Giàu quên kêu cứu

Thứ Sáu, 26/04/2013, 14:35

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang là chủ đề nóng được dư luận quan tâm. Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mà chính phủ vừa phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ 15/4 liệu có phải là ''cứu cánh'' cho thị trường bất động sản.

Cụm từ "giải cứu bất động sản" xuất hiện nhan nhản trên hàng loạt diễn đàn, có người ví khái niệm này giống như tiếng gào "cứu tôi với" của người đang chìm nổi dưới mặt nước, đó là doanh nghiệp bất động sản vốn một thời đình đám. Tôi không cho như vậy, sự so sánh thái quá.

Đúng là doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra nhưng không nên coi sự khó khăn ấy là nguy kịch buộc phải bằng mọi giá cứu vớt, từ đó làm trầm trọng hóa vấn đề. Một mặt, sự viện dẫn này dẫn tới những cách hiểu sai lệch về gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ đồng của Chính phủ, cũng như suy diễn số tiền này chỉ là muối bỏ biển trong cuộc giải cứu thị trường bất động sản, đòi hỏi Nhà nước tung ra gói kích cầu có trị giá lớn gấp nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thẳng thắn: "Tôi chưa bao giờ dùng từ giải cứu, bởi vấn đề cần làm là tháo gỡ khó khăn, định hướng cho thị trường bất động sản phát triển". TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì cho rằng với doanh nghiệp bất động sản, đã là kinh doanh, khi có rủi ro phải tự chịu trách nhiệm, lỗ hay lãi hoặc phá sản - đó là việc của riêng một cá thể. "Tôi nhắc lại, tôi không tán thành việc cứu giúp các nhà kinh doanh bất động sản, các vị ấy phải tự thân vận động" - TS Liêm dứt khoát.

Nắm được căn nguyên của vấn đề để thấy rằng, chính sách của Nhà nước hiện không phải rót tiền cứu doanh nghiệp bất động sản, mà là từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, trong đó tập trung vào các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể là khoản 30 nghìn tỉ đồng được đưa ra dưới các dạng hỗ trợ về thuế nhằm giúp người nghèo, người khó khăn được tiếp cận vốn để mua nhà.

Chính phủ giao cho ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại, nhưng chỉ để cho người nghèo, chỉ những cán bộ công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân khu công nghiệp, những người khó khăn, những người lao động ở đô thị đang ở những khu nhà chật chội thì được cải thiện nhà ở, vay để mua hoặc thuê nhà.

Như vậy, gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ hướng tới đối tượng là người nghèo, người chưa có nhà ở chứ không phải hướng tới doanh nghiệp bất động sản, đây là hai phạm trù khác nhau. Không phải vì thị trường bất động sản khó khăn mới làm gói này, mà khi đất nước chúng ta phát triển, Nhà nước luôn gắn sự phát triển xã hội với vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội, việc hỗ trợ cho người nghèo được thuê, mua nhà ở là chiến lược lâu dài.

 Trong vòng xoáy đầu cơ bất động sản kéo dài ít nhất hai thập kỷ, con số lợi nhuận khủng là bao nhiêu rơi vào tay nhà đầu tư, không ai có thể cân đo chính xác. Trong bối cảnh như vậy, chiến lược nhà ở của Nhà nước liên tục phải nối dài vì lỡ hẹn, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội về nhà ở cho người nghèo càng vô cùng khó khăn. Người giàu - nhà đầu tư, khi đó ngủ quên trên lợi nhuận, họ không thể hiểu hoặc vì mặc định sự kinh doanh, quên mất bổn phận, trách nhiệm với xã hội là phải làm sao hạ giá nhà đất trở về giá trị thực để Nhà nước thực hiện được chính sách an sinh, để người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở. Vì giàu, họ đã quên "kêu cứu" cho người nghèo.

Tôi nhớ so sánh của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam rằng, nếu căn cứ thu nhập hiện nay của cán bộ, công chức thì lương cỡ Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng phải mất tới 40 năm mới mua được nhà. Đó là tính toán trong điều kiện lương không tiêu pha gì. Thế lương của cán bộ, công chức bình thường, lương của người nghèo, người thu nhập thấp, phải mất mấy chục, mấy trăm năm để mua nhà ở thành phố? Sau 2 năm bất động sản xuống giá năm lần bảy lượt và dù đã được nói "sắp chạm đáy" nhưng tổng các đợt giảm cũng chưa bằng một lần tăng trước đây. Với mức giá "sắp chạm đáy", rõ ràng mệnh đề "lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà" vẫn giữ nguyên giá trị!

Thực ra thị trường bất động sản khi suy thoái không giống như thất bại của một nhà kinh doanh thuần túy, nếu nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Ở góc độ nào đó, chính nhờ sự suy thoái này bất động sản mới bộc lộ những mảng tối mà lúc thịnh vượng bị che khuất.

Muốn cứu cũng không được

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn. Ủy ban cho rằng, có muốn cứu bất động sản cũng không được, sự kéo dài của tình trạng "nợ nở ra, tài sản co lại" sẽ làm không ít các doanh nghiệp bị cạn vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các ngân hàng có liên quan và qua đó đe dọa đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê, còn tồn dư khoảng 50 nghìn căn hộ ứ đọng, nhưng nhiều người cho rằng phải tới 200 nghìn căn. Phần lớn trong đó là các căn hộ để đầu tư. Nếu mỗi căn bình quân 2 tỉ đồng, thì tổng đã có 400 nghìn tỉ ứ đọng. Cộng với các lô đất nền, biệt thự, nhà vườn, đất chia lô... có giá trị lớn hơn nhiều giá trị căn hộ, thì có thể lên trên triệu tỉ đồng. Vậy phải dốc bao nhiêu tiền mới đủ giải cứu, trong khi ngân sách nhà nước hằng năm cũng chỉ dao động khoảng 700 nghìn tỉ.

Đ.Trường
.
.
.