Giáo viên vùng cao Quảng Nam: Đối mặt nguy cơ thất nghiệp

Thứ Hai, 08/10/2018, 07:27
Từng ngày trôi qua, các giáo viên ở vùng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bám trường, bám lớp để góp phần vào sự nghiệp "trồng người". Ở đó, bên cạnh tình yêu thương học trò vô hạn, họ có những nỗi niềm riêng…


Âm thầm vượt khó

Trà Ka là một xã vùng cao rất khó khăn, đường sá đầy cách trở của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là địa phương giáp ranh với huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Vượt qua mọi khó khăn, giáo viên ở vùng cao này vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp để góp phần vào sự nghiệp "trồng người".

Điểm trường thôn 3, xã Trà Ka cách trung tâm xã chỉ chừng 3km, song chúng tôi phải đi xe máy băng rừng gần nửa giờ đồng hồ, vượt qua nhiều dốc cao đầy đá lởm chởm và đặc biệt phải đi qua cây cầu tạm bắc qua dòng sông Tang, nơi thượng nguồn đổ về sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. 

Nữ giáo viên vượt đường sá hiểm nguy vào điểm trường thôn 3, xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My.

Sau cơn mưa rừng hôm trước, có đoạn con đường nhầy nhụa, buộc chúng tôi phải xuống xe để dắt qua vũng bùn. Anh cán bộ xã Trà Ka đi cùng chúng tôi cho biết tại thôn 3 có 2 điểm trường cấp học mẫu giáo và cơ sở 5 của Trường phổ thông bán trú Tiểu học Võ Thị Sáu. Tất cả học sinh nơi đây đều là con em đồng bào Cor và Ca Dong địa phương. 

Tại điểm trường mẫu giáo thôn 3, ấn tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi khi đến điểm trường này là tấm biển to được treo trang trọng có dòng chữ "Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con". Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Trần Thị Long Anh (23 tuổi, quê ở xã biển Tam Tiến, huyện Núi Thành) chia sẻ từ ngày ra trường, cô đã lên vùng cao của huyện Bắc Trà My để giảng dạy. 

4 năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn vất vả do điểm trường cô Anh công tác nằm xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, song với tấm lòng của một cô giáo trẻ miền xuôi, cô Anh đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Tại điểm trường mẫu giáo ở thôn 3, xã Trà Ka hiện nay chỉ có một mình cô Anh đứng lớp để chăm sóc, dạy dỗ cho 24 trẻ trong 3 độ tuổi 3, 4 và 5.

Còn tại điểm trường cơ sở 5 của Trường phổ thông bán trú Tiểu học Võ Thị Sáu cũng chỉ có 1 giáo viên cắm bản là cô Trần Thị Mỹ Trinh (23 tuổi, quê xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My). Trong năm học này cô Trinh đảm nhiệm 1 lớp ghép gồm 8 em lớp 1 và 9 em lớp 2. 

Do cùng giảng dạy tại thôn 3, xã Trà Ka và 2 điểm trường cách nhau chừng vài chục mét nên cô Anh và cô Trinh gộp lại, ở chung với nhau trong căn phòng nhỏ ọp ẹp tại điểm trường cơ sở 5 của Trường phổ thông bán trú Tiểu học Võ Thị Sáu nhằm sẻ chia những khó khăn, vất vả mà người giáo viên vùng cao gặp phải.

"Đường sá đi lại khó khăn nên em và Anh ít khi về nhà lắm. Vào những ngày mưa lụt, đường sá bị hư hỏng, sạt lở đất, chỉ có thể đi bộ ra trung tâm xã thì phải 2-3 tuần tụi em mới về nhà 1 lần. Chỉ có em và Anh dạy học ở thôn 3 này nên ngày đầu mới lên đây, chúng em cũng khá sợ, song nhờ người dân tại thôn 3 và các em học sinh rất thuần hậu, gần gũi nên cũng giúp chúng em vơi đi nỗi nhớ nhà", cô Trinh tâm sự.

Cô giáo Trinh ân cần chăm sóc học sinh như người mẹ chăm sóc cho con.

Khi được hỏi, ở đây không có chợ, xa khu vực đông dân cư thì lương thực thực phẩm hằng ngày giải quyết như thế nào, cô Trinh bảo "tụi em ăn mì tôm và cơm với rau rừng là chủ yếu, chứ thức ăn tươi thì hiếm lắm".

Có đi và tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu phần nào những khó khăn, vất vả mà giáo viên vùng cao ở Quảng Nam, trong đó có các giáo viên vùng cao xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My phải ngày ngày đối mặt. Bên cạnh việc thiếu thức ăn tươi, ngay như tại thôn 3, xã Trà Ka, do không có nguồn nước sinh hoạt nên cả cô Anh và cô Trinh phải kéo nhờ nước tự chảy của một hộ gia đình phía trước điểm trường để phục vụ ăn uống và sinh hoạt. 

Khi chúng tôi ở điểm trường cơ sở 5 của Trường phổ thông bán trú Tiểu học Võ Thị Sáu xin số điện thoại của cô Trinh và cô Anh, song không thể "nháy máy" qua vì… điện thoại nằm ngoài vùng phủ sóng! "Ở đây "đói" sóng điện thoại lắm anh ơi. 

Anh phải đi ra đường, dò tìm chỗ có chỗ không đó. Sóng điện thoại đã thế thì chắc chắn mạng 3G, 4G là một điều xa xỉ. Do đó mà cả em và Trinh cứ trời chập choạng tối là vào phòng đóng cửa soạn giáo án rồi đi ngủ sớm", cô Anh chia sẻ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Viên, Chủ tịch UBND xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, cho biết xã được chia tách từ năm 2002. 

Xã có 4 thôn và hiện có gần 450 hộ dân người đồng bào Cor và Cadong với gần 2.000 nhân khẩu sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương vùng cao này lên đến hơn 80%. "Địa bàn xã rộng, cách trở lắm. Có thôn phải đi bộ mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến nơi được. Vì vậy, lãnh đạo xã chúng tôi rất thấu hiểu và ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo miền xuôi lên đây cắm bản, dạy học cho con em người địa phương chúng tôi", ông Viên nói.

Những nỗi lo không dễ chia sẻ

Ghi nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với các cô giáo trẻ tại xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, qua câu chuyện kể của họ, chúng tôi cảm nhận được dường như tận sâu trong đáy mắt họ vẫn không thôi mong mỏi sớm tìm được "ý trung nhân" để xây dựng một gia đình êm ấm. "Cái tuổi nó đuổi xuân đi", câu nói bất hủ trong tác phẩm "Mùa lạc" của nhà văn Nguyễn Khải dường như là nỗi ám ảnh với các cô giáo trẻ nơi miền sơn cước này. 

Tuy nhiên, trên thực tế, cũng đã có cô giáo miền xuôi khi lên công tác ở Trà Ka, huyện Bắc Trà My đã bén duyên với trai làng địa phương, cùng xây dựng cuộc sống mới như trường hợp của cô giáo Hân, công tác tại điểm trường chính Trường Mầm non xã Trà Ka là một ví dụ điển hình. Cô Hân là người tại xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My. 

Khi được phân công lên công tác tại xã Trà Ka, sau một thời gian, cô Hân gặp và đem lòng thương yêu một chàng trai người địa phương đang công tác tại UBND xã Trà Ka. Một kết thúc có hậu khi sau quá trình tìm hiểu, họ đã làm lễ cưới và đến nay cặp vợ chồng son này đã có với nhau được một đứa con 3 tuổi kháu khỉnh.

Các đoàn viên thanh niên lặn lội đường sá xa xôi mang quà đến với học sinh vùng cao Trà Ka, huyện Bắc Trà My.

Ngoài nỗi lo rất đỗi con gái là "trâu quá xá, mạ quá thì", trong quá trình tác nghiệp tại huyện Bắc Trà My, chúng tôi còn được nghe các cô giáo vùng cao chia sẻ về nỗi lo sắp xảy đến: nỗi lo thất nghiệp! Cô giáo Lê Thị Phương Anh đã có 6 năm công tác tại điểm trường chính Trường Mầm non xã Trà Ka, song chưa được vào biên chế ngành Giáo dục, vẫn là giáo viên hợp đồng. 

Tương tự như trường hợp cô giáo Phương Anh là cô Hoàng Thị Phượng, giáo viên mầm non tại điểm trường thôn 1B, xã Trà Ka. Cô Phượng cho biết từ khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cô đã tình nguyện lên vùng núi công tác. Đến năm 2017, cô Phượng đã hoàn thành xong khóa học đại học nhưng đến nay vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng.

Mới đây, huyện Bắc Trà My có thông báo hiện địa phương này có khoảng 200 giáo viên hợp đồng các cấp học. Sắp tới, các giáo viên hợp đồng sẽ tham gia thi tuyển biên chế ngành Giáo dục để lấy 13 người. Số giáo viên hợp đồng không trúng tuyển sẽ bị cắt hợp đồng từ ngày 31-12-2018. 

Như vậy, nếu điều này xảy đến, hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện miền núi Bắc Trà My, nhiều người đã gắn bó mấy năm trời ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn phải đối mặt với nguy cơ… thất nghiệp!

Mang những tâm tư, lo lắng của các giáo viên hợp đồng chia sẻ với lãnh đạo huyện Bắc Trà My, chúng tôi được ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam, huyện đang rà soát các trường hợp giáo viên hợp đồng. Tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển viên chức, số giáo viên hợp đồng không đậu trong kỳ thi sẽ bị cắt hợp đồng từ ngày 31-12-2018. 

"Nhiều giáo viên hợp đồng nhiều năm nên nếu không đậu trong kỳ thi sẽ bị cắt hợp đồng. Điều này, quan điểm của huyện là rất chia sẻ. Huyện sẽ tổng hợp hết số lượng giáo viên hợp đồng rồi chủ trương của tỉnh khi nào thi tuyển sẽ mời các giáo viên hợp đồng về quán triệt để tham gia thi tuyển...", ông Nhuần nói. 

Còn một cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam thì cho biết thêm theo chủ trương của tỉnh, các địa phương đang tổ chức thống kê số lượng giáo viên hợp đồng để báo cáo Sở và một số cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chủ trì buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Nam với các ngành, địa phương về tình hình nhân sự ngành Giáo dục. 

Qua đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống, quy mô trường lớp học, các địa phương tiến hành rà soát cụ thể số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên hiện có, bao gồm cả giáo viên đang hợp đồng, so sánh với các chỉ tiêu biên chế được giao, xác định số lượng giáo viên thiếu ở từng cấp học, bậc học, báo cáo đăng ký nhu cầu tuyển dụng với UBND tỉnh. 

UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương, xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong học kỳ I để bố trí giáo viên trúng tuyển trong học kỳ II năm học 2018-2019. 

Sau đợt thi này, toàn bộ số giáo viên hợp đồng, kể cả những trường hợp đã hợp đồng trước ngày 31-12-2015 nhưng không đăng ký thi tuyển đều phải chấm dứt hợp đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Nội vụ "tiến hành kiểm tra việc hợp đồng giáo viên của các trường, địa phương, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, báo cáo UBND tỉnh".

Nhằm chia sẻ khó khăn, kịp thời động viên các em học sinh ở vùng cao Trà Ka, huyện Bắc Trà My đến trường, mới đây, gần 40 đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam và các đơn vị trực thuộc đã về xã Trà Ka tổ chức trao tặng quà, áo quần mới cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học xã Trà Ka. Ngoài ra, đoàn viên thanh niên còn hăng hái tham gia xây dựng công trình khu vui chơi dành cho trẻ em tại điểm trường mẫu giáo thôn 3, xã Trà Ka và điểm trường chính mẫu giáo xã Trà Ka; lắp tặng hệ thống lọc nước uống miễn phí cho điểm trường mẫu giáo thôn 3…
Ngọc Thi
.
.
.