Giáo dục Mỹ khủng hoảng vì thiếu giáo viên ngoại quốc

Chủ Nhật, 20/12/2020, 11:30
Ngành giáo dục toàn cầu đã và đang phải “ngụp lặn” trong cơn khủng hoảng chưa từng thấy vì đại dịch COVID-19 đã gần một năm qua. Cả một thế hệ trẻ em trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị thất học vì không chỉ nhà trường bị buộc phải đóng cửa do đại dịch, mà còn do gia đình các em đã mất cái kế sinh nhai thường nhật.


Ngay nước Mỹ, theo một con số thống kê gần đây nhất, đã có khoảng hơn 30 triệu em học sinh có hoàn cảnh khó khăn dự báo sẽ không đi học trở lại vào năm sau. Cuộc khủng hoảng giáo dục Mỹ thời đại dịch COVID- 19 còn mang một sắc thái khác. Đó là, nước này đang đứng trước vấn nạn hết sức phức tạp: không có giáo viên ngoại quốc để giảng dạy.

“Chảy máu…giáo viên”, và…

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Mỹ là quốc gia có mức lương giáo viên trường công thấp nhất trong nhóm những nước phát triển. Một giáo viên mới nhận việc tại Mỹ có mức lương khởi điểm chỉ khoảng 39.000 USD. Người giáo viên đó có thể nhận được 67.000 USD/tháng sau 10 năm làm việc, trong khi với cùng khoảng thời gian đó, mức lương đồng nghiệp của họ tại Hàn Quốc đã tăng lên 50.000 USD. Trong mặt bằng giá cả hiện nay, nhiều giáo viên Mỹ không có khả năng nuôi sống ngay chính gia đình của mình. Họ phải làm thêm hai, ba công việc khác sau những giờ lên lớp. Vài trường hợp cực đoan như cô Hope Brown, một giáo viên lịch sử tại trường trung học Versailles (bang Kentucky) còn phải thưởng xuyên làm công việc hiến máu để nhận được số tiền hỗ trợ vô cùng ít ỏi.

Không giáo viên ngoại quốc nào có thể tập trung nghiên cứu từng này tài liệu giảng dạy trong khi lo sợ hết hạn visa được.

Vấn đề tăng lương cho giáo viên đã bị mắc kẹt nhiều năm nay ở các cấp chính quyền bang và liên bang do cả hai đảng chính trị đều không tỏ ra mặn mà về câu chuyện thời sự trên. Hiện tượng giáo viên, kể cả giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy 10 - 20 năm bỏ việc không phải là hiếm. Năm 2018, hệ thống trường công lập tại Mỹ thiếu đến 112.000 vị trí giáo viên. Trong bối cảnh không có một hướng đi giải quyết vấn đề rõ ràng và căn cơ, nhiều trường học phải tìm đến lao động ngoại quốc như một cách cầm cự vết thương mang tên “chảy máu…giáo viên”.

Ngày nay không còn hiếm để tìm thấy một giáo viên từ Philipines, Malaysia, Mexico, Colombia và Peru… làm công việc giảng dạy học sinh Mỹ. Theo lời Noel Que, một giáo viên dạy các bộ môn khoa học tại trường cấp 3 Casa Grande (bang Arizona) thì: “Ở Mỹ, tôi kiếm được gấp 3 lần so với khi ở Philipines. Tôi giữ lại một nửa số tiền lương, một nửa còn lại gửi về cho gia đình” .

Nhưng, mức lương như vậy lại là niềm mơ ước với nhiều giáo viên đến từ các quốc gia đang phát triển. Mà đây không phải là các giáo viên không đạt chuẩn. Giáo viên ở các nước nói trên đều đạt các bằng cấp tiếng Anh và chứng nhận nghề nghiệp do Bộ Giáo dục Mỹ quy định. Song vì không tìm thấy cơ hội ở quê nhà nên họ mới buộc phải “lặn lội” sang Mỹ. Thành công của các đội tuyển toán học, vật lý, tin học, v.v…và hằng chục nghìn học sinh Mỹ giỏi giang khác phần nhiều nhờ vào đội ngũ giáo viên người nước ngoài.

Tiền đồ xám xịt

Trên thực tế, giáo viên nước ngoài đến Mỹ làm việc theo diện visa J-1 dành cho hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, v.v…Họ được phép làm việc tại Mỹ trong khi hợp đồng với trường học vẫn còn có hiệu lực, cộng với 18 tháng huấn luyện chuyên môn, tổng cộng khoảng từ 3 đến 5 năm. Quá trình xin hoặc kéo dài thời hạn visa J-1 tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là với các giáo viên nước ngoài do họ không quen thuộc với hệ thống luật pháp Mỹ.

Đây là lý do vì sao phần lớn giáo viên thông qua những công ty trung gian để giúp họ tìm một công việc tại Mỹ và xử lý các giấy tờ trung gian. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp này còn cung cấp dịch vụ cho thuê nhà; thuê xe trọn gói nữa. Số tiền họ kiếm được từ dịch vụ cho thuê cao không kém những khoản “hoa hồng” môi giới thành công do các giáo viên muốn được thuê nhà sống gần người đồng hương.

Một giáo viên người Philipines đứng lớp tại một trường tiểu học tại bang Arizona.

Vào ngày 22-4 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký quyết định ngừng cấp và kéo dài thị thực diện J-1, khiến cho hàng chục nghìn du học sinh và giáo viên nước ngoài bị mắc kẹt tại Mỹ. Mùa hè vừa qua quả là khoảng thời gian “địa ngục” với các giáo viên người nước ngoài tại Mỹ. Họ không nhận được bất kỳ đồng lương nào, vì trường học đã đóng cửa do đại dịch COVID - 19. Các công ty trung gian thì đã “bỏ của chạy lấy người” ngay khi nghe tin nước Mỹ đóng cửa. Nhiều người buộc phải cầm cự với số tiền ít ỏi họ còn lại suốt mấy tháng liền mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ từ chính quyền hay xã hội Mỹ.

Năm học mới bắt đầu cũng không khiến tình hình trở nên sáng sủa hơn cho lắm. Tuy nhiều giáo viên đã đi làm trở lại, họ không thể tập trung vào công việc được do bị “cái bóng” hết hạn visa bám riết. Tại bang California, gần 100 giáo viên từ Philipines, Mexico và Venezuela… đã phải đem vụ việc của mình ra toà. Rất may mắn là toà án bang đã ra phán quyết cho phép trường hợp ngoại lệ đối với nguyên đơn để họ xin kéo dài thị thực. Tuy vậy, đây mới chỉ là một bang, và ước tính có khoảng 3.454 giáo viên ngoại quốc trên toàn nước Mỹ đang chịu ảnh hưởng bởi quyết định của ông Trump. Thật chẳng lạ gì khi mà trong số 3.454 đấy, chỉ có 1.620 giáo viên trở lại giảng dạy trong năm học mới.

Nhu cầu thuê giáo viên ngoại quốc của các trường không hề giảm mà thậm chí còn tăng. Nhưng không có visa J-1 được cấp mới, giáo viên nước ngoài không thể nhập cảnh vào Mỹ. Ông Gerald Hernandez Jr., Hiệu trưởng Trường Tiểu học E.E. Miller (bang Bắc Carolina) đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm cho được giáo viên lấp vào hai vị trí giảng dạy tiếng Tây Ban Nha còn trống. Vị hiệu trưởng nói với tờ báo địa phương: “Tôi không biết xoay xở như thế nào khi không thuê được giáo viên nước ngoài… Tôi đã tìm đỏ mắt mà không tìm ra bất kỳ giáo viên người Mỹ dạy tiếng Tây Ban Nha trên khắp cả bang. Kiếm được một cô giáo người Mỹ chịu làm việc với mức lương hiện tại của chúng tôi đã rất khó, chứ chưa nói gì kiếm được cô giáo tiếng Tây Ban Nha!”.

Không có giáo viên, lớp học tất nhiên là bị cho nghỉ. Kể cả khi gia đình các em học sinh có điều kiện, nhà trường cũng “lực bất tòng tâm”. Hiện trạng này đang khiến rất nhiều nhà quan sát tỏ ra bất an. Một số đã tự nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt như hạ nghị sỹ Dana Titus (bang Canada). Bà Dana từng là cô giáo, lại có các con đang theo học trường công, nên bà hiểu rất rõ nguy cơ trước mắt: “Các giáo viên ngoại quốc không hề cạnh tranh với giáo viên trong nước, mà họ đang nhận về mình những vị trí giảng dạy không ai muốn. Không có họ thì vô số học sinh, đặc biệt là các em khuyết tật, sẽ bị bỏ lại đằng sau. Thiệt hại mà nước Mỹ phải chịu trong tương lai khó mà đo đếm hết được.”

Bà Dana đã gửi một bức thư lên Nhà Trắng xin phép được dỡ bỏ lệnh hoãn việc xin kéo dài thị thực tại thành phố Las Vegas. Vậy nhưng bản thân vị hạ nghị sỹ cũng tỏ ra nghi ngờ về thành công. Chính quyền ông Trump gần như đã “đóng băng” kể từ sau thất bại của ông trong cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống. Kể cả trong trường hợp tốt đẹp nhất, chính quyền mới của ông Joe Biden cũng phải đến đầu tháng 2 mới thực sự hoạt động được. Đến lúc đó mọi người mới có thể hy vọng về một sắc lệnh mới giải quyết vấn đề visa cho giáo viên nước ngoài.

Như một cách đối phó tạm thời, nhiều trường công lập tại nước Mỹ buộc phải thuê giáo viên dưới chuẩn. Hiện nay, ngay cả những trợ giảng cũng thiếu, do các trường đã thuê hết họ làm giáo viên tạm thời. Tất nhiên là họ không có đủ khả năng duy trì chất lượng giảng dạy được. Hạ nghị sỹ Dana cảnh báo về hiện tượng này như sau: “Bất kỳ sự thay đổi giáo viên kéo dài nào cũng sẽ buộc trẻ con phải thay đổi rất nhiều điều về mặt tâm lý và phương pháp học tập. Một giáo viên thiếu năng lực hoàn toàn có thể làm “trật hướng” quá trình thay đổi này, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các em học sinh”.

Giáo viên ngoại quốc có vai trò quan trọng đối với các trường học ở Mỹ.

Ngay từ lúc này đây đã có thể thấy nguy cơ số lượng giáo viên ngoại quốc muốn đến Mỹ làm việc giảm rõ rệt. Thứ nhất, họ “chùn chân” trước chính sách thị thực. Thứ hai, cái cách mà chính quyền Mỹ ứng xử với đại dịch COVID-19 có quá nhiều điểm bất hợp lý, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm. Các giáo viên nước ngoài phải tự đặt câu hỏi liệu nước Mỹ có thể bảo vệ họ khi một thiên tai khác xảy ra trong tương lai không? Thứ ba, họ nhận ra các khoản “hoa hồng”, phí thuê nhà, v.v…mà mình phải trả cho công ty trung gian cao quá mức hợp lý. Với ba lý do kể trên, sẽ không có nhiều động lực để các giáo viên người ngoại quốc “hăm hở” đi tìm việc ở nước Mỹ nữa.

Trong khi ngóng chờ chỉ một dấu hiệu tích cực rằng nội các tổng thống Joe Biden sẽ cải thiện tình hình, các trường công tại Mỹ đang phải tiếp tục cầm cự trong vô vọng. Ông Gerald Hernandez Jr. thể hiện sự tuyệt vọng của mình, rằng: “Hệ thống trường công lập tại nước Mỹ đã phải chịu thêm một “vết thương” nữa sau nhiều năm sống trong cảnh thiếu kinh phí; thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu mọi thứ… Đội ngũ giáo viên trong trường, đặc biệt là những thầy cô giáo người ngoại quốc, sẵn sàng làm mọi thứ vì các em học sinh. Nhưng chúng tôi không thể làm gì được nhiều cho họ, ít nhất là vào thời điểm này!”.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.