tiếng lớn, khói trắng bốc lên từ nòng súng. Chưa hết bực tức, sau khi bỏ vào trong, ông Phương trở ra tiếp tục cự cãi với bà Thúy… Một người dân đã quay được sự việc, sau đó clip này lan tràn trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự việc xảy ra khoảng hơn 15h ngày 5-12, trước trụ sở Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ an ninh Việt Nhật. Sự việc được cho là xuất phát từ việc anh Bùi Hữu Phúc (18 tuổi, là con trai bà Thúy) từng làm nhân viên bảo vệ cho công ty này, đã nghỉ việc cách đây khoảng 2 tháng.

Trong quá trình làm việc, phía công ty ông Phương còn nợ lương của anh Phúc hơn 4 triệu đồng. Nhiều lần anh Phúc tìm cách gặp gỡ để yêu cầu phía công ty thanh toán cho anh nhưng không được.

Chiều 5-12, mẹ con anh Phúc đến trụ sở Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ an ninh Việt Nhật để đòi nợ. Khi tới nơi, cả hai đề nghị gặp lãnh đạo của công ty yêu cầu chi trả tiền nợ lương cho anh Phúc nhưng cả hai mẹ con bị đuổi ra ngoài. Sau đó thì xảy ra sự việc trên.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, Công an phường 15 đã cử cán bộ xuống công ty để mời ông Phương lên làm việc, nhưng lúc đó công ty đã đóng cửa và ông Phương cũng không có mặt tại đây.

Đến sáng 6-12, Công an quận Tân Bình đã mời được ông Phương lên trụ sở Công an phường 15 để làm việc, lấy lời khai. Công an cũng mời bà Thúy cùng con trai lên lấy lời khai.

Ông Phương thừa nhận hành vi và cho biết, chỉ rút súng uy hiếp, nổ súng để dọa bà Thúy chứ không nhằm mục đích sát thương bà này.

Theo xác minh ban đầu thì khẩu súng mà ông Phương dùng để bắn "chỉ thiên" vào ngày 5-12 để hù dọa bà Thúy là công cụ hỗ trợ, bắn đạn hơi cay chứ không phải súng quân dụng.

Do công ty của ông Phương hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nên được cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ, có số seri và có giấy đăng ký sử dụng súng công cụ hỗ trợ đầy đủ.

Chiếu theo quy định của pháp luật, công ty dịch vụ bảo vệ được phép trang bị công cụ hỗ trợ, trong đó các  loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.

Về nguyên tắc, việc sử dụng súng cho dù là công cụ hỗ trợ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý và sử dụng được quy định tại Pháp lệnh về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định 25/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Phương rõ ràng đã sử dụng sai quy định và tùy theo mức độ cơ quan chức năng sẽ có quyết định xử lý.

Nhìn nhận lại vấn đề các công ty dịch vụ bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, bình xịt hơi cay… dù đúng luật và pháp luật cho phép, nhưng theo Phòng PC64 Công an TP Hồ Chí Minh thì người sử dụng phải có chứng chỉ đào tạo.

Công an Tân Bình xem xét tại hiện trường vụ nổ súng công cụ hỗ trợ.

Mỗi lần lấy súng đi đâu, sử dụng trong trường hợp nào phải khai báo cho cơ quan Công an. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra quá trình cất giữ, bảo quản.

Hơn nữa, theo quy định, người làm công tác bảo vệ chỉ được phép sử dụng trong trường hợp phòng vệ chính đáng, như bị uy hiếp đến tính mạng, không còn biện pháp nào khác.

Ngoài ra, từ giữa năm 2015, Công an TP Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 469/PC64-Đ4 gửi các công ty bảo vệ, yêu cầu phải niêm phong cất giữ, bảo quản súng công cụ hỗ trợ kỹ càng chứ không được tùy tiện mang ra sử dụng.

Hiện tại công ty nào có công cụ hỗ trợ phải cất đi, khi nào có thông báo, hướng dẫn mới được lấy ra sử dụng. Các công ty bảo vệ thường chỉ cho nhân viên của mình dùng dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, găng tay bắt dao…

Chỉ mong được trả lương và xin lỗi công khai

Về phần bà Thúy, chia sẻ với chúng tôi về sự việc, bà này cho biết mình vẫn còn bị ám ảnh vì hành động "điên rồ" của vị giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ.

Theo bà Thúy, vợ chồng bà có hai người con, chồng bà làm phụ hồ, còn bà bán dạo khoai mì, khoai lang cho học sinh ở trước các cổng trường. Từ tháng 8-2016, anh Phúc - con trai của bà xin làm bảo vệ tại Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ an ninh Việt Nhật và được bố trí làm nhiệm vụ ghi vé, giữ xe tại một cửa hàng ở đường Trương Công Định, quận Tân Bình.

Trước đó, Phúc thi đại học nhưng không đậu và vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã xin ba mẹ đi làm thêm… Sau hơn hai tháng, do công việc vất vả, lương không cao nên Phúc xin nghỉ làm. Tuy nhiên, khi tính lương, công ty chỉ trả cho anh Phúc một tháng lương với số tiền 3,2 triệu đồng mà cố tình quên không tính số tiền lương một tháng rưỡi còn lại.

Sau nhiều lần hỏi đi hỏi lại, bà Thúy đã chở con đến tận công ty để hỏi cho ra lẽ. Ban đầu công ty này hẹn ngày 30-11 sẽ thanh toán hết số tiền công còn lại của Phúc.

Tuy nhiên, đến ngày hẹn, anh Phúc lên đây chờ đợi nhưng cũng không được đáp ứng. Đến chiều 5-12, bà Thúy lại dẫn anh Phúc đến công ty và xảy ra vụ việc như đã đề cập.

Theo anh Phúc kể lại, khi thấy người đàn ông cầm khẩu súng trong tay, lúc đó anh chỉ nghĩ đó là loại súng mô hình, ông giám đốc đem ra hù dọa. Tuy nhiên, khi ông này có hành động lên đạn rồi bóp cò, sau đó còn gí súng vào đầu mẹ mình thì khi đó anh Phúc mới lo sợ thực sự.

Mẹ con bà Thúy kể lại sự việc.

"Lúc đó em đã rất lo sợ, giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình. Nếu khi ấy ông giám đốc đó mà hành động bất chấp hậu quả thì không biết mẹ em sẽ gặp chuyện gì nữa. Mà lỡ vì em, mẹ bị chuyện gì, em sẽ rất hối hận", Phúc chia sẻ.

Điều đáng nói là ngay như những hình ảnh trong clip, người mẹ của anh Phúc dù thấy người đối diện mình đang cầm súng, nhưng vẫn nhiều lần thách thức giám đốc công ty bảo vệ bắn vào đầu mình.

Và thực tế, khi nói chuyện với chúng tôi, bà Thúy cũng thừa nhận lúc ấy mình không hề sợ hãi. "Tôi nói ông ta đừng bắn lên trời, cứ bắn thẳng vào đầu tôi nhưng ông ta không dám. Tôi không có gì sai, nên lúc đó không hề sợ hãi", bà Thúy nhấn mạnh.

Cũng theo bà Thúy, từ ngày con trai vào công ty làm việc, hàng ngày bà đều chở con trai đi làm. Nhiều lúc nghe nhân viên công ty kể chuyện bị nợ lương nhưng ít ai dám lên tiếng đòi hỏi, hay con trai đem chuyện nơi làm về nhà tâm sự, qua đó bà thấy thương những đồng nghiệp của Phúc.

"Nếu nói không quá thì cũng chính vì nhiều người nghèo có hoàn cảnh như con tôi, đi làm cực khổ mà không được trả lương, nên tôi mới cả gan thách thức ông ấy bắn tôi, chứ sau đó về nghĩ lại tôi cũng bị không ít ám ảnh. Bởi nếu chẳng may  người đàn ông đó “điên loạn” rồi dí súng bắn vào đầu tôi thật thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chồng con tôi ai sẽ lo đây", bà Thúy bộc bạch.

Cho đến lúc này, sau toàn bộ sự việc, bà Thúy chỉ muốn công ty trên trả hết tiền lương cho con trai bà và cả những người đã và đang bị nơi đây nợ lương. Đồng thời, bà cũng yêu cầu đích thân vị giám đốc phải công khai xin lỗi vì hành động gí súng vào đầu bà dọa bắn…

Ánh Xuân - Ngọc Chi
.
.
.