Gian nan những chuyến tầm nã

Thứ Năm, 10/08/2017, 08:10
Để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật sau khi gây ra tội ác, nhiều đối tượng đã tìm đủ mọi cách để ẩn mình, thậm chí chạy trốn ra nước ngoài thay tên đổi họ, thay hình đổi dạng. Để bắt tội phạm trốn lệnh truy nã về quy án, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm đã ngược xuôi ra Bắc vào Nam, để lần theo dấu vết của những kẻ thủ ác. Trên những dặm dài tầm nã ấy, không chỉ khó khăn, vất vả mà có lúc còn phải đối diện với lằn ranh sinh tử.


Truy bắt kẻ trốn truy nã vẫn phạm tội hiếp dâm…

Một ngày cuối tháng 6-2017, Đại tá Lê Việt Hà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Nghệ An, gọi cho tôi khi anh đang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng như mọi lần, chỉ cần nghe giọng anh mừng rỡ trong điện thoại, tôi biết các anh lại vừa lập công lớn trên những chuyến hành quân tất tả ra Bắc vào Nam để truy lùng tội phạm trốn lệnh truy nã.

Quả đúng như vậy khi Đại tá Hà cho biết, các anh vừa phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ thành công đối tượng Trần Đình Ái (48 tuổi), trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Đây là đối tượng bị Trại tạm giam 984, Quân đoàn 1, Bộ Quốc phòng ra Quyết định truy nã đặc biệt số 01 ngày 20-6-1991, liên quan đến các tội danh chiếm đoạt, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và trốn khỏi nơi giam giữ. Sau nhiều năm truy bắt không có kết quả, ngày 12-6-2017, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã có công văn đề nghị phối hợp giúp đỡ.

Thành quả trong một chuyến công tác của PC52 tại các tỉnh phía Nam và miền Trung Tây Nguyên (tháng 6-2017).

Trần Đình Ái từng là quân nhân, nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi và được phiên chế tại Kho Kỳ Phú - Đại đội 55, Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 1 (Bộ Quốc phòng) với cấp bậc Binh nhất. Tuy nhiên, Ái đã vi phạm kỷ luật khi vào tháng 3-1991 đã 4 lần đột nhập kho vũ khí của đơn vị, lấy trộm 2kg thuốc nổ đem bán lấy tiền tiêu xài. 

Hành vi này bị phát giác, Trần Đình Ái bị bắt tạm giam.Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở của cán bộ, Ái đã 2 lần đào tẩu khỏi nơi giam giữ. Ngày 20-6-1991, Trần Đình Ái bị truy nã toàn quốc, thế nhưng ròng rã suốt 26 năm trời, tung tích của đối tượng vẫn là một ẩn số.

Đại tá Lê Việt Hà kể: "Khi nhận được Công văn đề nghị phối hợp của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, chúng tôi không khỏi băn khoăn vì đối tượng lẩn trốn đã quá lâu, hình dạng bên ngoài chắc cũng có nhiều thay đổi. Khi xác minh tại địa phương thì được biết, kể từ khi gây ra tội ác và lẩn trốn đến nay, Ái chưa một lần liên lạc với gia đình.  Tuy nhiên, với kinh nghiệm bắt tội phạm trốn nã, chúng tôi đã quyết định xác lập chuyên án để truy bắt".

Từ manh mối duy nhất là sau khi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, Trần Đình Ái vào các tỉnh phía Nam Tây Nguyên để lẩn trốn, tổ công tác đã mất nhiều ngày để lùng sục manh mối của đối tượng, đặc biệt là ở những địa bàn có nhiều người Nghệ An sinh sống.

Tại tỉnh Lâm Đồng, manh mối hành tung đã được hé lộ khi vào năm 1994, sau quá trình lưu lạc từ tỉnh Sông Bé (cũ) lên Lâm Đồng, trong khi đang làm thuê cho một gia đình, Ái đã gây ra vụ hiếp dâm đối với con gái chủ nhà và bị TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 20 năm tù. Tuy nhiên, do cải tạo tốt nên năm 2010, Ái đã được đặc xá, ra tù trước thời hạn, hiện lang bạt ở đâu cũng không ai nắm được thông tin. Lại tiếp tục với việc mò kim đáy bể.

Trong khi việc truy bắt tưởng như đi vào ngõ cụt thì nguồn tin khá tin cậy cho biết, đã nhận diện được Trần Đình Ái khi thấy đối tượng này thường xuyên xuất hiện tại địa bàn phường 10 thành phố Vũng Tàu. Ngay sau đó, trinh sát có mặt tại đây thì đươc biết, ngay sau khi ra tù, Ái đã gây dựng cuộc sống mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tạo cho mình vỏ bọc làm ăn lương thiện bằng nghề mộc, sinh sống như vợ chồng với 1 người phụ nữ trẻ, hiện đã có một đứa con chung.

Dĩ nhiên, quá khứ của mình Ái cũng giấu biệt, không cho vợ con biết. Chính vì vậy, vào tối 26-6-2017, khi tổ công tác ập vào bắt giữ đối tượng tại nhà riêng, người đàn bà chết lặng khi biết mình đã trao nhầm trái tim cho một kẻ tội phạm lẩn trốn sự trừng trị của pháp luật suốt 26 năm trời.

Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Nghệ An dẫn giải đối tượng trốn truy nã về quy án.

Nhọc nhằn truy bắt đối tượng trốn nã

Trần Đình Ái là đối tượng thứ 70, và cũng là chuyên án 13 mà Phòng PC52 Công an tỉnh Nghệ An truy bắt thành công tính từ đầu năm đến nay. Trong số này, có 23 đối tượng đặc biệt nguy hiểm, nhiều đối tượng thay tên họ, phẫu thuật thẩm mỹ để thay hình đổi dạng, trốn sang tận nước ngoài nhưng vẫn sa lưới pháp luật.

Thiếu tá Biện Viết Chiến, Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An, người đã có thâm niên 7 năm gắn bó với công tác xác minh, truy bắt tội phạm truy nã chia sẻ: Cho đến bây giờ, bản thân anh cũng không nhớ đã có biết bao đối tượng trốn truy nã phải thúc thủ, chỉ biết rằng mỗi chuyến đi xa trở về, bao giờ cũng có "chiến lợi phẩm". Cá biệt, có những chuyến vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, chỉ trong thời gian khoảng 1 tuần nhưng đã truy bắt được 13 đối tượng phạm tội đang lẩn trốn.

Đến với nghề là cái duyên, nhưng gắn bó được với công việc này lại là cả một quá trình, không đơn thuần là trách nhiệm mà còn là sự say mê, yêu nghề đến kỳ lạ. 

Trinh sát truy nã đồng nghĩa với những chuyến công tác triền miên,  đây mai đó, đặc điểm của tội phạm trốn truy nã là thường chọn các địa điểm khó khăn, hiểm trở, biệt lập với bên ngoài để lẩn trốn nên gần như bước chân của các anh phải đặt đến tận hang cùng ngõ hẻm để gọi tên, đích danh chỉ mặt từng tội phạm đặng đưa về quy án.

Không ít lần, bản thân Thiếu tá Biện Viết Chiến cùng đồng đội phải đối phó với những thủ đoạn lẩn trốn hết sức tinh vi của các đối tượng truy nã, thậm chí nhiều kẻ sẵn sàng chống trả quyết liệt nhằm thoát thân khi bị phát hiện.

Đầu năm 2017, quá trình truy nã, vây bắt đối tượng Vi Văn Thẩu (39 tuổi) trú tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị Công an tỉnh Nghệ An truy nã từ năm 2002 cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.

Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, Thẩu bỏ trốn khỏi địa phương. Hắn lang bạt nhiều nơi và sau đó quyết định dừng chân tại bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.

Tại đây, Thẩu thay tên đổi họ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Điều đáng nói, đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm này rất được dân bản tin yêu, tín nhiệm bầu làm nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng bản, thành viên Hội đồng nhân dân xã Mai Sơn kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn của Bản. Với vỏ bọc hoàn hảo như vậy nên Thẩu chui lủi ngay trên mảnh đất quê hương của mình, 16 năm sau mới bị phát hiện.

Lỳ Bá Chày tại thời điểm bị bắt giữ tại Lào.

Đại tá Lê Văn Minh, Trưởng phòng PC52 Công an Nghệ An cho biết, bắt truy nã lẩn trốn ở trong nước đã muôn phần gian nan, vất vả. Thế nhưng, gần đây không ít đối tượng sau khi gây ra tội ác đã chạy sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia để ẩn náu khiến cho quá trình bắt giữ gặp không ít khó khăn. 

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, với quyết tâm không để những kẻ gieo cái ác nhởn nhơ ngoài xã hội, lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an Nghệ An đã "xuất ngoại" hàng trăm chuyến, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội nguy hiểm đang lẩn trốn ở nước ngoài. Có thể kể đến là trường hợp bắt giữ Lỳ Bá Chày (45 tuổi), trú tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, phạm tội trốn khỏi nơi giam giữ vào ngày 15-2-2017.

Năm 1998, Chày bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 13 năm tù liên quan đến 2 tội danh mua bán trái phép chất ma túy và trộm cắp tài sản, thụ án tại Trại giam số 3 (Bộ Công an). 

Trong thời gian thụ án, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo, y bỏ trốn khỏi trại giam, sau đó vượt biên trái phép sang Lào tham gia vào một tổ chức tội phạm mua bán vũ khí, ma túy ở "vùng lõm" thuộc bản Thông My Xay, của huyện Viêng Thoong, tỉnh Bôlykhămxay. Tại đây, Chày nhập quốc tịch Lào và thay tên đổi họ thành Xịa May Lỳ.

Với bản tính lưu manh sẵn có, Chày từng bước gây dựng được "số má" trong giới tội phạm mua bán ma túy, vũ khí ở đây khi cầm đầu 1 băng nhóm chuyên trang bị vũ khí từ Lào xâm nhập vào khu vực biên giới Việt Nam với mục đích đổi lấy gạo, muối, lương thực, thực phẩm và thuốc phiện nhằm cung cấp cho đồng bọn.

Quá trình bắt giữ, Chày đã phản kháng, chống trả quyết liệt song với kinh nghiệm sẵn có và bằng biện pháp nghiệp vụ cơ bản, trinh sát đã khống chế, bắt giữ và dẫn độ thành công đối tượng về nước để quy án.

Đã có không ít trinh sát truy nã đã bị thương, trở thành thương binh trong quá trình truy bắt tội phạm trốn nã, cũng không ít lần các anh phải đối diện với hiểm nguy, thậm phải điều trị phơi nhiễm HIV, song vì bình yên cuộc sống, ngay khi có mệnh lệnh, các anh lại hăm hở lên đường, tìm đến những vùng đất mới để lần theo dấu vết của tội phạm. 

Thiên Thảo
.
.
.