Gian nan thử sức người "cõng chữ" trên đỉnh núi Lũng Cải

Thứ Sáu, 06/05/2016, 10:20
Khuất nẻo trên đỉnh núi quanh năm mây phủ là phân trường Tiểu học Lũng Cải, xã Hồng Nam, huyện Hòa An (Cao Bằng). Do là phân trường đặc thù nên cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.


Cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khắc nghiệt, bởi vậy con đường tìm đến cái chữ của học sinh rất gian nan. Trong khi những đứa trẻ ở nơi khác được cha mẹ đưa đón đến trường thì những đứa trẻ ở đây chỉ tầm 5 tuổi phải đeo gùi theo sau mẹ vượt các vách đá lên nương rẫy khi đến mùa trồng trọt.

"Lửa thử vàng gian nan thử sức"

Cách trung tâm xã Hồng Nam 7km, con đường lên phân trường Tiểu học Lũng Cải tựa như một sợi chỉ nhỏ vắt ngang đỉnh đồi. Do đường toàn vách đá cheo leo nên chúng tôi phải gửi xe ở bản Nà Lìn. Theo người dân ở đây, để đến với phân trường Tiểu học Lũng Cải, chúng tôi sẽ phải vượt qua hai cổng trời, đường đi vô cùng khó khăn. 

Cô giáo Hoàng Thị Mai Sương chỉ dẫn cho học sinh viết chữ.

Men theo con đường mòn hun hút, trên lưng chừng núi, chúng tôi gặp anh Nông Văn Phúc đang đi hái rau rừng cho lợn. Cùng chuyện trò trên một đoạn đường ngắn, anh Phúc nói: "Đường vào bản còn phải vượt qua một cổng trời nữa, khó đi lắm nên chúng tôi đều phải mang ngựa theo để thồ. Việc canh tác của bà con chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết.

Năm nào mưa thuận gió hòa thì bà con được mùa, còn năm nào hạn hán thì mất mùa. Hiện chúng tôi đang đợi mưa để trồng ngô, thu hoạch ngô xong lại trồng thêm một vụ đỗ tương. Dân chúng tôi còn nghèo lắm, toàn phải ăn cơm độn thôi. Mình làm ra ngô thì mình lại đem ngô xuống chợ để đổi lấy gạo".

Theo anh Phúc, do đường đi khó nên con đường này chỉ có các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 mới đi học nhưng lại phải mang cơm đi theo rồi ăn ở lớp luôn. Có hôm các em học cả ngày thì tối mịt mới về đến nhà. Cũng trên cung đường này, các em gặp phải không ít những khó khăn thử thách.

Bởi các em phải vượt một quãng đường rừng là 7km, kèm theo đó là sự nguy hiểm luôn rình rập. Đi đường rừng các em sẽ phải bước qua những hòn đá gồ ghề lởm chởm. Dưới các tán cây là vô số muỗi, vắt đang chầu chực. Nhiều hôm các em còn phải đối mặt với rắn hổ mang, rết...

Qua lời kể của anh Phúc, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của các em học sinh đến trường. Theo con đường nhỏ, chúng tôi nhìn lên các sườn đồi là những ngôi nhà sàn của đồng bào người Dao nằm thưa thớt, trơ trọi trên các đám nương. Các ngôi nhà yên ắng và mọi sự hoạt động của bà con cũng chậm rãi. Theo lời chỉ dẫn của người dân, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến phân trường Tiểu học Lũng Cải.

Cô giáo phải đi những con đường cheo leo trên đỉnh núi Lũng Cải.

Nhìn từ xa nếu không có lá cờ đỏ sao vàng, chắc chắn chúng tôi không thể nhận ra đây là trường học. Trường nằm trong một khu rừng vắng, xung quanh chỉ thấy đá là đá. Tiếp chuyện với chúng tôi, cô giáo Hoàng Thị Mai Sương cho biết: "Tổng số học sinh ở đây chỉ có 8 em. Lớp của cô có hai em mầm non, hai em lớp 1 và một em khuyết tật hòa nhập học lớp 2. Cạnh lớp cô là lớp của cô Trâm nhưng cũng chỉ có 3 em học sinh. Vì các em không cùng lứa tuổi nên bắt buộc chúng tôi phải dạy ghép".

Theo sự phân công của Sở Giáo dục, cô Hoàng Thị Mai Sương và cô Đinh Thị Trâm được phân công lên phân trường Tiểu học Lũng Cải của Trường Tiểu học xã Hồng Nam từ đầu năm học. Với những người miền xuôi lên đây cắm bản, thời gian đầu mọi thứ đều rất hoang sơ, bởi các cô phải ở nhà văn hóa, nước vẫn phải nhờ người dân mang ngựa đi thồ về, điện thì không có nên toàn phải dùng bằng đèn pin.

Sự lạnh lẽo hoang vắng trong một khu rừng khiến các cô cảm thấy đơn độc, lo sợ. Đồng bào ở đây họ sống khép kín, mỗi người đều suy nghĩ theo lối riêng của mình, an phận hài lòng với những gì mình có. Họ sống dựa theo tạo hóa và chấp nhận cuộc sống theo may rủi của từng vụ mùa.

Có lẽ hành trình đi gieo chữ trên non tưởng chừng như những người mới nghe thì họ cho đấy là mộng tưởng. Với các cô cắm bản thì đó lại nỗi trăn trở bởi các em học sinh đều sống trong hoang dại, tất cả đều là con nhà nghèo, cơm vẫn chưa đủ ăn, áo vẫn chưa đủ mặc.

Nỗi trăn trở của người "gieo chữ"

Cô giáo Sương bùi ngùi tâm sự: "Ở trên này đồ dùng học tập của học sinh vẫn còn thiếu. Cái gì cũng toàn phải dạy chay, đồ dùng giảng dạy cho giáo viên cũng thiếu. Dạy trìu tượng lắm, ví dụ như là cái xẻng chẳng hạn, mình thấy trong bức tranh mình hỏi học sinh nhưng các em lại không biết.

Nếu mình cầm cái xẻng thật thì các em lại biết. Nhiều khi mình còn phải mang cả đồ vật lên lớp để cung cấp từ ngữ cho các em. Ngoài dạy kiến thức, các cô còn phải dạy lồng ghép cả tiếng phổ thông".

Trong lớp học vẫn là những khuôn mặt hồn nhiên, ngây thơ kèm theo đó là sự trăn trở của giáo viên. Có lẽ những điều mới lạ của thế giới bên ngoài đến với các em học sinh cũng khó khăn, bởi các em chỉ quen với cuộc sống lầm lũi trên núi cao.

Cô Trâm và cô Sương chuẩn bị bài giảng cho ngày hôm sau.

Theo lời cô Sương, ở đây kinh tế vẫn còn khó khăn, nếu không mưa là không thể canh tác được. Do người dân quen sống trên cao nên việc để con em mình đến trường cũng là một điều khó và không phải ai cũng làm được. Biết thêm tiếng của người Kinh có thể mang lại cơm ăn áo mặc, sau này các em sẽ biết tính toán, để rồi sẽ trở thành cán bộ phục vụ công việc cho nhà nước nhưng đó cũng là một điều xa vời. Bởi việc tích cóp từng hạt ngô, từng gùi đỗ tương, bán cả con lợn nuôi cả năm trời để đổi lấy sách vở cho con cũng là một việc lớn, cần có cái tâm mới làm được.

Theo cô Sương, từ nhỏ các em ở bản Lũng Cải đã được cha mẹ dạy cho các công việc, từ trong nhà ra đến nương. Bởi vậy nên các em rất thạo việc nhà và cần mẫn, vì vậy cũng ít biểu lộ cảm xúc, ít khi lên tiếng bày tỏ chính kiến hay sự bất đồng với người khác.

Có lẽ những thái độ ấy là do các em chịu ảnh hưởng của những người trên núi cao. Do các em sống ở trên cao nên khi đi cũng chỉ cúi đầu, chỉ thích nhìn xuống đề ngắm cho rõ hơn, nhất là khi sống trong mây quanh năm, mờ mờ tỏ tỏ.

Rồi thời gian cũng cho các cô thêm một cảm nhận, bởi dạy học không chỉ có nghĩa là dạy cho con trẻ biết được mặt chữ, biết tính toán, mà còn dạy cho chúng biết biểu lộ cảm xúc, biết gần gũi người khác. Có được điều này là do các em nhận lại được từ sự ân cần yêu thương của thầy cô giáo. Từ đó các em sẽ nhận biết được thế giới bên ngoài, sau này các em lớn lên sẽ ấp ủ riêng cho mình những ước mơ, hoài bão…

Chẳng biết những hoài bão của các em có đạt được hay không, nhưng một điều chắc chắn rằng, tình yêu thầy cô nơi đây đã dành trọn cho lớp học, cho những em học sinh thân yêu, và tâm hồn của các cô đã nằm lại ở nơi đây với những nhọc nhằn, miếng cơm manh áo.

Và cả những kiên nhẫn của việc chia sẻ, gần gũi với những đứa trẻ vùng cao ngơ ngác. Sự nghèo đói thiếu thốn vật chất không thể giết chết ước mơ của những đứa trẻ, với những miền đất lạ mà chúng chưa thể đạp chân tới.

Màn đêm buông xuống bao trùm cả bản làng, trong ngôi nhà đơn sơ, hai cô giáo lại ngồi bên bếp lửa soạn bài. Những bộn bề lo toan của một ngày giảng dạy cũng chìm xuống. Dưới gầm sàn thỉnh thoảng lại có một vài chú ngựa bước đi trong đêm tối.

Tiếng chuông của nhạc ngựa cứ vang xa trên đỉnh núi, kèm theo đó là tiếng chim cú mèo, tiếng bìm bịp kêu vang rờn rợn ẩn mình trong khu rừng vắng. Cô Trâm bảo: "Mới đầu chúng tôi lên đây cũng sợ lắm, nhiều hôm ngựa còn húc nhau rung cả gầm sàn. Ngựa ở đây họ thả cả đêm, khi nào cần thồ hàng, họ mới lùa về nhà".

Lớp ghép của cô Trâm là học sinh lớp 3 và học sinh lớp 4.

Qua những lời cô giáo tâm sự khiến chúng tôi không thể chợp mắt được bởi đó là sự đồng cảm và chia sẻ. Gần sáng trời đang còn tối mịt, chúng tôi đã nghe tiếng vó ngựa lóc cóc ở dưới gầm sàn. Do hôm nay là chợ phiên Kim Đồng nên người dân phải thồ hàng từ lúc mặt trời chưa mọc.

Sự vất vả của người miền núi khiến chúng tôi lại nghĩ đến các em nhỏ sống trong lầm lũi. Sự nghèo đói khiến chúng tôi cũng chỉ thầm mong cho các em học sinh ở bản Lũng Cải này một cuộc sống êm ấm, đủ ăn, đủ mặc, đủ tiền mua sách, để cho những em nhỏ sau này sẽ được đi học trọn vẹn. 

Minh Phượng
.
.
.