Giảm môn thi hay giảm tải cần giải pháp linh hoạt

Thứ Sáu, 20/03/2020, 14:23
Kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xem xét, cắt giảm số môn thi của 2 kỳ thi quan trọng là thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2020 đã có lời hồi đáp. Nhưng đề xuất này cho đến hôm nay vẫn nóng trên các diễn đàn, được các chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh quan tâm và phản biện nhiều chiều…


Dịch bệnh bất thường thì thi cử nên có cơ chế "đặc thù"

Về kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Xuân Khang đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội. Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình học sinh phải nghỉ học dài ngày.

Ông Khang còn kiến nghị Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học có những “biến cố bất thường” này.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ ổn định, chương trình sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm tải.

Ngay sau kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Khang được phản ánh, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin: Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ ổn định kì thi THPT quốc gia năm nay.

Tuy nhiên Bộ sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp và giảm tải, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập. Kết quả của kỳ thi này vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, “số phận” của kỳ thi THPT quốc gia đã rõ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, phương pháp dạy và học đang có những thay đổi “bước ngoặt” thì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vẫn là chủ đề nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, mọi sự thay đổi về nội dung đào tạo phụ thuộc vào chuẩn đầu ra, trong bối cảnh học online như này thì những yêu cầu về kiến thức có ảnh hưởng, nhưng không vì ảnh hưởng mà bỏ bài thi hoặc bỏ bớt kiến thức.

“Về mặt học thuật, tôi cho rằng không có cơ sở nào để đưa ra đề xuất “giảm nội dung kiến thức” hay giảm bớt môn thi, bởi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam đã dùng các giải pháp để khắc phục rồi, như việc Bộ GD&ĐT đã hai lần điều chỉnh khung kế hoạch năm học, lùi thời gian kết thúc năm học, để bù cho học sinh thời gian học ở nhà. Kỳ thi THPT quốc gia cũng đã lùi sang tháng 8/2020.

Ngay cả ở Mỹ, kỳ thi SAT vẫn phải là SAT, không thể vì dịch COVID-19 mà thay đổi nội dung của SAT. Thông lệ quốc tế cũng vậy”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói. Theo ông Đức, học online chúng ta mới áp dụng nhưng thế giới họ áp dụng lâu rồi. Học online, giáo viên sẽ vất vả hơn, học sinh phải tương tác với giáo viên qua thư điện tử, qua phần mềm tương tác “blended”.

Đây là những khó khăn mà học sinh, phụ huynh phải chấp nhận và chia sẻ với các nhà trường. Để đảm bảo tính “ổn định” cho kỳ thi THPT quốc gia, theo Giáo sư Đức, các nhà trường nên cắt giảm một số môn khác như môn thể dục, ngoại khóa (vì những môn này phải ra ngoài trời, tương tác đông người, không thể online được, ngay cả an ninh quốc phòng cũng nên tạm dừng vì không thể dạy online được).

Bài tập online rất nhiều, học sinh phải cố gắng hoàn thành, nếu đưa ra chủ trương cắt giảm kiến thức, giảm môn thi, học sinh sẽ lười học ngay. Phụ huynh cần vào cuộc để chia sẻ với nhà trường, giám sát các em học tập. Nhà trường nên tổ chức những lớp học nhóm cá thể hóa, giúp các em tương tác với nhau thuận lợi hơn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội luôn khốc liệt, căng thẳng như cuộc đua vào đại học.

Đứng ở góc nhìn khác, một chuyên gia tuyển sinh của một trường đại học tại Hà Nội lại cho rằng dù dịch bệnh sắp tới có được khống chế hay chưa được khống chế thì Bộ GD&ĐT nên xem xét kỹ càng, thận trọng đề xuất giảm bớt môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia.

Theo chuyên gia này, nghỉ học một thời gian dài khiến tâm lý của các em sẽ bị xáo trộn. Sau này khi trở lại trường học, các em cần thời gian lấy lại đà, ổn định tâm lý, nên việc giảm tải là cần thiết. “Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT chưa mạnh dạn điều chỉnh cắt giảm môn thi là chọn phương án an toàn vì năm nay là năm cuối cùng thi THPT quốc gia với hai mục đích, từ năm 2021, các trường đại học sẽ tự chủ tuyển sinh.

Do việc học bị xáo trộn nên trong bối cảnh này, Bộ GD&ĐT nên giao cho các Sở GD&ĐT xét tốt nghiệp, hoặc tổ chức thi tốt nghiệp thật nhẹ nhàng. Bộ GD&ĐT sẽ giảm tải chương trình thì phải sớm có hướng dẫn cụ thể, khối lượng kiến thức ở mức độ nào.

Học sinh nghỉ học gần 2 tháng rồi, giờ vừa phải chạy đua học sao cho hết chương trình, chất lượng sẽ không cao, nên cần nội dung kiến thức nhẹ nhàng, giúp ổn định tâm lý. Ngay cả việc Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia  vào tháng 8 cũng cần tính toán vì thời gian này mưa bão nhiều”, chuyên gia chia sẻ.

Chung quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có phương án dài hơi cho các kì thi tới. Theo ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên Trường ĐH Bách Khoa, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, công tác tổ chức thi THPT quốc gia nên chuẩn bị sẵn để khi hết dịch là sẵn sàng tổ chức thi được ngay. “Nếu may mắn hết dịch vào tháng 5 thì tháng 6, chúng ta có thể thi. Như thế không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng”, ông Đạt chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đề xuất giải pháp mạnh hơn: Nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp và tiếp tục nghỉ, chúng ta không chỉ tính việc cắt giảm môn thi mà cần tính đến việc có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay. Khi dịch bệnh xảy đến bất ngờ buộc chúng ta phải có giải pháp đặc thù để ứng phó và phải sớm xây dựng kế hoạch để không bị động.

Môn thi thứ 4 có nên chỉ là môn điều kiện?

Ngày 18/3, trước kiến nghị của một số nhà giáo và phụ huynh về việc Hà Nội nghiên cứu, xem xét bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định đến thời điểm này, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 vẫn giữ ổn định. Hà Nội chưa quyết định bỏ môn thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2020-2021.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang được triển khai tích cực. Sở GD&ĐT chưa có kế hoạch hay quyết định nào về việc sẽ bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2020-2021.

Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh. Chị Nguyễn Hồng Lan, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, cho biết điều chị lo lắng nhất là thời gian không còn nhiều, dù Bộ GD&ĐT đã lùi thời gian kết thúc năm học đến tháng 7/2020. Gần hai tháng con nghỉ phòng dịch, chị đã cố gắng cập nhật các loại phần mềm dạy online cho con nhưng do không có tương tác giữa thầy và trò nên cũng không ăn thua.

“Cuộc đua chạy vào các trường công lập ở Hà Nội rất kinh khủng, nên tôi thực sự băn khoăn. Hiện Hà Nội đã cho các con học trên truyền hình rồi nhưng hình thức học này đòi hỏi tính tự giác của học sinh rất cao – điều này rất khó khả thi, nên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập”. Chị Hồng Lan kiến nghị, Sở GD & ĐT nên cân nhắc để điều chỉnh bỏ môn thi thứ 4 vì thêm 1 môn học cũng không thể đảm bảo đấy là kiến thức toàn diện.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho chúng tôi hay, cần phải xác định, thi để làm gì mới giải quyết được bài toán này. Thứ nhất, thi để có kiến thức vì nếu không có môn thi thứ 4, học sinh rất dễ buông luôn môn học đó. Thứ hai, thi để vào được trường THPT công lập theo đúng nguyện vọng trong bối cảnh Hà Nội luôn thiếu trường công lập, học sinh thì đông (không phải gia đình nào cũng đủ tiền cho con học trường tư).

Từ đó, vị này cho rằng, môn thứ 4 vẫn có thể thi nhưng có thể coi là môn điều kiện (ví dụ chỉ cần 5 điểm là đạt), vẫn cần có môn này vì tâm lý học trò là “có thi mới học”. Ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đủ để chọn học sinh vào THPT.

Hiện học sinh lớp 9 của Hà Nội đang được học trên truyền hình. Theo Bộ GD&ĐT, phần kiến thức học được trong giai đoạn này vẫn được công nhận, tính vào chương trình chung. Tuy nhiên, theo ông Đào Tuấn Đạt, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, trước mắt Hà Nội cần công bố ngay môn thi vào lớp 10. Đồng thời, nên có giới hạn thi là phần kiến thức đã học cho đến khi học sinh nghỉ vì dịch, tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1-2020. “Nếu thi cả vào phần kiến thức học online là không công bằng với học sinh”, ông Đạt nói…

Thu Phương
.
.
.