Giết người không dao

Thứ Năm, 24/04/2014, 15:00

“Thời của những kẻ giết người” (The Time of the Assassins) là tên của cuốn sách mà Henry Miller viết với nguồn cảm hứng dồi dào từ thi sỹ Rimbaud và trong đó có một câu rất hay là "Phải chăng, mỗi ngày, loài người càng tiến sâu hơn vào lãnh địa của cái ác". Trong cuốn sách của mình Henry Miller không cụ thể cái ác ấy là gì, ở thời đại nào, trong định dạng ra sao. Nhưng soi chiếu lại sau 68 năm cuốn sách ấy ra mắt, ta vẫn thấy những gì đúc kết lại trong câu văn trên vẫn đúng, thậm chí là đúng tuyệt đối.

Bao nhiêu năm nay rồi, chúng ta được chứng kiến những câu chuyện trong xã hội hiện đại này khiến mỗi người phải đau lòng và giật mình không ngờ rằng sự suy đồi lại có thể dễ dàng và nhanh chóng đến thế. Từ chuyện những kẻ trộm chó bị giải đi trước mắt cả làng, với mũi sắt nhọn thúc phía sau lưng trong tiếng cười hả hê của những người “bắt quả tang” và sau đó có thể bị đánh đến chết cho đến chuyện một đứa trẻ bị ném vào đám cháy để phi tang, bị trói ở tổ kiến cho thỏa mãn thú tính thích tra tấn người khác, bị đánh đập hành hạ mỗi ngày như cô bé rửa bát ở một hàng phở Hà Nội hay bé Hào Anh ở tận cực nam của Tổ quốc.

Cái ác nó trải dài như thế, mạnh mẽ đến mức không thể bị khuất phục và khiến những người công chính còn đủ lương tri cảm thấy mình như bất lực với dây trói vô hình. Nhưng cái ác đâu chỉ hiện hình bằng những hành vi dã man xâm hại đến thân thể con người mà nó còn xuất hiện ở trong cả những cực hình hành hạ những tâm hồn, đặc biệt là những tâm hồn thơ trẻ. Điển hình là chuyện một cô bé học sinh ở Gia Lai gần đây thôi.

Chỉ vì hai cuốn sách, chỉ vì trót dại, cô đã bị người làm công ở trong chính siêu thị sách ấy dùng nhục hình trói tay với tấm biển "Tôi là người ăn cắp" giữa thanh thiên bạch nhật. Tệ hại hơn, họ có vẻ hả hê với những việc mình đã làm được ấy thì phải khi tự tay chụp hình, đưa lên mạng xã hội khoe cùng thiên hạ. Chẳng lẽ, họ không có con, cháu hoặc không nghĩ rằng mình cũng có con, cháu hay sao? Một vết thương trên da có thể để lại vết sẹo không cách gì xoá nổi. Huống hồ gì, một vết thương trong tâm hồn, nó còn trầm trọng hơn, để lại những vết hằn sâu để tâm hồn ấy vĩnh viễn thương tật.

Trong cuộc đời, ai chẳng có lần mắc lỗi, ai chẳng có lần trót dại. Ám ảnh từ vết nhơ của chính mình luôn là ám ảnh nặng nề nhất. Những người tù trở về còn được dang tay đón nhận với hi vọng dành cho họ là cơ hội được làm lại cuộc đời. Vậy mà người lớn lại nỡ lòng nào đối xử với trẻ em, một thế hệ của tương lai, bằng nhục hình còn nặng nề hơn cả việc lôi nhau ra đấu tố ngày nào. Tài sản của dân tộc chính là những thế hệ tương lai và việc ta cư xử với thế hệ tương lai hằn học, khốn nạn, đớn hèn đến mức đó sẽ chính là chỉ dấu cho mối nguy là “Chúng ta sẽ phá sản”.

Ảnh minh họa.

Nhưng cái ác không chỉ dừng chân ở trong tâm địa của những người ác mà chính chúng ta lại đang vô tình để nó thẩm thấu vào cả tâm hồn của những người tốt, vẫn còn lương tri song lại thiếu lý trí phân tích một cách thấu đáo. Câu chuyện của cô bé đáng thương ở Gia Lai lẽ ra chỉ là một hạn hẹp trong địa phương ấy, có thể sẽ phai phôi nay mai nhưng cuối cùng nó thành một vết sẹo tâm lý rất lớn do chính bàn tay của “truyền thông tốt bụng”.

Chúng ta đấu tranh chống lại cái ác nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bù lu bù loa câu chuyện cần xoa dịu của người bị thủ ác. Đằng này, những phương tiện truyền thông tốt bụng kia lại vô tình khiến cô bé trở nên “nổi tiếng một cách không mong muốn”. Sự thiếu tỉnh táo, thiếu phân tích đã vô tình khiến em trọng thương hơn. Và kéo theo đó, chính những kẻ thủ ác với em, cũng rơi luôn vào vòng xoáy đấu tố của công luận. Hoá ra, cái ác lại chồng lên cái ác, ở cấp độ cao hơn, rộng hơn và sâu hơn rất nhiều.

Con chim sâu rình con bọ ngựa đâu biết rằng con chim cắt rình bắt chim sâu. Con chim cắt lại càng không biết người thợ săn đang chĩa nòng súng vào mình ở đâu đó. Cái ác chồng lên cái ác là thế. Chúng ta đang ngày một ác hơn, bằng dã tâm của mình, bằng sự thiển cận của mình, và bằng chính những lời nói tưởng như “lương tri” của mình. Xã hội không thể bớt đi cái ác chỉ bằng lời nói mà phải bằng cả hành động, của chính mỗi người chúng ta, đối với mỗi người khác xung quanh mình.

Có một người trẻ đã viết một câu hát rất hay trong bài hát có tên “Vết Nhơ” là "Cuộc đời vẫn còn dài. Có ôm tôi được mãi?".

Chúng ta có ôm ấp, che chở, bảo bọc cho nhau được mãi hay không, khi chính chúng ta lại chấp thêm tay cho những người thủ ác???

H.Anh
.
.
.