Gieo con chữ nơi ngược ngàn Xín Mần

Thứ Năm, 20/09/2018, 10:20
Đâu đó trên dải đất hình chữ S thân thương của chúng ta còn đó những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về sự nhọc nhằn gieo con chữ. PV Chuyên đề CSTC đã tìm hiểu thực tế và ghi nhận về vấn đề này tại Xí Mần (tỉnh Hà Giang).


1. Cốc Rế là xã được biết đến với tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Cuộc sống của bà con các dân tộc Nùng, Mông… nơi đây gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, thời tiết thay đổi thất thường. 

Sau gần 5 giờ từ thành phố Hà Giang vượt đường đèo hiểm trở, tôi đặt chân lên mảnh đất nơi ngược ngàn Cốc Rế. Dù khó khăn không ngừng "bủa vây" cuộc sống, sự học của các em học sinh vùng cao Cốc Rế, vậy nhưng, như có một nguồn cổ vũ tinh thần, tỷ lệ học sinh đến trường theo ở Cốc Rế đạt gần 100%. 

Trường Mầm non Cốc Rế nằm trên ngọn đồi phía Bắc của huyện biên giới Xín Mần. Quá trình giảng dạy, chăm sóc các em học sinh nơi đây luôn gặp phải khó khăn. Nhưng không phải vì thế mà các thầy, cô giáo "cắm bản" thấy nản. Trái lại, những người làm công tác giảng dạy, gieo con chữ ở đây luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, cố gắng chung tay ươm những mầm xanh tương lai của đất nước. 

Do đường khúc khuỷu, lắt léo khó đi nên tôi "tăng bo" trên chiếc xe máy đặc chủng của cô giáo Cẩu Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cốc Rế để đến với điểm trường đang được xây mới trên địa bàn thôn Sung Lẳm (xã Cốc Rế). Điểm Trường Mầm non Sung Lẳm nằm ở triền ngọn núi có độ cao khoảng 1.100m so với mực nước biển. 

Với sự góp kinh phí của các nhà hảo tâm (trong đó có Báo CAND và Trường Mẫu - Trường Ngoại cảm Tố Dương (Hà Nội), điểm trường với 2 phòng học cùng 1 phòng lưu trú rộng rãi ở đây đang gấp rút hoàn thiện, và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào ngày 22-9-2018. 

Sự học nơi vùng cao Xín Mần còn gặp nhiều khó khăn.

Trong gian phòng học tạm bên cạnh điểm trường gấp rút hoàn thiện, tôi bắt gặp hình ảnh cô giáo Ly Thị Rúm và Vương Thị Liên, điểm Trường Mầm non Sung Lẳm đang hướng dẫn các em học sinh khối mầm non chơi đồ chơi, thao tác tính toán qua bộ xếp hình. Thường ngày, số bé từ 2-5 tuổi được các gia đình trong thôn gửi điểm trường trông giữ là 37 em. 

Thời điểm tôi có mặt, do trùng với lịch nghỉ học của nhà trường nên đa số phụ huynh đã đón các em học sinh. Em Tráng Văn Hưng, 3 tuổi nhà ở thôn Sung Lẳm thích thú với món đồ chơi xếp hình mà cô giáo Ly Thị Rúm vừa đưa, hướng dẫn cách chơi. Hưng không tỏ ra ngại ngùng khi thấy nhiều người lạ đến chơi như thời gian trước. Thấy tôi hỏi: "Bố cháu tên gì?", Hưng ngước đôi mắt tròn to ngơ ngác nhìn tôi rồi bập bẹ: "Bố Sờ… Sinh… Sinh!". 

Bên gian nhà xây kiên cố lợp mái tôn chắc chắn còn quyện mùi xi măng - vữa, cô giáo Cẩu Thị Thu Hằng chia sẻ, trước đây, các em học sinh ở thôn Sung Lẳm phải học trong nhà lụp xụp. Một bên là vách nứa, còn một bên là vách đất. Ngày nắng, các em học sinh được gửi ở đây đã vất vả, ngày mưa, cô trò lại càng vất vả hơn, bởi mưa táp, gió lùa. 

Cô giáo Cẩu Thị Thu Hằng không giấu được niềm vui khi cho biết, nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp cùng những tấm lòng hảo tâm, nhiều điểm trường, trong đó có điểm Trường Mầm non Sung Lẳm được xây mới (với tổng kinh phí hơn 270 triệu đồng), việc chăm sóc, giảng dạy các em học sinh đã vơi bớt khó khăn. 

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã có 7 điểm trường mầm non ở 9 thôn với 225 em học sinh theo học. Với sự chăm sóc tận tình, trang bị kiến thức, kỹ năng ngay từ lứa tuổi mầm non, nên nhiều em khi đến tuổi vào lớp 1 đã không còn thấy bỡ ngỡ, đồng thời tự tin học đọc, học viết hơn. 

Một buổi lên lớp của cô trò điểm Trường Tiểu học Nậm Là.

2. Xín Mần là một trong những huyện vùng cao, có đường biên kéo dài của tỉnh Hà Giang. Thời gian qua được sự quan tâm của các ngành, các cấp, cuộc sống của bà con nơi đây không ngừng đổi thay. Tuy nhiên do điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, bà con các dân tộc Nùng, Mông, Tày… vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự học của các em học sinh. 

Khó khăn là thế, vất vả là vậy, song với sự tiếp lửa các thầy, cô giáo "cắm bản", sự học của các em học sinh nơi ngược ngàn Xín Mần không ngừng vươn xa. 11h ngày 6-9, dù mặt trời đã dần tròn trên đầu người, thế nhưng trong lớp học ghép 2+1 (gồm học sinh lớp 2 và lớp 1) - điểm Trường Tiểu học Đán Khao (xã Bản Ngò - huyện Xín Mần), các em học sinh vẫn hào hứng với bài toán do cô giáo Vàng Thị Hơn đưa ra. 

Vì cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên gian phòng học có diện tích khoảng 25m² đã trở thành lớp học ghép của 8 em học sinh lớp 2 và 6 học sinh lớp 1. Lớp học ghép này có 2 chiếc bảng. Mỗi lớp sử dụng một bảng học. Dù học chung một lớp, nhưng các em học sinh nơi đây luôn có ý thức lắng nghe cô giáo giảng. 

Em Ly Thị Thỏ, học sinh lớp 2, giơ cánh tay xung phong lên bảng giải bài toán do cô Vàng Thị Hơn đề ra. Chưa đầy 1 phút, bài toán đố đã được Thỏ đưa ra đáp số."… Đáp số là 39 có đúng không cả lớp?". Tôi lại gần hỏi chuyện Thỏ. Thỏ tỏ ra bẽn lẽn khi thấy người lạ lại gần. Trong câu chuyện, tôi được biết, nhà Thỏ nằm cuối thôn Đán Khao. 

Hằng ngày, do bố mẹ lên nương từ sớm nên Thỏ đi bộ đến trường. Đường xa, thời tiết thay đổi thất thường, nhưng vì yêu con chữ, vì thích đến lớp gặp bạn bè nên Thỏ rất chăm đến lớp. Mọi câu hỏi, bài tập mà cô giáo đưa ra trước lớp, Thỏ đều hào hứng xung phong, giơ tay lên bảng giải bài. 

"Cháu thích học môn gì? Sau này cháu muốn làm nghề gì?", nghe tôi hỏi, Thỏ ngập ngừng hồi lâu rồi đáp: "Môn Toán ạ. Cháu thích làm cô giáo cơ!". Thoáng nghe Thỏ nói, em Ly Seo Hy, ngồi cùng bàn liền thốt lên: "Cháu cũng thích Toán. Thích làm bác sĩ cơ ạ!". Nghe những lời chia sẻ "trong veo" này của các em học sinh nơi vùng cao Bản Ngò này, nhiều người không thể kìm lòng. Chúc cho ước mơ của các em sớm thành hiện thực. 

Đại diện Báo CAND; Công an tỉnh Hà Giang và Công an huyện Xín Mần trao tiền hỗ trợ tới cô trò Trường Mầm non Cốc Rế.

3. Trong chuyến công tác tại huyện Xín Mần, được tiếp xúc, trò chuyện và tìm hiểu về cuộc sống, về hoạt động gieo con chữ của các thầy, cô giáo "cắm bản" nơi đây, tôi đã hiểu thêm ý nghĩa câu nói: "Các cô giáo "cắm bản" nơi đây là người mẹ thứ 2 của các em học sinh" của ông Nguyễn Đức Xuân - Chủ tịch UBND xã Cốc Rế. 

Nếu như trước đây, việc vận động các em học sinh vùng cao đến trường gặp nhiều khó khăn, thì nay đã khác rất nhiều. 12h, lớp học dành cho các em học sinh lớp 3 - điểm Trường Tiểu học Nậm Là (Trường PTBT Tiểu học Quảng Nguyên (Xín Mần) do cô giáo Hoàng Thị Vượng làm chủ chủ nhiệm dù chưa đến giờ học buổi chiều, nhưng hơn 10 em học sinh đã có mặt đầy đủ trong lớp. Ai cũng háo hức đợi đến giờ cô giáo lên lớp. 

Cô giáo Hoàng Thị Vượng tâm sự, cô cũng như các cô đang trực tiếp giảng dạy tại điểm trường này đều luôn coi các em học sinh là người con thứ 2 của mình vậy. Bởi, cuộc sống của các hộ gia đình nơi Quảng Nguyên nói riêng và huyện Xín Mần nói chung còn nhiều khó khăn. 

Bố mẹ các em thường xuyên vắng nhà vì đi làm thuê, lên nương, do vậy, ngoài giờ học, các cô luôn chăm chút tới cuộc sống, sinh hoạt của các em. "Có những lúc, thấy các em bị bẩn, chúng mình đã tranh thủ tắm, giặt cho các em", cô giáo Hoàng Thị Vương tiếp lời.

Khó khăn không ngăn được bước các em học sinh Xín Mần đến trường.
Có lẽ cũng bởi tình cảm mà các cô giáo điểm Trường Tiểu học Nậm Là dành cho mình quá nhiều, nên trong thời gian qua, mặc dù vào những hôm tiết trời đổ mưa, nhiều em vẫn nằng nặc đòi bố mẹ đưa đến trường để nghe thầy, cô giảng bài. Vả chăng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sự học, sự nghiệp gieo con chữ nơi ngược ngàn Xín Mần thời gian qua không ngừng đổi thay. Khó khăn không ngăn được bước các em học sinh đến trường.
Trần Huy
.
.
.