Giáo sư Phạm Tất Dong: Chúng ta đang nhầm lẫn về mục tiêu giáo dục

Thứ Hai, 21/03/2016, 07:15
Ông rất tâm huyết với vấn đề đổi mới giáo dục. Theo ông, một xã hội muốn phát triển phải có mục tiêu giáo dục cụ thể cho từng thời kỳ để đào tạo ra những con người hữu ích cho xã hội. Tâm huyết đó, giáo sư đã thẳng thắn trao đổi với phóng viên chuyên đề CSTC.


- Thưa giáo sư, có lẽ vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là những sửa đổi về quy chế của kỳ thi quốc gia. Theo giáo sư, đây có phải là những giải pháp tối ưu nhất cho một kỳ thi mà nhiều năm qua chúng ta đã liên tục đổi mới nhưng vẫn chưa tìm ra được đáp án cuối cùng hay chưa?

+ Tôi đánh giá cao những nỗ lực đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng tới việc hoàn thiện một nền giáo dục. Tuy nhiên, trước sau, tôi vẫn giữ quan điểm của mình về kỳ thi này. Tôi cho rằng, khi học sinh học xong lớp 12, tất nhiên ngành giáo dục phải báo cáo với xã hội học sinh đã học như thế nào, kết quả ra sao. Kỳ thi tốt nghiệp đánh dấu kết quả 12 năm đi học và để chuẩn bị cho một lực lượng nào đó đi đại học chứ không phải tất cả đều lên đại học.

Giáo sư Phạm Tất Dong.

Việc quan trọng chúng ta cần làm ở đây, theo tôi là công tác hướng nghiệp cho học sinh, để họ có thể có những hiểu biết cơ bản về các ngành nghề trong xã hội, từ đó, có những lựa chọn đúng, phù hợp với sở trường, sở đoản của mình, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Không nhất thiết tất cả học sinh đều vào đại học. Tôi làm công tác hướng nghiệp lâu năm, học sinh học xong phổ thông thì phải đi học nghề, công dân trong một xã hội phải có một nghề nào đó, không thể đứng ngoài lao động nghề nghiệp.

Theo tôi, vẫn nên trả kỳ thi tốt nghiệp về từng sở giáo dục, họ tự đứng ra tổ chức, coi kỳ thi đó đơn giản thôi. Sau đó, các trường đại học đứng ra tổ chức thi để chọn những học sinh phù hợp với đặc điểm, tiêu chí của ngành mình, chứ không thể chỉ căn cứ vào điểm tốt nghiệp.

- Trong quy chế đổi mới, Bộ cho phép tuyển sinh theo nhóm trường. Cụ thể, các trường đại học, cao đẳng, trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng nếu tổ chức xét tuyển theo nhóm trường, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh. Theo ông, quy chế này có phù hợp trong khi mỗi trường có một tiêu chí đào tạo khác nhau?

+ Tôi nghĩ, không thể gộp thành nhóm như thế, dù theo quy chế của bộ là để giảm thiểu tối đa số thí sinh ảo. Mỗi ngành nghề đều có những tính chất khác nhau, có những tiêu chí khác nhau. Nên để cho các trường đại học tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, nhà trường phổ thông chỉ chuẩn bị nền tảng thôi.  Không thể gộp thành nhóm, cũng không nên chọn bằng điểm như thế.

Theo quan điểm của tôi, học sinh học trường nào thi ở trường đó, coi như một chứng nhận cho các em đã xong phổ thông. Điều này nên tổ chức gọn nhẹ. Sau đó, các trường đại học sẽ tự tổ chức thi theo những tiêu chí của mình, như thế mới đào tạo được lực lượng lao động cần và đúng của từng ngành nghề.

Mục đích của kỳ thi này là giảm kinh phí, giảm áp lực cho học sinh, giảm gáng nặng cho toàn xã hội. Nhưng ngay từ việc cho rằng, giảm kinh phí, tránh lãng phí tôi đã không nhất trí rồi. Bởi chúng ta mới chỉ nói đến kinh phí của một cuộc thi thôi.

Chúng ta phải tính đến kinh phí đào tạo sau 4, 5 năm nữa, có lãng phí, hay không, liệu với kỳ thi chung như vậy, chúng ta có chọn được đúng người để đào tạo không. Bởi nếu không, thì nguồn nhân lực đào tạo sau 4, 5 năm nữa lại lãng phí, mà lãng phí rất lớn. Nên chỉ tính tầm nhìn của 1 kỳ thi là rất hạn hẹp.

Các thí sinh tại kỳ thi quốc gia năm 2015.

Tôi đề nghị chúng ta cần có những nghiên cứu kỹ những mô hình khác nhau, chứ không nên áp dụng một cách cứng nhắc một kỳ thi chung như thế này, bởi nó sẽ tạo nên thói học lệch, chỉ cần học mấy môn để thi mà thôi. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đúc rút từ cơ sở, kể cả những thất bại hay thành công, sau đó lựa chọn một giải pháp tốt nhất. Đồng ý là có cải cách, nhưng chúng ta cứ thay đổi xoành xoạch, khiến cả xã hội bất an, lo lắng.

- Nhiều người lo ngại vấn đề học sinh sẽ học tủ những môn thi cơ bản, dẫn đến thói quen học lệch. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

+ Điều đó, chúng ta đã nói từ lâu rồi, học sinh của ta ngại lao động, ngại vào công trường, nhà máy, xuống ruộng đồng. Học chỉ nặng lý thuyết nên chất lượng lao động thấp nếu không nói là quá thấp so với thế giới. Việc thi như thế khiến học sinh chỉ chú tâm vào mấy môn học để thi. Trong khi mọi người không hiểu một vấn đề cơ bản rằng, thi chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của việc học.

Tâm lý của dân mình, học xong lớp 12 là phải vào một trường đại học nào đó, dù chả có nhiều năng lực. Ta nói mãi về việc mình thừa thầy, thiếu thợ. Chúng ta cũng không dạy học sinh tự học. Chính Hội Khuyến học hàng năm có giải thưởng cho những nông dân có những sáng chế có tính ứng dụng cao như máy tuốt lúa, rô bốt nạo cống… Chúng ta hướng nghiệp kém, tự học kém, xa rời cuộc sống thực.

- Không chỉ đổi mới kỳ thi quốc gia, nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục có những cải cách, đổi mới để hoàn thiện nền giáo dục đấy chứ?

+ Phải đến 10 năm nay, chúng ta đã có những thay đổi, dù có những mặt tích cực, nhưng nó đang làm xáo trộn cả một nền giáo dục. Bởi cốt lõi, chúng ta chưa hiểu được, gốc của giáo dục, mục tiêu giáo dục là gì. Rồi mới xây dựng một hệ thống, chương trình giáo dục để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Nếu nước ta có nhiều tài nguyên, ta sẽ đào tạo con người biết sử dụng tài nguyên, biến tài nguyên thành của cải để làm giàu cho đất nước. Còn những nước không có tài nguyên như Singapore, họ lại đi vào vấn đề tư duy kinh tế, buôn bán, tư duy toàn cầu, chứ không đi sản xuất ra ôtô, máy bay. Hàn Quốc không có tài nguyên, họ tạo ra con người năng động, thích ứng với môi trường quốc tế.

Chúng ta lợi thế hơn các nước về tài nguyên, khí hậu nhưng chúng ta vẫn nghèo hơn các nước. Vì chúng ta thiếu mục tiêu đào tạo. Vấn đề then chốt nhất của một nền giáo dục là đào tạo con người nào? Nhiều nước trong quá trình phát triển, cứ lấy mô hình của các nước khác. Nhưng mỗi nước có một đặc điểm khác nhau, ăn cắp mô hình là thất bại.

Vấn đề không phải là đi theo mô hình nào, mà đào tạo ra nhân cách nào. Nếu chúng ta cứ tách rời khỏi mục tiêu là hỏng. Tôi nhớ, trong kháng chiến chống Pháp, mục tiêu là người lớn phải xóa được mù chữ để giác ngộ cách mạng, trẻ em phải học hết lớp 9. Đến chống Mỹ, chúng ta cần có kỹ thuật cao, nên lính Cụ Hồ đi vào Nam đa phần đều học cấp III.

Rồi mục tiêu đào tạo kỹ sư, trí thức nên mở ra các trường đại học. Bây giờ, chúng ta phải có những mục tiêu khác. Bây giờ, với người lớn là xóa mù chữ chức năng. Tức là mù máy tính, học máy tính, mù ngoại ngữ, học ngoại ngữ… Đó là những điều sơ đẳng nhất.

- Vậy theo ông, chúng ta cứ loay hoay với việc đổi mới, thi cử, phải chăng vì chúng ta nhầm lẫn về mục tiêu giáo dục thưa giáo sư?

+ Đổi mới là vô cùng cần thiết. Chúng ta cũng ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình đổi mới. Nhưng cũng phải nhìn ra xem xu hướng của thế giới ra sao, và đất nước mình sẽ phát triển như thế nào, từ đó định hình ra việc giáo dục những con người phù hợp với xã hội, phải có tầm nhìn xa 10 năm, 20 năm. Tôi cho thi không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện đánh giá mà thôi, chúng ta cứ nhăm nhăm thi cho tốt. Rồi còn lo đổi mới sách giáo khoa. Chúng ta toàn làm phần ngọn.

Trong khi gốc của vấn đề trên tổng thể thì chưa xác định được. Kết quả học cuối cùng là con người ấy có nhân cách nào. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ học để đi thi. Vào lớp 1 thì học để thi vào lớp 1, cấp 1 thì học thi vào cấp 2 và cứ thế. Học rồi thi, thi rồi học, rồi không có việc làm cũng chẳng sao. Chúng ta không xác định được mục tiêu đào tạo của chúng ta là để làm việc, để hoàn thiện nhân cách con người. Nếu không thay đổi mục tiêu giáo dục, càng hòa nhập với thế giới, chúng ta càng thất bại, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà vì nguồn nhân lực quá yếu.

Bây giờ, tình trạng học sinh đánh nhau trong trường phổ thông cũng khá phổ biến, lỗi từ giáo dục. Tôi nhớ, một lần sang Nhật, tôi hỏi ông hiệu trưởng một trường phổ thông ở Nhật rằng, ở đây có học sinh đánh thầy giáo không. Ông nói rằng, có một lần, chỉ duy nhất một học sinh bất mãn với thầy và có hành động đó. Chuyện đó khiến dư luận ở Nhật ầm ĩ, họ coi đó là nỗi nhục, được đưa ra rộng rãi trong toàn quốc để cảnh báo. Còn ở ta thì sao?

- Cho nên có một thực tế, nhiều phụ huynh loay hoay trong chuyện lựa chọn trường lớp cho con, thậm chí chúng ta đã nói tới câu chuyện chảy máu ngoại tệ, khi hàng năm, rất nhiều người chọn giải pháp cho con đi du học, thưa ông?

+ Nhiều người đi du học, có thể họ sẽ là một lực lượng lao động tốt cho tương lai. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lại nền giáo dục của mình có vấn đề nên không thu hút được họ. Chúng ta thay vì ôm đồm kiến thức, thì hãy dạy học hướng tới việc khơi dậy tiềm năng, sự sáng tạo của con trẻ. Tôi thường nói với vợ rằng muốn các con giỏi, ngoài việc nhà trường dạy mình phải hướng cho con. Ví dụ cháu tôi học toán kém thì phải dạy có phương pháp.

Thứ hai, theo tôi phải xem nó có những năng khiếu gì để định hướng đi cho đúng. Tôi có một đứa cháu nội học piano rất giỏi nên bảo bố mẹ, mua đàn về cho con học, sau này văn toán nếu không giỏi thì có lẽ sẽ là một người chơi piano giỏi. Quan trọng là con trẻ phải hứng thú với việc đó, không nên áp đặt. Bố mẹ phải nhìn rõ được con mình có năng khiếu gì để từ đó định hình rồi khuyến khích con phát triển, phải nghĩ thoáng ra, làm một anh thợ giỏi còn có ích hơn là một kỹ sư dốt...

- Xin cảm ơn giáo sư!

Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.
.