Giảm giá dầu - thách thức hụt thu ngân sách và cơ hội tăng trưởng kinh tế

Thứ Năm, 08/01/2015, 11:30
Theo số liệu từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, trong tháng 11/2014, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục biến động giảm so với tháng 10/2014, bình quân từ 5,07-10,95%, tùy chủng loại.

Giá du thô liên tc phá đáy

Trong đó: giá xăng RON 92 giảm 10,95%, dầu điêzen 0,05S giảm 6,36%, dầu hỏa giảm 5,07%, dầu mazut 180cst 3,5S giảm 9,30% và dầu thô WTI giảm 9,35%. Nguyên nhân dầu giảm giá chủ yếu do căng thẳng chính trị, lạm phát thấp ở một số nền kinh tế phát triển, tăng trưởng toàn cầu yếu và quyết định chấm dứt gói kích thích kinh tế của Mỹ. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ khai thác mới làm tăng sản lượng, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn duy trì mức sản lượng khai thác dầu thô đã góp phần làm giá xăng dầu giảm. Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, xã hội và nguồn cung dầu mỏ trên thế giới, Cục Quản lý giá dự báo, trong tháng 12/2014, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới giảm nhẹ so với tháng 11/2014.

Xu hướng giá dầu giảm vẫn được các tổ chức kinh tế thế giới tiếp tục dự báo. Về dài hạn, cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2015 xuống mức 68,1 USD/thùng, so với con số dự báo hồi tháng 11/2014 là 83,4 USD/thùng. Cơ quan này cũng hạ giá dự đoán của dầu ngọt nhẹ xuống mức 62,75 USD/thùng so với mức dự đoán 77,75 USD/thùng hồi tháng trước. Trong khi đó, Kuwait cho rằng, giá dầu trong 6 tháng nữa vẫn xoay quanh mức 65 USD/thùng. Nhiều ngân hàng cũng hạ mức dự báo đối với giá dầu cho năm 2015. Ngân hàng Morgan Stanley tại Mỹ dự đoán giá, dầu vào năm 2015 là 70 USD/thùng, giảm 30% so với dự đoán đưa ra trong tháng 11.

Dự báo xu hướng giá xăng dầu sẽ giảm nhiều trong năm 2015.

Còn Ngân hàng Societe Generale của Pháp nhận định, giá dầu sẽ xoay quanh mức 70 USD/thùng trong năm 2015 và cả năm 2016. Còn theo dự báo của cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu mỏ thế giới vẫn sẽ giữ xu hướng giảm sang đến năm 2015, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ dầu thấp, trong khi sản lượng dầu từ đá phiến sét lại tăng lên. IEA nhận định, xuất phát từ dự báo lượng cung - cầu thì tình trạng gia tăng nguồn cung cấp mới gây sức ép lên giá dầu sẽ còn tiếp diễn trong sáu tháng đầu năm 2015.

Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, giá dầu trên thế giới đang giảm mạnh và có thể duy trì mức thấp trong một năm hoặc lâu hơn. Chi phí năng lượng thấp có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng đồng thời cũng có thể tạo căng thẳng chính trị. Ông Michael Lynch, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và năng lượng cho rằng, có lẽ chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới với chi phí năng lượng thấp hơn; trong khi phân tích gia Rigby của Công ty S&P nói rằng, giá dầu sẽ còn trong tình trạng dễ biến động và dễ bị ảnh hưởng đối với những thay đổi kinh tế và tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng, OPEC sẽ không giảm lượng khai thác để kích giá dầu mỏ. "OPEC sẽ duy trì quyết định không cắt giảm sản lượng, cho dù giá dầu có giảm về 40 USD/thùng" - hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail Al-Mazrouei.

Ht trước mt, li lâu dài

Là một nước vừa xuất khẩu dầu mỏ, vừa nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, Việt Nam đang trực tiếp nhận tác động hai chiều từ giá dầu giảm. Thực tế, giá dầu thế giới giảm kéo theo giá xăng dầu trong nước giảm sâu đang được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực. Hiện, giá xăng dầu trong nước đã giảm hơn 20% và vẫn có khả năng tiếp tục giảm. Bên cạnh nhóm ngành vận tải thì các ngành khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, luyện kim... cũng được "thơm lây" do vốn giá xăng dầu chiếm tới 20% đầu vào.

Người tiêu dùng hưởng lợi nhiều khi giá xăng dầu giảm.

Riêng với từng hộ gia đình, việc xăng dầu giảm đã giúp giảm chi phí đi lại. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lo ngại nguy cơ giảm thu ngân sách khi giá xăng dầu giảm. Hiện nguồn thu từ khai thác dầu thô chiếm tới 1/4 ngân sách hằâng năm, và việc xuất khẩu dầu mỏ cũng mang về một lượng ngoại tệ không nhỏ, qua đó cân đối cán cân thương mại, thì việc giảm giá dầu khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, đến cân đối vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, hằng năm, Việt Nam cũng phải nhập một lượng không nhỏ xăng dầu thành phẩm, riêng xăng chịu thuế 20%, thì việc giảm giá cũng sẽ khiến bị hụt thu tương đối lớn.

Cụ thể, bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn dầu thô. Mỗi tấn tương đương 7 thùng, như vậy sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 100 triệu thùng. Theo tính toán, nếu giá dầu thô giảm 1 USD (1% giá dự tính), ngân sách sẽ hụt thu trên 1.000 tỷ đồng, như vậy việc giá dầu thô giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn 65 USD/thùng hiện nay thì ngân sách hụt thu 35.000 tỷ đồng so với dự toán. Nếu kịch bản dầu thô xuống mức 40 USD/thùng như một số dự báo thì ngân sách hụt thu khoảng 55.000 tỷ đồng.

Ở chiều nhập khẩu, mỗi năm, chúng ta tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng dầu, trong đó 70% là do nhập khẩu. Khoản thu thuế nhập khẩu đã được tính toán đạt khoảng 11.000-15.000 tỷ đồng/năm. Khi giá dầu thô giảm một nửa cũng đồng nghĩa với việc thu thuế chỉ còn một nửa giá trị. Như vậy, tính chung cả hụt thu về giá xuất khẩu và thuế nhập khẩuthì giảm thu ngân sách với giá dầu thô hiện nay là 40.000 tỷ đồng; còn nếu giá xuống 40 USD/thùng thì ngân sách giảm 62.500 tỷ đồng.

Đây thực sự là một con số hụt thu lớn. Tuy nhiên, phân tích từ một số cơ quan chuyên môn đã chỉ ra rằng, giá dầu thô giảm có thể gây khó khăn cho ngân sách, nhưng đó chỉ là ngắn hạn, còn lợi ích đối với nền kinh tế thì lớn hơn nhiều, khi mọi thành phần kinh tế khác đều có lợi. Đây chính là cơ hội rất tốt để các mặt hàng sử dụng xăng dầu giảm chi phí nhằm phục hồi sản xuất, có tăng trưởng, có tiền chi vào hoạt động khác, qua đó nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế. Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế- PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng về lâu dài, khi giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp (DN) khác, đặc biệt là những DN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu sẽ được lợi, vì chi phí đầu vào giảm, họ sẽ được hưởng lãi lớn. Đây là sẽ nguồn thu tốt để bổ sung vào sự hụt thu của nhóm ngành dầu nên không đáng lo ngại khi giá xăng dầu giảm.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, tác động giảm của giá dầu thế giới làm giảm nguồn thu ngân sách chỉ là một mặt của vấn đề. "Mặt thứ hai quan trọng hơn là giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu, cước vận tải… trong nước đang giảm mạnh theo. Hiện chúng ta vẫn đang nhập khẩu nhiều các sản phẩm sợi, chất dẻo, phân bón, thuốc sâu (những sản phẩm làm từ dầu mỏ) với giá rẻ đi. Do vậy, tôi cho rằng giá dầu thế giới giảm, cái lợi với nền kinh tế của ta lớn hơn là những thiệt hại mà nó đưa lại", ông Doanh nói.

Phân tích sâu hơn, ông Doanh cho rằng, nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ để cải cách, khuyến khích DN kinh doanh tốt hơn lên để chớp lấy cơ hội đầu vào giảm, thì cái thiệt do giá dầu giảm của xuất khẩu sẽ bù được vào việc tăng xuất khẩu hàng hóa khác. Và nếu DN kinh doanh tốt hơn thì Nhà nước sẽ tăng thu thuế được nhiều hơn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời, bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Đồng thời, cần có ngay các phương án, đề xuất để Chính phủ và DN cùng tận dụng cơ hội giá dầu giảm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Để "đối phó" với giá dầu tiếp tục giảm, hai tháng qua, Bộ Tài chính đã liên tục theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của giá dầu thế giới, và trong công tác điều hành giá dầu trong nước, thường xuyên phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu phù hợp với cơ chế thị trường. Năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tập trung phối hợp với các ngành, các cấp, mấu chốt là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN phát triển- tạo nguồn thu lâu dài. Cùng với đó, nghiên cứu các phương án điều hành để kết hợp có hiệu quả các giải pháp, công cụ tài chính, thuế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, phải tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm, quan trọng là phối hợp các ngành để tham mưu cho Chính phủ, tính toán đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường, trong điều kiện lạm phát thấp. Đồng thời, tham mưu Chính phủ điều hành khải thác dầu thô 2015, đảm bảo vừa có thu cho NSNN, vừa khai thác hiệu quả.
Lệ Thúy
.
.
.