Giang Trang: Người "hát rong" nhạc Trịnh

Thứ Năm, 11/04/2013, 14:57

Lần đầu tiên tôi nghe Giang Trang hát Trịnh trên sân khấu ở Trấn Vũ. Trang hát Lời thiên thu gọi. Cái dáng hao gầy, mỏng manh của Trang, cả sự hồn nhiên, mộc mạc của chị, khiến tôi liên tưởng đến Khánh Ly thuở du ca với Trịnh thập niên 60 của thế kỷ trước. Và với Giang Trang, hát Trịnh cũng là một cách chị rong chơi trong đời sống rộng dài, để hiểu hơn về những thân phận người.

Hát nhạc Trịnh như một "cuộc chơi"

12 năm nhạc sĩ Trịnh đã đi qua cõi sống. Nhưng, âm nhạc và tâm thế sống của ông như một mạch ngầm vẫn âm thầm chảy trong tâm hồn nhiều người. Với cô gái bé nhỏ, Giang Trang, thì nhạc Trịnh, như một người bạn đường gần gũi, càng ngày càng thân. Trang chưa bao giờ coi âm nhạc là sự nghiệp. Mà đó chỉ là một cuộc chơi, chơi hết mình với tâm thế của một con người tha thiết yêu cuộc đời.

Giang Trang đang có chuyến lưu diễn ở Mỹ. Ở đó, chị sẽ hát cho đồng bào nghe. Đối với chị, cuộc đi này cũng là một cuộc vui chơi ca hát mà thôi. Với Giang Trang, Trịnh Công Sơn là một "người du ca chính hiệu", người du ca hiền hòa, mộc mạc, nhân hậu.

Trong tâm thế của một người trẻ tuổi sống trong thời đại này, Trang nhận thấy những hình ảnh, câu chữ và nét giai điệu của ông chưa hề lạc hậu. Âm nhạc của ông đã thoát khỏi giới hạn của một thời điểm lịch sử, nó gợi ra những suy tư muôn đời của một kiếp người thường đối diện, và vì thế âm nhạc của ông còn chảy tiếp như một dòng nước trong đi qua cõi đời này.

"Có nhiều lần tôi được hỏi, tìm thấy gì trên hành trình đi cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn? Tôi đã trả lời rằng tôi cũng như mọi người tìm đến và hát nhạc Trịnh Công Sơn chính là để tìm thấy sự đồng cảm, sự chiêm nghiệm của riêng mình với đời sống này thông qua ca khúc của ông, là để vẽ cho ra nhất, cho thật nhất khuôn mặt của chính mình".

Nhạc Trịnh đến với Trang cũng rất tình cờ, ngấm vào người lúc nào không biết. Những âm thanh xưa cũ trong những cuốn băng cối mà bố đã nghe thật sự rất quyến rũ với cô gái. Trang bị hấp dẫn bởi cái mộc mạc, cái lãng đãng, chầm chậm, sang trọng, của một thời. Từ cách trình bày bìa của một cuốn băng với nét vẽ và nét chữ viết tay, đến cách hát, cách hòa âm phối khí, cách chơi nhạc, tất cả đều mang đậm dấu ấn tâm hồn. Và lôi cuốn. Với riêng nhạc Trịnh, thì đó là sự gần gũi tự nhiên theo năm tháng.

"Càng sống, càng hiểu đời sống, tôi càng khâm phục tài năng khái-quát-hóa-tinh thần đời sống trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Những điều ông bày tỏ, không hề lạc hậu, không chỉ thuộc về một thời của bố mẹ chúng ta, chính chúng ta, tôi hay chị đôi khi vẫn cứ ngậm ngùi như thường vì ngộ ra thêm một cảm giác thân phận nào đó mà chúng ta dường như cũng có chung cảm nhận với ca từ Trịnh". 

Đam mê âm nhạc, Trang đã từ bỏ công việc có thu nhập cao trong lĩnh vực tài chính. Trang nói, chị chưa bao giờ ân hận. "Với tư duy của một người làm phân tích tài chính trong 8 năm, tôi hiểu những cái được và mất của mỗi sự lựa chọn. Âm nhạc Trịnh Công Sơn như đang ngày một đầy hơn trong tôi, nên tôi đã chọn âm nhạc của ông, người bạn đường suốt thuở sinh viên, để mở ra cánh cửa bước chân vào con đường vui chơi với âm nhạc. Nếu không có âm nhạc Trịnh thì tôi vẫn là tôi như thế, vẫn thấu hiểu rất rõ những gì bản thân mình thật sự mong muốn, thật sự hướng về, nhưng có lẽ tôi sẽ vất vả hơn trong việc tìm ra một phương tiện có nhiều đồng cảm với suy tư của mình để giãi bày một góc nhìn về đời sống, để chia sẻ những thôi thúc nội tâm mình đã, và đang đi qua"…

Tôi và có lẽ những ai đã từng nghe Trang hát đều bị cuốn hút bởi tiếng hát của Giang Trang. Tôi có cảm giác, Trang hát nhạc Trịnh như một mối duyên từ tiền kiếp. Nó xa lạ với những rực rỡ, phù hoa của sân khấu. Xa với những thứ màu mè, hình thức. Như cách Trang đã đến và đi trong cuộc đời này với một tâm thế an nhiên, tĩnh tại. Trang xa lạ với những xô bồ, ồn ã của đời sống.

Và Trang cũng không thuộc về showbiz với những dòng chảy sôi động của nó. Trang thuộc về chính mình. Trang thuộc về âm nhạc của Trịnh. Một cuộc đồng hành không giới hạn. Và với âm nhạc của Trịnh, Trang đã bắt gặp tâm hồn mình. Với Trang, hát nhạc Trịnh là cách để hiểu cuộc đời, sống sâu hơn với những phận người.

Sẽ hát nhạc Trịnh cho đến khi còn thở được

Từ thưở rong chơi ôm đàn hát ngẫu hứng trong các quán cà phê thời sinh viên, đến bây giờ, Giang Trang đã có 2 album riêng và những buổi biểu diễn được đón nhận. Cứ chậm vậy thôi. Nhưng Trang đã có những khán giả của riêng mình. Có gì đó gần như Thiền trong cách chị hát. "Giang Trang đã làm trong sáng nhạc Trịnh", khác với vẻ buồn đau, sầu khổ trong âm nhạc của ông. Với Trang thì, Trang luôn muốn giữ đó là một cuộc chơi âm nhạc, chơi ra chơi, chơi ra đúng mình nhất thì thôi…

Nhiều bạn bè nói Trang có cái kiểu thản nhiên một cách bẩm sinh, đôi khi tưng hửng giữa bộn bề đời sống…Trang cười, ừ thì bố mẹ và ông trời đã sinh ra vậy, cứ lắng nghe thật kỹ tiếng nói bên trong con người mình, và hiểu nó thì Trang cũng thấy khó lòng sống khác đi được. Với Trang, "Trịnh Công Sơn không khác gì một thiền sư. Ông đã lựa chọn một cách sống, đã thấu hiểu nhiều mặt của đời sống, đã thản nhiên chiêm nghiệm, và hiền hòa chạm tới con mắt nhìn "hư vô" trong quá trình khái quát hóa đời sống bằng âm nhạc. Đối với tôi, ông chính là một thiền sư giản dị nhất, gần gũi với đồng loại, mà vì thế cũng trở nên thật lạ lùng".

Hiểu tư tưởng sống của Trịnh Công Sơn, và hiểu âm nhạc của ông. Nên "Khi hát, tôi chỉ tâm niệm cứ là mình một cách thật nhất và trung thực nhất, cả phần con lẫn phần người. Nhìn thấu đáo đời sống nội tâm của mình, và có thái độ chấp nhận những gì mình thấy, mình có. Tôi cảm thấy cái buồn đau thời cuộc, buồn đau thân phận trong ca khúc Trịnh Công Sơn, nhưng cũng cảm thấy một sự giải thoát và an nhiên trong câu chữ, trong khuôn hình ca từ ông đã "chụp" lại. Đạo Phật nói: Đời là bể khổ. Nhiều người nói: Cuộc đời về căn bản là buồn. Nếu buồn đau thật thì sống để làm gì? Vì buồn đau là có thật, cho nên tôi luôn giữ cho mình một con mắt nhìn biết chấp nhận tất cả những gì mà đời sống đem lại. Dù buồn, vui, hạnh phúc, hay đau khổ thì cũng là những trải nghiệm có giá trị như nhau trong đời sống. Thi thoảng tôi nói đùa với bạn bè: Người làm sao nhạc chiêm bao là vậy. Có lúc tình cảm khắc khoải, có lúc tưng hửng, có lúc cục cằn hoang vắng, có lúc tiết chế cảm xúc mà khô lạnh, cũng có lúc giận hờn cáu gắt… Nhưng tôi thấy sau tất cả bản ngã của mình là luôn hướng đến việc giữ gìn cho tâm mình hiền hòa, không chen lấn xô đẩy tranh giành gây phiền hà cho mọi người trong đời sống. Tôi nhận thấy, và học được nhiều trong âm nhạc Trịnh Công Sơn".

Trang đi nhiều. Thỉnh thoảng gọi cho Trang lại thấy chị đang trên đường. Trang bảo, đôi khi muốn trốn phố xá. Những chuyến đi là những chuyến tiêu dao. Đi để hiểu hơn về thân phận con người ở những nơi mình không sống, để học hỏi từ chính những con người bình dị trên đường đi, để được hiểu thêm về quê hương, đất nước, về những mảnh đất chưa đặt chân đến bao giờ. Đi chính là cho mình những khoảng lặng cần thiết và trở về có thêm năng lượng để vui sống với đời sống thường nhật.

Trang nói, chị luôn thích những dòng sông, thích đi bộ dọc một triền sông, vì ở đó chị tìm thấy sự tĩnh tại và có cảm giác được vơi bớt những muộn phiền. Thế nên, Trang lấy tên cho album đầu tay của mình là Lênh đênh nhớ phố, bắt nguồn từ những suy nghĩ riêng của Trang về những dòng sông. "Lênh đênh" là một trạng thái thường gặp của những người dấn thân vì nghệ thuật, thậm chí, của những phận người đã sinh ra trong cuộc đời này.

Còn Hạ Huyền, là bắt đầu từ "dấu hiệu của cô độc hoang vắng", một nỗi hoài nhớ về câu chuyện thân phận con người trong bối cảnh cũ, một chặng đường day dứt của lịch sử thì là điều may mắn. Và Trang nói, Trang thử diễn giải những khuôn hình, những mẩu chuyện bâng quơ đầy gợi cảm luôn sẵn có trong ca từ Trịnh Công Sơn sang phần hòa âm.

Trang có một nơi chốn để đi về. Và cô con gái xinh xắn đáng yêu. Một cuộc đời như bao cuộc đời khác. Trang sẽ "hát nhạc Trịnh Công Sơn đến khi nào tôi còn thở được, còn hát được, dù đến lúc có thể chỉ là hát cho chính mình để nghe thấy âm thanh những ca từ ấy vang lên khe khẽ".

"Trong nhiều năm được biết tới ở những quán nhạc sinh viên và ở những bản thu online, nhạc Trịnh Công Sơn do Giang Trang thể hiện đã luôn có cái lấp lánh của hy vọng. Với Lênh đênh nhớ phố và Hạ Huyền, âm nhạc đem lại một cảm giác sâu sắc của lúc tỉnh rượu tàn canh, trăng tàn bóng ngả, của từ bỏ, của cái lúc ơ thờ mỏi mệt mà thấy rằng "mọi người đều cần nhau, đều như nhau hay là không ai cần ai cả. Điều đó cũng chẳng có một quan hệ mảy may. Những đời sống vui vẻ, 'cao hơn' chỉ là một may mắn trong muôn ngàn may mắn khác".

Hà Trương

"Người ta sẽ mãi thích những giọng ca nồng nàn, đầy ăm ắp tâm sự của ngày xưa, nhưng cũng sẽ đón nhận những cách hát mới của một cõi hiện tại. Bởi lẽ, chính Trịnh Công Sơn đã tư duy như thế trong âm nhạc của mình: Trong xuân thì thấy bóng trăm năm"

Trương Quý

Khánh Linh
.
.
.